Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

 

Phải đọc truyện tranh mới có tuổi thơ?

 PHẢI ĐỌC TRUYỆN TRANH MỚI CÓ TUỔI THƠ ?

TT - Vài ngày gần đây, một số cư dân mạng sôi sục với cuộc trò chuyện của dịch giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam tại Hội chợ sách TP.HCM 2012 trong một video clip mà phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện từ năm ngoái. 

 

Sự phẫn nộ theo một cách “rất ư là chính đáng” đó thành ra xúc phạm đến một con người đang tuổi thiếu niên khiến tôi lo lắng như mình cũng bị xúc phạm.
Tôi đã xem video clip ấy và thấy cậu bé Đỗ Nhật Nam phát biểu, trả lời mà bật cười sung sướng. Em đã thật già dặn một cách hồn nhiên, rất hồn nhiên thoải mái nói những điều mình có, mình nghĩ, mình biết, mình làm, không giả vờ khiêm tốn, không tỏ lối kiêu căng, nói thẳng, nói thật rất mạch lạc, trôi chảy. Điều này cho thấy Nam có một gen trội về trí tuệ cho phép em học hành và đạt tới những điều khó tin ngay cả với người lớn chứ đừng nói các bạn cùng trang lứa một cách tự nhiên, không khó khăn gì, ngược lại đó còn là niềm đam mê, yêu thích của em.
Đỗ Nhật Nam già dặn trong cách nghĩ cách nói thật, nhưng đấy là cái tự nhiên ở em, của em và em thể hiện cái tự nhiên đó của mình một cách hồn nhiên. Sao cứ phải lấy cái chuẩn mực thông thường của trẻ em nói chung ở một độ tuổi áp vào cho em rồi phẫn nộ, rồi xót thương mà quy kết rằng em bị “cụ non hóa”, rằng em không có tuổi thơ, rằng em không biết ý tứ nói năng trước người lớn.
Đã thành một căn bệnh mãn tính lâu nay ở xã hội ta là sự khiêm tốn giả vờ. Thành tích mình làm được, thành quả mình tạo ra là do chính năng lực và nỗ lực của cá nhân mình, vậy mà khi phát biểu, trình bày cứ phải đặt cái đó dưới rất nhiều cái khác mở đầu bằng từ “nhờ” thế này thế khác nên mình mới đạt được thế. Ừ thì cũng là chung trong một môi trường “nhờ”, sao những người khác không làm được hay làm kém. Rõ là ở đây cá nhân đóng vai trò quyết định và cá nhân có quyền được nói lên điều đó của mình một cách tự nhiên, tự hào. Đỗ Nhật Nam đã sống và học và đọc và làm và nói được như vậy ở tuổi 11. Như thế là đáng khen cho em!
Nam có quyền không thích đọc truyện tranh ở lứa tuổi em và có quyền nói lại câu mẹ em bảo em “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Mẹ em có quyền dạy con câu đó, và nếu Nam không là Nam như đã được sinh ra thế thì em có thể vẫn đọc truyện tranh như thường, nhưng rõ ràng em đã nhận thức được và đồng ý với câu nói của mẹ mình. Em thích đọc các sách tin học, chính trị, xã hội chứ không thích truyện tranh, thì có sao đâu. Hai mẹ con Nam có quyền của mình, cũng như bao bậc cha mẹ khác cùng con cái của họ có quyền nói “truyện tranh là con chim ca hát tâm hồn” và thoải mái đọc truyện tranh. Sao người lớn không biết tôn trọng quyền của trẻ em, cứ thích áp đặt ý muốn của mình cho con cái vậy thế. Mà đây cũng là một căn bệnh nặng của xã hội ta hiện nay - bệnh áp đặt ý kiến, sở thích, mong muốn của mình cho người khác. Bố mẹ Nam đáng được chia sẻ vì họ đã để cho con mình được phát triển tự nhiên theo thiên hướng của con, có lo lắng vì con đọc sách nhiều quá thì khuyên con cần chơi thể thao, chứ không ép buộc hay cấm đoán thế này thế khác.
Mạng xã hội mở rộng không gian giao tiếp nhưng cũng có thể thu hẹp không gian sống hiểu theo nghĩa vì ẩn mặt nên người ta dễ độc ác, bất cận nhân tình, lãnh cảm và lãnh đạm. Vụ “ném đá” cậu bé Đỗ Nhật Nam là một thí dụ cho thấy cái sống của con người đã bị thu hẹp thế nào trên mạng xã hội. Tôi tin Nam sẽ vẫn cười vui, vẫn già dặn hồn nhiên, và nếu như trong mấy lời này chia sẻ cùng em tôi dùng từ “cậu bé” thì là vì tình cảm yêu mến và cách biệt tuổi tác, còn đúng ra tôi phải gọi cậu đàng hoàng, nghiêm chỉnh là dịch giả Đỗ Nhật Nam.
Nam ạ, tớ chúc cậu lớn lên sẽ lại hồn nhiên già dặn nhé!
PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đỗ Nhật Nam hiện sở hữu hai kỷ lục: dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản và người viết tự truyện nhỏ nhất VN - Ảnh: Hoàng Điệp
Một tuổi thơ không lo âu, không hằn học
...Em chưa bao giờ tự nhận mình là thần đồng. Danh hiệu ấy chắc chắn là do người lớn và xã hội tự đặt cho em. Khi Nam nói rằng “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” thì một số người quay lại đả kích em và cả phương pháp giáo dục của mẹ em. Dù khen ngợi hay chê bai thì chắc chắn cách khen và cách chê của chính chúng ta cũng đã ảnh hưởng nhất định đến tuổi thơ của cậu bé. Hơn nữa, sẽ thật mâu thuẫn khi chúng ta chê trách Nam mất hết tuổi thơ nhưng khi bé Nam phát biểu vô tình chưa thật đúng thì bắt bẻ bé, bắt em phải đánh giá về truyện tranh một cách đầy đủ, nhiều chiều như quan điểm của người lớn. Nếu thật sự già trước tuổi và mất hết tuổi thơ thì tôi tin rằng em Nam sẽ chẳng “dại” gì mà đưa ra những phát ngôn dễ gây tranh cãi cho dư luận như thế.

Quan trọng hơn hết là em Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ không lo âu, không hằn học, em rất hồn nhiên và trong sáng. Chúng ta không thể định nghĩa có tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh...
(trích thư của cô Lưu Thị Thu Hường - giáo viên chủ nhiệm lớp 6G của Đỗ Nhật Nam, đăng trên website của Trường Newton)