Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

ĐẤT NƯỚC TAN HOANG

VIÊT NAM
30 năm chiến tranh, nhiều cánh rừng bị tàn phá bởi bom đạn nhưng tài nguyên của đất nước vẫn còn.
30 năm hoà bình, nhiều cánh rừng cũng bị tàn phá bởi con người và tài nguyên thì cạn kiệt !
Người ta có câu : "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" Nhưng với thời đại của chúng ta thì phải nói là "cán bộ ăn mặn, người dân khát nước" Không chỉ khát, mà còn đói, mà còn rách, mà còn mất đi cả nhân cách của con người !
Những bất thường của thời tiết thì ở đâu cũng có, thậm chí ở một số nước vừa bị bão tố, vừa bị động đất vừa bị núi lửa ... Nhưng tất cả đó là những thiên tai, còn ở đất nước anh hùng, thì thiên tai được tiếp sức bởi nhân tai, và thậm chí nhân tai còn khủng khiếp hơn cả thiên tai !
Sài gòn là một vùng đất mà từ trước tới nay, các cơn bão lũ chỉ có khả năng làm cho trời âm u, mưa gió chỉ làm cho con người có cớ để khoe áo ấm .. thế nhưng nhân tai đã làm cho bao nhiêu ngôi nhà chìm đắm trong triều cường và TP. Hồ Chí Minh đã liên tục phát triển để trở nên một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới !
Xưa nay, chỉ khi đi trong những cánh rừng già mới phải cảnh giác với những hầm chông bẫy kẹp... nhưng giờ đây, đi giữa thành phố hoa lệ mang tên bác, người dân phải luôn cảnh giác với những cái hố tử thần được hình thành từ sự vô trách nhiệm !
Có những tỉnh thành ở Phan Rang, Phú Yên chưa bao giờ bị lũ lụt vì đó là vùng khô hạn, ít mưa. Thế nhưng nhờ thuỷ điện, mà người dân đã biết thế nào là ngập lụt vì để bảo vệ những con đập trị giá vài trăm triệu, người ta đã tàn phá hàng tỷ đồng tài sản nhà cửa của người dân bằng việc cho xả lũ thuỷ điện vô tội vạ !
Một tên ăn trộm, hay ăn cướp khi bị phát hiện hành vi tội phạm, gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người khác, chắc chắn là phải trả giá vài năm tù, nếu gây chết người thì có thể chung thân - Thế nhưng, gây ra cái chết cho bao nhiêu người, gây ra thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho người dân, thì những người có trách nhiệm cao nhất, khi hết đường chối cãi chỉ cần vỗ ngực : được rồi, tôi xin nhận trách nhiệm và ...xong! tiếp tục giữ vững mọi quyền hành như cũ, không hề rụng đến một sợi lông chân! Sau đó "quyết liệt" chỉ đạo các thuộc cấp "khắc phục" hậu quả bằng miệng !
Thành phố biển Nha Trang, một bãi biển thuộc vào hạng đẹp nhất thế giới, đến nay ngoài trừ một cái "rờ sọt" cao cấp "hòn ngọc Việt" một khu nghỉ mát xài tiếng Anh và tiền đô để phục vụ cho những ai thừa tiền, thì còn lại những gì ? và những gì đó đã đươc một tạp chí quốc tế về địa lý , với ý kiến của hàng trăm chuyên gia đã xếp hạng là một trong những bãi biển dơ bẩn nhất thế giới ! Các quan chức địa phương sau khi cãi không nổi, bèn quay sang tổ chức các cuộc thi người đẹp mặc đồ tắm và vẫn vênh râu như thường !
Chỉ mới "điểm lại" một vài điều trong hàng chục hàng trăm thứ góp phần làm tan hoang đất nước mà đã thấy xây xẩm mặt mày ! Nhưng điều nguy hiểm hơn cả chính là sự tan hoang trong lòng người, sự lạc lối của các em học sinh khi mà các em thừa nhận : Chuyện bạo lực trong giới học sinh là chuyện bình thường ! Đó mới là sự tan hoang không phải cho hôm nay, mà là cho thế hệ tương lai ! Và dĩ nhiên cũng sẽ có kẻ vừa cười vừa vỗ ngực : Tui chịu trách nhiệm hề hề !
Sài Gòn mùa nắng mà vẫn mưa !

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

VIỆT KIỀU THAM GIA ĐIỀU HÀNH ĐẤT NƯƠC


30 NĂM RỒI MÀ VẪN CÒN ....NGU !
Đọc được trên mạng trong trang web - niềm tin vào tương lai. Thấy 2 bài viết của GSTS Nguyễn Đăng Hưng và TS Trần Hà Anh nói về quan điểm và mong muốn được tạo điều kiện tham gia điều hành đất nước.
Trước hết, xin khâm phục tấm lòng hướng về tổ quốc của các nhà trí thức Việt Kiều, và thực sự là trong thời gian qua, tuổi trẻ Việt Nam nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung đã nhận được những sự giúp đỡ và đóng góp về nhiều mặt của các nhà trí thức này. Đứng về mặt khoa học và thực tiễn, không ai có thể chối bỏ công sức của những người con xa tổ quốc mà lòng vẫn hướng về quê cha đất tổ.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tham gia điều hành đất nước trong vai trò những công chức nhà nước thì các nhà trí thức đã thể hiện một sự nhiệt tình hết sức ...ngây thơ ! Mà quả thực thì đa số các nhà khoa học thường thì rất giỏi về mặt chuyên môn, nhưng còn về nghệ thuật nhận ra đâu là sự thật trong lĩnh vực xã hội, đặc biệt là về mặt chính trị thì thường rơi vào hai trạng thái : "chả biết gì" hoặc "ngây thơ ...cụ" !
Qua bài viết của TS Hưng, dựa trên lời phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc Hội, ông Ksor Phước nói : “ không tán thành việc cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức vì quan ngại có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá”. và ông cho rằng :
Quả thật, tôi không thể nghĩ ra được một vị đứng đầu một Ủy ban gọi là Dân tộc mà có thể phát biểu xúc phạm đến “bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam” như vậy. Làm sao ông Chủ nhiệm có thể quơ đũa cả nắm để coi thường trình độ văn hóa, khoa học và chính trị của người Việt Nam ở nước ngoài đến thế ? Phải chăng loại quan ngại này xuất phát từ một thứ não trạng đa nghi cố hữu, thấy ai cũng là kẻ thù rồi tự cô lập mình, chỉ làm việc với người cùng phe cùng cánh, những thành viên chung quanh ao làng ?
Thực ra, ông Ksor Phước không hề có ý coi thường trình độ văn hóa hay gì gì đó của các nhà trí thức Việt Kiều.
Nhưng thử hỏi : hơn 40 năm nằm gai nếm mật, hy sinh đủ mọi thứ trên đời kể cả uy tín và liêm sỉ để có được chiến thắng ngày nay, để được "cai trị" cả một dân tộc thì tại sao lại phải chia sẻ quyền lực cho cái gọi là " một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam ? Các ngài Việt Kiều có biết thế nào là sốt rét rừng ? thế nào là nỗi sợ hãi cùng cực dưới mưa bom B52 - và sau đó là niềm kiêu hãnh vô bờ bến của sự cai trị đất nước, làm cho 80 triệu dân Việt "lên bờ xuống ruộng" nó sướng như thế nào không ?
Các ngài ở nhà lầu, ăn bơ sữa, ngủ trong phòng có máy điều hòa, học hành đến nơi đến chốn trong một nền giáo dục tuyệt vời để trở thành những nhà khoa học chân chính - chưa đủ sướng hay sao mà còn đòi về đây chia sẻ quyền lực với chúng tôi ?
Chúng tôi trân trọng mời các ngài về để các ngài xả thân ra phục vụ mọi người (trong đó có con cháu chúng tôi ) bằng vai trò người giúp việc - sai đâu làm đó là tốt lắm rồi ( phát biểu linh tinh là cấm cửa luôn ) chứ ai cho phép các ngài về đây làm "công chức nhà nước" !
Hãy thử nghĩ mà xem, chúng tôi chỉ là những kẻ "múa gậy vườn hoang" trình độ chỉ có trên các văn bằng đủ loại - năng lực cũng vừa đủ để ký tên trên những bài soạn sẵn, thì thử hỏi làm sao chúng tôi có thể "đồng hành" cùng các nhà trí thức thực sự ? lúc đó lòi ra bao nhiêu cái dốt của chúng tôi, thì ai chịu đây ? Sau đó,dần dà với năng lực thực sự của mình, các ngài sẽ lần lượt nắm giữ các vai trò chủ yếu trong bộ máy nhà nước, thì eo ơi , máu xương của chúng tôi hóa ra vô ích sao ?
Những nhà trí thức như TS Trần Hà Anh thì than phiền về những thủ tục "Hành là chính" đối với trí thức và bà con Việt kiều và đề nghị :
Một trong những câu hỏi thể hiện mối băn khoăn của anh chị em, kể cả một số trí thức trẻ, là liệu đất nước có điều kiện để phát huy năng lực chuyên môn của mình hay không.
Các câu hỏi này bao hàm ba vấn đề: điều kiện làm việc và môi trường làm việc và môi trường sinh hoạt.
Về điều kiện làm việc, cơ quan tiếp nhận phải thực sự cần đến chuyên gia, trí thức kiều bào về giúp để giải quyết những vấn đề của sự phát triển. Cơ quan tiếp nhận phải bảo đảm có phương tiện vật chất - kỹ thuật và tài chính để giải quyết các vấn đề này, chứ không nên tiếp nhận anh chi em về mà không có triển vọng gì về phương tiện giải quyết.
Về môi trường làm việc, cơ quan tiếp nhận phải hết sức quan tâm tạo cho anh chị em một môi trường làm việc thuận lợi, tránh để phát triển những mối quan hệ công tác bất thân thiện. Anh chị em có thể đã quá quen thuộc với những môi trường làm việc với cơ chế quản lý gọn nhẹ nên khi về nước dễ cảm thấy khó chịu với cách quản lý của chúng ta. Do vậy, công cuộc cải cách hành chính mà Nhà nước ta đang đẩy mạnh sẽ là một yếu tố tích cực đối với môi trường làm việc của anh chị em.
Về môi trường sinh hoạt, cơ quan tiếp nhận cũng cần thấy trách nhiệm của mình phải giúp đỡ để anh chị em tìm được nơi ăn chốn ở thuận lợi. Một lần nữa, công cuộc cải cách hành chính sẽ giúp đỡ rất nhiều cho anh chị em thấy đời sống xã hội ở nước ta ngày càng được cải thiện theo hướng gọn nhẹ và ít phiền hà hơn.

Thực tình mà nói, chỉ cần có một trong ba điều kiện này thôi thì các Việt kiều đã lũ lươt kéo nhau về rồi ! Thế nhưng, ngay cả những nhà trí thức trong nước , lý lịch sạch boong, tốt nghiệp đại học chính quy tử tế, mà còn không chen nổi một chân vào trong bộ máy, dù đã được tuyển dụng đàng hoàng, nếu muốn vào thì cứ bắt đầu từ việc :pha trà, quét phòng một thời gian cho những ngài trưởng phòng chỉ biết có ký tên!
Đấy, đó có đúng là ngây thơ ...thứ thiệt không ?
Muốn đóng góp cho quê hương và giúp đỡ người dân Việt, còn rất nhiều cách để giúp nhưng đòi tham gia vào chuyện điều hành đất nước để có thể trực tiếp đóng góp thì.... "thôi bỏ đi tám!"!

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

CHUẨN CHO TRẺ EM .



CHUẨN DÀNH CHO TRẺ 5 TUỔI
NHỮNG ÁP ĐẶT HOANG TƯỞNG VÀ PHI NHÂN



Trước hết nói về các tiêu chuẩn về phạm vi thể lực,( chuẩn 1 – 6) ngoài những tiêu chuẩn mà trẻ có thể thực hiện được, cũng có những tiêu chuẩn có lẽ là dành cho việc đào tạo…vận động viên. Vì trước khi đạt được những yêu cầu như chạy 18 m trong 5 giây, và chạy liên tục 150m thì trẻ phải được kiểm tra đầy đủ về sức khoẻ, là một điều không phải gia đình nào cũng có thể làm được. Nhưng nếu không thì có thể đưa đến nguy hiểm cho các em có những chứng bệnh tim bẩm sinh, hen phế quản, viêm phế quản mãn, giãn phế quản, trẻ bị dị dạng lồng ngực, bệnh về nội tiết, trẻ bị dị tật tay chân… với những trẻ này thì các em vẫn có thể theo học lớp Một bình thường nhưng chắc chắn không thể đáp ứng các yêu cầu nói trên về lĩnh vực sức khoẻ.
Ngoài ra những tiêu chuẩn như nhảy từ độ cao 40cm là khá nguy hiểm với trẻ, ngay cả với các vận động viên cũng cần phải có những bước chuẩn bị trước khi thực hiện yêu cầu này. Điều này cho thấy là các yêu cầu này chưa thực sự phù hợp.
Với những tiêu chuẩn trong mục Hiểu biết và thực hành chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng (chuẩn 4) thì có một số điều liên quan đến nhận thức và cách ứng xử, và là một quá trình cần phải học hỏi lâu dài mới có thể đạt được chứ trẻ 5 tuổi làm sao có thể có được ý thức về sự có hại của thuốc lá và có khả năng thể hiện sự không đồng tình với người hút thuốc lá khi mà điều đó vẫn còn là một điều rất bình thường ở những nơi công cộng !
Đối với các tiêu chuẩn về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội ( chuẩn 7 – 12 ) đều là những điều mà hầu hết các nhà giáo dục và phụ huynh mong muốn con mình đạt được, nhưng đạt được bằng cách nào và ai sẽ là người giúp cho trẻ đạt được điều này thì vẫn còn là một ẩn số Nói cách khác, đây là những giá trị sống và kỹ năng sống mà một đứa bé 4, 5 tuổi không thể trong một cấp học Mẫu giáo ( 4 tuổi ) có thể đạt được, khi mà trẻ còn rất nhiều điều phải học tập về kiến thức để có thể bước vào lớp Một .
Tất cả những yếu tố trên đều rất cần thiết cho một nhân cách, nhưng đó phải là một tiến trình giáo dục về các giá trị sống và kỹ năng sống trong một thời gian dài sau khi đã bước vào lớp Một, hơn nữa điều này còn tuỳ thuộc rất nhiều vào môi trường xã hội và gia đình của trẻ. Đây là một lĩnh vực còn rất yếu và rất thiếu cho trẻ em hiện nay. Đặc biệt là các chuẩn 9, 10 và chuẩn 11, đó là điều mà ngay cả những người lớn còn rất nhiều người chưa đạt được vì nó thuộc về phạm vi sở thích – chúng ta không thể buộc một đứa trẻ phải biết quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên hay thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc, đó là điều mà chúng ta chỉ có thể khuyến khích các em! Chúng ta lại càng không thể đòi hỏi một đứa trẻ 5 tuổi có khả năng giải quyết mâu thuẫn bằng nhiều biện pháp khác nhau, một điều mà ngay cả một người lớn khôn ngoan cũng có lúc phải…bó tay ! Rõ ràng là với những yêu cầu trên thì ngay cả bố mẹ các em cũng khó mà thực hiện và nếu không có được những điều thuận lợi trong giao tiếp và ứng xử mà đòi hỏi trẻ 5 tuổi những chuẩn mực này thì quả là một điều …không tưởng !
Về các tiêu chuẩn trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, ( chuẩn 14 – 19) Thì lại tuỳ thuộc vào năng lực phát triển, khả năng trí tuệ của đứa trẻ và chắc chắn là có rất nhiều trẻ và ngay cả người lớn cũng có những yêu cầu không thể đạt được. Như đối với yêu cầu nghe hiểu các câu chuyện, thơ, đồng dao hay kể lại một câu chuyện theo đúng trình tự thì quả thực đây không phải là yêu cầu dành cho trẻ 5 tuổi, mà là yêu cầu dành cho các em học sinh cấp III vì có thể nói, nếu không được học và có một trí nhớ tốt thì ngay cả một em HS cấp III cũng khó mà có thể giải thích một cách mạch lạc ý nghĩa của một số câu thơ, câu đồng dao ca dao dành trẻ em, và việc kể lại một câu chuyện đồng nghĩa với việc học thuộc lòng hay học vẹt !
Trong lĩnh vực nhận thức và sẵn sàng với việc học ( Chuẩn 20 – 28) thì có thể nói, mức độ mà nhiều yếu tố trong lĩnh vực này đòi hỏi như trong lĩnh vực nghệ thuật đã thuộc vào một sự áp đặt phi lý nhất trong mọi sự áp đặt, đó là sự áp đặt về khả năng cảm thụ nghệ thuật ! Đứng trước cái đẹp, mỗi một người đều có quyền thể hiện sự cảm nhận khác nhau, ngay cả với những cái đẹp hiển nhiên ta vẫn có thể có những cảm thụ khác nhau. Buộc trẻ phải biết thể hiển cảm xúc trước những vẻ đẹp của thiên nhiên và của các tác phẩm tạo hình là một điều không ai có thể làm được trừ khi đứa trẻ được yêu cầu phải làm như vậy, đó là một khả năng…đóng kịch mà khi làm điều đó, chúng ta đã tước bỏ ở đứa trẻ điều quý giá nhất mà không một ai có quyền lấy : Đó là sự ngây thơ của trẻ em.
Với chuẩn sáng tạo cũng thế, chúng ta giáo dục và khuyến khích trẻ phát huy khả năng sáng tạo chứ không buộc trẻ phải có khả năng sáng tạo, chúng ta có thể tập cho trẻ vẽ, tập cho trẻ hát nhưng không thể buộc trẻ phải trở thành một hoạ sĩ hay nhạc sĩ với khả năng sáng tạo phong phú. Còn ngược lại, với những yêu cầu như trẻ phải thể hiện được cái mới, độc đáo trong trò chơi hay trong việc tạo hình, âm nhạc thì cũng chỉ nên xem đó là sự mong muốn mà thôi.
Qua 28 chuẩn đặt ra, chúng ta thấy rõ là các nhà giáo dục VN trong Bộ GD đã đi quá mức với một điều mong muốn hoang tưởng và một trí tưởng tượng phong phú khi xây dựng bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi này, và rõ ràng từ những mong muốn và tưởng tượng này, để đưa bộ chuẩn này vào hiện thực là một tiến trình của một đề án nằm trong lĩnh vực …khoa học viễn tưởng !
Khi so sánh hai bộ chuẩn dành cho trẻ 5 tuổi, một của VN và một của ngành giáo dục tiểu bang California Hoa Kỳ, chúng ta thấy rằng ngành giáo dục Việt Nam đã đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn bao gồm toàn bộ sự phát triển của trẻ về mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực mang tính đặc thù cá nhân, hoàn toàn tuỳ thuộc vào tính cách và sở thích của một con người không nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của ngành!
Ngay cả với những lĩnh vực liên quan đến yếu tố thể lực cũng là một điều nằm ngoài phạm vi cho phép, vì điều đó tuỳ thuộc vào bản thân trẻ, khả năng nuôi nấng trẻ của gia đình và khu vực địa lý giữa trẻ thành phố với trẻ nông thôn. Chuẩn giáo dục là để có những định mức về dạy trẻ dành cho nhà trường chứ không phải là chuẩn đưa ra để buộc bố mẹ phải nuôi con đạt được các định mức về phát triển từ thể lực đến nhận thức và cả sở thích như thế nào !
Với những yêu cầu về sự cảm nhận thẩm mỹ lại càng cho thấy sự áp đặt một cách quá đáng vào một phạm trù mang tính cá nhân, việc một con người có xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên hay của các sản phẩm tạo hình hay không, điều đó không một nền văn hoá nào có quyền áp đặt trên con người. Thích hay không thích là hoàn toàn tuỳ thuộc vào những yếu tố mang bản sắc của từng người. Chúng ta có thể buộc đứa trẻ phải đóng kịch khi gật gù trước vẻ đẹp của thiên nhiên hay cảm nhận cái đẹp theo khuôn mẫu mà nhà trường đưa ra, nhưng điều đó không những không giúp gì cho sự phát triển về mỹ học, mà còn làm thui chột đi sức sáng tạo của trẻ em, khi nó phải chấp nhận thích điều gì người lớn thích, thừa nhận cái đẹp mà người lớn cho là đẹp !
Đối với những chuẩn của ngành giáo dục tiểu bang California ( Mỹ ) đặt ra, chúng ta thấy không phải là không có những tiêu chuẩn khó, nhưng nó hoàn toàn nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của ngành giáo dục. Nghĩa là những điều mà các em phải được dạy và phải học được. Những chuẩn mực đều mang tính kiến thức chứ không phải là nhận thức. Ngay cả việc trình bầy kinh nghiệm và sở thích của mình, trẻ cũng không buộc phải theo một khuôn mẫu nào như phải chấp nhận cái gì mình thích, cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
Vì thế, để xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho trẻ, chúng ta cần phân biệt ra ba lĩnh vực khác nhau:
- Lĩnh vực tính cách: Đây là những yếu tố bẩm sinh “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” chúng ta chỉ có thể tìm hiểu để khai thác, kích thích và phát triển những ưu điểm của tính cách trẻ, hạn chế phần nào những điểm yếu, chứ không thể can thiệp vào, buộc trẻ phải thay đổi tính cách của mình cho dù nhân danh bất cứ điều gì trong cuộc sống mà trẻ đã đang và sẽ hoà nhập vào.
- Lĩnh vực nhận thức: Đây là những giá trị sống và kỹ năng sống mà chúng ta từng bước hướng dẫn trẻ sao cho phù hợp với sự phát triển của em, chúng ta cũng không thể buộc các em phải đạt được điều này, hiểu được điều kia cho dù tất cả đều cần thiết và tốt đẹp. Trong lĩnh vực này thì chính tấm gương của cha mẹ, của những người thày, cô mới là những tác động có giá trị nhất chứ không phải các kỹ năng hay thủ thuật nhằm giúp trẻ hiểu ra các giá trị cần có cho cho cuộc sống. Nói cách khác, đây là những giá trị mà đứa trẻ cảm nhận được và tiếp thu được tuỳ vào môi trường mà các em đang sống và tuỳ vào thái độ ứng xử của những người xung quanh. Chúng ta không thể đặt ra những chuẩn mực nào cho khả năng tiếp nhận và vận dụng của trẻ, đó là điều mà đứa trẻ phải chịu trách nhiệm với chính mình và với xã hội khi đến tuổi trưởng thành.
- Lĩnh vực kiến thức: Đây là những điều mà một đứa trẻ có bổn phận phải học, và xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng có bổn phận phải dạy và có quyền đặt ra những chuẩn mực mà một đứa trẻ với khả năng phát triển trung bình về thể lực và trí tuệ cần phải đạt đến. Chúng ta có thể xây dựng các chuẩn cao cho trẻ thông minh, chuẩn thấp cho trẻ dại khờ… chuẩn riêng cho trẻ thần đồng hay khuyết tật. Nhưng, trách nhiệm không thuộc về trẻ mà thuộc về gia đình và xã hội. Và đó là nhiệm vụ của những người lớn phải hoàn thành bằng nhiều biện pháp, kỹ thuật đa dạng và phong phú mà trí tuệ con người có thể nghĩ ra dành cho thế hệ tương lai.
Lê Khanh

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

LẠI NÓI VỀ TỰ KỶ

BIẾT ĐẾN BAO GIỜ ?

Thêm một lần nữa, một bài báo viết về trẻ Tự Kỷ, lần này là dưới góc độ đánh giá việc chăm sóc - giáo dục trẻ tự kỷ . Qua nội dung bài viết, cũng với mục đích đánh động dư luận về tình trạng giáo dục trẻ TK đang bị thả nổi, nhà nước thì không quan tâm, phụ huynh đành tự cứu bằng cách đứng ra tự mở trường cho con mình và qua đó cũng xem là một hoạt động kinh doanh ( dù không nói ra ! )
Tuy nhiên, khác với tình trạng chậm khôn hay bại liệt, điếc câm... mà việc giáo dục có thể dạy tập trung theo một giáo án chung - Tự Kỷ là một tình trạng rối loạn quan hệ giao tiếp không hề đơn giản, mà việc can thiệp phải được tiến hành theo biện pháp cá nhân ( nếu gọi là dạy với 1 thày - 1 trò ) Nhưng không ở đâu, dù tại các quốc gia tiên tiến lại có thể hình thành những lớp học mà chỉ có 1 thày dành cho 1 trò, nên họ đã phải đánh giá mức độ rối loạn để chia ra từng loại có tình trạng tự kỷ khác nhau để có thể xây dựng những biện pháp giáo dục khác nhau trong các loại trường lớp khác nhau.
Trong khi đó, ở Việt Nam, phụ huynh của các em lại không hề nhận được một sự hỗ trợ chính thức nào, ngay cả việc đưa con đến khám tại các bệnh viện có khoa tâm lý để tiến hành phân loại thì họ cũng chỉ nhận được những lời "phán" một cách chung chung (vì thực ra thì các BS làm gì có đủ thời gian để có thể chẩn đoán một cách kỹ lưỡng) cũng như những lời hướng dẫn chung chung ( vì họ cũng không có thì giờ để có thể xây dựng cho các em một chương trình can thiệp cá nhân ) và thế là phụ huynh phải tự bơi!
Kết quả của sự tự bơi là hàng loạt các loại trường khác nhau ra đời và tùy theo mục đích cũng như điều kiện và năng lực của những người tổ chức mà một ngôi trường bề thế hay nhỏ bé xuất hiện.
Và cũng trên tinh thần "bơi tự do" thì việc "dạy" trẻ Tự Kỷ cũng không hề bị ràng buộc bởi một nguyên tắc nào - hay nói 1 cách đơn giản là dạy sao thì dạy ! và kết quả của việc dạy sao thì dạy đó là sự "tiến bộ" của trẻ hoàn toàn dựa vào tinh thần "may thày - phước chủ" hên thì trẻ có biến chuyển chút ít, còn không thì vẫn còn nguyên đấy, có mất đi đàng nào đâu ! Và chính vì yếu tố đó mà bài báo cho rằng, các trường lớp tự phát này đang làm mất đi "thời gian vàng" của trẻ vì nếu can thiệp sớm thì trẻ sẽ "khỏi bệnh sớm, hay tiến bộ nhanh !
Thực ra - với trẻ tự kỷ nhẹ thì chỉ cần can thiệp đúng cách là trẻ sẽ có tiến bộ và thời điểm vàng là rất rộng ( từ 2,3 tuổi đến 6,7 tuổi ) Nhưng còn với trẻ bị tự kỷ nặng hay trung bình thì việc can thiệp dù sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến kết quả - nói cách khác một chương trình can thiệp tích cực kéo dài độ 10 năm hay có bị chậm hơn khoảng 2,3 năm cũng không thể giúp 1 trẻ tự kỷ "chính cống" trở nên bình thường được !
Đó là điều mà ít ai dám nhìn thẳng vào sự thật - với phụ huynh thì vừa có thái độ "có bệnh thì vái tứ phương" vừa có quan điểm " còn nước - còn tát" cứ nỗ lực hết mình, đưa con đi hết chỗ này đến chỗ khác thì thế nào cũng có lúc gặp được thày hay, thuốc giỏi và con mình sẽ khỏi "bệnh" ! Với các nhà chuyên môn thì cũng khó mà dám nói rằng phương pháp của tôi chỉ đem lại những kết quả tương đối và tùy thuộc vào phụ huynh chứ không tùy thuộc vào tài năng của tôi - nếu nói như thế thì phụ huynh chạy mất dép hết rồi còn đâu mà thu được tiền !
Và chính vì thế mà cái vòng luẩn quẩn trong việc giáo dục trẻ Tự kỷ cứ diễn ra vì hầu như tất cả đều dựa trên 1 nhận thức không chính xác :
Đó là phải có những trường chuyên biệt để dạy trẻ tự kỷ với những biện pháp thật hay cùng với những thày cô giáo thật tận tâm thì chắc chắn các em sẽ có những tiến bộ vượt bậc để sau đó hội nhập với xã hội !
( Còn tiếp )

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Chuẩn của Việt Nam khác với thế Giới


CÃI CHẦY - CÃI CỐI

Trong dân gian chúng ta có câu : Cãi chầy - cãi cối để nói lên thái độ dù biết là sai nhưng vẫn nói ngang nói bướng hay vận dụng các lắt léo của ngôn từ để biện hộ cho mình hay cho "phe ta".
Có một thực trạng hiện nay, là dù cho Việt Nam có một số lượng giáo sư tiến sĩ cao nhất Đông Nam Á, nhưng chỉ có khoảng 20% là có trình độ phù hợp với học vị. Ngoài ra, dựa trên tiêu chuẩn đánh giá khả năng bằng công trình khoa học được thế giới công nhận, thì các bài nghiên cứu KH của giới Học GIẢ VN trong 1 năm chưa bằng số bài trong 1 tháng của 1 trường Đại học Thái Lan ( chứ chưa nói đến các nước phương Tây ). Điều này, dù biện hộ cỡ nào đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận thì trạng "học thì giả, bằng thì thật" của chúng ta. Người ta thường nói :
Có ba cái dốt :
đó là biết điều không cần biết - không biết điều cần biết và không biết mình biết cái gì !
Khi những công trình nghiên cứu về thực trạng các ông nghè ông cống ở VN được đưa lên internet bởi chính những nhà tri thức hàng đầu Việt Nam, thì giới Học giả VN nhất quyết giữ thái độ " ba không : Không nghe, không thấy, không biết" . Thế nhưng trong một buổi phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình Việt Nam, khi được hỏi ý kiến về tình trạng này, thì TS Nguyễn lân Dũng - một đại biểu quốc hội, một nhà học giả thứ thiệt của VN đã phải chọn cách "cãi chầy cãi cối" bằng lời phát biểu đại ý cho rằng, Các công trình NCKH của VN không hề thua kém ai, chẳng qua là mình chỉ vận dụng ở VN, rồi đánh giá theo kiểu VN, nên giới khoa học thế giới không biết đến, nên mới cho rằng mình ít công trình, chứ nếu xét trên thực tế thì các công trình NCKH kiểu lấy cốt tre thay cốt thép, lấy cát thay xi măng trong các công trình xây dựng là vô số kể, đâu thèm công bố làm gì ! Vì thế, không nên cho là ta kém, ta dốt. Ta thiếu những nhà khoa học có công trình quốc tế thật, nhưng ta vẫn có các chuẩn mực của ta, cóc cần cái chuẩn mực QT !
Đứng trên góc độ một đại biểu quốc hội, thì ông Dũng muốn nói gì thì nói vì đó là bổn phận của ông, nhưng đứng trên góc độ của một nhà khoa học mà nói kiểu đó không sợ con nít nó cười cho !
Trong khi ở xứ ta, cái gì cũng đòi đem tiêu chuẩn quốc tế ra để đánh giá, ngay cả như một cái trường đại học mà cơ sở vật chất còn thua cả một cái trường tiểu học, giá học phí thì trên trời, còn chất lượng giảng dạy thì sát đáy vẫn cố huênh hoang gắn cái mác Đại học Quốc tế, mà nay nói như ông Dũng thì tiêu chuẩn QT còn thua cả TC Quốc Gia, thì cần gì phải cố sống cố chết bằng mọi giá chạy ra nước ngoài để học làm gì ? Lẽ ra các trường ĐH trên thế giới phải gửi SV đến VN để ráng mà theo kịp chuẩn của chúng ta chứ ?
Hic, miệng thì bô bô : Dám dũng cảm nhìn vào sự thật - mà thực tế thì bao nhiêu đóng góp hết sức thiện chí của những người muốn cho Việt Nam thực sự phát triển bằng những sự thật, để từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả lại không được chấp nhận - thì quả thực nền khoa học của nước nhà còn lâu lắm mới có thể phát triển !
Sài Gòn những ngày mưa đầu mùa !

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Hội chứng Tự Kỷ : Xin nhìn đúng thực chất

TỰ KỶ GHÊ GỚM ĐẾN THẾ SAO ?

Đọc bài viết của phóng viên Đặng Tươi trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật – ngày 7/3/2010 nói về Cuộc chiến của một người mẹ chống lại chứng Tự Kỷ ở nơi đứa con thân yêu của chị, chúng tôi chợt rùng mình vì không nghĩ rằng cái tình trạng rối loạn quan hệ giao tiếp của trẻ nhỏ, đã trở nên khá quen thuộc với một số phòng khám, bệnh viện , kể cả với một số phụ huynh lại được diễn tả một cách kinh khủng đến như thế với một người phóng viên có lẽ chưa biết gì nhiều về hội chứng này.

Trước hết, Chứng tự kỷ là tên tiếng Việt của cụm từ Autistic Spectrum Disorder và nếu dịch đúng tiếng Việt là Hội chứng rối loạn phổ Tự Kỷ ( đó là một từ ngữ bao gồm nhiều tình trạng khác nhau ) – chứ không hề có chữ bệnh trong đấy, nhưng ta cứ thích gọi đó là bệnh cho gọn . Điều này tuy không sai lắm nhưng nó sẽ khiến bất cứ ai khi nghe đến cũng sẽ liên tưởng đến 2 từ : Thuốc và phương pháp để chữa – Chính điều này đã làm cho nhiều ông bố, bà mẹ suy sụp khi nghe bác sĩ phán tiếp : Bệnh này không chữa được !

Thực ra, đây là một tình trạng rối loạn quan hệ giao tiếp, hay nói cách khác đó là một tình trạng khiến cho trẻ không hiểu được chuyện gì đang xảy ra chung quanh và ta cũng chịu không thể hiểu được là trẻ nghĩ gì và muốn gì – Điều này làm ta hoang mang còn làm cho trẻ hoảng loạn ! Chính những biểu hiện như gào khóc, thức khuya, đập đầu xuống đất… đó là biểu lộ sự sợ hãi cao độ của đứa trẻ, và trẻ cũng không hiểu được những cử chỉ săn sóc mà ta dành cho trẻ , nhưng nếu ta có được một hay nhiều biện pháp tiếp cận khác nhau, dần dần giúp cho trẻ ổn định thì mọi điều sẽ “ổn thôi mà !”
Vì là một tình trạng nên có rất nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng mà trong câu chuyện của chị Thoại Nhi, thì cháu Fanta là một tình trạng khá nặng , và tình trạng này thì chiếm một tỷ lệ không cao trong số trẻ Tự Kỷ do đó, không nên xem là một tình trạng tiêu biểu cho Tự Kỷ!

Trước hết, qua ngòi bút điêu luyện của phóng viên, đã vẽ lên một bức tranh bi thảm của tình trạng Tự kỷ, trong khi thực tế thì không phải trẻ tự kỷ nào cũng vậy. Mặc dù, có thể mục đích công khai của bài viết là muốn nói lên một tấm gương hy sinh tuyệt vời cho con, nhưng không biết do vô tình hay cố ý mà tác giả đã đưa người đọc đến hai nhận thức :
1/ Cái gọi là “Bệnh Tự Kỷ” thì vô cùng khủng khiếp, nặng nề và không chữa được
2/ Muốn chữa được bệnh này thì chỉ có các chuyên gia hàng đầu thế giới và chỉ có cách khăn gói qua Mỹ, thậm chí là phải đến Michigan, nơi chữa tự kỷ tốt nhất ở Mỹ thì mới có cơ may !( phải chăng đây mới là mục đích muốn đạt đến? )

Sau khi ý thức được hai điều này thì chúng tôi “suy sụp” quá, vì ở Việt Nam, sẽ có được bao nhiêu trẻ Tư kỷ có được điều kiện như người Mẹ trong câu chuyện để đưa con qua Mỹ chữa – và lẽ nào chứng Tự kỷ lại ghê gớm đến thế sao ? Nhưng thực tế, may quá thì không phải vậy, vì đã có biết bao nhiêu trẻ Tự Kỷ khác ở Việt Nam, đã nhận được sự chăm sóc của những người không phải là chuyên gia hàng đầu thế giới hay có khi chính là bố mẹ của trẻ thôi – cũng đã có được những biến chuyển tốt đẹp không kém.

Ngoài ra, chính trong gia đình cô em của chúng tôi, một bác sĩ người Việt Nam ở California – có một đứa con trai Tự Kỷ, có lẽ cũng nặng gần như bé Fanta – sau nhiều năm chăm sóc và nghiên cứu, cũng đã có thể tự giúp con mình phát triển, ổn định và có khả năng giao tiếp tốt mà không cần nhờ đến các chuyên gia hàng đầu hay phải qua tận Michigan !

Qua bài viết này, tự nhiên làm cho chúng tôi liên tưởng đến một bà mẹ khác ở Việt Nam, có con tự kỷ cũng lặn lội qua Mỹ học một vài phương pháp dạy trẻ khuyết tật, rồi về Việt nam không chỉ dạy cho con mình mà còn mở lớp dạy cho hàng chục ông bố bà mẹ khác, thu được hàng chục ngàn đô la – cũng nhờ một bài viết PR quá tốt đăng trên báo SGTT, sau đó được tung lên mạng và bà đã thành công trên sức tưởng tượng không phải là về việc chữa cho con ( thực ra đó là 1 chương trình huấn luyện cật lực của bà và một số giáo viên trong hơn 5 năm ) mà bỗng dưng trở nên một chuyên gia đại tài chỉ sau vài tháng học tập và kiếm được khá bộn tiền trên sự đau khổ của các bà mẹ khác có đứa con cùng cảnh ngộ !

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn hết là dù đã qua tận Mỹ, đã tiếp cận được với những chuyên gia và những phương pháp tốt nhất, nhưng nếu xét cho cùng thì bé Fanta cũng chỉ có những tiến bộ mà nếu chỉ ở Việt Nam để áp dụng một cách nhất quán, không nôn nóng bằng những phương pháp tác động đã được phổ biến cũng có thể đạt được ! Vì thực ra, đó là một tình trạng và chỉ có thể cải thiện từng bước một bằng nhiều biện pháp khác nhau miễn là bố mẹ ý thức được vấn đề.

Có lẽ, câu giá trị nhất của bài này là “ Việc đầu tiên của chuyên gia hàng đầu thế giới về nhi khoa tự kỷ là chữa bệnh suy sụp cho người mẹ. Cứu mẹ rồi mới có thể cứu con. Thực ra, đây là điều mà hầu như bất cứ chuyên gia, hay bác sĩ tâm lý nào có lương tâm và kiến thức về trẻ tự kỷ đều phải làm, đó là giúp cho bà mẹ không còn “khủng hoảng” về tình trạng của con mình, chứ không cần đến chuyên gia về cái gọi là nhi khoa tự kỷ (Một ngành điều trị mới có lẽ do tác giả bài viết phát minh ra ! ) mới có thể làm được.

Thiết nghĩ, tình trạng tự kỷ không còn là một điều gì quá xa lạ với người Việt Nam, và thiết tưởng khi viết về một vấn đề liên quan đến chuyên môn, thì lẽ ra các phóng viên nên có một sự “tự nghiên cứu” một chút ( các bài viết về Tự Kỷ đầy dẫy trên mạng) hay tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn một chút, để bài viết của mình ngoài mục đích là nêu lên được tình thương của một người mẹ, thì cũng có được chút gì giá trị về mặt khoa học ( đặc biệt là các thuật ngữ ) để cho người đọc, qua đó cũng thấy được niềm vui, sự lạc quan hay sự tin tưởng : Họ làm được thì mình cũng làm được ! Chứ đâu phải vì muốn làm cho nổi bật vai trò người mẹ, mà bi thảm hóa một tình trạng vốn đã bi thảm rồi !

Báo Tuổi Trẻ là một tờ báo có uy tín, lẽ nào không nhận ra được “những điều muốn nói” nằm giữa những hàng chữ trong bài viết này ? Tại sao lại vì những mục đích đó mà khiến cho những gia đình có con Tự Kỷ, không có đường xuất ngoại qua Mỹ “chữa bệnh” cho con sẽ phải rơi vào tuyệt vọng? Trong khi biện pháp tốt nhất chính là tình thương và sự hiểu biết đúng đắn về tình trạng này, mà điều đó thì đâu phải đi sang tận Michigan mới tìm được ? Nó nằm ngay ở mỗi gia đình, trong trí tuệ và trái tim của những người mẹ, người cha và của những người đang ngày đêm quan tâm đến tình trạng này trên chính đất nước của chúng ta !
Lê Khanh

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Buôn thần - Bán thánh : Điều phải đến đã đến

Lễ hội : Khiếp !

Tết năm nay, bên cạnh những mảnh đời héo úa vì Hoa - cũng có những mảnh đời trúng mánh vì nhang đèn ! Nhưng vượt lên trên những thịnh - suy của số phận, những sự tàn tệ ở các chỗ hội hè, đình đám - Tự nó đã nói lên một quy luật tất yếu của cuộc sống: Chính sách đem thần thánh ra kinh doanh để hòng đem lại cho người dân và cả cộng đồng quốc tế có cái ảo tưởng về tự do tín ngưỡng đã thu lại được những kết quả tàn hại, từ những đống rác ngập ngụa chốn linh thiêng, từ những ngẫu tượng chìm ngập trong những đồng tiền bẩn thỉu, cho đến những đống rác ngập ngụa trong đầu óc của những con người được xem là sản phẩm của nền kinh tế "thị trường" khi họ đến với lễ hội, đến với thánh thần không phải bằng tấm lòng thành, mà bằng những tính toán nhỏ nhen, ích kỷ : Cúng cho thần thánh vài bó nhang, vài nắm vàng mã, một mớ tiền lẻ để đổi lấy, thần thánh phải cho họ nhất bản vạn lợi - mua quan bán tước hanh thông, đầu cơ tích trữ thuận lợi !
Chỗ thánh thần đã thế, ngay cả những vùng đất văn hóa ngàn năm, đất quan họ Kinh Bắc, với những làn điệu dân ca nghìn đời, đã bị cái phong trào "nghìn năm Thăng Long" nó ám cho để trở thành một thứ Hội không ra hội - chợ không ra chợ - Để cho những "liền anh - liền chị" phải hát quan họ trên những hồ nước mà trên là rác, dưới cũng là rác, chung quanh cũng là rác - có những thứ rác do con người thải ra, và cũng có những đầu óc, tư tưởng là những đống rác !
Nhìn cảnh tượng các "quan lại" bộ Giáo Dục hì hục đóng các dấu ấn triện lên những tờ giấy vàng để gọi là tái hiện cảnh xưa, sao mà thấy vừa phường tuồng, vừa giả dối mà lại vừa đáng sợ đến nhường nào ! Trong một đất nước, ra ngõ là gặp tiến sĩ nhưng công trình nghiên cứu khoa học của cả nước cộng lại chưa bằng một góc công trình nghiên cứu của một trường đại học Thái Lan, mà các quan "bộ Thư" của một đất nước "Phát triển nhanh nhất Châu Á trên con đường Công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng ...miệng " lại cứ hì hục cúng cúng tế tế như ở thế kỷ 19 thì quả thật là ...khiếp thật !Bái phục ! Bái phục !

Tết Nguyên Tiêu Canh Dần 2010

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Cám ơn vì nới lỏng dây siết cổ

Ngăn sông - cấm chợ ở thế kỷ 21
Năm hết - Tết đến, nhà nước lại hô hào mọi người đóng góp để giúp người nghèo ăn tết theo truyền thống "của người phúc ta" tiền thì do người dân đóng - ta thì có công mang cho và mọi người được tặng phong bì vài trăm ngàn phải nhớ ơn ta suốt năm - nhờ có 200 nghìn mà người nghèo có cái tết !
Bên cạnh hoạt động nhân đạo đó, còn có hoạt động cũng đầy nhân ái, đó là mọi năm gần chục năm qua, bến sông quận 8 là nơi các ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây cặp bến đê xuống hoa, kiểng cho ngày tết . Cả năm lụi cụi trồng hoa chăm kiểng, để hy vọng cuối năm, sau bao nhiêu vất vả chăm bón, rồi chèo chống cơm ghe bè bạn mang những cánh hoa đồng nội để phục vụ người dân thành phố, kiếm chút tiền về mua rau cháo cho vợ con - Đùng một cái, lên đến nơi mới biết là chỗ bến thuyền mà mình vẫn hàng năm xuống hàng, nay không được cập bến nữa - mà tàn nhẫn, dã man nhất là không hề có một thông tin nào báo trước, không hề có một chỗ nào để thay thế, chỉ biết cấm và cấm -
Về nguyên tắc, thì việc này cũng giống như việc cấm xe ba bánh chạy trong nội thành - nhưng dù vô lý đến đâu thì cũng ít ra có sự báo trước, rồi gia hạn cả năm - dù ai cũng biết là cấm xe ba bánh là chuyện phi thực tế, vì chưa có loại xe nào có khả năng thay thế mà vẫn cấm.
Nhưng cái chuyện cấm không cho ghe kiểng xuống hàng, rồi sau đó bị kêu rên quá bèn "gia ơn" bằng cách cho xuống có thời hạn vào buổi tối và phải giải quyết nhanh - mà vẫn duy trì lệnh cấm, nó đâu có nhẹ nhàng như chuyện cái xe ba bánh ! Giam hoa cho nó héo gần hết, rồi gia ơn bằng cách bắt người ta phải bán cho nhanh - làm như hoa là gạo nhu yếu phẩm vậy,- Sau đó quay phim chụp hình bắt người dân cám ơn vì cái lệnh nới lỏng dây siết cổ - quả thực là kỳ tài, chỉ có những đầu óc siêu tưởng mới có thể nghĩ ra nổi !
Ai cũng biết, hoa kiểng là thứ mua chơi ba ngày tết - năm nay tình trạng suy thoái kinh tế, nên chắc chắn việc mua chơi hoa kiểng không bằng được mọi năm, người dân đã một nắng hai sương để hy vọng bám đất mà sống - trong khi đã có biết bao người nông dân khác, đã phải nộp hết đất đai để cho những dự án kinh doanh nước ngoài khai thác, biến những người chủ đất thành kẻ làm công.
Bây giờ, những người chủ còn sót lại - trong đó có những người trồng hoa kiểng, lại phải đối diện không chỉ với một cái tết buồn - ăn tết với hoa kiểng héo úa trừ cơm - mà còn phải đối diện với một tương lai bất định, khi mà chỗ bán hàng không còn nữa, buộc họ phải bán cho thương lái với giá lỗ vốn -
Đó là sự chăm lo và quan tâm đến người dân một cách "tận tình" của những kẻ "đạo đức giả" là như thế đó !
Cuối năm con trâu - nơi TP. Kẹt Xe vô lý nhất thế giới !

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Diẽn Đàn Trẻ em

Mỗi năm một lần, các em học sinh được cho phép ngồi lại,được phép nói lên những suy nghĩ đã được duyệt trước của mình về những vấn đề xã hội mà các phương tiện truyền thông được phép phổ biến. Tất cả điều đó gọi là Diễn Đàn Trẻ em !
Những vấn đề các em nói, không có gì lạ vì đó là những điều nhức nhối đã có từ lâu như bạo lực học đường, lô cốt đầy đường,chương trình học nặng nề, quá tải, việc giáo dục kỹ năng sống chỉ mang tính hình thức... Nhưng dẫu sao các em cũng đã được : " luôn luôn lắng nghe ( trong hội nghị này ) nhưng chắc chắn là sau vài lời tuyên bố hoa mỹ của bà PPT, thì mọi việc vẫn như cũ, và đó là điều thành công tốt đẹp của diễn đàn trẻ em !
Không thể trách ai, từ các em cho đến bà chủ tịch HDND TP, vì tất cả đều chỉ có quyền nói và chỉ có thế mà thôi ! Bạo lực học đường thì cứ việc thưa công an, lô cốt thì cứ kiến nghị giao thông, hay như một ông chủ quán nhậu, muốn cái lô cốt trước nhà mình mau mau dời đi, bỏ ra 20 triệu... y như có phép lạ 3 ngày sau lô cốt biến mất - nhưng tiệm ông vẫn ế, vì đầu đường vẫn còn lô cốt, do những người dân khúc đó không chịu chơi bằng ông, dám bỏ ra 20 triệu !
Còn kỹ năng sống ? dạy làm mẫu thôi vì ngay cả giáo viên cũng có biết thế nào là KNS đâu ? cứ nghĩ KNS là giống như mấy bài văn mẫu, thày đọc trò ghi là xong - vậy cứ dạy mẫu xong rồi báo cáo là đã dạy các em biết thế nào là quyết định, thế nào là từ chối, thế nào là tự tin - còn các em có biết vận dụng vào cuộc sống của mình hay không, thì đó đâu phải là chuyện của nhà trường !
Tóm lại - hết sức hoan hô diễn đàn trẻ em - mỗi năm môt lần, đến hẹn lại lên, họp nhau lại để mọi người vỗ tay khen ngợi các em và cái áo dài rất đẹp của bà chủ tịch - hoan hô !