Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Lại một kẻ đốt đền

Tự nhiên mấy hôm nay, đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước trở nên nổi tiếng. Chỉ tiếc rằng, ông nổi tiếng không theo cái lẽ tự nhiên như giáo sư Ngô Bảo Châu hay đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết mà nổi tiếng theo cách của “kẻ đốt đền”.
Ngày 17/11/2011, ông Hoàng Hữu Phước phát biểu trước quốc hội về việc “đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”. Lập tức, ông vấp phải làn sóng phẫn nộ trong dư luận, gấp nhiều lần so với khi ông Nguyễn Minh Hồng đề nghị đưa Luật nhà văn vào dự án luật. Trong 500 phản hồi ở Nhật báo Ba Sàm, không một ý kiến nào bênh vực ông. Những ý kiến phản đối ông tràn ngập mạng facebook cũng như ở các diễn đàn, các blog nổi tiếng.
Người ta thất vọng về ông, một đại biểu của nhân dân. Giá ông không giữ trọng trách của một đại biểu quốc hội thì họ cũng chẳng tới mức bức xúc như thế. Có người lập ra một entry lấy like yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội của ông.
Có người gửi tin nhắn phản đối vào số máy của ông.
Có người trách cử tri Sài Gòn đã không sáng suốt khi bầu ông làm đại biểu quốc hôi. Thực ra, không thể trách cử tri. Việc bầu cử lâu nay diễn ra như thế nào ai cũng biết, khỏi cần nhắc lại.
Người ta lập tức tìm các bài viết trước đó của ông, mách nhau đọc xem hiểu biết của ông như thế nào, lối nghĩ của ông ra sao. Có thể do đó, blog của ông tăng hẳn con số truy cập. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là việc ông hiến kế liên hoành cho Saddam Hussein với yêu cầu ông ta phải cử ông làm đặc sứ, dùng khả năng hùng biện để thuyết phục các nước.
Trong các ý kiến, có những ý kiến nghiêm túc, chừng mực nhưng cũng khá nhiều những ý kiến gay gắt tới mức mạt sát, chửi rủa. Tuy nhiên, đằng sau những từ ngữ thô thiển, khó nghe ấy, không phải là họ không có lý.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc lưu ý, đại biểu quốc hội không nên nhân danh nhân dân mà chỉ “nhân danh cá nhân mình thôi”“phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân”, “thóa mạ những người biểu tình như thế là đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước”.
Luật gia Trần Đình Thu cảnh báo: “một đại biểu quốc hội không thể vì lý do không muốn mở quyền mà phát biểu vi hiến bằng cách xổ toẹt cả hiến pháp như thế” .
Khi ông Phước lo việc lập hội sẽ “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, ông đề nghị loại bỏ Luật lập hội (và Luật biểu tình) khỏi danh sách dự án luật, Luật gia Trần Đình Thu chỉ ra ông Phước đã nhầm lẫn khái niệm giữa các hội với Mặt trận Tổ quốc và khuyên ông đọc lại Luật Mặt trận Tổ quốc.
Họ phản đối ông Phước không chỉ vì ý kiến phát biểu của ông trái với nguyện vọng của họ mà còn vì ý kiến của ông, một đại biểu quốc hội nói năng không dựa trên cơ sở luật pháp nào. Kiến thức của ông không biết phong phú đến đâu nhưng đã bộc lộ những khiếm khuyết khi ông bước chân vào nghị trường, một môi trường mà yêu cầu hình như vượt quá sự hiểu biết và có vẻ không hợp với lối tư duy cũ kỹ của ông. Đọc bài phát biểu của ông, người ta tưởng như đang quay trở lại thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.
Ông cho rằng, biểu tình “luôn để chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ nước mình”, còn việc tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ là đức tin hoặc cuộc tuần hành. Và các hình thức ủng hộ Chính phủ theo ông cũng chưa cần thiết ban hành luật mà ông gọi là Luật đức tin hay Luật tuần hành vì nó tốn kém thời gian và tiền bac.
Cụm từ Luật đức tin (để ủng hộ chính phủ), lần đầu tiên tôi nghe nói tới. Không biết sự sáng tạo ngôn ngữ của ông, sau này có được đưa vào từ điển hay không. Đức tin từ trước đến nay người ta chỉ dùng để nói về lòng tin của con chiên đối với đạo mà người ta theo chứ chưa thấy ai nói đức tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, mà chỉ nói là lòng tin. Hay ý ông Phước muốn nhân dân Việt Nam là những con chiên mà Đảng là một thứ đạo?
Ông dẫn chứng các cuộc biểu tình trên thế giới để chứng minh các cuộc biểu tình đều nhằm vào chống chính phủ, lấy đó làm con ngáo ộp dọa quốc hội. Thế rồi ông lại tự mâu thuẫn: “Các nước thì có ai chống họ đâu, trong khi VN thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích …”
Ngoài việc gán cho biểu tình là chống Chính phủ, ông còn tìm mọi cách chứng minh lấy được là nó rất xấu.
Ông kể về những cuộc biểu tình chống đường lưỡi bò ở TP HCM đã gây nên nạn kẹt xe bị người đi đường nguyền nguyền rủa, thóa mạ, văng tục đầy đe dọa. Rồi ông lo sự giận dữ đó biến thành ẩu đả, bạo loạn giữa người biểu tình và phản đối biểu tình. Tôi rất nghi ngờ lòng trung thực của ông khi ông kể ra tình trạng trên. Trong các cuộc biểu tình ở Hà Nội, tôi chưa thấy tình trạng kẹt xe bao giờ. Chỉ có chuyện người tham gia giao thông đi chậm lại quan sát nhưng cảnh sát giao thông luôn có mặt để hướng dẫn kịp thời. Tôi chưa trực tiếp nghe người đi đường chửi người biểu tình nhưng có một trường hợp người biểu tình về kể cho nhau có người buông ra một câu chửi mà câu chửi đó họ không cho là của người đi đường.
Khó có thể tin rằng, vì bị kẹt xe (nếu có) mà người đi đường rủ quân đi đánh nhau với người biểu tình chống đường lưỡi bò, trừ trường hợp người gây sự là quần chúng gọi là tự phát (nhưng có tổ chức).
Có lẽ ông Phước không thể hình dung được cảnh người đi đường vẫy tay hoan nghênh đoàn biểu tình, giơ hai ngón tay ủng hộ, dừng lại xin biểu ngữ. Ông cũng không hình dung được người đi đường mua tặng người biểu tình cả thùng nước uống, cả một túi kem. Nhưng lực lượng cảnh sát, an ninh làm nhiệm vụ giám sát các cuộc biểu tình thì thừa biết những điều ấy.
Rồi ông lập luận hết sức kỳ quặc theo lô gic:
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến người buôn gánh bán bưng, gom góp từng đồng lẻ chứ quyết tâm không làm hành khất.
Biểu tình => kẹt xe => “xâm hại thu nhập chính đáng của những cửa hàng hoạt động kinh doanh hợp pháp tại khu vực bị phong tỏa do biểu tình”
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến người ốm cần đi viện.
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến bà đẻ
Biểu tình => kẹt xe => ảnh hưởng đến đám cưới.
Ông dùng ngôn ngữ khá lâm ly, kể lể khá tỉ mỉ, vụn vặt để kết luận một vấn đề lớn. Dù vậy, những điều ấy ở Hà Nội chưa vì biểu tình mà xảy ra. Nếu có thì mới chỉ có chuyện một vài quán nước, quán cà phê bị cấm bán cho người biểu tình nên ảnh hưởng đến thu nhập của họ mà thôi.
Cũng như ở Tp Hồ Chí Minh, nạn kẹt xe ở Hà Nỗi vẫn diễn ra hàng ngày do lưu lượng xe đông, do chất lượng đường xấu, do việc quản lý, điều hành còn yếu kém chứ không phải là do những cuộc biểu tình vừa qua.
Đại biểu Dương Trung Quốc với những người biểu tình tại Nhà hát lớn
Cứ theo lập luận của ông Phước thì phải chăng, bất cứ cái gì gây nên nạn kẹt xe (hoặc những mặt trái khác) cần cấm tất: buôn gánh bán bưng, kinh doanh vỉa hè, mặt phố (làm người mua tụ tập lại), ô tô, xe máy. Cấm luôn cả đám cưới vì thu hút sự chú ý của người đi đường. Có thể ông Phước nói rằng, không, đó là những nhu cầu chính đáng. Vậy biểu tình là quyền cơ bản của con người được hiến pháp thừa nhận thì có chính đáng không? Vấn đề ở chỗ, tất cả các nhu cầu chính đáng phải được tôn trọng. Còn đáp ứng những nhu cầu chính đáng ấy mà không để ảnh hưởng đến trật tự xã hội là việc của những người quản lý.
Một điều rất buồn cười nữa là ông Phước thấy “đèn đỏ đèn xanh lập ra giữ gìn trật tự giao thông mà người ta vẫn vi phạm”, từ đó ông lo khi cho phép biểu tình thì Luật biểu tình vẫn không được tôn trọng nên ông đề nghị chưa ban hành luật biểu tình. Vậy từ khi Luật chống tham nhũng ra đời nhưng tham nhũng vẫn không hề giảm mà còn gia tăng thì có cần hủy Luật chống tham nhũng không? Đây là lối tư duy hết sức tiêu cực và lạc hậu: cái gì không quản được thì cấm.
Ông Phước đã quá lo đến những “tác hại” của biểu tình. Nhưng mặt tích cực của nó ông không nhìn thấy được. Biểu tình là thể hiện thái độ của những người tham gia đối với một bất cập nào đó trong xã hội. Thông qua biểu tình, Chính phủ mới thấy được nguyện vọng của dân, thấy được những yếu kém trong quản lý, điều hành để có đối sách phù hợp. Có như thế, chính quyền mới được củng cố, xã hội mới phát triển được.
Cũng cần phải nói thêm rằng, mục đích của các cuộc biểu tình Mùa Hè vừa qua là phản đối Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Chính phủ về chủ quyền của đất nước đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông. Những cuộc biểu tình ấy đã hậu thuẫn cho Chính phủ trong việc bang giao với các nước có tranh chấp ở Biển Đông. Điều này giải thích vì sao, trong 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội có 8 cuộc được chính quyền ngầm ủng hộ, chỉ có 3 cuộc bị đàn áp.
Ông đặt câu hỏi, “dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm”.
Thật đáng buồn, cho đến bây giờ, ông không biết thành phần biểu tình như thế nào. Đó là các nhân sĩ trí thức, cựu chiến binh, cán bộ quân đội và công an, cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, các doanh nhân, học sinh sinh viên. Nói về nhóm nhỏ ấy, hẳn ông ám chỉ đoàn biểu tình chỉ là một dúm người vô công rồi nghề, tụ tập nhau hò hét chăng?
Rồi ông hồ đồ khẳng định: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.
Ông Phước đề nghị loại bỏ Luật biểu tình ra khỏi dự án Luật còn với lý do rằng dân trí nước ta còn thấp. Kể cũng lạ. Trước đây có một ông nghị thích làm đường cao tốc quá nên cho rằng chỉ số IQ cao cần làm đường cao tốc. Giờ lại đến ông nghị Phước yêu cầu gác luật biểu tình lại vì dân trí còn thấp. Không biết dân trí nước ta thấp hay dân trí ông Hoàng Hữu Phước thấp đây.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến: “Nói dân trí VN thấp để cho rằng chưa nên cho thực thi một số quyền là hạ thấp nền dân trí của VN, không thể lập luận như vậy được”.
Luật gia Trần Đình Thu cho rằng “ông kết luận, cần phải loại bỏ 2 luật này ra khỏi chương trình nghị sự quốc hội trong suốt khóa XIII và còn ám chỉ cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị của xã hội Việt Nam”. Đọc bài phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước, tôi thấy Luật gia Trần Đình Thu nhận định đúng, chẳng bao giờ, kể cả khi dân trí cao thêm, kinh tế phát triển hơn mà ông mặn mà với Luật biểu tình.
Nhưng, dù muốn hay không, hiến pháp cho dù có sửa đổi thế nào cũng không thế loại bỏ quyền biểu tình của công dân. Khi hiến pháp đã thừa nhận quyền biểu tình thì không thể cấm biểu tình mà việc ra Luật để chế định hoạt động biểu tình là một đòi hỏi khách quan. Luật biểu tình sinh ra là để làm cho Nhà nước chủ động trong việc quản lý biểu tình.
Một công dân 26 tuổi ở TP HCM trong thư gửi cho quốc hội khóa 8 cho rằng Luật biểu tình “được soạn thảo ra từ những người quản lý việc biểu tình chứ không phải từ những người đòi hỏi biểu tình, cho nên không thể nói Luật này sẽ không phù hợp và không có lợi cho nhà nước”.
Chính vì không có luật biểu tình nên trong sự kiện biểu tình Mùa Hè 2011, chính quyền đã thực sự lúng túng tới mức đi làm cái việc hết sức kỳ quặc: ra một cái thông báo không ai dám ký bèn đóng dấu treo rồi mang đi phổ biến. Không biết làm sao cho đúng, chính quyền phải đàn áp, bắt bớ mà không dựa trên một cơ sở pháp luật nào, gây nên bao nhiêu tai tiếng trong nhân dân và trên dư luận quốc tế. Sự lúng túng của chính quyền trong việc đối phó với các cuộc biểu tình vừa qua càng cho thấy việc ra luật biểu tình là cấp thiết.
Có thể vì quá sợ biểu tình, quá lo cho sự tồn vong của chế độ hoặc vì một lý do cá nhân nào đó mà ông Phước yêu cầu loại bỏ Luật biểu tình ra khỏi dự án. Tôi nghi ngờ tình yêu của ông Phước đối với chế độ mà nghĩ ông yêu ông hơn, có thể vì lợi ích của ông gắn chặt với chế độ. Nhưng bảo vệ chế độ bằng cách của ông, coi chừng có tác dụng ngược lại.
Người ta yêu cái gì đó cũng có nhiều cách yêu. Trong trường hợp này, cách yêu thô thiển nhất là tất cả cái gì động đến chế độ là thẳng thừng loại bỏ. Cũng có cách yêu, vì lo lắng cho chế độ mà chỉ ra những mắt xích rệu rã để điều chỉnh, bảo dưỡng, chỉ ra những con sâu, con mọt để loại bỏ, làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh hơn, chế độ vững vàng hơn. Những người yêu theo cách này sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đến với mình bất cứ lúc nào bởi chính những con sâu mọt kia luôn rình rập hãm hại họ.
Bài phát biểu của ông Phước trước quốc hội đã gây nên một hiệu ứng xấu, dân phản đối đã đành mà ngay cả những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước chưa chắc đã hoan nghênh, điều đó có thể ngược lại với mục đích của ông.
Với trọng trách của một đại biểu quốc hội mà ông Hoàng Hữu Phước nói năng như thế, tôi xin mượn ý của giáo sư Ngô Bảo Châu mà nói rằng, có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn vị nghị sĩ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét