Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

KHI LƯƠNG TÂM THỰC SỰ CÓ " RĂNG"


TTO - Một người đàn ông ở Anh những ngày cuối đời đã tiết lộ rằng mình không phải là tiến sĩ, chỉ vô tình có được tấm bằng rồi biến của người thành của mình. Mới thấy bản án của tòa án lương tâm ám ảnh cỡ nào!
Val Patterson và vợ - ảnh: brobible.com
Tiết lộ động trời này đã làm mọi người chưng hửng (không biết có ai thất vọng?). Nếu Val Patterson - tên người đàn ông này, không nói ra thì ai cũng sẽ tưởng ông là tiến sĩ thứ thiệt. Và nếu ông không nói ra, cũng chẳng ai biết ông từng ăn cắp két sắt.
Chẳng ai biết, nhưng trời biết, đất biết, chính ông biết… và đó là một sự thật khó nuốt trôi, nên ngày nào còn không nói ra, ngày đó còn ám ảnh, như chính ông viết trong điếu văn: "Đã có thể im lặng, nhưng tôi muốn giải tỏa điều này khỏi tâm trí mình".
Lương tâm Val Patterson đã có “răng” đủ để cắn rứt chính bản thân mình, đủ để những ngày cuối trước khi từ giã cuộc đời phải thừa nhận sự thật, phải thú nhận những sai lầm trong đời và nhờ thế có thể thở phào rồi tự hào về một cuộc đời đã có.
Đọc câu chuyện này mà không khỏi liên tưởng chuyện mua bằng giả, nhờ học thay nhan nhãn ở xứ mình. Cứ tự hỏi: liệu có lúc nào đó, những người sử dụng bằng giả, hay mua bằng thật… có thấy áy náy, thấy hối tiếc lẽ ra mình không nên làm thế.
Rồi những người trong đường dây bán bằng có cảm giác xấu hổ, tội lỗi vì đã tiếp tay cho những chuyện làm sai trái?
Hơn thế nữa, những kẻ móc ngoặc, tham nhũng hoặc những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thu lợi bất chính cho mình… có phút giây nào bị lương tâm dày vò, cắn rứt hay đã mất cả tư cách, đạo đức xem đó như chuyện bình thường, kiểu “không ai biết thì không có tội”?
Những người thân của họ có thấy, có biết và có hành động can ngăn, hay cũng nhắm mắt hưởng lợi?
Hy vọng, bài học cuộc đời mang tên Val Patterson này sẽ giúp cho nhiều người, trong đó có tôi, biết chùn tay trước khi làm một điều gì đó biết rõ là sai trái. Bởi, chuyện chưa diễn ra, còn chưa biết tòa án lương tâm sẽ xử đến mức nào?!

TAM SẮC ( Báo Tuổi Trẻ )

khổ một cái là nhiều người ngay từ khi còn nhỏ, do được giáo dục trong một môi trường nhập nhằng và gian dối, đã không được biết cái lương tâm của mình nó còn hay không, nó tròn hay méo, thì làm sao bị nó "cắn" được !

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

ÉP DẠY THEO KHUÔN MẪU


TT - Theo cuộc gọi hẹn trước, một ngày đầu tháng 6 tôi đến Trường X tại Cần Thơ thao giảng môn tiếng Anh với hi vọng được tuyển dạy tại trường rất nổi tiếng này. Nhưng sau đó tôi đã phải ra về trong thất vọng.
Một tiết học sinh động của cô và trò lớp 3/1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM (ảnh minh họa) Ảnh: NHƯ HÙNG

Đúng 14g, một nhân viên văn phòng đến nói với tôi: “Theo như hẹn là chị bốc thăm nhận bài thao giảng nhưng em quên làm thăm, thôi chị tự chọn bài dạy nhé”. Tôi chọn bài 8 lớp 8 và có 20 phút chuẩn bị.
Sau khi chuẩn bị cẩn thận, tôi được mời qua phòng dạy, giáo viên dự giờ đến một người, chờ 10 phút sau một người nữa đến và hỏi tôi bốc thăm bài nào. Tôi thành thật trả lời đã chọn và đăng ký với nhân viên văn phòng do không có thăm. Giáo viên này nói “không được”, giở sách lớp 8 chỉ định tôi dạy bài 10 và bắt đầu ngồi vào ghế dự giờ.
Tôi phải bắt đầu dạy ngay mà không có thời gian chuẩn bị nữa. Tôi vẫn tự tin vào khả năng và phương pháp dạy của mình nên không e ngại, lúc này thầy hiệu trưởng cũng bước vô ngồi vào ghế dự giờ.
Thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy học sinh. Hoạt động chủ yếu cho bài giảng của tôi là học sinh sẽ chơi trò chơi liên quan đến nội dung bài, từ đó các em sẽ nhớ bài và nhớ rất tự nhiên, tuy nhiên bây giờ không có trò thì sao? (Do khi hẹn tôi đã hỏi rất kỹ và được xác định là thao giảng với học sinh).
Các giáo viên và thầy hiệu trưởng thống nhất rằng tôi nêu ra tiến trình giảng và các bước thực hiện là được. “Được lời như mở tấm lòng” thế là tôi thao thao giảng, giáo viên dự giờ ghi rất nhiều cho đến khi tôi kết thúc bài giảng.
Và tôi “được” nhận xét như sau: Khi dạy tôi không thấy em cầm đến sách giáo khoa, điều này dễ làm học sinh mất tập trung. Em có thể dạy tốt ở các trung tâm, chớ với trường phổ thông thì không thích hợp. Em mới bắt đầu dạy thì đâu được dùng giáo án điện tử (do tôi mang theo laptop để tiện cho học sinh chơi trò chơi, nhưng bị hiểu nhầm là giáo án điện tử).

Và đây là lời nhận xét ấn tượng: Em phải làm đúng như những gì đã được ấn định trong sách giáo khoa để học trò bắt chước và làm theo. Lúc mới đến em phải hỏi trước về giáo án để dạy đúng như giáo án đã được duyệt thì mới được. Em phải tuân thủ đúng các bước của sách giáo khoa vì em có biết tác giả quyển sách giáo khoa này đã từ nước ngoài sang đây ở đúng ba tháng để tập huấn cho giáo viên, nên nhất nhất em phải theo chớ đâu được dạy mà như chơi vậy. 

Và còn nhiều ý kiến nhận xét khác xoay quanh việc phải tuân thủ theo khuôn mẫu có sẵn, không được sáng tạo cái mới về cả nội dung và cách truyền thụ kiến thức, nhưng đến đây tôi “lùng bùng lỗ tai” nên không tiếp thu thêm nữa.

Ra về, tôi thất vọng không thể tả. Tôi từng được nhiều học viên tại các trung tâm ngoại ngữ mà tôi tham gia giảng dạy đánh giá cao về cách dạy sáng tạo, giúp học viên tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, và đó cũng là tiêu chí giảng dạy của tôi. Điều làm tôi thất vọng hơn nữa là tôi từng nghĩ trường X là trường có uy tín, chắc chắn có sự tiến bộ trong việc tiếp thu cái mới và cần những giáo viên có tính sáng tạo, nhưng...

Sự việc đã hơn nửa tháng rồi nhưng trong đầu tôi luôn hiện lên câu hỏi: Tại sao có sự phân biệt giữa dạy trung tâm và dạy phổ thông như vậy, trong khi học sinh đến trường hay đến trung tâm chủ yếu để tiếp thu kiến thức?
MINH TUYỀN
Trả lời : 
Vì nếu giáo viên dạy sáng tạo thì người kiểm tra không biết dựa vào cái gì để đánh giá - Vì họ cũng chỉ được biết và được phép đánh giá "theo khuôn mẫu" thôi. 
Vì Trường Phổ thông phải dạy tiếng Anh trong nhiều năm - nếu dạy sáng tạo thì chỉ vài tháng là "hết vốn" và đến lúc đó thì cũng không còn giáo viên đủ trình độ để dạy HS nữa.  Còn ở Trung tâm mà không nỗ lực dạy tốt trong vài tháng thì chỉ có nước húp cháo !