Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Âm nhạc và toán pháp

  Âm nhạc và toán pháp


Có người bảo rằng “âm nhạc là kiến trúc của âm thanh”. Ðịnh nghĩa ấy nhấn mạnh đến một sự phân bố có chủ đích nào đó của âm thanh thì mới thành nhạc.
Nhiều người khác thì nói đến toán pháp trong cách phân bố này. Những khái niệm có vẻ trừu tượng đó chỉ phản ảnh mối quan hệ rất gần gũi giữa toán và nhạc.
Người viết không thuộc vào thành phần giỏi toán. Khi xưa đến giờ hình học hay đại số là lại ngao ngán và cố học thuộc lòng như là để trả nợ. Nhưng cũng biết rằng các em nhỏ giỏi toán thường cũng dễ học và dễ thành công với âm nhạc. Qua mấy chục năm dạy dương cầm thì toán pháp và cách đếm cũng là tiêu chuẩn thẩm định cái khiếu âm nhạc của học trò khi bắt đầu ngời trước phím đàn. Cũng vì vậy mà chỉ dám nhận dạy đàn những em nhỏ đã bắt đầu biết đếm.
Những người giỏi toán thường nhìn thấy sự hài hòa của các con số và sự hài hòa ấy có góp phần đáng kể cho sự cảm nhận về nét hài hòa của âm thanh, tức là nhạc.
Khi dạy đàn và phải giải thích sơ qua về ký âm pháp, một trong những chủ điểm mà cô giáo phải nhấn mạnh cho học trò là cách đếm thời gian, từ đó mới ra nhịp, tiết và các dấu hiệu như nốt đen nốt trắng. Nhìn học trò vừa ngó vào trang sách nhạc vừa gõ trên phím với đôi môi mấp máy đếm nhịp mình lại nhớ đến những lúc chính mình vã mồ hôi trong giờ học toán!
Nếu chính mình lại không giỏi toán, có khi còn sợ toán nữa, thì làm sao giúp các em nhỏ thích toán và tìm thấy niềm vui của các con số trong âm nhạc? Câu hỏi có vẻ khô khan này thật ra lại rất phù hợp với hoàn cảnh ngày nay của Hoa Kỳ.
Trong lãnh vực âm nhạc, ngày nay người ta ít soạn nhạc hoặc viết hòa âm theo kiểu xưa, tức là bằng tay và bằng cảm hứng của nghệ thuật, mà lại tận dụng kỹ thuật âm thanh điện tử và vì thế càng thiên về lối tính toán bằng con số. Nhưng cùng lúc đó, người ta nghiệm thấy một điều đáng buồn là trẻ em Mỹ ngày nay lại rất kém về toán. Theo các công trình nghiên cứu về sư phạm thì trong hơn ba chục nước dẫn đầu về kỹ nghệ, trẻ em Hoa Kỳ có khả năng toán nằm dưới mức trung bình! Chuyện này kể ra thì hơi lạ vì nước Mỹ nổi tiếng với các nhà bác học có thể phóng một cái xe không người lái mà đầy những tai mắt tinh tường lên tới nguyệt cầu và Hỏa tinh!
Trong khi ấy, chúng ta cũng không nên lo ngại gì khi các học giả về tâm lý trẻ em bảo rằng năng khiếu về toán ở lớp mẫu giáo mới là tiêu chuẩn tiên đoán chính xác nhất về tương lai học vấn của các em. Cách đếm khi mới chập chững lại còn quan trọng hơn khả năng đánh vần hoặc sức tập trung vào những gì được cô giáo giảng dạy.
Chính vì vậy mà người viết càng tò mò về phương pháp kích thích sự quan tâm của các em nhỏ vào con số, vào toán pháp. Một cơ hội để tò mò là mình hiện đang cho học trò nghỉ vài tháng khi cô giáo chưa cử động bình thường vì tai nạn trong vườn. Một lý do khác là vì lâu lắm rồi, đã có lần người viết yêu cầu một em nhỏ học đàn giảng lại cho mình một bài toán đại số, theo kiểu Mỹ!
Khi yêu cầu học trò suy nghĩ và dạy lại cô giáo về bài đại số thì cũng là lúc giúp cho em nhỏ ôn bài và thích thú với vai trò mới. Hãnh diện về sự hiểu biết của mình, em nhỏ càng học đàn và học toán với sự say mê.
Với các em nhỏ, điều tối kỵ là khi cho các em nghĩ rằng toán pháp là cái gì đó rất khó đến nỗi chính cô giáo cũng sợ! Khi thấy người lớn mà còn lè lưỡi về toán thì các em sợ theo và lẩn tránh toán pháp ngay trong tiềm thức.
Ngược lại, mình nên giúp các em có cơ hội đùa nghịch với con số bằng cách đếm đồ vật. Từ đếm kẹo đến đếm nốt nhạc, từ cách xếp lại đống đồ chơi hay chồng sách nhạc. Tháng trước, em học bài số mấy, ở trang nào? Qua tháng sau, nếu mà giỏi em sẽ học đến bài nào?
Cách đếm nhịp cũng là một trò chơi với con số. Một nốt trắng bằng mấy nốt đen, và mấy nốt móc? Ðoạn nhạc này có mấy trường canh thì lại trở về giai điệu cũ? Khi dùng cái metronome để đếm nhịp thì cũng là lúc giúp cho các em vừa đếm vừa phân biệt được nhịp tiết nhanh hay chậm.
Ðến tuổi trung học thì mình có thể nói đến cái khuôn thước vàng của toán và nhạc và giải thích thế nào là một nhạc khúc có “carrure” cân xứng, với đoạn vào đầu, mấy lần chuyển cung thì trở về điệp khúc. Chính là qua những lần chỉ dạy rất sơ đẳng ấy mà mình còn cảm nhận được rõ ràng hơn sự dụng công của người soạn nhạc.
Ðến lớp dạy hát cũng thế, cách ngắt câu hay lấy hơi trong nốt lắng cũng là một dịp cùng đếm nhịp tiết để bắt vào câu hát, hoặc giữ tiếng ngân cho đủ lâu đủ dài.
Lóc cóc một tay trên máy, người viết này bỗng nghĩ đến triết lý.
Trên đỉnh cao của khoa học và âm nhạc, nhiều người đã thấy ra sự hài hòa của vũ trụ, hay bàn tay kỳ diệu của một vị Thượng Ðế nào đó. Những con người tầm thường như chúng ta thì chỉ cảm được bằng trực giác một trật tự nào đó của âm thanh hay con số, hoặc kích thước của thời gian.
Nếu mình cố gắng truyền đạt được cho các em những cảm nhận đó thì cũng là điều có lợi. Dù chẳng nhờ vậy mà tìm ra Mozart hay Einstein thì cũng giúp cho các em có một tuổi hoa niên phong phú hơn. Sau này, nếu các em lại gặp được thày giỏi thì dễ trở thành người giỏi giang cho xã hội.
Người viết đã nhìn thấy nhiều thế hệ học trò về sau thành đạt và mỗi lần như vậy là lại bồi hồi nhớ đến cách đếm tiếng động của thời gian. Vì thế mới có bài tạp ghi này.
 Quỳnh Giao