Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

HÀ NỘI NGÀY TRỞ LẠI


Với đôi chút tình cờ, sau một vài đề nghị từ phía các phụ huynh có con bị những rối loạn về tâm lý, tôi có dịp quay trở lại Hà Nội sau hơn 12 năm xa cách.
Hà Nội trước đây của tôi, gắn liền với những cuộc hội thảo, tập huấn về tâm lý trẻ em của Trung tâm NT ( TT Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em ) và gắn liền với những hoạt động thể thao của người khuyết tật ( Các cuộc đua xe lăn trong các kỳ thi Marathon ). Hà Nội trước đây của tôi là một thủ đô yên tĩnh với những buổi tối dạo bước bên Hồ Gươm, với những buổi ăn bánh tôm bên Hồ Tây trong một chiều sương sớm... và những lần gõ nhịp bước chân trên con phố Trần Hưng Đạo im ắng ...
Tôi biết rằng, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều,đã mở rộng ra để trở thành một Thủ đô to nhất Đông Nam Á về diện tích, những có lẽ sẽ thấp nhất về trật tự đô thị !
Ngay từ khi rời sân bay Nội Bài để chạm đến cửa ngõ Hà Nội, tôi đã thấy được sự ngổn ngang của xây dựng, sự bụi bặm của đường phố và nhất là sự hỗn độn của lưu thông. Là dân Sai Gon, tôi cũng đã quá quen thuộc với chuyện chen chúc, lạng lách trên đường phố, chuyện kẹt xe (tắc đường) là chuyện thường ngày ở một cái thành phố trên 5 triệu dân! Thế nhưng ở một cái Thủ Đô to đùng với những khẩu hiệu hoành tráng và chỉ có hơn 2 triệu dân, mà sự mất trật tự giao thông cũng làm cho những người như tôi phải kinh ngạc thì quả là một ấn tượng khó phai về cái thủ đô to đẹp hơn - đàng hoàng hơn sau hơn 30 năm xây dựng !
Một điều may mắn cho tôi, là tôi được các phụ huynh đưa về ở một khu dân cư thuộc loại đẹp nhất Hà Nội với những khối nhà tầng mới xây dựng ở trên đường Trần Duy Hưng. Một trong những kỷ niệm là tôi đã phải đổi đến 3 lần chỗ ở mới tạm chấp nhận được - vì tôi không hề hình dung một khách sạn khá bề thế, mặt tiền đường với 5 tầng lầu mà không có thang máy ! và buổi sáng chiêu đãi khách một dĩa bánh mì khô với trứng chiên mà không có được chút muối tiêu, không có nước trà, không có nước lọc mà chỉ có cái giá lạnh lùng là 300 ngàn cho 1 đêm !
Chuyển sang nhà nghỉ thứ ba, sạch sẽ thoáng mát, tôi được dẫn đi xem phòng ở tầng 1, nhưng khi quay lại vào buổi tối thì phải ở trên lầu 3 với lý do đến nhận phòng trễ hơn 2 giờ ! Không còn thì giờ để tranh cãi nên thôi đành phải vào ở với lời hứa, ngày mai sẽ đổi phòng cho chú, và sau 3 ngày lưu trú tôi không hề nghe nhắc lại chuyện đó nữa ! Hứa và lờ đã là chuyện bình thường ở đây chăng ?
Tuy nhiên, tôi đã được tiếp đón một cách trọng thị và chu đáo từ những người tôi mới gặp lần đầu - Từ các phụ huynh có con bị rối nhiểu mà tôi sẽ thăm khám đã đành, mà ngay cả với một cô giáo còn trẻ măng (Trong hình: Ăn trưa tại TTTM Big C Hà Nội với cô Thương) là hiệu trưởng của một ngôi trường dạy trẻ đặc biệt, đã cho tôi mượn phòng để thăm khám, nói chuyện với phụ huynh và giúp tôi rất nhiều trong công tác tổ chức với một sự tận tâm và vui vẻ. Đây là một điều mà không bao giờ tôi quên được!
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều sự quan tâm, và thái độ trân trọng của những người mà tôi chỉ mới được gặp, tiếp xúc trong đợt làm việc này. Một buổi nói chuyện về Giáo dục giới tính cho các phụ huynh lớp 6b trường Việt Nam - Angeria do anh Hà, Hội trưởng Phụ huynh tổ chức, cũng như những bữa cơm thân mật tại gia đình của các phụ huynh...
Rời Hà Nội sau 5 ngày liên tục làm việc trong một chuyến bay đêm, trễ hơn 15 phút như thông lệ của Việt Nam Airline, tôi để lại nhiều niềm vui về người Hà Nội và nhiều nỗi buồn về cái thủ đô to nhất xứ !
Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

MÙA TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, NGHĨ VỀ..HỌC ĐẠI


Cách đây không lâu, tôi nhận được một lá thư của một em sinh viên chưa hề quen biết, hỏi thăm về việc tôi có thể giúp em tìm một số thông tin bổ sung cho bài tiểu luận tốt nghiệp sau 4 năm dùi mài kinh sử của em .
Tôi sẵn sàng giúp vì nó nằm trong chuyên môn của mình và đề nghị em gửi cho tôi bài tiểu luận của em đê tôi xem có thể góp ý gì không ! Sau khi nhận được, cảm giác đầu tiên của tôi là “choáng” – Tôi vẫn biết là không thể chỉ nhìn vào một bài mà đánh giá chung được tình trạng của SV, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng, một bài Tiểu luận của 1 em chuẩn bị lấy bằng Cử nhân. Nhất là của một ngành khoa học xã hội, nghĩa là trước khi lên đến năm thứ 4, thì em đã được dùi mài kỹ năng viết trong 3,4 năm trời rồi mà viết một bài tiểu luận mà từ việc đặt vấn đề, cho đến cách hành văn, kể cả một số lỗi câu cú, chính tả đều “có vấn đề” với những sai lầm đôi khi ấu trĩ, ngớ ngẩn đến không ngờ!
Sau khi phân tích cho em đó biết là cái đề tài mà em chọn là quá rộng, rất khó thực hiện được, nếu không muốn nói là hoang tưởng, tôi đã đề nghị một đề tài khác, phù hợp và thực tế hơn, em đã hoàn toàn nhất trí nhưng lại tiếp tục làm tôi “điên tiết” lên khi nói rằng vì em không biết lấy lòng giáo viên hướng dẫn, không chịu “làm luật” với ông, nên ông đã buộc em phải làm một cái đề do chính ông ta đưa ra, với những ràng buộc về nội dung ! cùng lời răn đe : Nếu em làm đề tài khác thì tôi không chấm ! Nếu đây là sự thật, thì quả tình là quá sức bỉ ổi cho một kẻ mang danh là giảng viên đại học !
Có thể điều em nói là thật, nhưng nếu cái đề mà em đưa cho tôi lần thứ 2, và giới thiệu rằng đó là đề tài do giáo viên hướng dẫn em buộc phải làm ( Một chuyện khá phi lý, nhưng cũng có khả năng xảy ra ) mà tôi được đọc, thì nó cũng tệ hại không kém cái đề của chính em SV đó trước khi đưa ra ! Tôi đã nghĩ đến 3 giả thuyết:
1/ Ông Giáo viên này không có chút hiểu biết gì về cái ngành ông ta đang dạy, và cả cái cái lĩnh vực mà đề tài nói đến ( lĩnh vực tâm lý ) mặc dù em SV đó cho biết, ông ta có bằng thạc sĩ về tâm lý !
2/ Đó là một “thách thức” với em SV, nên ông đã đưa ra một đề tài cũng khá mơ hồ để nếu em SV đó yếu cơ là có thể chết chìm trong đó, và quả thực là sau khi tôi đọc xong thì thấy đúng là em này đang chết chìm thật! Cái đó gọi là “giết người “ không gươm dao !
3/Đây cũng là đề tài của em SV đó, nhưng vì sợ bị chê nên nói là đề của GV cho – nhưng cũng như đề tài thứ 1, nó chỉ phản ánh một năng lực quá yếu kém trong việc viết tiểu luận, trong khi chính em đó đã nói là đây là một lĩnh vực mình rất tâm huyết ! ( vì thế tôi mới giúp)
Như vậy, qua việc được xem một bài tiểu luận, tôi thấy co 3 vấn đề :
1/ Năng lực của SV ngành khoa học xã hội là quá tệ hại thông qua kỹ năng viết, kỹ năng lập luận, kỹ năng phân tích vì hầu như 80% bài tiểu luận là Copy và paste từ các nguồn khác nhau (mà không hề biết chế biến cho phù hợp với một văn phong chung )
2/ Trình độ và cả đạo đức của một bộ phận giáo viên đại học là quá suy đồi khi đưa cho sinh viên của mình một đề tài không mang tính khoa học và gây cho các em hứng thú tìm tòi. Không những thế mà còn gây khó dễ cho SV của mình vì các em không biết điều với mình!
3/ Khả năng đào tạo của một ngành xã hội ( còn khá mới mẻ tại VN) là quá lạc hậu, các em học hết cả vốn liếng rồi mà vẫn không biết cách vận dụng các kỹ năng chuyên ngành cho phù hợp, thì làm sao khi ra trường có thể có đươc một năng lực, đáp ứng được nhu cầu xã hội – Vì nếu trình độ như em SV này mà bò được lên đến năm thứ 4 thì quả thực là không còn gì để nói !
Vậy mà tất cả vẫn cứ “trôi theo dòng đời” để chúng ta vẫn có thể “đầu tư cho những đại học tầm vóc quốc tế” !