Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Ðọc lại Truyện Kiều để yêu thêm tiếng Việt


Thi hào Nguyễn Du ra đời trong hậu bán thế kỷ 18. Tôi thường tự hỏi có phải trong thời điểm ấy Thượng Ðế đã nổi hứng rộng lượng và công bình mà ban cho nhân loại những thiên tài văn chương xuất chúng chăng?



Như Goethe sinh năm 1749 tại Ðức Quốc, Nguyễn Du sinh năm 1765 tại đất nước chúng ta, Chateaubriand sinh năm 1768 tại Pháp Quốc, và Wordsworth sinh năm 1770 tại Anh Quốc. Goethe, đệ nhất văn hào dân tộc Ðức, năm mới 25 tuổi đã viết cuốn truyện tình bi đát mang tên Die Leiden Des Jungen Werthers (Những Nỗi Ưu Sầu của Chàng Trai Trẻ Werther) để nói về mối ưu sầu thực sự của chính ông: Goethe đã gặp và yêu say đắm trong tuyệt vọng một phụ nữ đã đính hôn với người khác. Câu chuyện lãng mạn và bi thảm ấy khiến ông lẫy lừng danh tiếng khắp Âu Châu và cũng làm cho một vài giai nhân đa sầu đa cảm đang thất tình giống người trong truyện nhảy xuống hồ tự tử mà trong tay còn nắm chặt cuốn tiểu thuyết kia! Chateaubriand có thể được coi là nhà văn tiên khởi của trào lưu văn chương lãng mạn nước Pháp qua cuốn tiểu thuyết Atala, một câu chuyện vừa buồn vừa mãnh liệt đam mê trong khung cảnh thiên nhiên rực rỡ của rừng núi Bắc Mỹ, một nơi mà Chateaubriand chưa từng thăm viếng và chỉ được làm quen với các sắc dân da đỏ qua sách vở. Và Wordsworth, đệ nhất thi nhân bên trời Anh Quốc, năm chưa đến 30 tuổi đã cùng Coleridge xuất bản tập thơ Lyrical Ballads, mở đầu cho thời đại thi ca lãng mạn trong văn học quốc gia ấy. Wordsworth say mê thiên nhiên và có biệt tài dùng ngôn ngữ bình dị dễ hiểu để diễn tả những cảm xúc tràn bờ trước vẻ đẹp của rừng, của núi, của giai nhân. Tôi nhớ mãi những câu thơ sau đây của Wordsworth để tả một kiều nữ bí mật sống giữa thiên nhiên mang tên Lucy mà thi nhân ví như một bông hoa đổng thảo:

A violet by a mossy stone

Half-hidden from the eye

Fair as a star, when only one

Is shining in the sky



Thế còn Nguyễn Du của chúng ta thì sao? Hãy nghe lời người ngoại quốc ca ngợi thi hào họ Nguyễn trước đã. Thi sĩ lẫy lừng người Ấn Ðộ chuyên làm thơ bằng tiếng Anh mang tên Rabindranath Tagore (giải Nobel Văn Chương 1913) khi viếng thăm Việt Nam năm 1929 đã coi Nguyễn Du là vị thi sĩ đứng thứ 3 trong hàng ngũ những thi sĩ muôn thuở, chỉ sau Lý Bạch và Victor Hugo (theo học giả Thái Văn Kiểm). Văn sĩ Pháp René Crayssac đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và cho rằng áng văn kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh mà không sợ kém các văn chương kiệt tác, vô luận ở thời nào và ở xứ nào (theo học giả Ðào Duy Anh). Như vậy thì thiên tài thi ca họ Nguyễn của chúng ta khi đứng cạnh những đại danh văn chương của nhân loại cũng ngang ngửa với họ, cũng đều “mười phân vẹn mười” cả, nhưng riêng đối với tôi thì đọc thơ Nguyễn Du thích thú gấp bội phần đọc các tác phẩm của các vị ngoại quốc kia, vì tôi là người cùng một ngôn ngữ và văn hóa với Nguyễn Du.

Nguyễn Du (ND) sinh năm 1765 trong một danh gia vọng tộc. Cha là hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, người Hà Tĩnh, làm thủ tướng triều Lê. Mẹ là Trần Thị Tần, người Bắc Ninh, kém chồng 32 tuổi. ND mồ côi cha năm 11 tuổi và mồ côi mẹ năm 13 tuổi. Anh cả là tiến sĩ Nguyễn Khản, thượng thư bộ Lại; anh thứ hai là Nguyễn Ðiều từng làm trấn thủ Sơn Tây. Năm 1783, lúc 18 tuổi, ND đậu tam trường (tú tài); cùng năm này, một người anh tên là Nguyễn Ðề đậu thủ khoa kỳ thi hương (cử nhân). Tình hình chính trị lúc ấy thực bất ổn. Năm 1788 Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh; Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Huế. Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Năm 1802 Gia Long diệt Tây Sơn, bắt đầu triều Nguyễn; ND làm tri huyện Phù Dung (thuộc Hưng Yên ngày nay), mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín (thuộc Hà Tây ngày nay). Năm 1809 ND làm cai bạ ở Quảng Bình. Năm 1813 ND thăng cần chánh điện học sĩ, chánh sứ sang nhà Thanh. Năm sau đi sứ về, thăng tham tri bộ Lễ. Năm 1820 Gia Long mất, Minh Mệnh nối ngôi. ND được cử chánh sứ sang Tàu báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp lên đường thì bị bệnh và qua đời, thọ 56 tuổi.


Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết rõ là khi nào ND viết Truyện Kiều (Ðoạn Trường Tân Thanh) trước hay sau khi đi sứ sang Trung Quốc năm 1813. Theo Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim thì Truyện Kiều (TK) bắt nguồn từ một tiểu thuyết Tàu của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, văn chương tầm thường, về một người đàn bà tài sắc, có lòng trung, hiếu, tiết nghĩa, mà đời bị bèo giạt hoa trôi. ND bỏ bớt những chỗ rườm rà, thô lỗ, dơ bẩn. So với tiểu thuyết Tàu thì Truyện Kiều của ND thanh nhã và văn vẻ hơn nhiều. Hà Như Chi, khi so sánh Truyện Kiều với tiểu thuyết Tàu nguyên thủy, nhận định Truyện Kiều là một công trình nghệ thuật cân đối hoàn hảo, kết cấu chặt chẽ, tình ý đậm đà khéo léo, văn chương tươi đẹp, thắm đượm màu sắc Việt Nam và dẫy đầy thi vị.

Vẫn theo Hà Như Chi, một nàng Kiều tài hoa duyên dáng như thế lại là nạn nhân của một số mệnh vô cùng khắt khe đã đánh mạnh vào tâm hồn ND và thúc giục cụ viết nên Truyện Kiều để hả hê những mối cảm tình đối với một người đã được cụ xem như đồng hội đồng thuyền với mình: ND phải quên nhà Lê mà ra làm quan với nhà Nguyễn thì có khác chi, vì chữ “mệnh” oái oăm, nàng Kiều phải bỏ Kim Trọng mà chịu bước giang hồ? Ðúng là:

Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Nội dung Truyện Kiều gồm 3,254 câu thơ lục-bát có thể chia làm 3 phần: (1) Thúy Kiều và Kim Trọng gặp gỡ và gắn bó với nhau; (2) Những nỗi khổ của Thúy Kiều trên bước đường luân lạc; và (3) Kim-Kiều tái ngộ. Truyện Kiều còn là một tác phẩm chứng minh cho định luật “tài mệnh tương đố”: Kiều là kẻ tài hoa nên phải mệnh bạc. Trong phần kết, may thay, ND cũng cho chúng ta tin tưởng rằng thiện tâm có thể cải hóa được số mệnh:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Những phân đoạn chính trong Truyện Kiều như sau: Phần (1): (a) Xác định thuyết tài mệnh tương đố, (b) Kiều gặp Kim Trọng, (c) Kiều và Kim Trọng thề thốt gắn bó. Phần (2): (a) Gia biến nàng Kiều, (b) Mã Giám Sinh mua Kiều, (c) Kiều phó thác tâm sự cho em, (d) Mắc tay Tú Bà, (e) Ði trốn với Sở Khanh, (f) Kiều tiếp khách trong lầu xanh, (g) Kiều được Thúc Sinh chuộc ra, (h) Mắc tay Hoạn Thư, (i) Ði trốn, (j) Giác Duyên sợ liên lụy, gửi Kiều cho Bạc Bà, (k) Bạc Bà lừa dối, Kiều lại bị bán vào lầu xanh, (l) Ðược Từ Hải chuộc ra, (m) Kiều báo ân báo oán, (n) Mắc mưu Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết, (o) Kiều nhảy xuống sông Tiền Ðường, (p) Giác Duyên vớt Kiều. Phần (3): (a) Kim Trọng trở lại vườn Thúy, (b) Lấy Thúy Vân, (c) Làm quan ở Lâm Tri, (d) Tìm Kiều ở Hàng Châu, (e) Giác Duyên đưa đến gặp Kiều, (f) Kim-Kiều xem nhau như bạn, (g) Kiều đánh đàn kết liễu đời bạc mệnh, (h) Kết thúc: Thiện tâm sửa được số mệnh.


Chúng ta đã nghe người ngoại quốc ca tụng Truyện Kiều trên đây, và bây giờ chúng ta tìm hiểu xem các nhà phê bình văn chương người Việt nghĩ gì về tuyệt tác phẩm này của Nguyễn Du. Tôi xin đóng góp trong phần này này bằng cách tóm lược một số nhận định về giá trị Truyện Kiều của các nhà phê bình tên tuổi từ trước đến nay để chúng ta có một cái nhìn bao quát.

Phạm Quỳnh: Sau khi cho rằng Truyện Kiều của ND hay hơn cả văn chương của Khuất Nguyên bên Tàu và văn chương của Racine và Bossuet bên Tây, Phạm Quỳnh trong ngày giỗ ND năm 1924 tại Hà Nội đã thề trước anh linh thi hào họ Nguyễn rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây” (tạp chí Nam Phong, tháng 8, 1924). Vì những lời này mà Phạm Quỳnh bị hai cụ nghè Ngô Ðức Kế và Huỳnh Thúc Kháng xỉ vả thậm tệ (tôi sẽ nói tiếp về vụ này ở một đoạn sau).

Nguyễn Tường Tam: Nhà văn thủ lãnh của Tự Lực Văn Ðoàn viết trong tạp chí Nam Phong năm 1924: “Cái làn sóng thơ Kiều hình như lai láng khắp cõi Nam. Trừ những câu ca dao ra, thật không có quyển truyện nào phổ thông trong đám dân gian bằng Truyện Kiều. Vì văn Kiều hay quá, nên những người nhà quê không có học thức cũng thích xem và thích ngâm nga. Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được… Tôi xin nói quyết một lời rằng MONG ÐƯỢC MỘT QUYỂN TRUYỆN NÀO HAY HƠN TRUYỆN KIỀU LÀ MỘNG TƯỞNG. Cái trình độ thơ quốc ngữ đến như thế là tuyệt đích rồi.” Nhận định về câu thơ thuộc loại văn hữu dư ba là câu “Lơ thơ tơ liễu buông mành,” Nguyễn Tường Tam thấy ba chữ “lơ thơ tơ” nghe rất êm tai, hay về phần tưởng tượng ít mà hay về phần âm điệu êm ái nhiều hơn. Và câu “Nách tường bông liễu bay ngang trước mành” ông thấy rất hay về cảnh sắc. Ông cũng thấy trong Truyện Kiều nhiều chỗ cảnh và người có liên lạc, đúng như:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Như lúc Thúc Sinh trở về với Kiều, trông ra cảnh vật cũng hình như chia vui với mình:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

Và khi Kiều và Kim gặp nhau lần đầu, lúc từ giã, cô Kiều còn trông theo, nhưng nào thấy gì đâu, chỉ thấy:

Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Hai câu đệm ấy vào thật là tả rõ được cái buồn, cái nhớ của cô Kiều mà hình như cảnh vật cũng âu sầu!

Vũ Ðình Long: Lấy âm nhạc làm ẩn dụ để lượng giá Truyện Kiều, phê bình gia Vũ Ðình Long viết trong Tạp chí Nam Phong năm 1924 rằng “Truyện Kiều thực là một cây đàn tuyệt quý không phím không dây. Tác giả lấy đầu lưỡi mà nẩy lên tiếng, mỗi đoạn văn là một cung, mỗi câu văn là một điệu, mỗi chữ là một tay nỉ non thánh thót, réo rắt tiêu tao, đêm khuya canh tĩnh mà nghe người tốt giọng ngâm Kiều thì còn đàn nào hay bằng nữa… Cụ ND không phải là nhà thi sĩ, cụ chính là THẦN THƠ vậy!” Theo Vũ Ðình Long, những câu Kiều nói với chàng Kim thật hay thật tình, như:

Thưa rằng đừng lấy làm chơi
Rẽ cho thưa hết một lời đã nao.

Chữ “rẽ” dùng có thần tình không? Ta thấy hình như nàng Kiều lấy tay gạt chàng Kim ra vậy! Năm lần láy chữ “còn” trong hai câu thơ sau đây là một tuyệt chiêu, như thể một lời thề nguyền vĩnh cửu:

Còn non, còn nước, còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay.

Tình nhân tương tư nhau là những cảnh não nùng mà ND tả rất khéo. Chàng Kim nỗi lòng canh cánh luôn nghĩ đến người đẹp đã gặp trong ngày hội Ðạp Thanh:

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!

Ðêm không ngủ được, vẩn vơ ngọn đèn tàn:

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.

Cậu đồ đã mang nặng gánh tương tư thì còn thiết gì đến sách, đến bút, đến đàn:

Phòng văn hơi giá như đồng
Trúc xe ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.

Ngồi nghe tiếng gió đập vào mành cũng nhớ đến ai – vì nhớ nhung mà trà mất ngon, mùi hương kém ngát:

Mành tương phân phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.


Lưu Trọng Lư: Ðể đáp lễ lời cụ nghè Ngô Ðức Kế cho rằng Truyện Kiều “chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải là một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu” (báo Hữu Thanh, tháng 9 năm 1924) và nhất là lời kết tội gay gắt của cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng rằng “Truyện Kiều là một thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại… Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít…” (báo Tiếng Dân, tháng 9 năm 1930). Lưu Trọng Lư viết trong tuần báo Phụ Nữ Thời Ðàm vào cuối năm 1933: “Ai muốn làm thánh hiền thì đi đọc Ngũ Kinh, Tứ Thư. Hãy để Truyện Kiều lại cho bọn chúng tôi là hạng người trong những phút mệt nhọc, buồn rầu, chán nản, cần phải ngâm nga những câu như: Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”…



Ðào Duy Anh: Ðể kết luận tập “Khảo Luận về Kim Vân Kiều” xuất bản năm 1943, học giả Ðào Duy Anh khẳng định “Nguyễn Du đã gieo trong lòng ta một mối tin chắc chắn, một mối hy vọng dồi dào với tiếng nói của ta.” Cũng theo ông, ở thời Lê mạt, ta đã thấy có những tác phẩm có giá trị như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Phan Trần Truyện, Hoa Tiên Ký… viết bằng quốc âm, nhưng lời văn điêu trác, hay dùng điển cố, cho nên chỉ được các hạng thượng lưu trí thức thưởng lãm, mà không phổ cập trong dân gian. Duy Truyện Kiều văn chương đủ tính nghiêm trang, đường hoàng, điêu luyện, đủ khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến, mà lại đủ cả tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được mà thưởng thức.

Trần Trọng Kim: Trong cuốn “Truyện Thúy Kiều” do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo xuất bản năm 1925, học giả Trần Trọng Kim viết: “ND khéo dùng lối hoạt họa, chọn cái hình dáng nào rõ thật nổi, rồi tìm một vài chữ thật đúng mà tả ra, hễ đọc qua là nhận ngay được chân tướng:

Kim Trọng: Phong tư tài mạo tuyệt vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

Mã Giám Sinh: Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Tú Bà: Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao.
Sở Khanh: Một chàng vừa trạc thanh xuân/ Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
Từ Hải: Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.”


Hoài Thanh: Theo bài viết “Quyền Sống Của Con Người Trong Truyện Kiều” của nhà phê bình Hoài Thanh năm 1949, nếu nói về mức độ say Truyện Kiều thì không ai bằng ông nghè Chu Mạnh Trinh (một con người hào hoa phong nhã kiểu Kim Trọng). Nhà thơ lãng mạn này không phải chỉ say văn chương Truyện Kiều mà lại còn say luôn cả nàng Kiều như say một giai nhân có thực, đến nỗi đã nói đến những chuyện si tình như thêu tên Kiều vào tay áo, mơ tưởng dựng một ngôi nhà vàng cho Kiều ở, mượn cỏ thơm gọi hồn Kiều về, và thấy như Kiều về thật! Chuyện lạ đời này cũng có thể hiểu được, vì theo Hoài Thanh, “ND có thể dạy cho ta biết ghét, biết yêu. Ghét những cái bất lương trong xã hội. Yêu những cảnh sống đáng yêu và nhân đó tránh cuộc sống tẻ nhạt, hiu hắt, cuộc sống của cỏ cây… Những cử chỉ uể oải, những câu nói thiếu lòng tin, những cái nhìn hời hợt, những tâm tư mệt nhọc hình như đương chờ đợi một cơn gió nào… Truyện Kiều ngay giờ đây vẫn còn khả năng cải tử hoàn sinh, vẫn có thể gieo chất nồng say vào cuộc sống…”



Nguyễn Lộc: Trong cuốn sách “Văn Học Việt Nam Nửa Cuối Thế Kỷ 18” xuất bản năm 1997 tại Hà Nội, nhà biên khảo Nguyễn Lộc có những nhận xét tinh tế về cách sử dụng ca dao, tục ngữ trong Truyện Kiều, mà tôi xin tóm lược trong những đoạn dưới đây: Có thể nói trong Truyện Kiều có hàng mấy chục câu thơ ND trực tiếp rút ra từ ca dao. Rất có thể hai câu: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” là rút ra từ câu ca dao: “Tiễn đưa một chén rượu nồng/ Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi”.

Ca dao trong Truyện Kiều được ND sử dụng như một thứ chất liệu nghệ thuật, chứ không như những trích dẫn. Không có câu nào ND dùng lại nguyên vẹn, mà tất cả đều nhào nặn lại cho phù hợp với phong cách chung của nhà thơ trong tác phẩm. Truyện Kiều có những câu thơ không thấy dấu vết cụ thể của ca dao, mà ai cũng nhận ra ảnh hưởng của ca dao, như:

Xót thay huyên cỗi xuân già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.

ND cũng dùng rất nhiều tục ngữ, như:

Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.

Hoặc:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Ngôn ngữ Truyện Kiều vừa súc tích chính xác, đồng thời lại vừa giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu. ND có thể bằng một vài câu thơ khắc họa lên sắc nét chân dung ngoại hình của một nhân vật, hay miêu tả một biến cố, một cảnh ngộ. Một học trò giỏi đi thi bị rớt có thể tự an ủi bằng cách lấy hai câu thơ súc tích, hợp tình hợp cảnh của Truyện Kiều: Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần. Tả một chàng đẹp trai hào hoa phong nhã thì ta có thể mượn ngay hai câu ND tả Kim Trọng: Phong tư tài mạo tuyệt vời/ Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.


Hai câu: Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời, thực tuyệt đẹp và chí tình để một chàng trai thiết tha căn dặn người yêu khi giã từ. Và khi giấc mơ ấp ủ từ lâu nay mới thành sự thực, ta vội kêu lên: Ðến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai.


Qua những nhận định kể trên của các văn nhân lỗi lạc ngoại quốc và Việt Nam về tuyệt tác phẩm Truyện Kiều thì thiên tài Nguyễn Du đã chứng minh một cách hùng hồn rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ tuyệt vời cho thi ca. Chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà không đọc lại Truyện Kiều thật kỹ càng để yêu thêm tiếng Việt của chúng ta?

Ðàm Trung Pháp

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Khoảnh khắc của hoa quỳnh



Tôi đưa nhóm bạn về trảng sen chơi. Mỗi lần quay lại là thêm một lần thở phào nhìn thấy sen kia súng nọ, cây cỏ ấy vẫn còn nguyên đó. Nước vẫn trong veo, hết mùa sen thì đến lượt mây trời nở. Quang cảnh chưa sứt mẻ xíu nào. Trong lúc tôi ngồi ở sàn nhà thòng chân đùng đưa khỏa nước, ngẫm ngợi về sự dễ vỡ của thiên nhiên thì đằng kia vợ chồng anh chủ nhà đang ngợi ca chất lượng của mớ mật ong mà anh lấy được từ rừng, gợi ý sẵn sàng bán cho đám nhỏ Sài Gòn với giá rẻ làm quen. Chị vợ cũng rạng rỡ phụ họa theo, vừa mới đây thôi chị còn chù ụ quạu đeo vì khách mang bia theo trong khi nhà chị cũng trữ bia để bán. Chữ “mật” ướp giọng chị ngọt lừ như chưa từng cau có bên vách với cô con dâu, “Đãi đám khách này cá nhỏ thôi, biết tụi nó trả được bao nhiêu tiền mà cho ăn cá lớn…”. Tôi nghĩ chắc mình bị ảo giác, anh chồng kia làm gì lại tỏ ra cay cú việc tôi mướn đò khác mà không kêu đò nhà anh đưa đón.

Năm trước, khi lần đầu đến vùng đồng rừng hoang dã này chơi, bệnh bồn chồn trong tôi trỗi dậy. Tôi sợ mất. Ngồi ở nhà của một người dân neo sống bên bìa trảng ngó cánh rừng u tịch bên kia màn mưa bụi, tôi đã nghĩ có khi đây là lần cuối cùng mình trông thấy quang cảnh tĩnh lặng này. Ngày mai người ta sẽ đổ xô tới đây làm du lịch, sẽ cặm lên giữa trảng sen minh mông cây cầu bê tông nhà hàng bê tông cùng những cô tiếp viên ca ra rả những bài vọng cổ vô hồn như tua mãi một đoạn băng cũ. Và cái chái đậu xuồng kia, mái nhà lợp lá chầm đóp kia, những tấm ván sàn thô xẻ từ những thân dừa kia, những chiếc xuồng ba lá ọp ẹp kia… rốt cuộc chỉ còn trong tranh ảnh của bạn bè tôi, và trong ký ức của những người đã từng ngồi ở đây trong một trưa mưa xiên bùi ngùi.

Bữa ấy anh chủ nhà nói lo khỉ gì, tới đâu hay tới đó, cứ nhậu cho đã đời. Mâm cơm bày ra rồi, dường như ở nhà có bao nhiêu thức ăn đều đã vét hết ra đãi khách. Sơ giao mà chủ nồng hậu hồ hởi đến nỗi tôi nghĩ nếu nhà hết củi nấu cơm, chắc họ rút cây ven vách ra chụm luôn. Người bản xứ nổi tiếng hào phóng chịu chơi, nếu cần sẵn sàng xúc lúa giống cho láng giềng mượn ăn qua mùa giáp hạt.

Sau này tôi vẫn thường đưa bạn bè trở lại ngôi nhà sàn bên trảng nước đó, phiền cái gia đình nhỏ nọ giúp cho bữa cơm trưa. Căng bụng với cá đồng, rau rừng, gió trời, và ấm lòng bởi vợ chồng chủ nhà nhậu bạt mạng, ca mùi. Lúc về bọn tôi hay gửi chút tiền gọi là “mua sữa cho mấy nhóc”, như một cách để bù đắp lại thùng gạo nhà họ vừa bị bọn tôi vét sạch, cũng để nhẹ món nợ ơn nợ nghĩa. Những tờ giấy bạc cứ bỡ ngỡ ngập ngừng trên tay người vợ đen đúa mà trên môi chẳng bao giờ tắt nụ cười.

Cảnh đẹp, người hay, bạn nào từng tới chơi cũng kêu trời vì thích vì không khám phá ra chỗ này sớm hơn. Mai mốt đây trảng sen bị những nhà quy hoạch nông nổi trét son phấn lên, là tiêu tan một chốn đến.

Nhưng giờ cái gia đình nhỏ kia nhắc tôi nhớ rằng, con người còn dễ bị đánh mất hơn cả thiên nhiên, vì người có khả năng tự mình đánh mất mình. Những món tiền tụi tôi gửi lại đã đánh thức tính thực dụng của những người quê hồn hậu. Họ bắt đầu vào cuộc bán mua ráo riết. Như những em bé Sa Pa giấu mặt, xòe tay đòi tiền trước ống kính máy ảnh. Như một quán ăn Tam Đảo đội giá tô phở chỉ vì khách nói giọng Nam Bộ. Như anh xe ôm Huế không chịu chỉ đường mà sốt sắng dẫn khách đến tận nơi, để đòi tiền công.

Tôi tự an ủi thôi thà vậy cho sòng phẳng, cho khỏi ơn nghĩa, cho đi khỏi nhớ. Nhưng mà trời ơi, tôi vẫn không nén được niềm thương nhớ những người đã từng mang nồi kho quẹt ra để tụi tôi qua cơn đói cùng cơm cháy, những người từng áy náy, lâu lâu có khách ghé nhà mà trong bếp hong có gì tử tế, để đãi.

Như là tôi vừa chứng kiến xong một cuộc hoa quỳnh nở, rồi tàn nhanh, mang theo một vẻ đẹp tuyệt tích.
Blog Nguyễn Ngọc Tư

Cần làm bớt nói

Nhắc đến giáo dục, hầu như ai cũng thấy mình có thẩm quyền để lên tiếng. Điều đáng tiếc là ngay cả các chuyên gia giáo dục, tại nhiều diễn đàn góp ý cho ngành giáo dục, chỉ nhắc đi nhắc lại các cụm từ quá quen thuộc như “chấn hưng giáo dục”, “triết lý giáo dục”, “đổi mới giáo dục” chứ ít khi đi vào các vấn đề cụ thể. Ngành giáo dục lại thiếu vắng những công trình nghiên cứu làm nền tảng cho những cải cách cần thiết.

Hiện đang nổi lên một suy nghĩ khá phổ biến rằng, tìm ra được, định ra được cái “triết lý giáo dục” cho Việt Nam ắt sẽ giải quyết mọi vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Cứ như thể “triết lý giáo dục” là liều thuốc nhiệm mầu mà nền giáo dục đang thiếu.

Thiết nghĩ công cuộc cải cách giáo dục nước nhà chỉ có thể thành công nếu chúng ta tiến hành song song nhiều việc – những công việc rất cụ thể – chứ không thể trông chờ vào một sự đột phá nào đó xuất phát từ việc “ngộ ra” triết lý giáo dục của riêng ta. Những công việc đó có thể bao gồm các nghiên cứu, các khảo sát để xác định chính xác các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam; những cải tổ nhỏ có thể thực hiện ngay để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất; và việc soạn thảo một chiến lược cải cách giáo dục tổng thể, trong đó, tính thực tiễn được nhấn mạnh thay cho những tranh luận về khái niệm.

Nói ngành giáo dục không có nghiên cứu nào về thực trạng giáo dục Việt Nam có thể là võ đoán nhưng nếu có đi nữa, kết quả những nghiên cứu này không đến được với công chúng. Đã có ai khảo sát tâm lý giáo viên hiện nay ra sao khi xã hội đang dần nghiêng về việc phê phán, lên án giáo viên phạt đòn học sinh, chẳng hạn. Có ai nghiên cứu xem học sinh phải học thêm mỗi tuần bao nhiêu giờ, cụ thể cho từng khối lớp, từng vùng nông thôn, thành thị, lý do vì sao và chi phí như thế nào. Đã có nhà tâm lý học nào thử tìm hiểu xem vì sao học sinh ngày càng thụ động hay nhà ngôn ngữ học nào đi hỏi cho ra lẽ vì sao học sinh viết ngày càng sai chính tả.

Tất cả những phát biểu, những nhận định về tình hình giáo dục phải dựa trên số liệu cụ thể, những quan sát hay những thí nghiệm thực tế mà các câu hỏi ở trên chỉ là những ví dụ minh họa. Sai lầm lớn nhất của nhiều phát biểu về giáo dục là khái quát hóa tình hình dựa trên cảm nhận cá nhân hay thực tế hẹp quanh mình.

Ở bình diện lớn hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có những dự án nghiên cứu để trả lời cho được những câu hỏi cần giải đáp ngay, chẳng hạn, vì sao ngày càng ít sinh viên chọn các ngành khoa học xã hội, phải làm gì để đảo ngược xu hướng này; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay là bao nhiêu, tỷ lệ này tăng hay giảm qua từng năm, tác động của nó lên xu hướng chọn ngành học của sinh viên, có hay không tình trạng bạo lực học đường, nguyên nhân từ đâu… Người ta thường nói hệ thống đại học Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp chê sinh viên ra trường phải đào tạo lại nhưng cũng chỉ là những phát biểu cảm tính dựa vào một hai trường hợp cụ thể nào đó. Mọi trích dẫn hầu như chỉ quy về một phát biểu dạo nào của đại diện hãng Intel!

Những vấn đề lớn như dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học cũng được quyết định không dựa trên một khảo sát chuyên nghiệp nào cả. Chẳng trách gì nhiều người hoài nghi dạy tiếng Anh tăng cường kiểu như thế chỉ để giúp ai đó bán được sách giá cao ngất ngưởng.

Ngành giáo dục có lợi thế là có cả hàng trăm ngàn con người đang ngày đêm cọ xát với những vấn đề thiết thân với họ. Nếu chỉ cần phát huy dân chủ thật sự, để các thầy cô, các nhà sư phạm lên tiếng nói về các vấn đề họ đang băn khoăn, trăn trở, những giải pháp họ đề ra, những thử nghiệm họ đã tiến hành, chắc chắn ngành giáo dục sẽ giải quyết được vô số vấn đề nhỏ, đang cản trở quá trình cải cách toàn diện. Đó cũng là một cách “Khoán 10” trong giáo dục và ắt cũng tạo nhanh một diện mạo mới cho ngành như Khoán 10 từng tạo cho nông nghiệp.

Chúng ta thử đọc những công trình nói về công cuộc cải cách giáo dục ở các nước sẽ thấy họ bàn những chuyện rất cụ thể. Tờ The Economist số ra ngày 17/9/2011 có hai bài tổng hợp các công trình như thế. Để cải thiện thành tích học tập của học sinh, các nước nghiên cứu ứng dụng Internet vào giảng dạy và học tập như thế nào, bất bình đẳng trong thu nhập xã hội ảnh hưởng lên chất lượng học tập ra sao, giao quyền tự chủ cho nhà trường sẽ giúp cải thiện tình hình như thế nào… Đáng chú ý là một xu hướng quay về với những quy luật cơ bản: kỷ luật học đường, sự nghiêm khắc của giáo viên, đồng phục cho học sinh, sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của lãnh đạo nhà trường…

Chúng ta cũng có thể tiến hành ngay những cải tổ nhỏ và phải có những đợt truyền thông rộng rãi để mọi phụ huynh biết và hỗ trợ, giáo viên hiểu và thực thi, ví dụ, không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 nữa hay sửa đổi thế nào đó để một bản in sách giáo khoa có thể dùng được nhiều năm, tiết kiệm tiền của cho từng gia đình và toàn xã hội.

Riêng việc soạn thảo một chiến lược cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà là một nỗ lực chung của toàn xã hội. Bài học từ các nước trên thế giới cũng có rất nhiều. Vấn đề then chốt là đừng quá câu nệ vào từ ngữ hay khái niệm – hãy để thực tiễn chứng minh cái đúng, cái sai.

Lấy nghề báo để minh họa, dạy cho sinh viên ngành báo chí cách viết tin thì dễ lắm, chỉ cần ba tháng đến sáu tháng là đã có thể truyền đạt hết mọi kỹ thuật viết tin cho sinh viên. Nhưng nếu chỉ dừng ngang đó thì ngành báo chí sẽ chẳng bao giờ đào tạo được những nhà báo tương lai, biết hoài nghi trước mọi nguồn tin, biết sục sạo những đầu tin người ta muốn che giấu, biết phân biệt đúng sai, chính tà – những nhà báo yêu nghề với hoài bão đem lại công bằng cho cuộc sống.

Như vậy sứ mệnh của người thầy trong trường hợp này đâu phải chỉ là truyền đạt kiến thức, để trả lời cho một câu hỏi khác, học như thế nào? Người thầy phải trang bị cho sinh viên óc phê phán, lối tư duy lật tới lật lui một vấn đề, phương pháp đón nhận cái mới, cách phân biệt đâu là thông tin, đâu là ý tưởng. Thay đổi góc nhìn, lúc này là đòi hỏi của thực tế chứ đừng tự trói buộc vào những quan niệm cứng nhắc.

Nếu chúng ta còn cứ băn khoăn, cãi nhau là nên dùng từ “tự trị” hay “tự chủ” trong giáo dục đại học, nên có một bộ sách giáo khoa hay cho tự do soạn sách… thì sẽ không bao giờ soạn được chiến lược này.

Theo blog Nguyễn Vạn Phú

Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama

Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Từ ba năm nay, trước thềm mỗi năm học mới tổng thống Obama đều đến thăm một trường trung học và có bài nói chuyện với học sinh. Năm nay ông đến trường phổ thông trung học mang tên Benjamin Banneker ở Washington, D.C.

Xin cám ơn. (Vỗ tay). Xin cám ơn rất nhiều. Xin mời các vị an tọa. Xin cám ơn chủ tịch (ý nói cô Donae, có lẽ là chủ tịch hội học sinh -ND), đây là bài giới thiệu rất hay. (Cười). Chúng ta rất tự hào về Donae vì cô đã có một bài giới thiệu rất hay về trường học này.

Ngoài ta, tôi muốn cám ơn bà hiệu trưởng nổi tiếng của các cháu, bà đã làm việc ở đây 20 năm – ban đầu là cô giáo và bây giờ là một hiệu trưởng nổi tiếng – đấy là bà Anita Berger. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chúc mừng bà. (Vỗ tay). Tôi cũng muốn cám ơn ông Gray, thị trưởng Washington, D.C. cũng có mặt ở đây. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chào mừng ông. (Vỗ tay). Và tôi muốn được cám ơn người sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vị bộ trưởng giáo dục tuyệt vời nhất của chúng ta, đấy là ông Arne Duncan, cũng có mặt ở đây. (Vỗ tay).
Tôi rất vui mừng được có mặt tại trường phổ thông trung học Benjamin Banneker, một trong những trường phổ thông trung học tốt nhất, không chỉ của Washington D.C mà còn trên phạm vi toàn quốc nữa. Học sinh cũng đến từ mọi miền đất nước. Vì vậy mà tôi muốn chúc mừng tất cả các cháu nhân dịp năm học mới mặc dù tôi biết rằng nhiều cháu đã tựu trường một thời gian rồi. Tôi biết rằng ở Banneker các cháu đã tựu trường được vài tuần rồi. Bởi vậy mọi thứ đều dần dần ổn định, giống như tất cả những người bạn cùng trang lứa với các cháu trên tất cả các địa phương trong nước. Kì thể thao mùa thu đã được khởi động. Những buổi biểu diễn âm nhạc và diễu hành cũng sắp bắt đầu, tôi tin là như thế. Những bài kiểm tra và những dự án lớn đầu tiên cũng có thể sẽ diễn ra trong nay mai.
Tôi biết rằng các cháu còn có nhiều hoạt động ở bên ngoài trường học. Bạn bè của các cháu có thể cũng thay đổi ít nhiều. Những vấn đề trước đây thường bị bó hẹp trong những sảnh đường hoặc phòng thay đồ tập thể thao hiện đang tìm đường vào Facebook và Twitter. (Cười). Một số gia đình của các cháu chắc cũng cảm thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Nhiều cháu cũng đã biết, chúng ta đang phải trải qua một trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất trong cuộc đời của chúng ta – trong cuộc đời của tôi. Các cháu đang còn trẻ. Và kết quả là các cháu có thể phải làm thêm sau giờ học để giúp đỡ gia đình hoặc có thể phải trông em khi bố hoặc mẹ các cháu đi làm thêm.
Nghĩa là các cháu có nhiều việc phải làm. Các cháu trưởng thành nhanh hơn và tương tác với một thế giới rộng lớn hơn theo cách mà các thế hệ những người có tuổi như tôi, thành thật mà nói, đã không phải làm. Bởi vậy, ngày hôm nay, tôi không muốn sắm vai một người trưởng thành đứng lên và rao giảng như thể các cháu chỉ là trẻ con – bởi vì các cháu không còn là trẻ con nữa. Các cháu là tương lai của đất nước này. Các cháu là những nhà lãnh đạo trẻ. Và đất nước của chúng ta thụt lùi hay tiến lên phụ thuộc một phần lớn vào các cháu. Vì vậy tôi muốn nói với các cháu một chút về trách nhiệm đó.
Rõ ràng là trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc trở thành học trò giỏi nhất theo khả năng của các cháu. Điều đó không có nghĩa là các cháu phải có điểm số cao nhất trong mọi bài tập. Điều đó không có nghĩa là lúc nào chúng cháu cũng là học sinh suất sắc (dịch thoát ý thuật ngữ straight A’s – ND), dù đó không phải là một mục đích tồi. Điều đó có nghĩa là các cháu phải cố gắng. Các cháu phải quyết tâm và kiên nhẫn. Điều đó có nghĩa là các cháu phải làm việc chăm chỉ như thể các cháu biết phải làm việc như thế nào. Và điều đó có nghĩa là đôi khi các cháu phải liều lĩnh. Các cháu không nên né tránh những môn học mà các cháu thấy khó vì sợ rằng không thể giành được điểm tốt, nếu đó là môn học mà các cháu nghĩ là sẽ cần đối với việc chuẩn bị cho tương lai của các cháu. Các cháu phải biết ngạc nhiên. Phải biết chất vấn. Phải khám phá. Và đôi khi các cháu phải vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ.
Đấy chính là mục đích của trường học: khám phá những niềm đam mê mới, học những kĩ năng mới, sử dụng thời gian quý giá này để chuẩn bị cho bản thân và rèn luyện những kĩ năng mà các cháu cần để theo đuổi sự nghiệp mà các cháu thích. Và đó là lí do tại sao khi còn là một học sinh các cháu có thể thăm dò những khả năng rất khác nhau. Giờ này các cháu có thể trở thành một họa sĩ; giờ sau, cháu là một nhà văn; giờ sau nữa, là một nhà khoa học, một nhà sử học hay một người thợ mộc. Đây là khoảng thời gian để các cháu tìm kiếm những mối quan tâm mới và kiểm tra những ý tưởng mới. Và càng tìm kiếm nhiều các cháu càng sớm tìm ra những điều làm cho các cháu trở nên sống động, những điều làm các cháu đứng ngồi không yên, làm các cháu phấn khích – tìm ra nghề nghiệp mà cháu muốn theo đuổi.
Bây giờ, nếu các cháu hứa không nói với ai thì tôi sẽ kể cho các cháu nghe một bí mật: khi còn học phổ thông, cũng như trung học, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình. Không phải môn nào tôi cũng thích. Không phải lúc nào tôi cũng chú tâm vào học hành như đáng lẽ phải thế. Tôi nhớ khi tôi học lớp tám, tôi phải học một môn gọi là đức dục. Đức dục là về những điều đúng sai, nhưng nếu các cháu hỏi tôi lúc học lớp 8 tôi thích môn gì thì tôi sẽ trả lời là bóng rổ. Tôi không nghĩ đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích của tôi.
Nhưng đây mới là điều thú vị. Sau đó, lúc nào tôi cũng nhớ cái môn đức dục này. Tôi vẫn nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi vẫn nhớ khi bị hỏi những câu đại loại như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Hoặc như thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Sống trong một quốc gia đa sắc tộc – nơi không phải ai cũng trông giống như các cháu, suy nghĩ giống cháu hoặc xuất thân từ những vùng lân cận với các cháu – nghĩa là thế nào? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người như thế nào?
Mỗi một câu hỏi như thế lại dẫn tới những câu hỏi mới. Và không phải lúc nào tôi cũng trả lời đúng, nhưng những cuộc thảo luận và quá trình khám phá đó là những gì còn lại mãi. Hôm nay tôi vẫn còn nhớ những chuyện đó. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những vấn đề đó khi tôi tìm cách lãnh đạo đất nước này. Tôi vẫn hỏi những câu hỏi tương tự về việc chúng ta, một quốc gia đa sắc tộc, phải chung sống với nhau như thế nào để giành lấy những điều chúng ta cần phải giành? Làm thế nào để bảo đảm rằng mỗi người đều được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm? Chúng ta phải có những trách nhiệm gì đối với những người kém may mắn hơn chúng ta? Làm sao để tất cả đồng bào của chúng ta đều là con em một nhà của nước Mĩ?
Đó là tất cả những câu hỏi bắt nguồn từ môn học hồi lớp tám đó của tôi. Và xin nói một điều như thế này: ngay cả tới bây giờ, không phải lúc nào tôi cũng biết được những câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó. Nhưng, nếu lúc đó tôi bỏ môn học nghe có vẻ chán ngắt này thì chắc hẳn là tôi đã bỏ lỡ một điều gì đó, đã lỡ chính cái điều không chỉ đã làm tôi vui mà còn rất có ích trong phần còn lại của cuộc đời mình.
Vì vậy, trách nhiệm của các cháu là phải thử. Chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm những điều mới mẻ. Làm việc chăm chỉ. Đừng thất vọng nếu các cháu không giỏi ngay lập tức. Các cháu không thể giỏi mọi thứ ngay lập tức được. Đó chính là lí do tại sao cháu phải đi học. Tuy nhiên, vấn đề là các cháu cần tiếp tục mở rộng những chân trời và ý thức được khả năng của mình. Đây chính là lúc các cháu làm điều đó. Hơn nữa, đấy cũng chính là những điều khiến trường học thêm thú vị. Trong tương lai, điều đó sẽ trở thành những phẩm chất giúp các cháu thành công, và đồng thời, cũng là những phẩm chất sẽ đưa các cháu tới việc phát minh ra một thiết bị làm cho iPad trông chẳng khác gì một phiến đá. Hoặc nó sẽ giúp các cháu tìm ra cách thức sử dụng nắng và gió để cung cấp năng lượng cho thành phố và đem đến cho chúng ta những nguồn năng lượng mới, ít ô nhiễm hơn. Hoặc các cháu sẽ viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại tiếp theo của nước Mĩ. Để làm hầu như bất kì việc gì trong số những công việc tôi vừa nói, các cháu không chỉ cần học hết phổ thông – và tôi biết là tôi có lí, tôi đang đứng cạnh bà hiệu trưởng Berger ở đây – các cháu không chỉ phải học hết phổ thông mà còn phải tiếp tục học lên cao nữa, sau khi rời khỏi ngôi trường này. Các cháu không chỉ phải tốt nghiệp, mà các cháu phải tiếp tục học sau khi đã ra trường.

Và với nhiều người trong số các cháu, điều đó có nghĩa là học bốn năm đại học. Tôi vừa nói chuyện với Donae, cô ấy muốn trở thành kiến trúc sư. Hiện tại, cô đang thực tập tại một công ty kiến trúc, và cô đã chấm được trường cô sẽ theo học rồi. Đối với một vài người khác, đó có thể là một trường cao đẳng cộng đồng, một chứng chỉ nghề hoặc một khóa đào tạo. Nhưng vấn đề là hơn 60 % công việc trong thập kỉ tới sẽ đòi hỏi nhiều hơn là bằng tốt nghiệp phổ thông – hơn 60 %. Đó chính là thế giới mà các cháu sắp bước chân vào.
Vì vậy, tôi muốn tất cả các cháu sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là tiếp tục học tập sau khi đã ra trường. Và nều điều đó đối với các cháu có nghĩa là trường đại học, thì vào trường thôi cũng chưa đủ. Các cháu còn phải tốt nghiệp. Một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta gặp lúc này là có quá nhiều thanh niên ghi danh vào các trường đại học nhưng cuối cùng lại không tốt nghiệp và hệ quả là đất nước của chúng ta, đất nước đã từng có tỉ lệ những thanh niên có bằng đại học cao nhất thế giới, hiện tại đang tụt xuống vị trí thứ 16. Tôi không thích vị trí số 16. Tôi thích là số một. Nhưng thế cũng chưa đủ. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo rằng thế hệ của các cháu sẽ đưa đất nước này trở lại vị trí đứng đầu về số lượng những người tốt nghiệp đại học, tính theo đầu người, so với bất kì nước nào khác trên trái đất này.
Nếu chúng ta làm được điều đó, các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Và nước Mĩ cũng vậy. Chúng ta có thể đảm bảo rằng những phát minh mới nhất và những đột phá mới nhất sẽ diễn ra ở đây, ở nước Mĩ này. Điều đó cũng có nghĩa là công việc tốt hơn, cuộc sống đầy đủ hơn và nhiều cơ hội hơn, không chỉ cho các cháu, mà còn cho con cháu của các cháu nữa.
Bởi vậy tôi không muốn ai đó đang nghe ở đây ngày hôm nay nghĩ rằng tốt nghiệp phổ thông là các cháu đã hoàn thành trách nhiệm rồi. Các cháu vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, những điều đang diễn ra trong nền kinh tế ngày hôm nay đòi hỏi chúng ta phải học tập suốt đời. Các cháu phải tiếp tục nâng cao những kĩ năng và tìm ra những cách làm việc mới. Kể cả khi các cháu không vào được đại học, kể cả khi các cháu không được học bốn năm trong trường đại học, các cháu vẫn sẽ phải nỗ lực học tập sau khi rời trường phổ thông. Các cháu sẽ phải bắt đầu kì vọng những điều lớn lao từ chính bản thân ngay từ bây giờ.
Tôi biết rằng điều này có thể làm các cháu sợ. Một vài người trong số các cháu băn khoăn làm sao các cháu có thể trả nổi tiền học phí đại học, hoặc vẫn chưa biết các cháu muốn làm gì với chính cuộc đời của mình. Không sao hết. Không ai nghĩ rằng tại thời điểm này các cháu đã có kế hoạch cho toàn bộ cuộc đời mình. Và chúng tôi không nghĩ rằng các cháu phải làm việc đó một mình. Trước hết, các cháu có những ông bố bà mẹ tuyệt vời, họ là những người yêu thương các cháu vô cùng và muốn các cháu có nhiều cơ hội hơn họ – nhân tiện, điều đó có nghĩa là đừng khiến họ phiền lòng khi họ yêu cầu các cháu ngừng chơi game, tắt tivi và làm bài tập về nhà. Các cháu cần phải lắng nghe họ. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của chính mình, bởi vì đó cũng là những điều tôi thường nói với Malia và Sasha (hai cô con gái của tổng thống Obama -ND). Đừng nổi cáu vì điều đó, tất cả chúng tôi đều suy nghĩ về tương lai của các cháu.
Các cháu còn có đồng bào trên khắp đất nước này – trong có có tôi và Arne, cũng như mọi người ở mọi cấp của chính phủ – những người đang làm việc vì các cháu. Chúng tôi đang tiến hành từng bước trong khả năng của mình để bảo đảm rằng các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục xứng đáng với tiềm năng của các cháu. Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm rằng các cháu sẽ có những trường đại học hiện đại nhất với những phương tiện học tập tiên tiến nhất. Chúng tôi bảo đảm rằng các cháu có đủ sức thanh toán và có thể theo học được trong những trường cao đẳng và đại học trên đất nước này. Chúng tôi đang làm việc để có được những lớp học tốt nhất – giáo viên cũng tốt nhất, để họ có thể giúp các cháu chuẩn bị cho việc học ở đại học và một nghề nghiệp trong tương lai.
Nhân đây, xin được nói đôi điều về giáo viên. Ngày nay, giáo viên là những người phải lao động vất vả hơn bất kì ai. (Vỗ tay). Dù các cháu đi đến một trường học lớn hay nhỏ, dù các cháu theo học một trường công hay trường tư – thày, cô giáo của các cháu đều không có ngày nghỉ cuối tuần; họ thường dậy từ sáng sớm, suốt ngày phải lên lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Và sau đó, họ trở về nhà, ăn tối, rồi tiếp tục làm việc cho tới khuya, chấm bài cho các cháu, chữa cú pháp cho các cháu và kiểm tra xem các cháu đã tìm ra công thức đại số chính xác hay chưa.
Và họ không làm việc đó vì một chức vụ cao sang nào đó. Họ không, chắc chắn họ không làm việc đó vì đồng lương cao. Họ làm vì các cháu. Họ làm bởi vì không gì làm họ hài lòng hơn là nhìn thấy các cháu học tập. Họ sống vì những khoảnh khắc khi các cháu thành công; khi các cháu làm họ ngạc nhiên bằng trí tuệ hoặc bằng vốn từ vựng của mình, hoặc khi họ nhìn thấy con người tương lai của các cháu. Họ tự hào vì các cháu. Và họ nói, tôi đã từng làm việc để chàng trai hay cô gái tuyệt vời này có được thành công. Họ tin rằng các cháu sẽ trở thành những công dân và những nhà lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước này đi tới tương lai. Họ biết rằng các cháu là tương lai của tất cả chúng ta. Vì vậy mà các thày cô giáo của các cháu đang truyền đạt cho các cháu tất cả những hiểu biết của họ, và họ không hề đơn độc.
Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Với tất cả những thách thức mà đất nước chúng ta đang gặp hiện nay, chúng tôi không chỉ cần các cháu cho tương lai, chúng tôi thực sự cần các cháu ngay lúc này. Nước Mĩ cần lòng đam mê và ý tưởng của tuổi trẻ. Chúng tôi cần lòng nhiệt tình của các cháu ngay từ bây giờ. Tôi biết là các cháu đáp ứng được vì tôi đã nhìn thấy nó. Không có gì làm tôi hứng thú hơn là biết rằng thanh niên trên khắp đất nước này đang tạo ra dấu ấn riêng của họ. Họ không chờ đợi. Họ đang tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ.
Đó là những học sinh như Will Kim ở Fremont, California, người đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để cung cấp những khoản vay cho sinh viên từ những trường dành cho học sinh nghèo, nhưng muốn khởi sự việc làm ăn riêng của mình. Hãy cùng suy nghĩ về điều này. Cậu ấy đã cho những học sinh khác vay. Cậu ấy đã xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận. Cậu ấy kiếm tiền để làm công việc mà cậu ấy yêu thích – thông qua những giải đấu bóng ném và trò chơi cướp cờ. Cậu ấy là người sáng tạo. Cậu đã thực hiện một sáng kiến. Và bây giờ cậu ấy đang giúp đỡ những thanh niên khác để họ có thể theo học những gì họ cần.
Một thanh niên khác là Jake Bernstein, 17 tuổi, xuất thân trong một gia đình quân nhân ở St. Louis, đã cùng với chị gái tạo ra một trang web giúp thanh niên cơ hội phục vụ cộng đồng. Và họ đã tổ chức những hội chợ tình nguyện và thiết lập một sơ sở dữ liệu trực tuyến, giúp đỡ hàng ngàn gia đình tìm kiếm những cơ hội trở thành tình nguyện viên, từ việc sửa sang những con đường mòn cho tới việc phục vụ tại những bệnh viện địa phương.
Và năm ngoái tôi đã gặp một cô gái trẻ tên là Amy Chyao đến từ Richardson, Texas. Cô ấy 16 tuổi, cùng tuổi với một số cháu ở đây. Trong suốt mùa hè, tôi nghĩ vì có người trong gia đình cô ấy đã mắc bệnh nên cô đã quyết định sẽ quan tâm tới việc nghiên cứu về bệnh ung thư. Nhưng Amy Chyao lại chưa học hóa học nên cô ấy đã tự học môn này trong suốt mùa hè. Sau đó, cô đã áp dụng những điều đã học được và khám phá ra một quá trình mang tính đột phá là sử dụng ánh sáng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mười sáu tuổi. Không thể tin được. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với cô sấy, họ muốn làm việc cùng với cô để giúp cô khai thác khám phá này.
Điều này chứng tỏ rằng các cháu không cần phải chờ đợi, có thể tạo ra khác biệt ngay từ bây giờ. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là học cho giỏi. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là phải bảo đảm rằng các cháu đang chuẩn bị cho đại học và nghề nghiệp của chính các cháu. Nhưng các cháu có thể bắt đầu tạo ra dấu ấn của mình ngay từ bây giờ. Nhiều khi thanh niên lại có những ý tưởng hay hơn là những người có tuổi chúng tôi. Chúng tôi cần các cháu thể hiện những ý tưởng đó, cả bên trong lẫn bên ngoài lớp học.
Khi tôi gặp gỡ những thanh niên như các cháu, khi tôi ngồi nói chuyện với Donae, tôi không nghi ngờ gì rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mĩ vẫn đang ở phía trước, vì tôi biết tiềm năng của các cháu. Chẳng bao lâu nữa các cháu sẽ trở thành những người đứng đầu các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính phủ của chúng ta. Các cháu sẽ trở thành những người đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ nhận được những điều họ cần để thành công. Các cháu sẽ trở thành những người làm nên các trang sử mới. Và tất cả đều được bắt đầu ngay bây giờ – bắt đầu ngay trong năm nay.
Cho nên tôi muốn tất cả các cháu, những người đang nghe, cũng như tất cả những người đang có mặt ở Banneker, tôi muốn các cháu làm được nhiều việc nhất trong năm học mới này. Tôi muốn các cháu nghĩ về thời gian này như là khoảng thời gian mà trong đó cháu tiếp nhận thông tin và kĩ năng, các cháu thử nghiệm những điều mới mẻ, các cháu thực hành và ao ước – tất cả những điều mà các cháu sẽ cần để làm nên những điều vĩ đại sau khi các cháu ra trường.
Đất nước của các cháu phụ thuộc vào chính các cháu. Vì vậy hãy ngẩng cao đầu lên. Chúc các cháu có một năm học tuyệt vời. Xin cùng bắt tay làm việc.
Xin cảm ơn các cháu. Xin Chúa phù hộ cho các cháu, xin Chúa phù hộ cho nước Mĩ. (Vỗ tay).
Theo blog Phạm Nguyên Trường