Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

BẢN SẮC TRONG ĂN UỐNG

Ngày thày thuốc nói về chuyện ăn !

Ăn uống là một trong tứ khoái của con người, vì thế đã có rất nhiều thứ bàn đến cái hoạt động vừa đem lại niềm vui, vừa đem lại sự sống cho con người này. Việt Nam chúng ta cũng không nằm trong ngoại lệ khi có rất nhiều sách vở, tạp chí đề cập đến những món ăn ngon từ Bắc chí Nam, từ những ghi nhận mang tính ký sự, chuyện bàn lúc trà dư tửu hậu cho đến những sách hướng dẫn chế biến đủ kiểu.

Mới đây thôi, người ta còn lập ra hẳn một cái Viện để nghiên cứu về việc ăn uống vì nó có dính dáng mật thiết đến cái gọi là Bản Sắc Dân Tộc. Cái cụm từ Bản Sắc Dân tộc mà trước kia còn gọi là Dân tộc tính, trong khoảng vài thập niên trở lại đây, được đem ra dùng cho đủ thứ trên đời, từ những trò nhảy múa màu mè trong các buổi trình diễn văn nghệ cho đến các nghi thức cúng đình, rước kiệu, tế thần… cái gì cũng được dán cho mấy chữ đậm đà bản sắc dân tộc, mà nếu có hỏi thử thế nào là đậm đà thì chắc các vị tổ chức chỉ biết chỉ vào mấy cái áo dài khăn đóng hay những cái áo tứ thân xanh xanh đỏ đỏ , rồi trưng ra những điệu múa nửa Tây…nguyên nửa Tây …Á để gọi đó là bản sắc hay …ghê hơn là tìm về cội nguồn!

Cái chuyện ăn uống thì nó cụ thể hơn vì ai cũng biết những món ăn Việt Nam như phở, chả giò rồi bún bò Huế, hay Cá kho tộ… đều đã được hơn một nửa thế giới biết đến, nhất là ở các quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống, thì cái mùi nước mắm đặc trưng cũng đã được chấp nhận từ lâu rồi. Vì thế, khi nói về cái bản sắc dân tộc nó bàng bạc, thấm đẫm trong từng lát thịt bò tái, trong từng cọng rau mùi xanh ngắt, trong từng sợi phở trắng ngần hay trong từng chiếc chả giò vàng rộm, không ai phản đối gì cả. Chính điều đó đã khích lệ các nhà nghiên cứu ngày càng đi sâu vào cái chuyện ăn uống để lôi ra từng thứ mà họ cho rằng, đó phải được soi rọi dưới những chiều kích văn hóa khác nhau, và đi đến mức đặt ra những chuẩn mực cấp quốc gia !

Đến đây thì bắt đầu có vấn đề ! Những nhà nghiên cứu khả kính sau khi chứng kiến hàng đoàn khách tây từ quý ‘s tộc đến Tây ba lô, xếp hàng để suýt xoa trước những món ngon của Việt nam, dù nó đã bị biến thái khá nhiều từ những gánh hàng rong khi nhảy vào những nhà hàng sang trọng. Thì đã thấy rằng đây là một cái “mỏ vàng’ cần phải khai thác một cách triệt để, và vì thế cần phải “nâng cấp lên một tầng cao mới” bằng các tiêu chuẩn cấp quốc gia.

Họ đã gắn cho những món ăn Việt nam các tiêu chuẩn là Ngon, lành, Sạch, Đẹp , có người còn thêm tiêu chuẩn Vui nữa. Có điều, có những cái chuẩn như Sạch thì còn có khả năng cân đo, chứ cái chuẩn quan trọng nhất là Ngon và các chuẩn còn lại như lành và đẹp thì lại mang tính rất tương đối ! Vì có thể món ăn này ngon với người này, đẹp với người này nhưng lại không ngon, không đẹp với người kia ! Và nếu nói là lành thì có nhiều món chẳng lành một chút nào, mà cũng được biết bao nhiêu người suýt xoa khi ăn đó ư !

Vì vậy, cái gì cũng nên “một vừa hai phải “ thôi ! Món ăn Việt nam cũng giống như một cô thôn nữ chân quê, cái ngon, cái lành, cái đẹp … tự nó đã có sẵn trong cái làng quê êm đềm, trong cái không gian gia đình ấm cúng, khi mà vợ chồng con cái xúm xít chung quanh cái mâm cơm bốc khói ngào ngạt, thì chỉ cần “ đầu tôm nấu với ruột bầu” thôi, cũng là quá đủ rồi.

Còn nếu như cô thôn nữ đó được “nâng cấp” nhảy vào chễm chệ trong các nhà hàng sang trọng, thì dù có được ngụy trang kiểu nào đi chăng nữa, nào là mái ngói, cây chuối bờ hè, cái mành trúc, cái bàn tre… nào là những bình đất nung, những đĩa gốm mộc… rồi các món ăn được lót dưới một miếng lá chuối cắt tỉa gọn gàng .. Thì cho dù có bầy biện đẹp đẽ đến mấy, nấu nướng ngon lành đến mấy đi nữa, đó cũng chỉ là thứ Hàng Hiệu giả cổ, giả Việt – không hề có chút gì cái tinh túy mà ta gọi là bản sắc dân tộc nằm trong đó.

Ngoài ra, việc phổ biến truyền bá các món ngon của Việt Nam ra thế giới, thì cũng chỉ nên xem đó là một hoạt động kinh doanh dựa trên “vốn tự có” của những nguyên vật liệu Việt Nam, còn nếu gán cho nó những sứ mạng trọng đại mang tính văn hóa thì e rằng, chúng ta đã đi ngược lại chính cái giá trị văn hóa của người Việt rồi. Cái gọi là đậm đà bản sắc dân tộc chính là cái tính điềm đạm, nhẹ nhàng và khiêm nhường khi ăn uống, việc chấm chung một chén nước mắm, việc nhắc nhau “ ăn trông nồi, ngồi trông hướng” việc coi “tiếng chào cao hơn mâm cỗ” mới là cái bản sắc của người Việt trong lúc ăn uống. Còn những cái chuẩn mực được áp đặt, rồi nào là nguyên lý Âm Dương Ngũ hành, nào là người Việt ăn bằng cả 5 giác quan … thì cũng chỉ là những trò vẽ rắn thêm chân, nhằm đề cao cái gọi là “tự ái dân tộc” khi thấy rằng mình chẳng có cái gì để khoe ngoài tà áo dài !

Hàng ngàn năm bị người Tàu đô hộ, hàng trăm năm bị người Pháp xâm lăng, hàng chục năm chịu ảnh hưởng của nền văn Minh Hoa Kỳ, rồi những trào lưu tư tưởng ngoại lai tràn ngập trong các ngành học thuật thì cái tinh thần vọng ngoại là điều không thể tránh khỏi nơi nhiều người Việt Nam. Nhưng, để chống lại nó, không cần phải có sự lên gân một chút nào trong việc gán ghép cho những món ăn Việt Nam cái trọng trách phải phát huy cho bằng được cái bản sắc dân tộc bằng việc tổ chức hết hội nghị này đến hội thảo kia, bằng việc ra những tập sách biên khảo hàng trăm trang với giá hàng trăm nghìn vì đó chỉ là những trò phù phiếm, nên để cho gió cuốn đi. Hãy nhìn những gánh hàng rong, hãy vào các quán cóc trong các xóm lao động, bản sắc dân tộc là ở đó. Nụ cười hiền lành của người phụ nữ Việt Nam đã ngạo nghễ tồn tại hàng ngàn năm qua cho dù bao nhiêu bầm dập đau thương phủ kín đời họ, mới là những bản chất đích thực mà mọi người phải trân trọng, còn những cái trò phù phiến đang được dựng lên kia, chẳng qua chỉ là sự che dấu những âm mưu thâm độc đang muốn tha hóa cả một dân tộc sau một phần tư thế kỷ đã đốt cả Việt Nam bằng ngọn lửa chiến tranh mà thôi !

SaiGon 27/2/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét