Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

30 /4 Thưởng thức nhạc Lam Phương


Hội ngộ Tình ca Lam Phương
Cách đây 4 năm, lần đầu tiên được thưởng thức – dĩ nhiên là trên dĩa DVD, một chương trình Thuý Nga ngay trên đất Mỹ,Tôi đã được làm quen với những bài tình ca của nhạc sĩ Lam Phương, những bài hát hết sức quen thuộc trước năm 1975 tại Việt Nam, mà tôi không nhớ tựa và nhất là không biết đó là nhạc của Lam Phương, vì thực sự lúc đó tôi cũng như nhiều thanh niên thành thị, có chút học vấn đã xem đây là giòng nhạc sến !
Sau năm 1975, giòng nhạc sến biến thành giòng nhạc vàng , không phải là vàng bạc mà là vàng vọt, uỷ mị theo cách gọi của giới truyền thông nhà nước , giòng nhạc này vô hình chung đối kháng lại với giòng nhạc Đỏ, chẳng phải là đỏ đen mà là màu cờ đỏ. Thời gian trôi qua, đến khi VN buộc phải mở cửa cho giới tư bản vào để cái nền kinh tế quốc doanh xếp hàng mua từng cây kim sợi chỉ, ăn bo bo đến mờ mắt, chuyển sang nền kinh tế có cái tên gọi “không giống ai” – nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ! Thì cái giòng nhạc đỏ dần dần chỉ còn tồn tại trong chương trình kỷ niệm các ngày lễ, hay léo nhéo trên làn sóng truyền thanh, truyền hình. Giòng nhạc vàng chuyển biến thành nhạc tình ca với hàng loạt bản nhạc tình của các nhạc sĩ mới xuất hiện sau này, cũng chẳng để lại trong tôi một chút gì để nhớ ngoài một số bài của Trần Tiến. Các bài nhạc mới này cũng quay lại với những mối tình tan vỡ, những nỗi niềm thương nhớ …như trước đây. Vì dù gì đi nữa thì tình yêu vẫn là một đề tài bất diệt, cho dù có muốn nhuộm đỏ các nỗi nhớ thương thì các thế lực có mạnh đến đâu cũng không nổi .
Trước năm 2007 tôi không để ý gì đến những dĩa nhạc Thuý Nga, mà tôi vẫn xem là một chương trình ca nhạc với những bản tình ca “máy nước” hay nhạc sến – tôi chỉ nghe các dĩa CD nhạc Trịnh Công Sơn và Phạm Duy … và một số DVD các chương trình ca nhạc trong nước mà sau khi xem xong không để lại trong tôi một chút ấn tượng gì.
Cho đến khi qua Mỹ năm 2007, được cô em cho xem một dĩa Paris By Night chính gốc số 88 – chủ đề Đường về quê hương, mới đầu chỉ là xem cho đỡ buồn – nhưng rồi với phong cách dàn dựng hết sức hoành tráng mang tính chuyên nghiệp cao, với những âm điệu quen thuộc, và những ca sĩ thân quen trước đây cùng với những ca sĩ tuy mới lần đầu được xem nhưng khiến tôi có ấn tượng tốt đẹp vì chất giọng và phong cách biểu diễn, đã khiến tôi không thể rời mắt khỏi màn hình. Tôi xem một mạch gần 4 tiếng mà vẫn thấy chưa “thoả mãn” và lần đầu tiên trong đời , có những bài hát làm tôi ứa nước mắt vì xúc cảm – Những bài ca “máy nước” của giòng nhạc sến trước kia, lại làm cháy bỏng trong tôi một tình yêu đất nước và con người Việt Nam, mà vì một định mệnh oan khiên đã khiến cho một dân tộc phải tan tác khắp thế giới, cùng với một chủ thuyết ngoại lai tàn nhẫn đã khiến cho những người cùng màu da, cùng ngôn ngữ trở thành kẻ thù của nhau !
Tôi nghe và xem nhạc hay nói đúng hơn là tôi “uống” từng lời ca, từng tiếng nhạc của Lam Phương, một nhạc sĩ đã dùng nhạc để kể về chính cuộc đời ông, từ một thanh niên 19 tuổi sáng tác nhạc vì niềm say mê, nhưng cũng vì sinh kế, đã trôi nổi, khóc cười với những mối tình lãng mạng của mình, cũng như với giòng đời nghiệt ngã của vận nước. Những bài hát của ông tuy chủ yếu là tình ca, nhưng giống như một biên niên sử, thuật lại với một ngôn từ đa dạng về nhạc điệu, về ngữ nghĩa để nói về không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu của một người Việt với đất nước với quê hương mình.
Bốn năm sau, vào đúng ngày 30/4 /2011 tại Sài Gòn – tôi lại có dịp thưởng thức lại các bản tình ca của Lam Phương trên dĩa Thuý Nga số 104, mà đối với tôi từ khi quay về Việt Nam, tôi đã tìm mua gần đủ các bộ dĩa Thuý Nga để xem cho “đã” các bản nhạc “sến” mà giờ đây, mặc dù cái chất sến vẫn còn nguyên đó, nhưng lại trở thành những xúc cảm, những niềm vui và nỗi buồn mà tôi hết sức trân trọng , nó giúp tôi quên đi phần nào thực tại đau buồn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước của tôi, một xứ sở đang quằn quại vì sự ô nhiễm, ô nhiễm từ môi trường sống vì thói vô trách nhiệm cho đến cả một nền văn hoá, giáo dục cũng đang bị ô nhiễm vì sự áp đặt và lạc hậu, bằng cấp giả, tri thức giả , vì bạo lực học đường và cả những ngôn từ cũng như cách ứng xử kỳ quái của giới trẻ !
Tôi xem chương trình Thuý Nga, không chỉ là vì các bài ca tiếng hát, mà còn để thưởng thức cái phong cách tổ chức chuyên nghiệp, với cách dẫn chương trình hết sức thâm thuý của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn và cả với sự trân trọng của nhà tổ chức với các nhạc sĩ, sự lễ phép có thể hơi màu mè, nhưng cần thiết của các ca sĩ với những người đã cung cấp cho mình những giai điệu và nhất là để cảm nhận những giá trị văn hoá Việt Nam mà Thuý Nga, một ban nhạc hay nói theo kiểu dân dã là một gánh hát đã đem lại cho người xem. Trong khi đó, với những chương trình ca nhạc hoành tráng trên sân khấu ở Sài Gòn, dù có dàn dựng kiểu nào đi nữa thì vẫn không có nổi tính chuyên nghiệp, từ sự yếu kém về ánh sáng, âm thanh và hoà âm cho đến sự nghèo nàn về các giá trị văn hoá , thậm chí còn có những chương trình lai căng, tây không ra tây, ta không ra ta, hay “chửi cha “ những giá trị của nền văn minh Âu lạc – Buồn cười nhất là những chương trình có tài trợ, lại đem treo chình ình cái nhãn hiệu của doanh nghiệp ngay đằng sau sân khấu, biến một chương trình tình ca lãnh mạn trở thành chương trình “ca nhạt” chả giò “cầu tre” hay “zăn nghệ “ của mạng di động “Viettel” !
Ngoàira, tôi chưa từng thấy tại Việt Nam có một nhạc sĩ nào lại có thể “bao sân” cả một chương trình ca nhạc với đủ loại nhạc điệu từ vui đến buồn, từ lãng mạng du dương đến sôi nổi, cuồng nhiệt như nhạc sĩ Lam Phương. Với sự hiểu biết hạn chế của tôi, thì chỉ có Trịnh Công Sơn, hay Phạm Duy, và ráng hơn nữa là Vũ thành An ..mới có đủ sức kéo một chương trình. Nhưng điều quan trọng không phải là ở số lượng, mà là cái nội dung phong phú của nó, vì nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy hay Vũ Thành An khi hát lên thì đều có cái âm hưởng mà ta có thể nhận ra, còn Lam Phương có những bài nếu không giới thiệu thì không thể nào biết được, và nó trải dài từ những giai điệu “sến” bình dân giáo dục cho đến sự sang trọng, lịch lãm thậm chí có cả những ẩn dụ triết lý với những ngôn từ không quá bay bổng, cầu kỳ như nhạc Trịnh. Ngoài ra còn một điều có thể gọi là mặt hàng quý hiếm ở Việt Nam, đó là cái giá trị và sự trân trọng mà những nhà tổ chức, hay bầu show dành cho người nhạc sĩ. Ở Việt Nam, trong các chương trình ca nhạc thì chỉ có ca sĩ được tôn vinh, được tặng hoa , có khi là hoa do chính các ca sĩ đó đặt mua , còn nhạc sĩ thì may lắm là chỉ được nhắc đến cái tên !
Nói như nghệ sĩ Hoài Linh, là nhạc sĩ chả có ông nào giàu, chỉ có ca sĩ mới giàu. Đúng là như vậy, nhưng nếu nhiều tiền theo kiểu “rủng rỉnh xu hào mán ngồi xe” thì không thể gọi là giàu, mà chính sự kính trọng, ngưỡng mộ và yêu mến của mọi người mới đúng là gia tài vì đó là những giá trị vĩnh cửu mà đâu phải kẻ có tiền nào cũng có! Những ca sĩ tuy cũng có chút tiếng tăm, thậm chí cả tai tiếng cũng có, nhưng họ cũng chỉ có một thời, với một giòng nhạc nào đó cùng với một lượng người ái mộ nào đó mà thôi. Vì thế , sự giàu có của nhạc sĩ nếu xét cho cùng thì có giá trị hơn hẳn sự giàu có của các ca sĩ.
Một lần nữa, ngày 30/4 lại về. Ngày nhấn chìm tương lai của một dân tộc, ngồi nghe những bản tình ca của một thời đã mất, để có được cảm nhận về một người nhạc sĩ tài hoa, mà số phận cũng không khác gì số phận của đất nước Việt Nam – “Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành/ Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình/ Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh. ! xin cám ơn nhạc sĩ Lam Phương !
Lê Khanh

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Tiếng Việt còn - Nước Việt còn

SỰ Ô NHIỄM VĂN HOÁ

Khi xẩy ra thảm hoạ ở Nhật Bản, ngoài những tác động về kinh tế, thì điều làm cho nhiều người Việt lo lắng là sẽ bị nhiễm phóng xạ từ thực phẩm đến các đám mây..tạo mưa có thể trút xuống đầu chúng ta những liều phóng xạ có thể tác động đến sức khoẻ.
Nhưng có một thứ ô nhiễm mà cả chục năm nay chúng ta đã bị "nhiễm" mà không biết và cũng vì thế mà không lý giải được tình trạng "xuống cấp" và "rối nhiễu" về nhân cách và hành vi của thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Xem trên TV, ta thường nghe nói đến sự liên kết của 4 nhà ( Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp ) đã tạo nên kết quả tốt cho nền nông nghiệp. Chúng ta xem việc "nhà đài" ( cơ quan truyền thông ) sử dụng cụm từ này là chuyện "bình thường" trong khi nếu xét về mặt ngữ nghĩa thì đó là một cụm từ "bát nháo" : Trước hết, ta phải xác định danh từ Nhà ở đây là gì ? đó là một từ trong một cụm từ nói lên nghề nghiệp hay lĩnh vực hoạt động của một con người : Nhà nông ( người làm ruộng, vườn ) Nhà báo ( người viết báo, săn tin ) nhà khoa học ( người nghiên cứu và ứng dụng các khoa học kỹ thuật ) nhà tâm lý ( người làm việc trong lĩnh vực tâm lý ) nhà buôn ( người kinh doanh buôn bán ) v.v.v
Cũng có khi chữ nhà dùng để chỉ một cơ sở hay một tập thể hoạt động (nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà mở , nhà đài và ...nhà nước )
Vì thế nếu đứng riêng lẻ, thì nhà nước, nhà nông, nhà khoa học đều đúng - trừ nhà doanh nghiệp ( vì phải nói là doanh nhân hay đơn giản hơn là nhà buôn mới đúng )
Nhưng nếu ghép lại thì lại khập khiễng khi đem cái từ có nghĩa tập thể để đứng chung với những từ nói về một cá nhân.
Tuy nhiên, việc dùng từ sai nghĩa, gán ghép tuỳ tiện đã trở nên hết sức bình thường, không chỉ trong ngôn ngữ nói, mà còn được đăng tải một cách rất chính thức trên mọi phương tiện truyền thông.
Điều này không chỉ nói lên sự "nghèo nàn" và "dốt nát" về trình độ tiếng Việt của những người sử dụng,mà còn nói lên tình trạng suy sụp và ô nhiễm trong ngôn ngữ Việt Nam ngày càng trầm trọng và điều đó lý giải được tình trạng : giới trẻ càng ngày càng dốt ..văn!
Nền văn học Việt Nam đang hình thành những lỗ thủng trầm trọng không kém tầng ozon của trái đất, đó là điều mà ai cũng biết, chỉ có những kẻ có chức có quyền thì không ...muốn biết mà thôi !
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tháng 04/2011