Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Bàn về Y Đức

Đàm đạo chuyện đạo đức, khoa học, y tế


Tuần vừa qua, báo soha.vn gửi một loạt câu hỏi và có nhã ý mời tôi trả lời. Lần đầu tiên tiếp xúc với soha.vn, mà tôi hoàn toàn chưa nghe đến trước đây, và cũng trong tình trạng bận rộn chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới nên cũng phân vân chưa dám nhận lời. Nhưng thấy họ làm việc cũng professional nên cảm thấy yên tâm, và câu hỏi cũng hay nên thấy cũng xứng đáng tiêu thì giờ bàn chuyện. Thế là tối về trả lời một mạch. Kèm theo đây là những câu hỏi và trả lời.

1- Thưa Giáo sư, ông đã từng nói có một sự “sòng phẳng của lịch sử” trong đó công lý phải được tôn trọng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều y bác sỹ quá coi nhẹ tính mạng của con người. Chất độc dioxin có thể không còn được sử dụng ở Việt Nam nữa, nhưng những “mũi tiêm độc” thì vẫn còn, giết chết nhiều sinh mạng. Liệu sự vô tâm, bất cẩn của người làm ngành y có thể bị coi là một tội ác?

Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Tôi nghĩ có nhiều khác biệt giữa câu chuyện dioxin (hay chất độc da cam) và những “tai nạn” y khoa trong thời gian gần đây. Chuyện dioxin xảy ra trong thời chiến và nó được sử dụng như là một phương tiện có chủ đích là khai quang. Còn các tai nạn y khoa xảy ra gần đây phần lớn là do chểnh mảng và kém ý thức, chứ không có chủ đích gây hại. Chẳng hạn như vụ tiêm vắc-xin dẫn đến tử vong cho hàng loạt trẻ em là một tai nạn lớn và rất nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ không một ai làm việc phòng chống bệnh cố ý gây tác hại đến cộng đồng cả.

Những bất cẩn, hay tôi gọi là “chểnh mảng”, rất đáng lên án, nhưng tôi không muốn nghĩ đến như là tội ác. Ở nơi tôi đang làm việc, chểnh mảng trong công việc để gây thương tật hay tử vong cho người khác được xem là một tội hình sự. Luật pháp về an toàn ở Úc rất nghiêm ngặt. Mỗi tuần chúng tôi đều có nhiệm vụ kiểm tra và cảnh giác những người công tác trong viện về an toàn; nếu người dưới quyền tôi để cho tai nạn nghiêm trọng xảy ra, thì tôi là người bị mất chức đầu tiên, và sau đó là viện trưởng chứ không phải là người cộng sự của tôi. Tôi có cảm giác là ở Việt Nam người ta chưa có những qui trình về an toàn trong viện, hay có thì cũng chẳng ai quan tâm. Ngay cả việc kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện là điều hết sức cơ bản mà hầu hết các bệnh viện ở VN đều chưa đạt chuẩn mực. Do đó, tai nạn có thể xảy ra đây đó là một điều không khó hiểu; khó hiểu chăng là những tai nạn này xảy ra hết năm này đến năm khác.

2- Thưa Giáo sư, tôi không biết ở Úc thì ra sao, nhưng ở Việt Nam thì thời gian đào tạo sinh viên y khoa dài hơn các ngành học khác. Có ý kiến cho rằng, do thời gian đào tạo dài và tốn kém nên sinh viên sau khi ra trường đã cố gắng tìm mọi cách để "thu hồi vốn", bất chấp y đức... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

NVT: Thời gian đào tạo bác sĩ ở đâu cũng tương đương nhau. Nếu tuyển thẳng từ trung học thì thời gian là 5-6 năm; nếu tuyển từ những người đã có bằng cử nhân thì thời gian là 4 năm. Tuy nhiên, thời gian đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở VN thì ngắn so với nước ngoài. Thật ra, hệ thống đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở VN cũng rất khác với các nước trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Chương trình học cũng khác. Sinh viên y khoa nước ngoài không học các môn học về chính trị và triết, thay vào đó họ học về khoa học xã hội và y đức.

Tôi không thấy bằng chứng gì về tương quan giữa thời gian đào tạo và y đức. Bác sĩ ở các nước như Úc và Mĩ trước khi hành nghề phải qua đào tạo ít nhất 9 năm, và tốn khá nhiều tiền, nhưng họ không có “tai tiếng” về đạo đức như đồng nghiệp bên Việt Nam. Y đức bao gồm những qui ước và nguyên tắc về quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Y đức có khi thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa điạ phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lí thì vẫn không thay đổi: không làm hại bệnh nhân. Do đó, tôi nghĩ thời gian đào tạo và y đức là hai khía cạnh rất khác nhau.

3- Ở các nước phát triển, thu nhập của các bác sĩ là tương đối cao, và đó là thu nhập hoàn toàn minh bạch. Còn ở Việt Nam, thu nhập được coi là minh bạch của bác sĩ (như tiền lương) lại khá thấp. Giáo sư có cho rằng đồng tiền là yếu tố quyết định sự tồn vong của y đức? Và bác sĩ phương Tây dễ “giữ mình” hơn vì họ được trả lương cao hơn?

NVT: Nếu tính bằng đơn vị tiền tệ tuyệt đối (như USD chẳng hạn) thì thu nhập của bác sĩ ở nước ngoài tương đối rộng rãi (chứ không phải cao như nhiều người nghĩ) so với đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng nếu tính tương đối và điều chỉnh cho chi phí và điều kiện kinh tế địa phương thì tôi nghĩ sự khác biệt giữa hai nhóm không cao như nhiều người tưởng.

Nhiều người than phiền rằng lương bác sĩ VN quá thấp, và tôi cũng thấy như thế. Thật ra, tôi có lần nói rằng chưa có nơi nào trên thế giới có những qui định về đồng lương cho bác sĩ kì quặc như ở VN, và tôi xem đó là một hình thức khinh thường bác sĩ. Tuy nhiên, tôi thấy ở các thành phố lớn, bác sĩ ở VN giàu hơn bác sĩ nước ngoài, và đó là một thực tế. Có thể ghé qua những bệnh viện lớn (như Bạch Mai chẳng hạn), chúng ta sẽ thấy bác sĩ ở đó giàu như thế nào, và họ cũng thường hay đi nước ngoài. Do đó, trong thực tế một bộ phận bác sĩ ở VN không hề nghèo như nhiều người than phiền.

Theo tôi thấy thu nhập thấp có thể làm cho người thầy thuốc nhắm mắt làm lơ các qui chuẩn về y đức, nhưng đồng tiền chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất chi phối đến y đức. Tôi biết nhiều bác sĩ ở VN tuy thu nhập không cao và cũng chẳng có xe hơi, nhưng họ không hề làm gì đi ngược lại lời thề Hippocrate và vi phạm y đức. Vẫn còn nhiều người thầy thuốc “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Do đó, tôi nghĩ không phải chỉ đồng tiền, mà là cái tâm nó chi phối đến y đức.

4-Thưa Giáo sư, tôi đọc những bài viết của Giáo sư, thấy nhiều bài rất hay nói về các chức danh trong khoa học. Ở Việt Nam hiện nay, nói riêng trong ngành y thì hình như cứ làm lãnh đạo là đều có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sỹ gì đó… Theo ông, đó có phải là một sự lãng phí không (lãng phí về tay nghề chuyên môn, về chức danh, hay lãng phí vị trí lãnh đạo đó…)? Tiêu chuẩn để lựa chọn lãnh đạo trong ngành y ở Úc là gì, thưa ông?

NVT: Ở Việt Nam có một xu hướng thú vị là người ta đặt ra những tiêu chuẩn về học vị và học hàm cho những chức danh hành chính và quản lí. Do đó, hệ quả là nhiều bác sĩ phải đi học để có những văn bằng như tiến sĩ, và phấn đấu để có học hàm như giáo sư, phó giáo sư. Văn bằng tiến sĩ và các chức danh học thuật đó chủ yếu là thuộc về lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khoa học. Thế nhưng ở Việt Nam, văn bằng tiến sĩ và học hàm đó là cứu cánh nhưng cũng là phương tiện để họ tiến vào những vị trí quản lí hay nói nôm na là “làm quan”. Xu hướng làm quan này làm phí nhân lực cho nghiên cứu khoa học. Hệ quả là VN có rất ít công trình nghiên cứu y khoa trên các tập san y khoa quốc tế. Ngay cả số công trình trên các tập san quốc tế thì phần lớn (gần 90%) là do ngoại lực chứ không phải nội lực. VN có nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành y, nhưng đóng góp cho khoa học thì còn rất khiêm tốn.

Ở Úc, tiêu chuẩn lãnh đạo còn tuỳ thuộc vào uy danh của trường hay bệnh viện. Tôi có thể nói ở viện tôi (Viện Y khoa Garvan) thì tiêu chuẩn tuyển lãnh đạo khá rõ ràng: đó là người có viễn kiến (vision) và chiến lược để thực hiện viễn kiến đó; phải chứng minh được có khả năng lãnh đạo và quản lí; phải có một thành tích nghiên cứu xuất sắc đứng vào hạng 1% trong chuyên ngành trên bình diện thế giới. Đó là những tiêu chuẩn về chiến lược, kĩ năng lãnh đạo, và thành tích khoa học. Nhưng tôi nghĩ rất khó so sánh hay áp dụng tiêu chuẩn của các nước phương Tây cho Việt Nam vì những khác biệt về trình độ khoa học, môi trường văn hoá, môi trường học thuật, và thể chế.

5- Theo ông, những “căn bệnh” nguy hiểm nhất của y tế Việt Nam hiện nay là gì? Cội rễ của những căn bệnh này là do đâu? Có “thuốc” nào chữa trị dứt điểm được không?

NVT: Tôi phải nói trước rằng tôi không làm việc trong nước nên chỉ có thể nói theo cái nhìn của người ngoài cuộc, và có thể cái nhìn đó không chính xác, thậm chí sai. Theo tôi, ngành y tế ở trong nước có những vấn đề nổi cộm: quá tải, chi phí điều trị cao so với thu nhập, và đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng quá tải đã xảy ra khá lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Chi phí điều trị ở VN tuy còn thấp nếu tính bằng đôla, nhưng không thấp đối với người nghèo. Giá thuốc ở VN có thể nói là khá cao so với nước ngoài. Tôi đã từng biết có người tự tử chết vì cái toa thuốc chưa đến 1 triệu đồng. Còn vấn đề y đức thì đã quá phổ biến đến nổi mở bất cứ tờ báo nào, theo dõi bất cứ diễn đàn nào, chúng ta cũng đều thấy đề cập đến vấn đề đạo đức trong ngành y.

Hệ quả là ngành y đánh mất sự tin tưởng ở một bộ phận lớn công chúng. Những người có điều kiện tài chính đều chọn điều trị ở nước ngoài. Ngay cả một số quan chức cao cấp cũng được điều trị ở bệnh viện nước ngoài. Câu hỏi “do đâu” là một câu hỏi đắt giá, và khó có thể nói đầy đủ trong một bài viết. Tôi nghĩ “trái tim” của bất cứ vấn đề gì là con người. Khi nói “con người” tôi muốn nói đến hai khía cạnh: chuyên môn và phẩm chất. Có thể nói rằng sự phát triển ngành y và chất lượng đào tạo trong ngành y không/chưa theo kịp sự gia tăng về nhu cầu sức khỏe.

Một yếu tố tôi nghĩ đến là năng lực quản lí. Rất dễ dàng thấy mỗi khi có “sự cố” xảy ra, thì các quan chức thường hành xử bằng thanh tra và … chỉ thị. Chỉ thị qua công văn trên giấy tờ. Cấp trên cho rằng họ đã chỉ thị cấp dưới, và cấp dưới lại chỉ thị cho cấp thấp hơn, v.v. cuối cùng chúng ta thấy người làm thực tế thì ít mà người chỉ thị thì khá nhiều. Hình như người ta cho rằng đã ra chỉ thị hay đã ra nghị định gì đó là xong phần việc của họ, còn thực hiện hay không là chuyện khác. Đó là một mô hình, một loại tư duy quản lí rất lạ lùng.

6- Thưa Giáo sư, nếu quy trách nhiệm về hiện trạng ngành y Việt Nam hiện nay (sau hàng loạt bê bối như nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức, sai sót khi tiêm vắc xin khiến trẻ tử vong) cho một số cá nhân thì có chính xác không? Theo ông, chỉ thay đổi một vài cá nhân thì có thay đổi được hiện trạng không?

NVT: Tôi nghĩ mỗi sự việc đều có nguyên nhân đặc thù đằng sau mà có lẽ người ngoài như chúng ta khó mà biết được. Vụ “nhân bản xét nghiệm” có thể đã xảy ra từ lâu và ở nhiều nơi, nhưng chỉ mới bị phát hiện ở một bệnh viện. Đó là cách mà người ta “làm tiền” bảo hiểm. Cũng có thể xem đó là một hình thức ăn cắp một cách có hệ thống, và người bệnh chính là nạn nhân vì người bệnh chi trả cho các phí tổn đó.

Vụ tiêm vaccine dẫn đến tử vong cho vài trẻ em thì quả là một “tai nạn” rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng là vì dẫn đến tử vong cho cả chục trẻ em. Ấy thế mà có người xem đó là một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được. Thật là khó hiểu và khó chấp nhận lí luận “rủi ro có thể chấp nhận” khi hàng chục trẻ em chết vì tiêm vaccine hay tiêm nhầm vaccine!

Những sai sót hay tai nạn vừa đề cập xảy ra là đáng tiếc, nhưng tôi nghĩ không nên tập trung vào những cá nhân. Nói ví von một chút, ở Mĩ, khi một đội bóng đá của trường đại học thắng, người ta tìm một nhân vật tiêu biểu để vinh danh; nhưng khi đội bóng đá thua trận thì người ta cấm tuyệt đối không đổ thừa cho cá nhân, mà phải xem xét lại qui trình tại sao dẫn đến thua trận. Tương tự, khi tai nạn xảy ra chúng ta cần phải xem xét lại hệ thống và qui trình, chứ không phải cá nhân. Hệ thống quản lí như thế nào mà để ra vụ nhân bản xét nghiệm. Qui trình tiêm chủng như thế nào để cho nhầm lẫn vaccine. Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Dĩ nhiên, việc truy tìm cá nhân và qui trách nhiệm sẽ làm cho nhiều người hài lòng vì tâm lí “tôi không có lỗi, họ có lỗi”, nhưng sẽ không giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.

7- Thưa Giáo sư, ở Úc, khi đi khám chữa bệnh, người gốc Việt được đối xử như thế nào? Có sự kỳ thị nào không? Có chuyện phân biệt bệnh nhân giàu - bệnh nhân nghèo không? Chất lượng phục vụ ở bệnh viện công và bệnh viện tư có khác gì nhau không?

NVT: Ở Úc, không bao giờ có sự phân biệt sắc tộc, hay giới tính, thành phần kinh tế, hay bất cứ khía cạnh nào trong các dịch vụ y tế. Phân biệt đối xử có thể xem như là một tội phạm. Rất khó so sánh chất lượng phục vụ giữa bệnh viện công và bệnh viện tư ở Úc vì theo tôi thấy rất tương đương nhau. Trước đây, tôi có tham gia một công trình nghiên cứu về sai sót trong y khoa, và kết quả cho thấy tỉ lệ sai sót trong bệnh viện công có phần thấp hơn (không đáng kể) so với bệnh viện tư.

8- Giáo sư đã làm việc ở các cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam bao giờ chưa? Xét về thái độ làm việc, cung cách đối xử với bệnh nhân, ông nghĩ y bác sĩ Việt Nam đạt mấy điểm (ví dụ là trên thang điểm 10)?

NVT: Tôi không có làm việc ở VN, nhưng hay theo bạn bè và bà con vào bệnh viện, và âm thầm theo dõi. Vì thế tôi cũng có vài kinh nghiệm thú vị. Tôi thấy khá nhiều (không phải tất cả, nhưng “khá nhiều”) bác sĩ Việt Nam có thái độ hống hách, phách lối, và hành xử như là người ban ân huệ. Họ xem bệnh nhân như là những người dốt nát, không đáng để họ tốn thì giờ giải thích. Dĩ nhiên, có khi họ quá bận, nhưng tôi đang nói về trường hợp trong bệnh viện và họ có thì giờ để giải thích cho bệnh nhân. Hình như họ không quan tâm đến chữ “service” hay chăm sóc bệnh. Nhưng bên cạnh những người như thế, ngành y vẫn còn những người đàng hoàng và họ làm việc với tinh thần phục vụ, nhưng tôi e rằng con số đó không nhiều. Do đó, nếu phải chủ quan đánh dấu một điểm về dịch vụ và thái độ giao tiếp với bệnh nhân một cách toàn cảnh tôi sẽ cho điểm 3/10.

9- Theo ông thì bao nhiêu năm nữa, Việt Nam mới vươn tới được như nền y tế Úc, chỉ tính riêng về mặt y đức. Hay là không bao giờ?

NVT: Tôi không thích so sánh về các lĩnh vực mang tính định tính như đạo đức, vì bất cứ so sánh nào như thế cũng đều khập khiễng. Vả lại, những chuẩn mực về đạo đức mang tính phổ quát, không phải chỉ có áp dụng cho Việt Nam mà không áp dụng cho nước khác.

Không ai có thể tiên lượng hay tính toán bao lâu nữa nền y tế VN sẽ bằng nền y tế Úc hay một nước tiên tiến nào đó. Y đức là những qui ước về đạo đức hành nghề, chứ không phải là những chỉ tiêu định lượng có thể cân đo đong đếm nên rất khó so sánh bằng con số. Y đức là một phần của hệ thống đạo lí (morality) xã hội. Ở Việt Nam, đã có nhiều tiếng nói về sự suy thoái đạo lí từ những ba mươi năm qua. Chúng ta biết rằng suy thoái về kinh tế thì có thể hồi phục theo thời gian, nhưng hệ quả của suy thoái về đạo đức thì rất khó phục hồi do tính “di truyền” của nó.

10- Giáo sư có thể cho biết, các nước phát triển (trong đó có Úc - nơi ông đang công tác) có quy định nào cụ thể về y đức không? Nếu có thì nó được xây dựng trên cơ sở nào?

NVT: Có chứ. Bất cứ nước nào cũng có qui định về y đức. Các chuẩn mực về y đức được xây dựng trên cơ sở số 1 là không làm hại người bệnh, và dựa trên 4 nguyên tắc chính. Bốn nguyên tắc đó là: (i) tôn trọng quyền tự chủ của cá nhân; (ii) đem lợi ích đến cho người bệnh, giúp người bệnh kiểm soát sức khỏe của họ; (iii) công lí, tức bệnh nhân phải được bình đẳng trong chăm sóc, không được phân biệt đối xử; và (iv) tôn trọng quyết định cá nhân. Sau này, các nguyên tắc về y đức còn được mở rộng cho các hoạt động nghiên cứu y khoa trên người và trên động vật khác (ví dụ như trên chuột). Can thiệp trên chuột cũng phải xin phép ủy ban y đức, phải tuân thủ theo các chuẩn mực đạo đức. Tôi có tìm hiểu những chương trình giảng dạy về y đức ở trong nước, và thấy phần lớn nội dung cũng phù hợp với các chương trình ở nước ngoài, nhưng đây đó vẫn có vài điểm chưa hẳn thuộc về y đức mà có vẻ tuyên truyền chính trị.

11- Xin ông chia sẻ một vài câu chuyện gây bức xúc trong dư luận Úc về vấn đề y đức. Những trường hợp đó bị xử lí như thế nào?

NVT: Rất ít trường hợp vi phạm y đức được đưa lên mặt báo, nhưng khi có thì hình phạt rất nặng. Mấy năm trước, một bác sĩ gốc Việt bị tố cáo sàm sở với nữ bệnh nhân, khi ra tòa, anh ấy bị rút bằng hành nghề. Một bác sĩ cấp cao người Úc vì ham tiền nên ghi danh nhiều bệnh nhân vào một công trình nghiên cứu và vi phạm y đức, nên ông bị ra toà, và hình phạt bao gồm trả lại tiền và bị rút bằng hành nghề suốt đời. Có một trường hợp bác sĩ gây tử vong cho hàng loạt bệnh nhân thì hình phạt có thể là tù giam.

12- Sự khác biệt giữa ngành y tế các nước là tất yếu nhưng rõ ràng sự khác biệt không chỉ nằm ở điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật. Yếu tố con người ảnh hưởng như thế nào đến sự khác biệt này, thưa ông?

NVT: Như nói trên, tôi nhìn yếu tố con người như là trái tim của một hệ thống. Đặc biệt ngành y, yếu tố con người rất quan trọng, vì đó là một ngành nghề mang tính nhân văn chứ không thuần túy khoa học. Bệnh viện có thể có trang thiết bị tốt nhưng không có chuyên viên biết sử dụng thì cũng chỉ là một đống sắt vụn. Có thể nói rằng nhiều bệnh viện lớn ở VN có trang thiết bị không kém gì so với bệnh viện nước ngoài, nhưng tại sao bệnh viện VN vẫn chưa tạo được cái uy tín và uy danh quốc tế. Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở phẩm chất và chuyên môn của nhân sự ngành y và môi trường chung quanh. Cho dù ngành y có những bác sĩ rất tài giỏi nhưng môi trường chung quanh (như nhiễm trùng bệnh viện chưa kiểm soát được) và dơ bẩn thì ấn tượng để lại trong “khách hàng” không mấy đẹp.

13- Một vị lãnh đạo ĐH Y có nói rằng: "Một sinh viên học đầy đủ y đức trong trường Y là có thể chắc chắn trở thành bác sỹ có y đức", ông có đánh giá như thế nào về vai trò của việc dạy y đức trong nhà trường? Có phải cứ dạy đủ y đức là sẽ có bác sĩ có y đức, bất luận môi trường xã hội ra sao?

NVT: Tôi rất có cảm tình với nhận xét của vị lãnh đạo, nhưng tôi thấy khó chia sẻ nhận xét đó. Chúng ta nên nhớ rằng có tình trạng “trả chữ cho thầy”. Y đức là một bộ phận của hệ thống đạo lí xã hội. Người bác sĩ tương tác với xã hội và chịu sự chi phối của môi trường đạo lí xã hội. Do đó, cho dù người bác sĩ đã học về y đức trong nhà trường, nhưng khi tiếp xúc với môi trường ngoài xã hội có thể bị lệch. Vấn đề còn là giảng dạy y đức theo chương trình nào nữa. Vấn đề cần đặt ra vì những điều lệ về y đức của VN hiện nay rất khác với điều lệ y đức trên thế giới.

14- Thưa Giáo sư, ông có thể khái quát về quá trình đào tạo bác sĩ ở Úc hiện nay? Nó khác như thế nào so với Việt Nam? Đã từng thỉnh giảng ở một số đại học Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về khả năng của sinh viên và khả năng đào tạo y khoa ở Việt Nam? Theo ông điều gì sinh viên ngành y Việt Nam đang thiếu so với sinh viên ngành y ở Úc?

NVT: Ở Úc có 2 mô hình đào tạo bác sĩ. Mô hình thứ nhất có thể tạm gọi là “mô hình cử nhân”; theo đó, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xuất sắc được tuyển chọn qua kì thi và phỏng vấn cá nhân. Sinh viên được tuyển thường theo học 5-6 năm (tuỳ trường) và tốt nghiệp với bằng cử nhân y khoa và cử nhân giải phẫu (MBBS). Mô hình thứ hai là mô hình sau đại học, các thí sinh đã tốt nghiệp cử nhân với hạng xuất sắc muốn theo học y khoa sẽ được tuyển chọn qua một kì thi và phỏng vấn cá nhân. Với mô hình thứ hai, sinh viên theo học y khoa 4 năm, và cũng tốt nghiệp với văn bằng MD (doctor of medicine).

Chương trình huấn luyện cấp cử nhân (MBBS hay MD) thường được cơ cấu thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là chương trình học cơ bản (7-8 course), như quá trình phát triển của một cá nhân, lão hoá, môi trường, xã hội, và y đức. Giai đoạn 2 là học tiền lâm sàng. Giai đoạn 3 là tập trung học về lâm sàng, nhưng vẫn học khá nhiều môn về khoa học cơ bản và khoa học xã hội. Nhìn qua chương trình đào tạo ngành y ở VN (tôi chỉ nói các trường lớn và tương đối lâu đời) tôi thấy không khác so với các trường bên Úc. Nhưng trong thực tế thì có sự khác biệt lớn về nội dung và cơ sở vật chất giữa Úc và Việt Nam. Ở Úc và nhiều nơi trên thế giới (ngay cả Thái Lan), sinh viên y khoa học khá nhiều về khoa học cơ bản và sinh học với thực hành trong labo, nhưng ở VN thì vẫn còn thiếu thầy cô có kinh nghiệm và labo cho sinh viên. Vì thế không ngạc nhiên khi rất nhiều bác sĩ VN chưa cập nhật nổi những kiến thức cơ bản về sinh học, di truyền học, và sinh hoá vốn rất quan trọng cho ngành y.

Rất khó đánh giá chất lượng đầu ra của các trường y bên VN vì tôi không có dữ liệu. Nhưng có thể so sánh với một số nước chung quanh về tỉ lệ thi tuyển y khoa. Ở Úc, các bác sĩ tốt nghiệp ở ngoài nước Úc có thể hành nghề y nếu họ qua một kì kiểm định về kiến thức và kĩ năng lâm sàng do Hội đồng Y khoa Úc điều hành. Kết quả kiểm định của các bác sĩ tốt nghiệp từ Việt Nam không được khả quan. Chẳng hạn như năm 2009, có 19 bác sĩ thi về kiến thức y khoa, và chỉ có 7 người (~37%) được đỗ. Tỉ lệ này tương đối thấp khi so với bác sĩ Miến Điện (100% đỗ), Ấn Độ (52%), Nam Phi (68%), và Trung Quốc (43%). Tỉ lệ bác sĩ tốt nghiệp từ Việt Nam đỗ về lâm sàng cũng chỉ dao động trong khoảng 30-50%, và thấp hơn các bác sĩ từ các nước như Philippines, Ấn Độ và Miến Điện.

15- Trong một bài viết của có tựa đề "Y đức và đạo lý", ông cho rằng GPTM không thuộc ngành y, vậy theo ông, trách nhiệm vụ bác sĩ thẩm mỹ phi tang thi thể nạn nhân thuộc về đâu? Ông đã bao giờ nghe đến trường hợp bác sĩ làm chết rồi phi tang xác như trường hợp của bác sĩ Tường trên thế giới chưa ạ?

NVT: Tôi viết rằng xét trên khía cạnh mục tiêu và đối tượng thì GPTM không thuộc ngành y. Tôi chỉ nói giải phẫu thẩm mỹ (cosmetic surgery) chứ không đề cập đến giải phẫu chỉnh hình (constructive surgery). Dĩ nhiên, quan điểm đó của tôi không được nhiều người tán thành, và người ta có thể phản đối bằng cách chỉ ra rằng bác sĩ làm phẫu thuật thẩm mĩ là … bác sĩ. Cố nhiên, tôi cũng có thể chỉ ra rằng một người xuất thân là bác sĩ cũng có thể kinh doanh. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật làm đẹp ứng dụng kỹ năng y khoa, kiến thức khoa học để đem lại cái đẹp cho khách hàng rất khác với bác sĩ điều trị bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh.

Tôi chưa bao giờ nghe hay biết bác sĩ thẩm mỹ nào phi tang thi thể nạn nhân như vị bác sĩ ở Hà Nội. Có lẽ đó là một trường hợp đầu tiên trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ không nên nhân một trường hợp cá biệt mà suy luận về tình trạng y đức cho toàn ngành y.


NGUYỄN VĂN TUẤN 

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

SỰ NGU DỐT CÓ HỆ THỐNG

 

Những ngộ nhận về học vị tiến sĩ

Hai tuần qua, dù bận đi công tác ở bên Mĩ, tôi vẫn thỉnh thoảng vào mạng đọc báo để theo dõi tình hình trong nước, và thấy nhiều sự kiện mà tôi rất muốn bình luận nhưng vì quá bận rộn nên đành “lực bất tòng tâm” do không có thì giờ. Hôm nay, việc phó hội cũng đã xong xuôi, nên lại có thì giờ để góp nhặt vài lời để gọi là “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Hôm nọ, đọc một tin rất lạ mà thoạt đầu tôi mỉm cười một mình vì nghĩ rằng phóng viên có trí tưởng tượng phong phú quá: đó là bản tin cho biết “Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy ‘quản’ là tiến sĩ”. Nhưng tôi nghĩ sai: phóng viên tường thật hoàn toàn chính xác về chủ trương của chính quyền và đảng ủy Hà Nội, vì hôm sau có một quan chức của Sở nội vụ Hà Nội lí giải rằng cần phải “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”. Vị quan chức này, với danh xưng tiến sĩ, chính là tác giả của “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố”.

Nếu xem chủ trương nâng cấp 100% cán bộ diện thành ủy có bằng tiến sĩ thì quả thật ông tiến sĩ này có tư duy đột phá. Nhưng chữ “đột phá” ở đây phải hiểu là phá hoại cái ý nghĩa của học vị tiến sĩ một cách đột ngột. Để hiểu cách diễn giải đó, thiết tưởng tôi có nhiệm vụ giải thích mục tiêu và ý nghĩa của học vị tiến sĩ.

Học tiến sĩ để làm gì ?

Học vị tiến sĩ thường dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” quốc tế, cũng giống như muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ. Do đó, trong quá trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải làm quen với những kĩ năng cơ bản như phát hiện vấn đề, cách đặt giả thuyết, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu (kể cả đo lường), phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, v.v… Đây là những kĩ năng mà bất cứ một nghiên cứu sinh tiến sĩ nào cũng phải có sau khi xong chương trình đào tạo.

Do đó, để có được học vị tiến sĩ, thí sinh phải làm nghiên cứu khoa học một cách nghiêm chỉnh. Hai chữ “nghiêm chỉnh” ở đây rất quan trọng trong trường hợp Việt Nam, bởi vì rất rất nhiều nghiên cứu khoa học ở trong nước chẳng những không nghiêm chỉnh mà còn phạm quá nhiều sai sót. Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị kinh doanh, quản trị hành chính, thì học vị tiến sĩ không cần thiết, và thí sinh không nên tốn thì giờ để đạt được học vị này.

Học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. Học vị tiến sĩ là một “chứng từ” để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (academic career). “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến sĩ. Tại sao? Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này phải làm nghiên cứu khoa học. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng không phải ai có bằng tiến sĩ đều có thể trở thành giáo sư.

Do đó, nếu thí sinh muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính (MBA – Master of Business Administration). Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn luyện Tiến sĩ quản trị hành chính (Doctor of Business Administration), nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư. Xin nhắc lại: cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.

Những ngộ nhận về tiến sĩ

Do đó, chủ trương hướng tiến sĩ hóa cán bộ hành chính thể hiện một sự hiểu lầm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Chủ trương này sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều người tìm cách theo học để lấy được một học vị tiến sĩ, nhưng động cơ của việc theo học thì lại quá sai lầm. Những sai lầm về động cơ theo học tiến sĩ, theo tôi, có thể tóm lược trong những ngộ nhận phổ biến sau đây:

Ngộ nhận 1: nhiều người hiểu lầm rằng học vị tiến sĩ sẽ tự động đem lại uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ. Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, là một minh chứng rằng người có bằng đó “trưởng thành” trong khoa học, chứ nó (văn bằng tiến sĩ) chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị.

Ngộ nhận 2: ý kiến của một cá nhân được nâng cao chỉ vì cá nhân đó có văn bằng tiến sĩ. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ. Nhưng niềm tin này chỉ là hoang tưởng. Người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác. Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.

Ngộ nhận 3: học vị tiến sĩ là mục tiêu sau cùng trong học hành, nghiên cứu. Học vị tiến sĩ chuẩn bị thí sinh vào sự nghiệp nghiên cứu. Nếu thí sinh chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không nên theo đuổi học vị tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác. Thí sinh sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính thí sinh tiến hành và hoàn tất.

Ngộ nhận 4: học tiến sĩ để gây ấn tượng trong gia đình và bạn bè. Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai. Nhưng văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội. Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”.

Ngộ nhận 5: học vị tiến sĩ là cái cớ để thử trí thông minh. Nhiều người nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi trò thách thức xem tri thức của mình cỡ nào. Rất tiếc, quan điểm này sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân não hay để thử khả năng tri thức. Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”. Như nói trên, thí sinh phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.

Ngộ nhận 6: học tiến sĩ để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.

Ngộ nhận 7: học tiến sĩ là một lựa chọn tốt nhất. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn đó. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc phát biểu này, nhưng đó là một thực tế. Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một lựa chọn sai lầm! Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường. Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.

Đột phá tư duy ?

Quay lại câu nói bất hủ (“Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”) tôi muốn trích lại lời thuật của Gs Đặng Phong (trong trang blog của Huy Đức) như sau: “Một lần, ông Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đến thăm xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo, một điển hình đổi mới lúc đó. Xí nghiệp này khi sắp bị phá sản đành phải mời một ông chăn vịt vốn là người thạo nghề đánh cá hồi trước 1975 làm giám đốc. Ông đòi được toàn quyền ‘khoán’ cho xã viên và xí nghiệp trở nên làm ăn rất hiệu quả.” Gs Đặng Phong kể tiếp: “Sau khi thăm và hỏi chuyện ở Xí nghiệp, ông Viện trưởng Viện Hàn Lâm Liên Xô hỏi các cán bộ ở trường Quản Lý Trung Ương: ‘Các anh có biết bí quyết thành công của ông giám đốc là gì không?’ Và, ông Viện trưởng đáp: ‘Đồng chí ấy thành công vì đồng chí ấy chưa được học qua lý luận’. Đổi mới trong giai đoạn ấy chủ yếu đều bắt đầu từ những nhà lãnh đạo địa phương chưa qua các trường lớp chính quy lý luận.”

Câu chuyện đơn giản trên cho thấy không phải có bằng tiến sĩ mới có tư duy đột phá. Thật ra, những gì gọi là “đột phá” đều phần lớn xuất phát từ những người không bị ràng buộc bởi những lí thuyết, không có bằng cấp đại học (chứ chưa nói đến học vị tiến sĩ). Cứ nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế ở các nước phương Tây thì rõ: có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị có bằng tiến sĩ đâu. Ở nước Úc tôi đang định cư, cựu thủ tướng Paul Keating được xem là một thủ tướng tài ba, một người có tầm nhìn xa và đột phá trong chính sách ngoại giao cũng như kinh tế. Ông Keating được xem là một thủ tướng giỏi, không phải vì ông có bằng cấp cao, mà vì ông biết dùng người có tài. Thật vậy, ông Keating thậm chí chưa tốt nghiệp trung học, nhưng người cố vấn và viết diễn văn cho ông là một chuyên gia có bằng tiến sĩ. Dưới “trướng” của Keating cũng là những cố vấn giỏi, nhưng chỉ có một số rất ít trong nhóm cố vấn này có bằng tiến sĩ.

Do đó, xin đừng sùng bái văn bằng tiến sĩ như là một chứng từ cho sự đột phá tư duy. Thật ra, ngược lại thì đúng hơn: phần lớn tiến sĩ không có tư duy đột phá. Điều này đúng, bởi vì phần lớn (có thể 99%) các nhà khoa học với học vị tiến sĩ chỉ làm việc trong những mô thức (paradigm) thông thường, và mô thức này thường được định hướng bởi những nhà khoa học tiền phong khác.

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam

Các trường đại học Âu châu đã từng đào tạo và cấp học vị tiến sĩ về thần học, luật học, y học trong nhiều thế kỉ qua. Nhưng học vị tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỉ 19. Đến giữa thế kỉ 19, học vị tiến sĩ được du nhập vào Mĩ. Năm 1861, Đại học Yale trở thành trường đại học Mĩ đầu tiên cấp học vị tiến sĩ cho sinh viên. Các đại học Anh cũng theo trào lưu và bắt đầu cấp học vị tiến sĩ từ năm 1919. Từ đó, học vị tiến sĩ trở nên phổ biến trong hầu hết các đại học trên thế giới. Ở Mĩ, chỉ tính riêng các bộ môn y sinh học, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm đã tăng từ 5400 năm 1987 đến 7700 năm 1995. Ở Việt Nam, có 144 trung tâm đào tạo và trường đại học cấp học vị tiến sĩ, và mỗi năm các trung tâm này thu nhận vào khoảng 1000 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo thống kê thì hiện nay VN có khoảng 6600 giáo sư và phó giáo sư. Vẫn theo thống kê, trong số 48000 giảng viên đại học, có 13% hay 6250 người có học vị tiến sĩ. Như vậy, có lẽ cả nước có khoảng 12000 tiến sĩ (kể cả những “phó tiến sĩ” sau một đêm thành “tiến sĩ”).

Nhưng trình độ của các tiến sĩ này ra sao? Trong bài Cả nước có bao nhiêu tiến sĩ thật, tác giả phản ảnh nhiều khiếm khuyết trong việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Những lem nhem về đạo văn, đánh tráo luận văn, mua luận văn, nhầm lẫn giữa nghiên cứu khoa học và dịch vụ, giải pháp, v.v… Thật vậy, theo bài báo này, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thì có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ. Chỉ cần đọc qua vài luận án đã được cấp bằng tiến sĩ, có lẽ chúng ta không khỏi mỉm cười:

"Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp lại bộ máy của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố”.

''Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng cuộc sống gia đình hiện nay''.

“Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”

“Phát huy vai trò của tri thức ngành y tế Việt Nam trong công cuộc đổi mới”.

“Lịch sử phát triển giáo dục – đào tạo ở An giang (1975 – 2000)

Đó là chưa nói đến sự lợi dụng chức quyền để có bằng tiến sĩ, mua bán bằng cấp, nghiên cứu ma (giả tạo hay thay đổi số liệu), nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn khoa học hay sai phương pháp, v.v… được đề cập đến với nhiều bức xúc. Trong thực tế, rất nhiều người có học vị này chưa chứng tỏ mình là một nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ, vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lí hơn là những cống hiến mang tính khoa học và hàn lâm mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Do đó có người mang bằng tiến sĩ từ nước ta sang Thái Lan để học nhưng chỉ được công nhận tương đương bằng y tá! Đã có người khẳng định rằng có nhiều luận án tiến sĩ ở trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của một luận án tiến sĩ. Những vấn đề về đào tạo tiến sĩ đã được nêu lên nhiều lần, nhưng hình như vẫn chưa có ai đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ là gì.

Trong bối cảnh như thế mà có quan chức nói đến chuyện có bằng tiến sĩ để có tư duy đột phá!

Như nói trên, học vị tiến sĩ là “giấy thông hành” để làm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm quan trọng của nghiên cứu khoa học là bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Nhưng với 6600 giáo sư và phó giáo sư, cộng với 6250 tiến sĩ, đáng lẽ Việt Nam phải công bố khoảng (ít nhất là) 6000 bài báo khoa học. Nhưng hiện nay, mỗi năm, Việt Nam công bố được chỉ khoảng 1000 bài báo khoa học. Con số này thấp nhất so với các nước khác trong vùng Đông Nam Á, và chỉ bằng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore.

Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ sư” như thế? Hiện nay, trong số GS/PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3 (chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn.

Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê.

Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Chẳng hiểu từ đâu mà có qui định lạ lùng như phải là tiến sĩ mới được làm trưởng khoa trong một đại học, hay được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống quản trị hành chính. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ!

Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.

NVT( NGUỒN : TUAN'S BLOG)

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Một câu chuyện về tình cha



Tình Cha Vô Bờ
 Một câu chuyện thật về tình yêu thương, niềm tin và hy vọng
   Trên đời, những câu chuyện cảm động về tình mẹ có rất nhiều và bàng bạc trong văn chương. Tình mẹ cao thượng hy sinh tất cả cho con là điều không thể chối cãi. Lâu lâu vớ được một câu chuyện về tình cha, xin chia sẻ cùng các bạn.
  Dick Hoyt đáng được tôn vinh là một người cha vĩ đại. Nếu ai đã trải qua cảm giác phải chăm sóc một người tật nguyền lâu năm, ắt sẽ thấy rằng không có một tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu của ông bố Hoyt với cậu con trai chưa sinh ra đời đã bị chẩn đoán mắc bệnh bại não (cerebral palsy), một loại bệnh tĩnh với các tổn thương não đã định hình khó có thể thay đổi.

Khởi đi từ bất hạnh
  Năm 1962, Dick Holt đau xót nhìn đứa con trai chào đời trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán liệt não, sẽ phải sống như thực vật cả đời. Vì tình trạng đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng Dick và Judy nên đưa con vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Tuy nhiên, với lòng thương con vô bờ, Holt cha từ chối lời khuyên đó. Người cha trẻ mới 22 tuổi  để ý thấy đôi mắt của Rick, tên đứa con, biết hướng mắt nhìn theo ông khi ông di chuyển quanh phòng. Vì vậy Dick hy vọng và tin tưởng rằng Rick vẫn có thể suy nghĩ và nhận thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh.
  Thế rồi vợ chồng Dick tìm đủ mọi cách để giúp đứa con tham dự vào mọi sinh hoạt của gia đình.Khi làm bất cứ điều gì, họ cũng tâm niệm rằng Rick đang dõi theo và cố gắng nhận biết tất cả mọi việc, như bất cứ một đứa trẻ nào khác. Đôi vợ chồng nuôi dưỡng niềm tin một ngày con họ có thể giao tiếp được trong một chừng mực nào đó.
    Họ đưa con đến những trung tâm phục hồi chức năng, đến cầu cạnh những nhà nghiên cứu y khoa, cho con tham gia vào tất cả các hoạt động gia đình, vui chơi trong vườn, giúp con tận hưởng niềm vui được bơi dưới nước mà đứa trẻ nào cũng khao khát hoặc đưa Rick đi cùng trong các kỳ nghỉ của gia đìn Nói cách khác, cặp vợ chồng trẻ Dick và Judy đối xử với Rick như đối xử với một đứa trẻ bình thường. Để làm được điều đó, họ phải hy sinh hầu như tất cả những thú vui trong đời, dành hết thì giờ bên Rick, tìm hiểu Rick và tiếp tục nuôi hy vọng.
  Các bác sĩ, dù đã cố thuyết phục bố mẹ Rick rằng họ chẳng có chút hy vọng nào, dù có cố gắng đến đâu. Tuy nhiên, năm 11 tuổi, trong nỗ lực không thể tả được bằng lời, cha mẹ Rick đã thuyết phục các nhà khoa học Trường Đại học Tuft, bang Massachusetts kể cho Rick nghe một câu chuyện hài. Trước sự ngạc nhiên của họ, Rick đã cười. Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã lầm, Rick vẫn nhận biết được thế giới sinh động quanh cậu và cậu rất muốn được tham gia và khám phá thế giới ấy.
  Cuối cùng, người ta làm riêng cho Rick một chiếc máy tính đặc biệt, có thiết bị gắn vào đầu Rick, bộ phận duy nhất trên người cậu có thể cử động được đôi chút. Thiết bị này giúp Rick mã hóa những điều não cậu muốn nói và chuyển thành âm thanh điện tử. Điều đầu tiên mà cậu bé Rick nói với bố mẹ là một môn thể thao. Bậc phụ huynh đáng kính ấy giờ đây biết thêm một điều, niềm đam mê của con trai họ là thể thao.
  Khi chiếc máy mang tên Hi vọng được gắn vào đầu Rick, cậu đồng thời được chấp nhận đến trường học. Cũng trong thời gian này, cậu bé bộc lộ niềm đam mê với môn điền kinh. Năm 1977, khi trường cậu bé có chương trình chạy marathon để quyên góp cho một học sinh bị tai nạn xe hơi, Rick đã nói với bố rằng: "Bố ơi, con muốn chạy để quyên tiền cho bạn ấy!". Một nguồn tin khác cho biết Rick đã nảy ra cảm hứng muốn tham dự vào các cuộc chạy thể thao sau khi xem một bài báo. Dick, một trung tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳsửng sốt trước ý muốn bất ngờ hầu như không tưởng của đứa con 16 tuổi. Lòng ngập tràn vui mừng lẫn lo âu, người cha ôm con nói: “Được rồi con. Chúng ta sẽ chạy thi.” Thế rồi người cha 37 tuổi mà trước đó chưa hề chạy marathon bao giờ phải khổ luyện tập dợt để sẽ đẩy con chạy.

 Thể hiện tình cha
  Dick bắt đầu tập luyện chạy mỗi ngày với một bao xi măng đặt trong chiếc xe lăn thay cho trọng lượng của Rick vì Rick bận học ở trường. Dick đã có thể cải thiện sức khỏe của mình rất nhiều mà ngay cả khi đẩy con, ông đã có thể tạo được một kỹ lục cá nhân là 5km trong 17 phút.
  Sau khi hai cha con kết thúc cuộc đua đầu tiên dài năm dặm, Rick mừng rỡ nói: "Thưa cha, khi chúng ta đang chạy, con cảm thấy như con không còn tật nguyền nữa." Dù đang mệt muốn kiệt sức, Dick sung sướng rưng rưng nước mắt trước niềm vui của con.  
  Từ đó,  niềm đam mê điền kinh và thể thao nói chung của đứa con tật nguyềnDick chocon mượn thân xác để tham gia vào những cuộc thi triền miên được tổ chức tại nhiều nơi suốt năm trong và ngoài nước Mỹ với danh hiệu tham dự viên là “Team Holt”.
  Năm 1984, Dick trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ). Đó vốn là cuộc thi dành cho những người có sức khỏe tốt và dẻo dai. Ban tổ chức muốn Dick tham gia và chỉ mình ông mà thôi, không có Rick. Ông từ chối. Năm kế tiếp, họ lại đưa ra lời mời tương tự, nhưng một lần nữa ông lại từ chối nếu không có con trai của mình cùng tham gia.
  Dick nói với các nhà tổ chức, "Rick chính là lý do tôi tham gia các cuộc thi này; tôi không muốn thi đấu một mình. Rick là động lực thúc đẩy tôi. Hơn nữa, nếu không có Rick, tôi không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình". Sau khi miệt mài thiết kế cho con những phương tiện an toàn như ban tổ chức yêu cầu, đội Hoyt được tham gia và về đích trong số 50% những người về đầu.  Sau khi hoàn tất cuộc đua Boston Marathonlần thứ 15, cuộc đua mà họ đã bị từ chối vào năm 1981 khi lần đầu tiên đăng ký tham gia, họ đã được tôn vinh như những Anh hùng của nước Mỹ nhân kỷ niệm lần thứ 100 môn marathon.
  Năm 2003, Dick bị một cơn trụy tim, tuy nhiên, bác sĩ cho biết chính tình trạng sức khỏe tốt nhờ tham gia thể thao thường xuyên đã cứu sống ông. Sau khi hồi phục, hai cha con Dick và Rick lại tiếp tục những cuộc đua mới. Dick vẫn khăng khăng rằng chính con trai mình mới là vận động viên điền kinh, chứ không phải ông. Dick nói: "Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng mỗi khi đứng đằng sau chiếc xe lăn của con trai, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Rick là cỗ máy hoạt động của cả hai chúng tôi. Tôi cho Rick mượn thân thể mình, nhưng chính tinh thần của Rick mới là động lực thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước".
  
 Thành tích 36 năm kiên trì
  Mặc dù người ta nhìn thấy Dick và Rick Hoyt trên trường đua nhiều lần, nhưng không lần nào khán giả ngừng ngưỡng phục người cha đáng kính vừa chạy vừa đẩy con mình đang ngồi trong xe lăn, gò lưng đạp xe kéo theo một chiếc xe lăn lên dốc xuống đồi, hay vừa bơi vừa kéo đứa con tật nguyền.
  Rick cũng đã chứng tỏ mình hơn cả một vận động viên "đặc biệt" khi lấy xong bằng tốt nghiệp Đại học Boston và trở thành người khuyết tật bại não đầu tiên tốt nghiệp đại học. Rick làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính của trường, nơi anh có thể hỗ trợ phát triển một hệ thống giúp những người khuyết tật có thễ giao tiếp thông qua các cử động của đôi mắt. Rick nói: "Tôi đã chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng họ không nhất thiết phải suốt đời ngồi yên một chỗ và nhìn cuộc sống trôi qua trước mắt. Họ cũng có thể tới trường, có việc làm và tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội”.
  Tính đến hết năm 2009, Team Holt đã tham gia cả thảy 1.009 cuộc thi, trong đó có đủ các môn, từ marathon đến ba môn phối hợp và thậm chí cuộc chạy bộ vòng quanh nước Mỹ. Đội Holt luôn về đếđích trong các cuộc đua, có khi bỏ lại phía sau hơn một nửa số vận động viên khác  đôi lần về nhất. Đội Hoyt được tôn vinh tên tuổi vào Viện Người Thép Danh Tiếng (Ionman Hall of Fame) vào năm 2008.
 Tính đến tháng Tư năm 2013, hai cha con Hoyt đã tham dự tổng cộng 1,077 cuộc chạy gay go đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, trong số đó gồm có 70 cuộc đua chạy việt dã (marathon) và sáu cuộc đua tam hợp Người Thép (Ionman triathlon). Họ đã tham dự cả thảy 30 lần trong giải Boston Marathon. Ngoài ra, để bổ sung vào danh sách những thành tựu của họ, năm 1992 cha con Dick và Rick đạp xe và chạy vòng quanh nước Mỹ, hoàn thành khoảng đường dài 3,735 dặm (6,011 km) trong 45 ngày.
  Khi dự thi ba bộ môn thể thao phối hợp triathlon, Dick bơi với giây cột quanh eo để kéo Rick nằm trên một xuồng phao. Qua phần đua xe đạp, Rick ngồi phiá trước một chiếc xe đạp dọc được thiết kế đặc biệt. Đối với phần chạy bộ, Dick đẩy Rick ngồi trên xe lăn.
 Năm nay 2013, Dick đã là một người già 73 tuổi và Rick đã 51 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa con tật nguyền. Mỗi lần chuyển đổi giữa các bộ môn thi từ bơi sang đạp xe đạp, từ đạp xe đạp đổi qua chạy bộ, người cha già phải thao tác thật nhanh tự tay bồng con đặt vào ghế, nai nịch an toàn, xong tiếp tục cuộc thi. Xin xem đoạn phim thật cảm động tại nối kết YouTubehttp://www.youtube.com/watch?v=QnN5bvVtVao. Thú thật cùng các bạn, cứ mỗi lần xem đoạn video này, tôi không khỏi nghẹn lòng, phải ngưng gõ bàn phím chữ và ngồi thừ ra một lúc. Đây quả là một trong những đoạn video về tình cha  gây xúc động nhất).
  Ngày nay, hai cha con Holt -hay nói cho đúng hơn là người cha Dick Holt đã già- mỗi năm dự đua ít hơn và dành thì giờ cho các cuộc nói chuyện trước công chúng nhiều hơn. Thuở bắt đầu sự nghiệp thể thao, họ tham gia 50 cuộc đua mỗi năm nhưng bây giờ chỉ nhắm mục tiêu tham dự còn khoảng phân nửa số lượng đó mỗi năm mà thôi. Holt cha cho biết chưa có ý định hoàn toàn rút lui các cuộc thi.
  Ngày 08 tháng Tư năm 2013, một bức tượng đồng vinh danh cha con Hoyt đã được khánh thành gần khởi điểm của cuộc chạy đua Boston Marathon tại Hopkinton, Massachusetts.
    Do vụ khủng bố đặt bom nổ ngày 15 tháng Tư, Đội Hoyt chưa kịp hoàn tất cuộc chạy đua Boston Marathon năm 2013. Lúc vụ nổ xảy ra, họ còn cách lằn mức đích khoảng một dặm và đã bị giới hữu trách cuộc đua chặn lại cùng với hàng ngàn vận động viên khác. Họ an toàn và được một người lái xe SUV ngang qua chở họ đến khách sạn Sheraton tạm trú.

Kết luận
  Tình yêu vị tha thực sự giúp con người có được sức mạnh để làm những điều không tưởng. Sở dĩ ông Dick Hoyt có đủ kiên nhẫn và nghị lực trải qua tất cả những cuộc đua đầy thử thách là vì ông đã tìm thấy mục đích cao cả trong đời là đem lại niềm vui và hạnh phúc của con trai ông. Ông không muốn để cho con mình bị xem là người thừa trong xã hội. Ông muốn cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để giúp con cảm thấy hạnh phúc. Vì lẽ đó, ông đã luôn cố gắng hơn bao giờ hết.
  “Nếu trong tim ta có một tình yêu vô điều kiện, ta có thể tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng to lớn để thực hiện những điều không tưởng. Ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành điều kỳ diệu.”
  Khẩu hiệu của Đội Hoyt đó là “bạn có thế” và họ chính là sự minh chứng sống khẳng định bạn có thể khi bạn quyết định làm. Thông điệp của đội Hoyt đã làm rung động mọi người.
  Dù có mang trên người những khiếm khuyết về mặt thể chất hay không đi chăng nữa, chúng ta có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của họ, hãy cho ước mơ của chúng ta một hy vọng, một cơ hội thứ hai để sống mặc cho tuổi tác có như thế nào đi chăng nữa, và hãy nhìn thế giới một cách rộng mở hơn. Câu chuyện của Rick và Dick cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta cho rằng “không thể” cho tới giờ và hãy thử cố gắng hết sức một lần nữa xem.
  Tóm tắt về thành quả giúp con vượt lên trên số phận, Dick Holt nói: "Tôi yêu gia đình và chỉ muốn trở thành một người cha tốt nhất trong khả năng của tôi. Chỉ cần có được niềm vui khi ở bên cạnh con, được tận hưởng những giây phút đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt  qua được những khó khăn trở ngại phía trước”.
  Qua 36 năm dài sống cho con và hy sinh cho con, ông quả xứng đáng là một trong những người cha tốt nhất thế giới.
 Phan Hạnh sưu tầm.