Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

CÂY ME - GIẾNG NƯỚC NHÀ ANH EM TÂY SƠN


TTCT - Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà mà ba anh em Tây Sơn đã ra đời và khôn lớn, tận mắt chiêm ngưỡng cây me già tỏa bóng sum sê, uống ngụm nước mát ngọt từ chiếc giếng cổ, có cảm giác như lời hiệu triệu “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng...” (*) vẫn đang vang vọng đâu đây. Dù đã 200 năm trôi qua...

Trở lại bảo tàng ngay sau ngày cây me trong khu vườn Tây Sơn tam kiệt được vinh danh di sản, chúng tôi gặp cụ Mạc Ái năm nay đã 80 tuổi và gần 20 năm nhận lãnh công việc chánh bái khu điện thờ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định). 

Chứng nhân lịch sử
Hằng ngày, sau mỗi lần vào hương khói, chăm nom điện thờ, cụ Ái thường đến ngồi dưới tán me cổ thụ, trầm ngâm hồi tưởng bao thăng trầm của thời cuộc mà cây me lão này là một chứng nhân đặc biệt. Cụ Mạc Ái kể rằng ngay từ bé, ông và hàng trăm bè bạn cùng lứa trong làng đến đây học võ, vui đùa tập luyện dưới tán me già.
“Cây me ngày ấy cũng to lớn như bây giờ, quanh năm sum sê cành lá, tán che rợp cả một góc vườn, mùa trái lúc nào cũng dày đặc. Không ai bảo ai, từ người lớn đến con trẻ không bao giờ bẻ phá cành lá cây me. Ai có việc gì cần nguyện cầu, họ đến cây me khấn. Ai có chuyện buồn cũng đến ngồi dưới cây me, cứ lặng yên ngồi hàng giờ tự nhiên thấy lòng thanh thản, vơi bớt nỗi buồn lo”- cụ Ái kể.
Theo ông Trần Xuân Cảnh - phó giám đốc Bảo tàng Quang Trung, người có nhiều công trình nghiên cứu về những chứng tích của nhà Tây Sơn, sau khi rời quê vợ ở làng Phú Lạc, ông Hồ Phi Phúc cùng vợ đến định cư ở làng Kiên Mỹ, bên dòng sông Côn thơ mộng. Ngày ấy, Phú Lạc và Kiên Mỹ thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, về sau đều thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Ông Hồ Phi Phúc dựng một ngôi nhà khang trang, đồng thời trồng cây me bên trái và đào một giếng nước bên phải ngôi nhà, phía trước là cánh đồng trù phú, màu mỡ xanh ngắt trải dọc sông Côn. Đây cũng là nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lần lượt chào đời. 
Đến giờ người dân trong vùng vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về tuổi thơ của ba anh em Tây Sơn gắn bó với cây me trong vườn nhà. Đó là nơi hằng ngày ba anh em học võ, luyện công và sau khi khởi nghiệp, dưới tán me này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì bao cuộc luận bàn đại sự cùng văn thần võ tướng về thời cuộc, đất nước, về phạt Bắc chinh Nam. Sự nghiệp vẻ vang của nhà Tây Sơn đã gắn bó với cây me, giếng nước trong vườn nhà ngay từ buổi khởi đầu và kéo dài suốt một thời kỳ lịch sử lẫy lừng.
Về sau này, khi nhà Nguyễn thi hành chính sách báo thù, ngôi nhà từ đường do cụ Hồ Phi Phúc tạo dựng trước đây bị san phẳng. Thế nhưng cây me già vẫn uy nghi đứng đó bên cạnh giếng nước trong vắt, mát lành đến ngày nay, không ai giải thích được vì sao những chứng tích này không bị tàn phá ngoài những tương truyền dân gian đầy tôn kính.
Một lần nữa, để tỏ lòng biết ơn, người dân Tuy Viễn đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại ngôi nhà anh em Tây Sơn ngay trên nền đất cũ, làm nơi thờ tự ông bà Hồ Phi Phúc, song ngôi từ đường này cũng bị nhà Nguyễn tiếp tục cho phá hủy. Không thoái chí, người dân trong vùng về sau dựng một ngôi đình ngay trên nền nhà cũ, cạnh cây me, gọi là đình Kiên Mỹ, bí mật thờ “ba ngài Tây Sơn”. Để che mắt vua quan nhà Nguyễn, bề ngoài đình Kiên Mỹ thờ thành hoàng, có xin sắc nhà Nguyễn dù thực chất thờ Tây Sơn tam kiệt.
Cụ Trần Cự - nay đã 91 tuổi, người có gần 40 năm làm chánh bái khu điện thờ Tây Sơn - kể: “Rằm tháng 11 âm lịch hằng năm, dân làng Kiên Mỹ tổ chức cúng giỗ “ba ngài Tây Sơn” nhưng thường chỉ dâng hương, hoa và chỉ “mật cáo” chứ không có văn tế. Lời “mật cáo” này được bí mật truyền khẩu từ đời người phụng tế này đến người phụng tế khác”. Cụ Trần Cự cho biết thêm năm 1947 đình Kiên Mỹ bị phá để tiêu khổ kháng chiến và dân làng lập một miếu nhỏ ngay dưới gốc me già tiếp tục thờ cúng ba ngài Tây Sơn. Đến năm 1960, người dân trong vùng xây dựng lại ngôi miếu khang trang hơn, lấy tên là Điện Tây Sơn cũng ngay bên tán me già.
“Thật ra, ngay sau khi nhà Tây Sơn suy vong, tượng đài người anh hùng áo vải cờ đào đã được tạc ngay trong lòng dân. Ba bức tượng thờ hoàng đế Quang Trung cùng hai danh tướng Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở tại chùa Bộc, Hà Nội được các nhà nghiên cứu phát hiện năm 1962, mặc dù các bức tượng này đã được chế tác từ năm 1846. Bảo tàng Quang Trung đã phục chế các bức tượng này. 
Nhìn vào cụm tượng, trong buổi thiết triều, vua thì vén áo bào lên, một chân mang hài, một chân để lộ ra ngoài; hai danh tướng ngồi với tư thế thoải mái, tự nhiên, người gác chân lên ghế, người ngồi xếp bằng, đó là hình ảnh của vị hoàng đế xuất thân từ nông dân, bình dị mà lẫm liệt” - ông Trần Xuân Cảnh nói.
Du khách dừng lại bên giếng cổ, uống nước, rửa mặt trước khi vào dâng hương trong điện thờ - Ảnh: Trường Đăng
Bóng thiêng che chở
Cụ Mạc Ái kể: “Trong kháng chiến chống Pháp, cây me là nơi thờ tự chính ba ngài Tây Sơn. Hồi ấy, giặc Pháp bắn phá dữ lắm nhưng đặc biệt riêng vùng Kiên Mỹ không hề bị gì, người dân trong vùng tin rằng đó là nhờ cây me che chở dân lành. Ngày ấy, phía trước cây me có một con đường làng rộng, hằng ngày nhiều người qua lại. Mỗi khi đi qua cây me ai cũng kính cẩn cúi đầu. 
Dù đang thời kỳ chiến tranh nhưng vào ngày giỗ các ngài Tây Sơn hay những ngày trọng lễ, bà con vùng Kiên Mỹ đều tổ chức cúng tế linh đình dưới tán me. Những người tham gia tế lễ, khách thập phương và bà con quanh vùng đến chiêm bái đều phải tắm rửa sạch sẽ tinh tươm. Đặc biệt khi đến khấn nguyện dưới gốc me phải ăn mặc chỉnh tề, cung kính như một nơi tôn nghiêm trường tồn còn lại trong khu vườn nhà Tây Sơn tam kiệt thuở nào”.
Nhiều bô lão ở Kiên Mỹ kể rằng ngày trước, ngay cả các quan Pháp, các chức sắc người Việt thân Pháp cũng tỏ ra rất tôn kính cây me già vì biết rằng đó là nơi thờ tự Tây Sơn tam kiệt. Cụ Lâm Đắc Tiễu (79 tuổi, phó ban nghi lễ điện Tây Sơn) kể: “Mỗi khi đi càn, lính Pháp không dám lại gần cây me. Các quan người Pháp, người Việt mỗi khi đi qua đoạn đường trước mặt cây me đều phải xuống xe, xuống ngựa, đi bộ qua”. Nhờ đó dù đang thời kỳ chiến tranh, ngay trước con đường, đối diện cây me, chợ Kiên Mỹ vẫn hoạt động nhộn nhịp vào ban đêm mà không sợ giặc Pháp bắn phá.
Phải chăng nhờ vậy suốt hơn 200 năm qua, trong đó có một quãng thời gian dài tưởng chừng bị lãng quên trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, cây me không hề có một dấu tích tổn thương từ bàn tay con người. Cụ Mạc Ái kể: “Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần họp dân làng, các cụ cao niên luôn căn dặn mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ cây me, giữ gìn giếng nước luôn trong sạch bởi đó là hai di tích cực kỳ quý báu còn lại nơi cội nguồn của phong trào nông dân áo vải cờ đào”. 
Ông Trần Xuân Cảnh cho biết cây me cổ thụ này cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán rộng che phủ hơn 600m2. Từ khi xây dựng Bảo tàng Quang Trung đến nay, mỗi năm một lần nhân viên bảo tàng phun thuốc diệt trừ sinh vật gây hại để bảo vệ thân cây chứ không mất nhiều công sức chăm sóc. Như hàng trăm năm trôi qua, cây me vẫn sum sê cành lá, đến mùa ra trái trĩu cành.
Hằng ngày vào buổi chiều, huấn luyện viên Hồ Sỹ luyện võ cho học trò dưới tán me xưa - Ảnh: Trường Đăng
Từ năm 2005, Bảo tàng Quang Trung đã nhân giống me từ cây me cổ thụ này. “Hằng ngày có rất nhiều du khách đến từ mọi miền đất nước xin thỉnh những cây me con nhân giống từ cây me cổ thụ về trồng như tin vào sự linh thiêng, may mắn, như một nghĩa cử lưu truyền, gìn giữ một giai đoạn rực rỡ của nhà Tây Sơn tuy hữu hạn mà vĩnh hằng trong lòng dân Việt”- ông Cảnh nói. 
Ông Nguyễn Thành Nhân, du khách đến từ TP Châu Đốc (An Giang), chia sẻ: “Mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung, ngồi dưới tán cây me cổ thụ, lòng như lắng lại, thấy mình bình tâm hơn, thanh thản hơn và được đắm mình trong mối giao cảm tâm linh giữa người với cây và hồn thiêng sông núi, đất trời”.
Sau hơn 200 năm với bao biến cải thời cuộc và lịch sử, giờ đây dưới tán me già trong vườn xưa của Tây Sơn tam kiệt vẫn diễn ra những lớp tập võ buổi chiều, những buổi luyện đao kiếm khi trăng sáng. Anh Hồ Sỹ - huấn luyện viên võ cổ truyền, võ Tây Sơn, thành viên đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung - đang duy trì một lớp dạy võ cho trẻ em làng Kiên Mỹ.
“Dọc sông Côn là miền đất võ và chính nơi này, trong khu vườn này, dưới tán me này như là nơi hội tụ của khí thiêng sông núi. Ngày ngày thầy trò cùng luyện tập dưới tán me, dưới tượng hoàng đế. Tập xong, các em được uống nước giếng xưa. Chúng tôi thật tự hào bởi mình là con cháu trên quê hương nguồn cội của người anh hùng áo vải” - anh Hồ Sỹ nói.
Song hành trường tồn cùng cây me, giếng nước cổ trong khu vườn cũ của Tây Sơn tam kiệt cũng nhuốm màu lịch sử theo thời gian. Ngày xưa, giếng được xây bằng đá ong, về sau dân làng vét sâu thêm, xây thành để làm giếng nước uống chung cho cả làng.
Quanh năm, dù thời tiết nắng hạn hay mưa bão, giếng cổ lúc nào cũng trong vắt, mát ngọt như bao đời nay. Đây là nơi du khách nán lại, tự tay mình xách một gàu nước, uống một ngụm rồi rửa mặt, chỉnh trang quần áo tươm tất trước khi vào dâng hương trong điện thờ.
LÊ TẤN - B.TRUNG
__________
(*) Trích lời dụ tướng sĩ của hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh năm 1789.
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ.
( Nguồn : Tuổi Trẻ cuối tuần 14/12/2011) 








Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Lại một kẻ đốt đền

Tự nhiên mấy hôm nay, đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước trở nên nổi tiếng. Chỉ tiếc rằng, ông nổi tiếng không theo cái lẽ tự nhiên như giáo sư Ngô Bảo Châu hay đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết mà nổi tiếng theo cách của “kẻ đốt đền”.
Ngày 17/11/2011, ông Hoàng Hữu Phước phát biểu trước quốc hội về việc “đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”. Lập tức, ông vấp phải làn sóng phẫn nộ trong dư luận, gấp nhiều lần so với khi ông Nguyễn Minh Hồng đề nghị đưa Luật nhà văn vào dự án luật. Trong 500 phản hồi ở Nhật báo Ba Sàm, không một ý kiến nào bênh vực ông. Những ý kiến phản đối ông tràn ngập mạng facebook cũng như ở các diễn đàn, các blog nổi tiếng.
Người ta thất vọng về ông, một đại biểu của nhân dân. Giá ông không giữ trọng trách của một đại biểu quốc hội thì họ cũng chẳng tới mức bức xúc như thế. Có người lập ra một entry lấy like yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội của ông.
Có người gửi tin nhắn phản đối vào số máy của ông.
Có người trách cử tri Sài Gòn đã không sáng suốt khi bầu ông làm đại biểu quốc hôi. Thực ra, không thể trách cử tri. Việc bầu cử lâu nay diễn ra như thế nào ai cũng biết, khỏi cần nhắc lại.
Người ta lập tức tìm các bài viết trước đó của ông, mách nhau đọc xem hiểu biết của ông như thế nào, lối nghĩ của ông ra sao. Có thể do đó, blog của ông tăng hẳn con số truy cập. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là việc ông hiến kế liên hoành cho Saddam Hussein với yêu cầu ông ta phải cử ông làm đặc sứ, dùng khả năng hùng biện để thuyết phục các nước.
Trong các ý kiến, có những ý kiến nghiêm túc, chừng mực nhưng cũng khá nhiều những ý kiến gay gắt tới mức mạt sát, chửi rủa. Tuy nhiên, đằng sau những từ ngữ thô thiển, khó nghe ấy, không phải là họ không có lý.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc lưu ý, đại biểu quốc hội không nên nhân danh nhân dân mà chỉ “nhân danh cá nhân mình thôi”“phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân”, “thóa mạ những người biểu tình như thế là đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước”.
Luật gia Trần Đình Thu cảnh báo: “một đại biểu quốc hội không thể vì lý do không muốn mở quyền mà phát biểu vi hiến bằng cách xổ toẹt cả hiến pháp như thế” .
Khi ông Phước lo việc lập hội sẽ “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, ông đề nghị loại bỏ Luật lập hội (và Luật biểu tình) khỏi danh sách dự án luật, Luật gia Trần Đình Thu chỉ ra ông Phước đã nhầm lẫn khái niệm giữa các hội với Mặt trận Tổ quốc và khuyên ông đọc lại Luật Mặt trận Tổ quốc.
Họ phản đối ông Phước không chỉ vì ý kiến phát biểu của ông trái với nguyện vọng của họ mà còn vì ý kiến của ông, một đại biểu quốc hội nói năng không dựa trên cơ sở luật pháp nào. Kiến thức của ông không biết phong phú đến đâu nhưng đã bộc lộ những khiếm khuyết khi ông bước chân vào nghị trường, một môi trường mà yêu cầu hình như vượt quá sự hiểu biết và có vẻ không hợp với lối tư duy cũ kỹ của ông. Đọc bài phát biểu của ông, người ta tưởng như đang quay trở lại thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.
Ông cho rằng, biểu tình “luôn để chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ nước mình”, còn việc tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ là đức tin hoặc cuộc tuần hành. Và các hình thức ủng hộ Chính phủ theo ông cũng chưa cần thiết ban hành luật mà ông gọi là Luật đức tin hay Luật tuần hành vì nó tốn kém thời gian và tiền bac.
Cụm từ Luật đức tin (để ủng hộ chính phủ), lần đầu tiên tôi nghe nói tới. Không biết sự sáng tạo ngôn ngữ của ông, sau này có được đưa vào từ điển hay không. Đức tin từ trước đến nay người ta chỉ dùng để nói về lòng tin của con chiên đối với đạo mà người ta theo chứ chưa thấy ai nói đức tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, mà chỉ nói là lòng tin. Hay ý ông Phước muốn nhân dân Việt Nam là những con chiên mà Đảng là một thứ đạo?
Ông dẫn chứng các cuộc biểu tình trên thế giới để chứng minh các cuộc biểu tình đều nhằm vào chống chính phủ, lấy đó làm con ngáo ộp dọa quốc hội. Thế rồi ông lại tự mâu thuẫn: “Các nước thì có ai chống họ đâu, trong khi VN thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích …”
Ngoài việc gán cho biểu tình là chống Chính phủ, ông còn tìm mọi cách chứng minh lấy được là nó rất xấu.
Ông kể về những cuộc biểu tình chống đường lưỡi bò ở TP HCM đã gây nên nạn kẹt xe bị người đi đường nguyền nguyền rủa, thóa mạ, văng tục đầy đe dọa. Rồi ông lo sự giận dữ đó biến thành ẩu đả, bạo loạn giữa người biểu tình và phản đối biểu tình. Tôi rất nghi ngờ lòng trung thực của ông khi ông kể ra tình trạng trên. Trong các cuộc biểu tình ở Hà Nội, tôi chưa thấy tình trạng kẹt xe bao giờ. Chỉ có chuyện người tham gia giao thông đi chậm lại quan sát nhưng cảnh sát giao thông luôn có mặt để hướng dẫn kịp thời. Tôi chưa trực tiếp nghe người đi đường chửi người biểu tình nhưng có một trường hợp người biểu tình về kể cho nhau có người buông ra một câu chửi mà câu chửi đó họ không cho là của người đi đường.
Khó có thể tin rằng, vì bị kẹt xe (nếu có) mà người đi đường rủ quân đi đánh nhau với người biểu tình chống đường lưỡi bò, trừ trường hợp người gây sự là quần chúng gọi là tự phát (nhưng có tổ chức).
Có lẽ ông Phước không thể hình dung được cảnh người đi đường vẫy tay hoan nghênh đoàn biểu tình, giơ hai ngón tay ủng hộ, dừng lại xin biểu ngữ. Ông cũng không hình dung được người đi đường mua tặng người biểu tình cả thùng nước uống, cả một túi kem. Nhưng lực lượng cảnh sát, an ninh làm nhiệm vụ giám sát các cuộc biểu tình thì thừa biết những điều ấy.
Rồi ông lập luận hết sức kỳ quặc theo lô gic:
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến người buôn gánh bán bưng, gom góp từng đồng lẻ chứ quyết tâm không làm hành khất.
Biểu tình => kẹt xe => “xâm hại thu nhập chính đáng của những cửa hàng hoạt động kinh doanh hợp pháp tại khu vực bị phong tỏa do biểu tình”
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến người ốm cần đi viện.
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến bà đẻ
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến đám cưới.
Ông dùng ngôn ngữ khá lâm ly, kể lể khá tỉ mỉ, vụn vặt để kết luận một vấn đề lớn. Dù vậy, những điều ấy ở Hà Nội chưa vì biểu tình mà xảy ra. Nếu có thì mới chỉ có chuyện một vài quán nước, quán cà phê bị cấm bán cho người biểu tình nên ảnh hưởng đến thu nhập của họ mà thôi.
Cũng như ở Tp Hồ Chí Minh, nạn kẹt xe ở Hà Nỗi vẫn diễn ra hàng ngày do lưu lượng xe đông, do chất lượng đường xấu, do việc quản lý, điều hành còn yếu kém chứ không phải là do những cuộc biểu tình vừa qua.
Đại biểu Dương Trung Quốc với những người biểu tình tại Nhà hát lớn
Cứ theo lập luận của ông Phước thì phải chăng, bất cứ cái gì gây nên nạn kẹt xe (hoặc những mặt trái khác) cần cấm tất: buôn gánh bán bưng, kinh doanh vỉa hè, mặt phố (làm người mua tụ tập lại), ô tô, xe máy. Cấm luôn cả đám cưới vì thu hút sự chú ý của người đi đường. Có thể ông Phước nói rằng, không, đó là những nhu cầu chính đáng. Vậy biểu tình là quyền cơ bản của con người được hiến pháp thừa nhận thì có chính đáng không? Vấn đề ở chỗ, tất cả các nhu cầu chính đáng phải được tôn trọng. Còn đáp ứng những nhu cầu chính đáng ấy mà không để ảnh hưởng đến trật tự xã hội là việc của những người quản lý.
Một điều rất buồn cười nữa là ông Phước thấy “đèn đỏ đèn xanh lập ra giữ gìn trật tự giao thông mà người ta vẫn vi phạm”, từ đó ông lo khi cho phép biểu tình thì Luật biểu tình vẫn không được tôn trọng nên ông đề nghị chưa ban hành luật biểu tình. Vậy từ khi Luật chống tham nhũng ra đời nhưng tham nhũng vẫn không hề giảm mà còn gia tăng thì có cần hủy Luật chống tham nhũng không? Đây là lối tư duy hết sức tiêu cực và lạc hậu: cái gì không quản được thì cấm.
Ông Phước đã quá lo đến những “tác hại” của biểu tình. Nhưng mặt tích cực của nó ông không nhìn thấy được. Biểu tình là thể hiện thái độ của những người tham gia đối với một bất cập nào đó trong xã hội. Thông qua biểu tình, Chính phủ mới thấy được nguyện vọng của dân, thấy được những yếu kém trong quản lý, điều hành để có đối sách phù hợp. Có như thế, chính quyền mới được củng cố, xã hội mới phát triển được.
Cũng cần phải nói thêm rằng, mục đích của các cuộc biểu tình Mùa Hè vừa qua là phản đối Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Chính phủ về chủ quyền của đất nước đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông. Những cuộc biểu tình ấy đã hậu thuẫn cho Chính phủ trong việc bang giao với các nước có tranh chấp ở Biển Đông. Điều này giải thích vì sao, trong 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội có 8 cuộc được chính quyền ngầm ủng hộ, chỉ có 3 cuộc bị đàn áp.
Ông đặt câu hỏi, “dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm”.
Thật đáng buồn, cho đến bây giờ, ông không biết thành phần biểu tình như thế nào. Đó là các nhân sĩ trí thức, cựu chiến binh, cán bộ quân đội và công an, cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, các doanh nhân, học sinh sinh viên. Nói về nhóm nhỏ ấy, hẳn ông ám chỉ đoàn biểu tình chỉ là một dúm người vô công rồi nghề, tụ tập nhau hò hét chăng?
Rồi ông hồ đồ khẳng định: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
Ông Phước đề nghị loại bỏ Luật biểu tình ra khỏi dự án Luật còn với lý do rằng dân trí nước ta còn thấp. Kể cũng lạ. Trước đây có một ông nghị thích làm đường cao tốc quá nên cho rằng chỉ số IQ cao cần làm đường cao tốc. Giờ lại đến ông nghị Phước yêu cầu gác luật biểu tình lại vì dân trí còn thấp. Không biết dân trí nước ta thấp hay dân trí ông Hoàng Hữu Phước thấp đây.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến: “Nói dân trí VN thấp để cho rằng chưa nên cho thực thi một số quyền là hạ thấp nền dân trí của VN, không thể lập luận như vậy được”.
Luật gia Trần Đình Thu cho rằng “ông kết luận, cần phải loại bỏ 2 luật này ra khỏi chương trình nghị sự quốc hội trong suốt khóa XIII và còn ám chỉ cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị của xã hội Việt Nam”. Đọc bài phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước, tôi thấy Luật gia Trần Đình Thu nhận định đúng, chẳng bao giờ, kể cả khi dân trí cao thêm, kinh tế phát triển hơn mà ông mặn mà với Luật biểu tình.
Nhưng, dù muốn hay không, hiến pháp cho dù có sửa đổi thế nào cũng không thế loại bỏ quyền biểu tình của công dân. Khi hiến pháp đã thừa nhận quyền biểu tình thì không thể cấm biểu tình mà việc ra Luật để chế định hoạt động biểu tình là một đòi hỏi khách quan. Luật biểu tình sinh ra là để làm cho Nhà nước chủ động trong việc quản lý biểu tình.
Một công dân 26 tuổi ở TP HCM trong thư gửi cho quốc hội khóa 8 cho rằng Luật biểu tình “được soạn thảo ra từ những người quản lý việc biểu tình chứ không phải từ những người đòi hỏi biểu tình, cho nên không thể nói Luật này sẽ không phù hợp và không có lợi cho nhà nước”.
Chính vì không có luật biểu tình nên trong sự kiện biểu tình Mùa Hè 2011, chính quyền đã thực sự lúng túng tới mức đi làm cái việc hết sức kỳ quặc: ra một cái thông báo không ai dám ký bèn đóng dấu treo rồi mang đi phổ biến. Không biết làm sao cho đúng, chính quyền phải đàn áp, bắt bớ mà không dựa trên một cơ sở pháp luật nào, gây nên bao nhiêu tai tiếng trong nhân dân và trên dư luận quốc tế. Sự lúng túng của chính quyền trong việc đối phó với các cuộc biểu tình vừa qua càng cho thấy việc ra luật biểu tình là cấp thiết.
Có thể vì quá sợ biểu tình, quá lo cho sự tồn vong của chế độ hoặc vì một lý do cá nhân nào đó mà ông Phước yêu cầu loại bỏ Luật biểu tình ra khỏi dự án. Tôi nghi ngờ tình yêu của ông Phước đối với chế độ mà nghĩ ông yêu ông hơn, có thể vì lợi ích của ông gắn chặt với chế độ. Nhưng bảo vệ chế độ bằng cách của ông, coi chừng có tác dụng ngược lại.
Người ta yêu cái gì đó cũng có nhiều cách yêu. Trong trường hợp này, cách yêu thô thiển nhất là tất cả cái gì động đến chế độ là thẳng thừng loại bỏ. Cũng có cách yêu, vì lo lắng cho chế độ mà chỉ ra những mắt xích rệu rã để điều chỉnh, bảo dưỡng, chỉ ra những con sâu, con mọt để loại bỏ, làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh hơn, chế độ vững vàng hơn. Những người yêu theo cách này sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đến với mình bất cứ lúc nào bởi chính những con sâu mọt kia luôn rình rập hãm hại họ.
Bài phát biểu của ông Phước trước quốc hội đã gây nên một hiệu ứng xấu, dân phản đối đã đành mà ngay cả những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước chưa chắc đã hoan nghênh, điều đó có thể ngược lại với mục đích của ông.
Với trọng trách của một đại biểu quốc hội mà ông Hoàng Hữu Phước nói năng như thế, tôi xin mượn ý của giáo sư Ngô Bảo Châu mà nói rằng, có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn vị nghị sĩ này.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

KẾT QUẢ 30 TRỒNG NGƯỜI LÀ ĐÂY !


NTN: Sắp đến ngày 20/11, trích đăng lại bút ký của GS Nguyễn Đăng Hưng – Phần 22. GS Hưng là một nhà khoa học, nhà giáo lớn của Việt Nam chúng ta. Bạn đọc nào chưa biết, chưa hiểu về GS thì hãy ghé thăm trang nhà GS Nguyễn Đăng Hưng để hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của GS trong công cuộc chấn hưng nền giáo dục đại học ở nước ta.

Thế là bắt đầu từ đầu năm 1996, tôi lao vào việc khai trương và triển khai chương trình hợp tác đào tạo cao học Bỉ-Việt trên diện qui mô hơn những năm trước.
Mỗi khoá tuyển sinh tôi tổ chức làm hai đợt liên tiếp. Đợt thi viết bao gồm những câu hỏi ôn tập về học trình của kỷ sư xây dựng hay cơ khí. Đợt hai thi vấn đáp do chính tôi phỏng vấn từng thí sinh. Vì đông thí sinh ghi danh, tôi đã phải bỏ ra ròng rã 3 ngày liên tiếp sáng chiều cho việc tuyển sinh khoá đầu tiên để có thể trao đổi với mỗi thí sinh ít nhất 15 phút. Năm nào cũng vậy, trong 12 năm dài tại Sài Gòn 12 khoá rồi Hà Nội 8 khoá, tôi đều giữ nguyên phương án tuyển sinh này. Tính trung bình mỗi khoá có chừng 50 người dự thi, như vậy tôi đã tiếp xúc trực tiếp được gần 1000 kỷ sư, cử nhân trẻ Việt Nam có yêu cầu theo học các lớp đào tạo thạc sỹ quốc tế tại chỗ do chúng tôi tổ chức. Đây có thể coi là sỹ số người dân đạt chuẩn của kỷ thuật thăm dò ý kiến người dân trong những dịp bầu cử hay trưng cần dân ý ở các nước tiên tiến phát triển.  Thành phần các thí sinh cũng rất rộng rãi và tiêu biểu cho xã hội Việt Nam. Thật vậy, phí dự thi rất thấp và những thí sinh nhà nghèo tham gia rất nhiệt tình vì họ được thông báo trước là sẽ có 15 học bỗng tại chỗ dành cho các thí sinh đỗ đầu, học bổng do dự án đào tạo chi trả.
Bởi vậy, tôi có thể khẳng định là sau 12 năm, những chiêm nghiệm mà tôi đúc kết nói lên, với một độ sai lệch không cao, về học lực, khả năng ngoại ngữ, phong cách giao tiếp và nhất là trình độ văn hoá, hiểu biết của các sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, ít ra về cánh theo học các ngành công nghệ, kỹ thuật. Trong các cuộc phỏng vấn, tôi chú ý trực tiếp đến việc kiểm tra ngoại ngữ, đặc biệt khả năng nghe và nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, khả năng tiêu hoá khoa học công nghệ (học viên có thực hiểu được những gì đã học không, học viên có suy nghĩ phản biện được gì về những gì mình đã học không?) và cuối cùng trình độ văn hoá hiểu biết chung bậc tú tài: lịch sử, địa lý, thời sự, quốc tế và Việt Nam…. Tôi cho rằng những hiểu biết chung cơ bản không thể thiếu được ở một người kỹ sư, vốn được đào tạo để chỉ huy nhà máy hay xí nghiệp.

Chín năm sau ngày ra mắt chương trình (tháng 12/2004) trong một bài phỏng vấn trên báo mạng Vietsciences (Paris) tôi đã phát biểu đúc kết như sau:
“… Tôi và phần đông các giáo sư ngoại quốc rất khổ tâm về trình độ ngoại ngữ, sự yếu kém về thực tập nhất là tư duy thực tiển, thói quen ỷ lại, tính thụ động của học viên, và cuối cùng là sự giới hạn của kiến thức phổ thông của học viên… Ta đang trả giá cho những chọn lựa sai lầm trong các quốc sách về giáo dục và đào tạo bắt đầu đã gần nhiều thập kỹ qua ! Tôi có cảm tưởng đã có những phản ứng ngược không ngờ được mà nguyên do là các chương trình dạy nhồi nhét hiện nay tại Việt Nam. Năm nào tôi cũng tổ chức phỏng vấn trực tiếp, kiểm tra ngoại ngữ nói và nghe, kiểm tra cách ứng xử nhất là hiểu biết phổ thông cần thiết cho một thanh niên tốt nghiệp đại học… Tôi đã thấy khá phổ biến là họ không quan tâm đến lịch sử dân tộc Việt Nam, không để ý các danh nhân đất Việt… Có em bảo với tôi là Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đã đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Mông Cổ !!!… Tôi lấy làm lạ là ngay cả lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ họ cũng rất lờ mờ…  Hiểu biết về địa lý, lịch sử các nước khác thì khỏi phải nói… Gần 15% học viên đã bảo với tôi là Canada là thành viên của Liên hiệp châu Âu, gần 40% cứ nghĩ Thuỵ Sỹ đã là thành viên từ lâu và chỉ chừng 5% kể đúng tên các thành viên sáng lập. Tôi có cảm tưởng họ không thích đọc lịch sử, học địa lý nữa. Hay là các giáo viên dạy sử địa quá tồi hay đây là hiệu quả của sự xuống cấp kinh khủng của trình độ giáo chức trung học?”

Đã thêm sáu nữa, bây giờ chương trình đào tạo đã thuộc về quá khứ, được đứng xa ra để kiêm nghiệm sự việc, tôi vẫn thấy những đúc kết trên là chính xác.
Cũng nên nói thêm là tình trạng không những bớt đi qua năm tháng mà ngày càng trầm trọng hơn. Trình độ chung của các khoá cuối cùng thấp hơn các khoá ban đầu bội phần. Đã từng đi thỉnh giảng ngắn hạn tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu như Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania…, đã từng thỉnh giảng thường trực dài hạn đến gần 4 năm tại Phi Châu (Congo, Bỉ 1981-1984), không nơi nào tôi phải ngỡ ngàng, chứng kiến bước đi xuống như vậy về chất lượng đào tạo. Giảng dạy tại Việt Nam nhiều năm, tôi có cảm tưởng như đi lạc vào một xứ sở mà các giá trị tri thức như bị đứt đoạn, các giá trị học vấn như đi ngược chiều…
Hai khoá đầu có một số học viên đứng tuổi đã tốt nghiệp trước 75 lúc bấy giờ đã ra đời hành nghề. Họ có vốn liếng ngoại ngữ khá tốt nhất là họ giữ được cái tư duy bình thường của người đi học. Học là để hiểu biết, học là tạo điều kiện cho có trình độ chuyên môn để hành nghề. Họ rất mừng bắt gặp chương trình cao học Bỉ-Việt, dù phải ngồi chung lớp với học trò cũ của mình, tuổi đáng con cháu mình.  Nhưng kỹ sư trẻ được đào tạo sau 75 lại khác.  Họ học vì bằng cấp, học để có bằng quốc tế cho oai, giá trị hiểu biết căn bản thực là thứ yếu. Ngay đợt phỏng vấn đầu tiên một thí sinh được phỏng vấn đã dám đề nghị với tôi:
“Thầy ơi, thầy cho em vào học đi, rồi cấp bằng Bỉ cho em nghe. Em sẽ chi tiền nâng cấp cơ sở làm việc của thầy sang đẹp hơn nhiều!…”.  Và sau này, càng ngày nạn sao chép luận văn thạc sỹ càng hoành hành! Tôi sẽ nói nhiều về việc này lần sau.
Giáo sư Lars-Erik Lingren, trường Đại Học Luleå về tham gia giảng dạy tại chương trình MCMC (Modelling and Computation of Mechanics of Continuum) tại ĐH Bách khoa Hà Nội  đã tâm sự với tôi sau này:
“Lạ thật, học trò Việt Nam có tật xin điểm. Vài em mời tôi đi ăn để sau đó xin thêm điểm. Không lo học đàng hoàng để đương nhiên có điểm tốt mà cứ cò kè năn nỉ xin điểm, không biết xấu hỗ là gì!”.
Như tôi đã nói trong bút ký 14, lúc ban đầu, ngay cả đại diện ban Giám hiệu nhà trường còn muốn chúng tôi “tự diễn biến” trở thành người ban phát bằng của Bỉ cho cán bộ giảng dạy của trường mình thì làm sao sinh viên có được một quan niệm đứng đắn về bằng cấp ?
Sau những buổi liên hoan lúc thi xong, tôi thử hỏi trực tiếp những học trò giỏi :
“Tại sao như vậy, tại sao các em không học để biết lịch sử của nước mình, tại sao các em lười đọc sách báo đến vậy ?. Câu trả lời chân thật làm tôi không thể không thông cảm:
- “Chán lắm thầy ơi, học sử chán lắm. Cái gì cũng hay, đánh đâu cũng thắng, lúc nào cũng sáng suốt, biết trước như vậy thì còn học làm gì cho mệt. Còn báo đài thì đâu cũng nói một chiều, tường thuật một kiểu làm sao hấp dẫn được chúng em”. 
Đấy đó là cái giá phải trả, là kết quả của việc nhồi nhét tư tưởng phải đạo, lấy học đường làm địa bàn tuyên truyền ý thức hệ nhất thời.
Sự đứt đoạn của các giá trị tri thức, nguồn gốc của tình trạng “mất gốc” mà nhà sử học Dương Trung Quốc nói đến gần đây đã xảy ra từ lâu. Từ lâu đến nỗi thế hệ vàng của trí thức, thế hệ tuy do chính thực dân Pháp đào tạo, mà đã đóng góp vô vàn cho văn hoá, học thuật  nước nhà một thời, đã không thấy xuất hiện trong giai đoạn lịch sử hiện đại để nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã phải thốt ra một câu nói bình dị mà nay thành châm ngôn của thời đại : “Cái nước mình nó như thế!”.
Tôi đã thấy ngay cái sai lầm này từ lâu, năm 1977 ngày tôi về Hà Nội một tháng thỉnh giảng. Thật vậy, có một thời gian dài tại Việt Nam quan điểm bao trùm là có một nền khoa học xã hội chủ nghĩa, một hệ giá trị tri thức xã hội chủ nghĩa cao hơn, đối lập với hệ giá trị tư sản. Và trí thức chân chính có trình độ phản biện, có tâm huyết với nền học thuật nước nhà một thời đã bị hoàn toàn vô hiệu hoá, đã không còn chỗ đứng.
Xin chép lại đây sự kiện mắt thấy tai nghe ngày ấy:
“Có buổi rảnh tôi đi thăm Thư viện trung ương Hà Nội. Ông giám đốc thư viện hướng dẫn tôi tham quan. Tôi chú trọng đến khu sách khoa học, kỹ thuật. Kệ sách nào cũng bắt đầu bằng những cuốn kinh điển của Mác, của Lênin, của Stalin, của Bác Hồ, của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, của đồng chí Trường Chinh, của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, của các nhà lãnh đạo rồi mới vào chuyên môn. Đồng chí giám đốc thư viện giải thích :
- Khoa học kỹ thuật của chúng tôi là khoa học kỹ thuật phát suất từ chân lý Mác – Lênin, khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, áp dụng qua điều kiện cụ thể Việt Nam soi sáng bởi tư tưởng và lý luận của các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước ! Không có chân lý Mác – Lênin thì không có khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, không có khoa học chân chính. Cái ưu việt của khoa học xã hội chủ nghĩa phát xuất từ quan điểm cơ bản ấy. Các nước xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và vượt qua các nước tư bản cũng nhờ nắm được nguyên lý ấy ! Vân vân …
Phải nói lời giải thích của đồng chí giám đốc làm tôi lạnh cả người hôm ấy! Có một cái gì rất là trầm trọng đã bị va chạm ở tôi đến mức cao độ. Tôi bắt đầu thấy sợ. Còn gì đáng ngại hơn sự trói buộc của tri thức, của khoa học, của kỹ thuật, của chuyên môn, trói chặt bằng những sợi dây vô hình nhưng cứng như thép, hồng như máu !”
Thế nhưng giới trẻ không thiếu người được mặc nhiên miễn dịch, không bị lây lan bỡi chứng bịnh “ta nó như thế”. Đó là những thành phần xuất sắc nhất mà tôi đã gặp. Tôi bảo:
“Thế các em đến với chương trình cao học Bỉ Việt làm gì? Nó đòi hỏi khá cao, giáo trình dài, thi cử lại khó mà phải biết sử dụng tiếng Anh…”. 
Họ thường trả lời tôi như sau, Bắc cũng như Nam:
“Chúng em chọn lựa chương trình thạc sỹ Bỉ-Việt vì ở đây chính là học thực, chính là học để hiểu biết. Đây là chương trình có giáo trình mới mẽ hấp dẫn hiện đại mà nếu phấn đấu tốt, nếu hiểu được, đạt được nội dung thì có cơ may đi cao hơn, xa hơn một cách chắc chắn. Chúng em khỏi phải chạy chọt linh tinh”.
Thành ra tôi vẫn nghĩ là muộn còn hơn không bao giờ. Mọi thay đổi theo hướng khử trừ các lỗi hệ thống, thay đổi triệt để tư duy để vượt qua cái bóng của chính mình sẽ được toàn dân đặc biệt các bạn trẻ hưởng ứng tích cực, trước tiên là thành phần tinh hoa, trí thức.
Sau 30 tháng tư năm 1975, nếu không có những sai lầm đáng tiếc, xuất phát từ quan điểm hẹp hòi thế giới lưỡng cực, từ cái nhìn phiến diện và lệch lạc về quan điểm ta địch, nếu để bộ phận tinh hoa của dân tộc Việt còn lại ở Miền Nam được tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước, thì có lẽ nền giáo dục, trình độ khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ khác nhiều so với hôm nay.  Cứ nhìn Hàn Quốc ngày nay ta sẽ nghiệm ra bài học đắng cay này.

NGUYỄN ĐĂNG HƯNG
Liège ngày 28/4/2011

Không Có tiền thì chết ráng chịu

Hai sinh viên nửa đêm mượn tiền cứu người dưng

SGTT.VN - Dư luận có lẽ vẫn chưa quên câu chuyện một bé gái ở Trung Quốc bị hai xe tải tông liên tiếp, nghiền nát một phần thân thể, nhưng 18 người đi qua không cứu giúp, mãi cho đến khi một bà quét rác nhìn thấy, bồng bé đi cấp cứu. Sự kiện này khiến dư luận ở nhiều nước phẫn nộ lên án lối sống vô cảm trong xã hội. 

Mới đây, tại TP.HCM cũng đã xảy ra một câu chuyện tương tự, một cô gái bị tai nạn giao thông, nằm sát lề đường nhưng xe cộ lưu thông vẫn mặc tình chạy qua, cho đến khi hai cậu sinh viên nghèo nhìn thấy.
Hiến (áo carô) và Sơn (áo sọc ngang) đang thăm hỏi nạn nhân mình đã cứu giúp.
Cho tới hôm qua, ngày 13.11, khi con gái đã qua cơn nguy kịch, bà Lê Thị Hồng Hoa (ngụ quận 9, TP.HCM) vẫn chưa hết xúc động khi nhắc tới những ân nhân cứu mạng con mình: “Con tôi thật có phước mới gặp được những người tốt như vậy. Suốt cả cuộc đời, tôi sẽ không quên ơn nghĩa này…” Những người tốt mà bà Hoa nói là Nguyễn Công Hiến, sinh viên học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM và Nguyễn Viết Sơn, sinh viên đại học Công nghệ thông tin TP.HCM.

Cô gái nằm bất động bên đường
Khoảng 23 giờ, ngày 9.11, trên đường đi qua quốc lộ 1A, đoạn gần đại học Nông lâm, đôi bạn Hiến và Sơn bỗng chú ý tới một hiện tượng lạ, dòng xe cộ đang nối đuôi nhau chạy, bỗng cùng giảm tốc độ khi qua một địa điểm, nhìn ngó điều gì, rồi chạy tiếp. Đoán biết có việc bất thường, hai bạn trẻ quyết định dừng xe. Phải mất một lúc sau, qua ánh sáng của những chiếc xe tải qua đường, Hiến và Sơn mới phát hiện có một bóng người nằm bất động bên kia đường, gần đó là chiếc xe máy vắt ngang trên dải phân cách.
Quên cả hiểm nguy, Hiến vội vàng băng ngang dòng xe cộ đông đúc để tiến tới người gặp nạn. Qua ánh sáng từ chiếc điện thoại, cậu nhận ra nạn nhân là một cô gái trẻ nằm bất động, mặt úp xuống vũng máu. Nhận thấy nạn nhân vẫn còn thở, Hiến tức tốc gọi điện tới tổng đài 115 xin trợ giúp. Chờ thêm ít phút vẫn chưa thấy xe cấp cứu đến, quá nôn nóng trước tình trạng khẩn cấp của nạn nhân, Hiến bế thốc cô gái tới nơi Sơn đang chờ sẵn rồi cả hai gấp rút đưa nạn nhân tới bệnh viện đa khoa Thủ Đức. Kết quả chụp CT cho thấy nạn nhân bị dập não trán bán cầu phải, vùng mặt bị rách nhiều chỗ phải khâu, ngoài ra trên người còn có nhiều vết thương khác.

Quyết cứu người bằng mọi giá
Khi vừa đưa nạn nhân vào bệnh viện, Hiến và Sơn được yêu cầu nộp 800.000 đồng chi phí chụp CT và cấp cứu nạn nhân. Cả hai thật sự lúng túng khi gom góp tất cả số tiền mang theo cũng chỉ được 300.000 đồng. Hiến đã bàn với Sơn phương án đem chiếc xe máy cũ kỹ đi cầm đỡ lấy vài trăm ngàn đồng để kịp thời giải quyết việc cấp bách. Nhưng rồi chợt nhớ ra một người quen có thể giúp, Hiến liền gọi điện cầu viện. Không quản đêm hôm khuya khoắt, hai người bạn của Sơn và Hiến đã tức tốc chạy tới bệnh viện cùng bạn giúp đỡ cho người gặp nạn.
Suốt mấy tiếng đồng hồ cấp cứu tại bệnh viện, cô gái vẫn mê man. Mọi đầu mối về thân nhân của nạn nhân trở nên mờ mịt. Khi quay lại hiện trường tìm kiếm tư trang của nạn nhân, Sơn cũng không phát hiện được gì. Không chút đắn đo, nhóm bạn quyết định ở lại chăm sóc nạn nhân cho tới khi tìm được gia đình cô. Mãi tới gần 4 giờ sáng, nạn nhân lơ mơ tỉnh dậy, chỉ kịp thì thầm số điện thoại của gia đình rồi lại mê man tiếp.

Cứ giúp người đi, sẽ có người giúp lại
Nhờ có người nhà đến mà nhóm bạn của Hiến mới biết cô gái trẻ gặp nạn tên Hồ Thị Thu Hương, sinh năm 1995. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hương đã nghỉ học sớm, đi phụ việc bán hàng tại một cửa hàng quần áo. Tai nạn xảy ra thế nào, dù đã khá tỉnh táo nhưng Hương cũng chưa thể nhớ, chỉ biết bị xe tông và cú té quá mạnh khiến cô bất tỉnh tại chỗ.
Bà Hoa, mẹ nạn nhân cho biết, gần sáng ngày 10.11, khi nhận được điện thoại báo tin từ Hiến, gia đình gấp rút tới bệnh viện thì đã thấy con được cấp cứu ổn định, quần áo của Hiến và Sơn lúc đó còn dính đầy máu của con gái bà. Gia đình đã gửi lại số tiền đóng viện phí cho các bạn, và còn có nhã ý biếu thêm một chút để tỏ lòng tri ân nhưng các bạn đều từ chối. Thậm chí, các bạn còn gửi lại gia đình 100.000 đồng để góp phần phụ giúp điều trị cho Hương.
Mặc dù đã tìm được gia đình nạn nhân, nhưng Hiến và Sơn vẫn dành thời gian qua lại bệnh viện để nắm rõ biến chuyển bệnh tình của Hương. Hỏi hai bạn có suy nghĩ gì khi hành động như vậy, Hiến cười hiền lành: “Triết lý sống của em là nếu có dịp thì cứ giúp người khác đi, rồi sẽ có người giúp lại mình. Người ta cứ nói nhịp sống hiện đại làm con người trở nên thờ ơ, nhưng em tin rằng nếu gặp hoàn cảnh tương tự, các bạn trẻ khác cũng sẽ hành động giống như chúng em thôi…”
bài và ảnh: Hương Vũ

Phải chăng chính vì việc phải đóng tiền  trước mới được cấp cứu là một trong những nguyên nhân khiến người qua đường ngại việc cứu người bị nạn ? Thậm chí gọi điện kêu cấp cứu cũng phải có tiền thì xe mới chạy !
Thử hỏi nếu là một người nghèo, một bác lái xe ôm trong túi có vài chục bạc, có dám hy sinh cứu người khi đưa đến bệnh viện thì gặp phải LŨ ÁO TRĂNG với quy định BẤT NHÂN : đóng tiền trước - cứu người sau - để gặp đủ thứ rắc rối vào người ? 
Lòng nhân của những kẻ luôn mồm ; LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU đâu rồi ? Ai đáng lên án hơn ai ?

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Bầu chọn Vịnh Hạ Long là yêu nước ?


Vịnh Hạ Long đang bước vào chặng nước rút của cuộc bầu chọn Bảy Kỳ quan mới của Thế giới (New7Wonder). Cũng vì thế mà những ngày này, truyền thông và công chúng lại nóng hừng hực ngóng kết quả của ngày 11/11/11.

Khen ngợi có, khích lệ có, cổ động có. Chê bai, hững hờ, tảng lờ cũng không ít. Nhiều ý kiến còn tỏ ra hoài nghi trước tính chính danh và địa vị pháp lý của cuộc thi này. Trả lời một tờ báo nước ngoài, bản thân người đại diện cho ngành Văn hóa - Du lịch Việt Nam cũng không khẳng định tuyệt đối giá trị của giải thưởng từ tổ chức NewOpenWorld (NOW), vốn do một tỷ phú nước ngoài khởi xướng. Theo ông, kết quả bầu chọn trên trang mạng New7Wonders do ông Bernard Weber chủ trì tuy "rất khó đánh giá thang bậc" nhưng dù sao vẫn là một "cơ hội" quảng bá cho Việt Nam.
Khác với một giải thưởng quốc tế mang màu sắc chính thống kiểu như Oscar với phim ảnh, Nobel với các ngành khoa học và văn chương.v.v., "Bảy Kỳ quan" không có một Viện Hàn Lâm đứng đằng sau với trùng điệp các tiêu chí nghiêm cẩn. "Bảy Kỳ quan" cũng không đòi hỏi một Ban Giám khảo kiểu "Cặp đôi hoàn hảo" hay "Vua Hài Đất Việt" chấm điểm vừa để định hướng tin nhắn vừa để trung hòa với điểm của khán giả cho từng "thí sinh".

Nói cách khác, người bình chọn có quyền lực tuyệt đối với kết quả cuối cùng. Vào trang web New7Wonders, nơi không hề thông tin về tiêu chuẩn chiến thắng, cách hướng dẫn bầu chọn trên điện thoại như sau: bấm một trong những số điện thoại trên màn hình - bấm mã code 4 số quy ước cho địa danh. Vậy là xong đề cử của bạn.

Cách thức này thoạt nghe hao hao cách chương trình Bibi hướng dẫn các cháu thiếu nhi gọi điện tham gia mục "trò chơi" hoặc "thời trang". Tất nhiên, vì dành cho mọi lứa tuổi nên New7Wonders không có câu: "Hãy xin phép bố mẹ trước khi gọi điện cho chị Thỏ Ngọc". Nhắn tin, thậm chí còn đơn giản hơn nhiều. Thể lệ bầu bán lại không hạn chế lượng "phiếu" từ một cá nhân hay tổ chức.

Có lẽ vì quy chế khá cởi mở này mà chiến dịch bầu chọn cho danh thắng nước mình thu hút hàng triệu lượt người tham gia từ mọi quốc gia. Không ít trường hợp chỉ biết tới địa danh nước mình ngay cả khi chưa từng đặt chân tới đó. Không thiếu những trường hợp nghe tới danh từ Amazon thì nghĩ ngay tới máy tính bảng Kindle Fire thay cho ý niệm về rừng. Nhưng rõ ràng, lợi thế thuộc về những quốc gia nào dân số đông đảo.

Có những nước tạo nên những chiến dịch quảng bá lớn mà nhiều khi một "chương trình mục tiêu quốc gia" cũng không sánh được về quy mô. Có những nước, như Ai Cập, thì cho rằng cuộc thi "chỉ nhằm đánh vào sự háo danh để trục lợi."

Trục lợi? Từ này có vẻ hơi nặng nề. Nhưng trước hết không khó để nhìn thấy những chủ thể hưởng lợi từ cuộc bình chọn: các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn, các hãng viễn thông thu phí trên đầu mỗi "phiếu" bình chọn dạng text hay dạng phút gọi. Tới khi công bố kết quả cuối cùng, phải có cả trăm triệu "phiếu" từ mọi quốc gia trên thế giới. Trong thời buổi lạm phát mang dấu hiệu đình trệ ở hầu hết các ngành nghề kinh doanh, đây quả là một cơ hội kiếm tiền hiếm có.

Gạt yếu tố lợi ích sang một bên, nhiều ý kiến tỏ ra không coi trọng ý nghĩa và vai trò của cuộc thi. Ví dụ, họ dẫn ra UNESCO, cơ quan văn hóa quốc tế uy tín nhất, nơi phong tặng những địa danh như Hạ Long là di sản thế giới cần bảo tồn, đã từ chối cộng tác với tỷ phú Weber. Vì thế "Bảy Kỳ quan" vẫn được coi là một cuộc thi tư nhân.

Nhưng thực ra có bao nhiêu sáng kiến tư nhân từ lâu vẫn được chấp nhận và khiến thiên hạ cuồng lên vì kết quả? Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ mang lại niềm tự hào cho sắc đẹp của bao quốc gia mấy chục năm qua, chẳng phải của ông trùm bất động sản Mỹ Donald Trump đó sao? Còn bảng xếp hạng thường niên 500 tỷ phú hàng đầu thế giới vốn nảy ra từ sáng kiến của ông chủ cùng tên của Tạp chí Forbes.

Cái gì cũng có khởi đầu, kể cả sự danh giá.

Thực tế, nếu Hạ Long chiến thắng để lọt vào Top 7, âu cũng là điều đáng mừng.

Cơ hội trước một cuộc thi không khe khắt lắm về chuyên môn, không đòi hỏi những chồng hồ sơ giải trình nặng trịch, không cả màn run run ứng xử bằng tiếng Anh như các hoa hậu, đáng phải nắm lấy. Đặc biệt là khi Việt Nam có một dân số trẻ, chi phí viễn thông rẻ, và một tâm lý‎ công chúng ưa thích các trò chơi mới mẻ. Thắng lợi này, nếu tính toán rành rẽ, chắc còn "kinh tế" hơn một đợt quảng bá cho du lịch Việt Nam trên CNN hay Thời báo Times.

Có lẽ từ sự hứng khởi hơi thái quá của ý nghĩ trên đây mà đâu đó người ta bắt gặp một thông điệp hơi lạ lẫm của chiến dịch quảng bá: "Hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long". Thực ra, người yêu nước cũng có thể không nhắn tin bầu chọn và người nhắn nhiều cũng chưa chắc đã thêm tự tin khi nói rằng mình yêu nước chỉ bằng động tác của một hai ngón tay cái.

Thông tỏ chuyện này, sẽ không có gì phải xót ruột khi vừa nhắn tin "HL" gửi đến Tổng đài 147 vừa nghĩ tới lời nhắn từ Steve Jobs:

"Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ!"

BẢO BẢO

New7wonders Là Gì?
Tổ chức lừa tiền thế giới
New7Wonders.com chỉ là ý tưởng "kinh doanh" của một người Canada gốc Thụy Sĩ tên là Bernard Weber. Đây là website của một tổ chức tư nhân đặt trụ sở tại Thụy Sĩ (New Open World) chứ không phải của một dự án của một chính phủ hay tổ chức uy tín nào trên thế giới. Bằng khả năng quảng bá, marketing khéo léo, cộng với cách chọn tên của dự án "New 7 Wonders of Nature", "7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới", Bernard Weber đã đánh vào lòng tự hào dân tộc, lôi kéo và đánh lừa được rất nhiều phương tiện truyền thông, thậm chí cả các ban ngành về tài nguyên thiên nhiên & du lịch ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước nghèo có hiểu biết và dân trí thấp.

Đẳng cấp chém gió cấp quốc tế
Ngày 27/9/2011, Bernard Weber đến làm việc tại Quảng Ninh. Hắn mạnh miệng tuyên bố: “Thông qua cuộc bầu chọn đó đã có nhiều danh thắng nhận được rất nhiều sự quan tâm với trên 1 trăm triệu phiếu bầu của người dân trên khắp thế giới, chứng tỏ sự quan trọng và tầm ảnh hưởng rất lớn của cuộc bầu chọn do tổ chức phát động.”
 
Phản ứng của nhân dân tiến bộ trước thảm họa N7W
Khi được hỏi về N7W, tổ chức UNESCO tuyên bố rằng Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber. Mục tiêu của UNESCO là giúp các nước xác định, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới. Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.” Như vậy, theo UNESCO kết quả bầu chọn của N7W không chính xác và không có khoa học. Cũng phải, bán phiếu bầu thì lấy đâu ra khoa với chả học.

Nagib Amin, một chuyên gia Ai Cập về di sản thế giới phát biểu: "Ngoài khía cạnh thương mại, lá phiếu không có cơ sở khoa học." Tại Ai Cập, Bộ trưởng Văn hóa Farouq Hosni gọi cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn” và mô tả Weber - nhà sáng lập NOWC - chỉ có mục đích duy nhất là “tự quảng cáo”.

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội UNESCO VN và nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới, cho rằng việc "mua phiếu bầu và nhà tổ chức thu tiền" này khiến cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của N7W "không khác gì một cuộc thi Manhunt (Người đàn ông quyến rũ) quốc tế, khi một cá nhân bỏ ra vài nghìn USD để mua hàng trăm lá phiếu".
 
Vịnh Hạ Long bá đạo trên bảng xếp hạng N7W
Tại Việt Nam, từ năm 2007, chính phủ phát động cả 1 chiến dịch cấp quốc gia về bầu chọn cho vịnh Hạ Long trên trang web lừa tiền quốc tế. Các tờ báo liên tục tung hô N7W, thằng lừa đảo Bernard Weber, hô hào nhân dân Việt Nam hãy bình chọn cho vịnh Hạ Long để “bày tỏ lòng yêu nước”. Cụ thể, từ ngày 22 tháng 2 năm 2008, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã được phía New Open World (NOW) đồng ý là cơ quan bảo trợ chính thức và đã đại diện ký thỏa thuận với NOW. Ngày 25 tháng 2 năm 2008, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ phát động bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Nhiều báo như báo Tuổi Trẻ đã lập hẳn 1 chuyên mục để thông tin (với khẩu hiệu "Bầu chọn Việt Nam: Lá phiếu của lòng yêu nước") thường xuyên và tuyên truyền cổ động cho cuộc bình chọn này. Và như tại Tiền Giang, từ ngày 25 tháng 3 năm 2008, lãnh đạo Tỉnh đoàn, sở Văn hóa Thông tin và sở Bưu chính viễn thông cùng hàng trăm đoàn viên thanh niên Đoàn khối dân chính đảng tỉnh Tiền Giang đã khởi động chiến dịch 10 tháng bầu chọn cho ba danh thắng của Việt Nam vào danh sách kỳ quan thế giới mới, trong đó có cả việc hỗ trợ đường truyền Internet tốc độ cao miễn phí cho 35 trường Trung học Phổ thông trong tỉnh để giáo viên và học sinh tham gia bầu chọn. Và chỉ trong tuần lễ phát động đầu tiên, đã có gần 10.000 lượt đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở thành phố Mỹ Tho đã tham gia bầu chọn. Ngày 14-3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, báo Thanh Niên, Đài Truyền hình Việt Nam và EVNTelecom đã ký hợp tác và phát động chương trình vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên của thế giới cho đến 31 tháng 12 năm 2008, trong đó có 1 "Cuộc tuần hành vòng quanh đất nước bằng xe đạp và thiết lập các điểm bầu chọn cho vịnh Hạ Long ở các tỉnh, thành phố". Ngày 19/8/2008, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Hợp tác Quốc tế đưa ra 9 chương trình hành động từ nay đến cuối năm cho cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới. Do chiến dịch bầu chọn quá hoành tráng này, 3 địa danh của VN (Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Phan-xi-păng) bá đạo trên bảng xếp hạng nhiều tuần liền.

Gần đây, vòng chung kết của cuộc bầu chọn N7W diễn ra cực kì “sôi động”. Thằng lừa đảo Bernard Weber đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 9 năm 2011 để PR cho N7W. Lợi dụng lòng tự hào dân tộc và suy nghĩ thiếu chin chắn của người Việt, hắn liên mồm tâng bốc vịnh Hạ Long lên tận trời xanh. Được tiếp thêm đạn, các tay thợ báo bồi bút ngu si IQ thấp liền liên tục khua môi múa mép, tâng bốc N7W và  Bernard Weber, tiếp tục kêu gọi các con mồi tự chui đầu vào rọ vì … tình yêu nước.
Báo chí truyền hình thì phần đông ngu si dốt nát là đúng rồi, vấn đề ở đây là tại sao chính phủ VN lại “gà mờ” như thế? Chính phủ 1 nước nhỏ như Maldives còn nhận ra trò lừa đảo của N7W, vậy tại sao chính phủ 1 nước lớn như VN lại không? Phải chăng, chính phủ biết thừa cái trò lừa đảo này nhưng các cấp chính quyền vẫn dấn thân vào để “lấy thành tích” báo cáo lên trên? Phỏng đoán này là có cơ sở, vì căn bệnh thành tích từ lâu đã thâm nhập vào mỗi người dân Việt Nam.
Nguồn:Tài liệu được sưu tầm từ
lichsuvn.infor
 

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thành ngữ - Tục ngữ : Kho tàng văn hóa Việt

Dịch thành ngữ, tục ngữ Việt Nam : một thử thách tế nhị

Một đầu sách viết về thành ngữ, tục ngữ VN
* Trịnh Nhật, PhD., tác giả sách “Anh-Việt đề huề:Tôi học tiếng nước tôi” xuất bản tại Úc.
Khi mầy mò lục tìm những email trao đổi với bạn bè, tình cờ tôi bắt gặp một email, đề ngày thứ Năm 29 tháng 10, 2009, liên quan tới “Ngôn ngữ Việt Nam”, mà nội dung như sau:
Có người hỏi làm sao dịch: "Đói cho sạch, rách cho thơm" sang tiếng Anh? Đành phải dùng kế hoãn binh, viện lẽ là trong văn hóa của phương Tây, có lẽ họ không để tâm mấy đến chuyện nghèo như Việt Nam mình, nên không chắc gì có câu nói tương đương. Kiểu nói khác của Việt Nam có thể là: "Giấy rách phải giữ lấy lề" chung qui là nói lên tấm lòng lương thiện (= honesty), dù trong cảnh khốn cùng (= poverty). Suy luận được đến đó thì nhớ được câu tiếng Anh là: "Honesty is the best policy".

Trước đó
, ngày 27 tháng 10, năm 2009 lại được ông bạn hỏi: "Đẹp trai không bằng chai mặt" thì dịch sang tiếng Anh làm sao? Tôi nghĩ câu này nói đến sự quan trọng của cái thời nay gọi là "có ngoại hình" (= good appearance), và với trò chơi chữ trong tiếng Bắc, "trai" với "chai" phát âm như nhau. "Chai mặt" được hiểu như là một "sự lì lợm, trì chí, kiên nhẫn", kiểu như "có công mài sắt, có ngày nên kim", hoặc "không vào hang cọp sao bắt được cọp con", ý phải "liều lĩnh, mạo hiểm, gan dạ" thì mới mong thành công. Tiếng Anh có câu "Nothing ventured, nothing gained", hay "No pain, no gain" có thể coi như diễn tả được ý nghĩa tương đương.

Gần đây
, trong cuôc phỏng vấn cho chương trình phát thanh Việt ngữ  ở Úc, trước ngày ra mắt cuốn sách “Anh-Việt đề huề: Tôi học tiếng nước tôi”, của tôi, vào cuối tháng 7 năm 2010, ký giả kiêm phát thanh viên Phan Bách đã tò mò hỏi tôi là lý do gì mà tôi hay chọn các tựa đề cho các bài học nghe thấy “kêu”, thấy “hấp dẫn” như thế, chẳng hạn như : “Vàng mà lại không phải là vàng…”, “Cỏ là để cho bò,” “Lo bò trắng răng”, hoặc “Tối lửa tắt đèn”, “Chuột sa chĩnh gạo”, hay “Dẫy như đỉa phải vôi”.
Tôi nhớ như đã trả lời anh đại loại là: “Chủ yếu tôi dùng những cụm từ cố định, những câu nói người ta đã nghe quen và dễ nhớ, mà tác dụng của chúng là bóng bẩy, gợi hình, nghe có vần điệu…”.
Những cụm từ, nhóm chữ cố định (fixed expressions) như thế, khi nhìn lại, đa phần là những thành ngữ, tục ngữ Việt. Để làm sáng tỏ vấn đề phân biệt giữa thành ngữ và tục ngữ, thì qua việc tra cứu sách vở, tôi được biết như sau:
“Thành ngữ là những cụm từ cố định dùng để diễn đạt một khái niệm. Thí dụ: Ăn sổi ở thì, ba vuông bảy tròn, cơm sung cháo dền, nằm sương gối đất…”.
“Tục ngữ là những câu hoàn chỉnh, có ý nghĩa trọn vẹn, nói lên hoặc một nhận xét tâm lý, hoặc một lời phê phán, khen hay chê,  hoặc một câu khuyên nhủ, hoặc một kinh nghiệm về nhận thức tự nhiên hay xã hội… Thí dụ: Đồng tiền
đi liền khúc ruột; trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông; ở hiền gặp lành; chết vinh còn hơn sống nhục; đói cho sạch rách cho thơm; gió heo may chuồn chuồn bay thì bão; bỡn quá hóa thật…” [ theo Nguyễn Lân: “Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam”, NXB Văn Hóa Hà Nội, 1989].
Trong khi đó, khi người Việt ta nói đến học “thành ngữ” trong tiếng Anh là chúng ta nói đến học “idioms”, mà từ điển tiếng Anh định nghĩa như sau:
-“Idiom  (= thành ngữ): là một nhóm từ ngữ mà, khi dùng chung với nhau, có nghĩa khác với nghĩa của những từ ngữ dùng riêng lẻ”. Thí dụ: Trời mưa những mèo những chó (có nghĩa: Mưa như trời sập; Mưa như thác đổ) [a group of words which, when used together, have a different meaning from the one suggested by the individual words, e.g. It was raining cats and dogs.[theo Collins Australian Compact Dictionary, HarperCollins Publishers Ltd, 2002, Great Britain].
Hay:
-“Idiom  (= thành ngữ): một câu nói có nghĩa toàn thể khác với nghĩa của những thành phần. Thí dụ:  ‘to have your feet on the ground’ (có nghĩa: Có hai bàn chân trên mặt đất) là một thành ngữ có nghĩa là ‘to be sensible’ (= sáng suốt, biết điều) [ an expression whose meaning is different from the meaning of the individual words. For example, ‘to have your feet on the ground’ is an idiom meaning ‘to be sensible’]
[theo MacMillan English Dictionary for Advanced Learners (International Student Edition), MacMillan Publishers Ltd, 2002, The United Kingdom].
Định nghĩa về “thành ngữ” của tiếng Việt nhắm vào ý nghĩa diễn tả một khái niệm của cụm từ cố định, trong khi định nghĩa “idiom” của tiếng Anh nhắm vào cách cấu tạo của nó (= nghĩa của một toàn thể khác với các thành phần).
Riêng về định nghĩa của “tục ngữ” trong tiếng Việt nói đến một câu hoàn chỉnh và có ý nghĩa trọn vẹn rất gần với những gì ta vẫn gọi là “phương ngôn, phương châm, cách ngôn”, thì tương đương trong tiếng Anh là “proverb; common saying; saying; adage; maxim”.
Các từ điển Việt-Anh thì cho ngữ nghĩa của “thành ngữ” và “tục ngữ” như sau:
-Thành ngữ: expression, phrase; idiom; dialect; dictum, common saying; by-word. [theo Nguyễn Văn Tạo, Tự-điển Phổ-thông Việt-Anh (Vietnamese-English Dictionary), NXB Tao Đàn, Saigon, in lần thứ nhất, 1975 – NXB Tân Văn, Tokyo, Nhật Bản, 1986].
-Tục ngữ: proverb; common saying; adage; wise saw, old saw, dictum; by-word; maxim. Thí dụ: Lời nói đã trở thành tục ngữ (Saying that has become a proverb, that has passed into a proverb).Hay : Tục ngữ có câu ( As the saying goes)[theo Nguyễn Văn Tạo, Tự-điển Phổ-thông Việt-Anh (Vietnamese-English Dictionary), NXB Tao Đàn, Saigon, in lần thứ nhất, 1975 – NXB Tân Văn, Tokyo, Nhật Bản, 1986].
Xem như vậy thì dịch “idiom” là “thành ngữ” và “proverb” là “tục ngữ” sang tiếng Việt sẽ coi như “an toàn trên xa lộ”.
Sau một cái nhìn tổng quan về dịch thành ngữ, tục ngữ, thì đến mồng 1 tháng 1 năm 2011, tức là trước Xuân Canh Dần, không còn nhớ nguyên do nào, tôi lại mầy mò thử dịch sang tiếng Anh một câu, mà nay tôi hiểu là tục ngữ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vì, theo định nghĩa, nó nói lên là “một nhận xét tâm lý… một kinh nghiệm về nhận thức tự nhiên”.
Cũng phải nói thêm là khi tra cứu từ điển tiếng Việt về thành ngữ và tục ngữ, tôi được biết nghĩa bóng của câu nói trên như sau: Khi người ta đói mà cứu người ta ngay thì dù ít cũng hơn là lúc người ta no mà cho nhiều.[ theoTừ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1989].

Chi tiết hơn thì có nghĩa là: Giúp đỡ lúc đang thiếu thốn, đang cần thiết, dù nhỏ, vẫn có giá trị gấp bội lần, ví như khi người ta đói, cho ăn một miếng vẫn quí hơn cho cả gói khi người ta no đủ. Vd: Ngày ba tháng tám, bác giúp nhiều thế này thì tôi biết nói gì để cảm tạ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, huống cho là cả tạ gạo.[theo Từ điển Thành ngữ Việt Nam, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, Viện Ngôn Ngữ học, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1993].
Việc làm đầu tiên là tôi thử dịch sát nghĩa, rồi chuyển gửi cho bạn bè gốc Việt, gốc Úc có kinh nghiệm về dịch Việt-Anh, và yêu cầu họ chọn lựa dùm thứ tự ưu tiên cho các đề nghị dưới đây (= rating the degree of acceptability of the following translated texts):
(1) One piece of food while hungry equals a big box of food while full.
(2) A morsel of food while hungry equals a hamper of it while full.
(3) A morsel of food when hungry is equivalent to a hamper of food when full.
(4) A morsel of food while hungry is worth a hamper of it while one’s stomach is full.
(5) A morsel of food when hungry is worth a hamper of it when full.
(6) A morsel when hungry is like a hamper when full.
 
Anh Nguyễn Văn Sở, thầy dạy tiếng Anh ở Costa Mesa, California, sau khi tự nhận mình là không giỏi về phiên dịch, đã chọn câu (1) trong 2 câu anh đưa ra dưới đây:
(1) A morsel of food when hungry is worth a whole box of it when full.
(2) A morsel of food while hungry is worth a whole box of it while full.
Câu (1) của anh phần nào tương đương với câu (5) do tôi đề nghị ở trên, khác chăng là thay vì dùng “a hamper of it”, thì anh dùng “a whole box of it”.  Anh chọn chữ when (= khi) trong câu (1) thay vì chữ while (= trong khi) trong câu (2), vì theo anh when nhấn mạnh đến tính cách tức thời (= immediacy), của “cái đói”, còn khi dùng while thì “cái cảm giác đói” cũng dày vò đối tượng đấy, nhưng có thể là đã âm ỉ từ một ngày qua hay thậm chí đã từ vài ngày trước.
 Một người bạn gốc Việt khác, anh Chu Xuân Viên, ở Virginia, với kinh nghiệm dịch thuật cùng mình, cũng đã đóng góp ý kiến
dưới đây:
 Quan niệm dịch thuật của tôi vẫn là: Ngoài sự thông suốt cả hai ngôn ngữ (source/target), phải có sự trải nghiệm hay “background” văn hóa của cả hai quốc gia ấy vì mục đích dịch [trong trường hợp này] là để người Anh, Úc, Mỹ hiểu ta muốn nói gì.
Do đó:
1. Đối với dân ta, "miếng khi đói bằng gói khi no" chỉ có thể là cơm hay xôi, không thể là gì khác.
2. Đối với các bạn nói tiếng Anh bản ngữ thì lại khác. "Food" thì quá rộng rãi, có thể là bất cứ cái gì có thể ăn được (bread, pizza, cake, fruit, etc...) nên tôi nghĩ mình nên “narrow down” (= thu hẹp lại) "food" thành một món ăn thường ngày.
3. ‘Hamper’ chỉ là một cái rổ, rá (= basket) hay thùng bằng mây đựng quần áo bẩn. Dùng đựng ‘food’ cũng khả dĩ nhưng khiên cưỡng.
Mỹ nghe thấy họ hay dùng "piece of a pie" nên đề nghị dùng ý này:"A piece when hungry is worth a whole pie when full."
Sau đó ít lâu anh Viện cho biết "Miếng khi đói bằng gói khi no" cũng có thể dịch là:"A slice of bread when hungry is worth a whole loaf when full."Vì, theo anh, “pie” (= bánh ‘pai’) cũng có thể thay bằng“bread” (= bánh mì) là món ăn chính của người Mỹ.

Một người bạn gốc Úc ròng, anh Dave Gilbert, chuyên viên dịch từ Việt sang Anh, cư ngụ ở vùng Gold Coast, thì ban đầu đề nghị:“A morsel when hungry is like a hamper when full.”
Ít lâu sau có dịp nghĩ lại, anh cho rằng anh có thể dịch câu trên hay hơn, tự nhiên hơn như sau: “When hungry, a morsel is like a hamper.”
Anh cho hay rằng chuyện “hamper” đầy hay không đầy không quan trọng, vì “hamper” là đã hàm ý là “gói”, là “hộp” có nhiều đồ ăn rồi, bằng không thì nó chẳng thể được gọi là “hamper”. Khi giảng giải ngữ nghĩa của chữ “full” của “hamper”, anh bạn Úc cho tôi cái cảm tưởng là anh vô tình, hay vô ý đã không phân biệt giữa “no” và “đầy” trong tiếng Việt.
Anh còn cho biết lối nói tương tự của người Úc là:
“When feeling starved, a chip is like a Sunday roast.”
(= khi cảm thấy đói meo, thì một miếng khoai chiên nhỏ cũng giống như một bữa tiệc).
“Sunday roast” được người Úc hiểu là bữa tiệc lớn (= feast), nhưng lại có người Úc khác nói rõ hơn, tình tiết hơn, thì bảo rằng đó là: “a baked dinner, specifically lamb, beef, or pork baked in the oven and baked with vegetables, such as pumpkin, potato, carrot, onion, or boiled vegetables). Không thấy nói gì đến  “Sunday” (= Chủ Nhật), hay “roast” (= thịt quay, thịt nướng) cả.

Liên quan tới dịch “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, một anh bạn Úc ròng khác, anh Mark Davidson, ở Sunshine Coast, tiểu bang Queensland, đã chọn câu (1) do tôi đề nghị:
(1) One piece of food while hungry equals a big box of food while full.
Anh cũng không ngần ngại cho biết câu nói tương tự, mang tính hài hước của Úc (= Aussie humour), mà anh thích, khi bị “cái đói” cào cấu là:
“I am so hungry I could eat the crotch out of a low flying duck!”
[nghĩa là: Tôi đói quá đến độ có thể ăn cả (???) của một con vịt bay thấp là là].
Chữ ‘crotch” theo từ điển Macmillan English Dictionary là “the area between your legs where they join your body” (= khu vực ở giữa hai cẳng chân nơi nối với thân mình). Từ điển BBC English Dictionary thì bảo: “Your crotch is the part of your body between the tops of your legs”  (= phần thân mình nằm phía trên hai cẳng chân).  Vậy, ta có thể gọi là “phần bụng dưới” được không đây?
Khi vào Google search, thì máy dịch Google sang tiếng Pháp như sau :
«Je suis tellement faim que je pourrais manger à l'entrejambe d'un canard volant à basse altitude. »
[l’entrejambe d’un canard = giữa hai cẳng chân của con vịt].
Thí dụ trên của anh Mark, tôi nghe hơi lạ, thậm chí chưa nghe bao giờ.  Nhưng không phải chỉ có tôi chưa nghe, một chị bạn nhà giáo người Úc, tên là Lorraine, cũng chưa hề được nghe, mà chị chỉ nghe bạn bè nói câu:
“I am so hungry I could eat the bum out of a rag doll!”
Chữ “bum” thì ai học tiếng Anh rồi mà chả biết là “backside” [= cái mông (đít)], còn “rag doll” thì chị giải thích là “con búp-bê làm bằng vải”.  Đói quá ăn cả “mông bằng vải của búp-bê”.
Trong tiếng Anh, cùng một ý “đói quá” ở trên,  ta thường nghe nói: “Im so hungry, I can eat a horse” (= tôi đói quá có thể ăn cả con ngựa được).

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” còn được anh Đinh Quốc Dũng, một người bạn kỹ sư ở Sydney đề nghị dịch là: “A mouthful when hungry is as a whole meal when full.” Anh cho rằng những người đọc câu này bằng tiếng Anh sẽ được bùi tai hơn.

Với anh Võ Kim Tuấn, thông dịch viên toàn thời gian tại Sydney, thì đã bình chọn câu số (6), của tôi và cho là câu hay nhất:
(6) A morsel when hungry is like a hamper when full.
Anh Tuấn còn đi xa hơn nữa khi dịch thoát ý, giải thích nghĩa bóng của câu tiếng Việt sang tiếng Anh là:
“Help is only appreciated fully when needed, otherwise it means very little."

Riêng có một người tôi mới biết mà chưa gặp, nghĩa là ”chỉ văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, với bút hiệu là Tu Dinh, ở Colorado đến giờ chót đã cho câu dịch:“One piece when hungry equals a lot when full.”

Còn một anh bạn cũ, không phải chuyên viên dịch thuật, nay ở Houston, thì nêu nhận xét:
“Ngoài ý nghĩa, tục ngữ này hay nhất là ở vần ĐÓI và GÓI mà theo tôi nghĩ khi dịch sang Anh ngữ thì không thể nào thể hiện được chỗ hay này”.
Để thỏa mãn “cái không thể làm được” nêu trên, anh Thiếu Khanh, một nhà giáo, nhà thơ, nhà dịch thuật hiện còn ở trong nước đã “một liều ba bẩy cũng liều”, tức khí mà gieo vần như sau:
“A morsel when hungry is worth  a large quantity when you’ve eaten fully.”
Tiếp tay dịch cho có cả vần điệu (= rhyming) bằng “tiếng Anh của anh Khanh”,  anh Nghiêm Ngọc Tâm, nhà thơ kiêm nhà giáo tiếng Anh, đã không ngại ngần hạ bút với câu:
 “A piece when hungry is worth a pack when plenty."

Chuyện dịch thành ngữ, tục ngữ sang tiếng Anh, theo tôi, quả vẫn còn là một thử thách, và cơ hội luận bàn vẫn còn dài dài, dầm dề… chưa dứt - nhưng thôi, xin được tạm ngưng tại đây.

Trịnh Nhật
Sydney, cuối thu 2011