Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Hà Nội ...999 điều kỳ khôi


Hà nội …ôi thật tội

Hôm 10/10/2009, tôi tình cờ được xem trực tiếp chương trình kỷ niệm 999 năm Hà Nội – với một sân khấu hoành tráng trước công viên có tượng vua Lý Thái Tổ - người đã dời đô từ Hoa Lư ra để hình thành kinh thành Thăng Long.
Ngoài phần diễn văn dài dòng như mọi cuộc lễ hội khác mà tôi không dám nghe, thì đến phần văn nghệ - được xem là điểm nhấn của bất kỳ một chương trình kỷ niệm nào – Tôi ( cũng như mọi người – chắc thế) cũng đôi chút háo hức muốn xem những đạo diễn tài ba của Hà Nội ngày nay dàn dựng một chương trình được xem là khúc dạo đầu cho một đại lễ kỷ niệm long trọng như thế nào !
Quả thực là ấn tượng !
Khởi đầu là một màn múa rồng – lân nửa ta nửa tàu khiến ta có thể liên tưởng chút ít đến 1000 năm bị giặc Tàu đô hộ và rồi một màn trống khá đặc sắc – tượng trưng cho sự quật khởi của dân tộc Việt , để rồi … bắt đầu một chương trình tạp kỹ mà tôi không biết, không thể và không dám gọi cái trò xanh xanh đỏ đỏ này chính xác là cái trò gì !
Nào là áo dài khăn đóng, áo tứ thân đi tới đi lui, nào là hát xẩm không lời ( chỉ có anh mù ngồi cạnh một cô đào giả bộ kéo đàn ) rồi một thanh niên áo sơ mi trắng, quần tây, giầy da y như một công chức thời tây, nhưng lại phải đạp xích lô cũ nát (đáng đời cho công chức) – nào là các cô gái ăn mặc kiểu thập niên 30 với các chàng trai của thập niên 90 cùng dung dăng dung dẻ … kim cổ hòa đồng! Rồi còn các màn chọi gà ( một kiểu cờ bạc dân gian) màn nhảy dây ( cái này thì hết hiểu?)
Chưa hết bàng hoàng thì tiếp theo là màn biểu diễn các model áo dài trên nền của một cô đào nương ngồi hát ả đào giữa hai quan viên gật gù – từ những áo dài cổ cao sang trọng mà người mẫu đội mũ như hoàng hậu Nam phương cho đến những cái gọi là áo dài biến tấu, tay raglan (mà hổng có tay ) giống như các diễn viên ca sĩ ở các phòng trà biểu diễn – kèm theo các điệu vũ không biết gọi là gì !
Thế rồi, sấm chớp liên hồi và các võ sĩ xuất hiện – ngoài một vài màn múa kungfu thì bắt đầu chương trình sơn đông mãi võ, với các màn biểu diễn nội công kiểu Thiếu Lâm Tự như quấn thanh sắt quanh cổ, nằm ngửa lấy một tảng đá vôi ( đã nung cho bở ) để lên bụng gõ cái kịch cho bể làm đôi – chỉ còn thiếu có màn giới thiệu cao đơn hoàn tán nữa là đủ bộ. Rồi lại có một chàng trọc đầu cần cây kích một mình chống đám giặc cỏ lau nhau chạy tới chạy lui trên nền nhạc hát tuồng nữa mới kinh chứ !
Khiếp quá, tôi bấm qua đài khác xem một chút rồi sau đó lại tò mò quay lại để tiếp tục xem các màn biểu diễn hoành tráng. Vì quá sợ hãi cho trình độ dàn dựng nên tôi không nhớ hết các tiết mục của cái “lẩu thập cẩm” này, nên đành nhớ đâu ghi đó.
Tiếp theo tôi được chứng kiến một màn múa của các cô gái miền Nam ( nhìn có các áo bà ba mà đoán vậy thôi ) khi chưa kịp nhìn kỹ các dáng đứng Bến Tre, thì lại bị lôi tuột lên Tây bắc để xem các cô gái Tày, Nùng tân thời múa các điệu dân vũ quốc tế ! Sở dĩ tôi phải gọi là tân thời là vì các cô mặc các áo váy kiểu dân tộc, nhưng trống trên hở dưới, hai dây đầy đủ y như các cô gái Sài gòn của thế kỷ 21, nên phải gọi vậy thôi – quý vị quan nhớn ngồi xem có cơ hội rửa mắt thoải mái !
Xong màn áo váy thì lại đến màn múa của các quan văn hay học trò đi thi (đoán vậy thôi – vì cả nam lẫn nữ đều mặc áo dài khăn đóng mầu xanh, tay cầm cuộn vải giống chiếu chỉ nhà vua trong mấy phim Tàu ) đi tới đi lui giống như đang trong sân chầu – vừa mới bị lôi về quá khứ, chưa kịp chỉnh đốn lại tư duy để xem là triều đại vua nào, thì lại bị ngay các em gái Miền Nam với áo bà ba cách điệu, cổ quấn khăn rằn xuất hiện kéo về thời kháng chiến Nam bộ .
Tôi viết lại trong tâm trạng hoang mang, hoàn toàn không hiểu ý đồ các nhà đạo diễn vĩ đại muốn trình diễn một chương trình văn nghệ tạp kỹ ( vì có cả xiếc, và các cô gái mặc áo tắm lắc vòng ) trong một chương trình hết sức nghiêm túc là kỷ niệm 999 năm Hà Nội là để làm gì ? Về sau thì mới nghĩ ra, có lẽ ý đồ của đạo diễn là muốn trình bầy một Hà Nội sau 999 năm đã được xây dựng hoàng tráng bằng các đồ hàng mã, bằng các ánh đèn sân khấu và một tình trạng dân cư lộn xộn, bát nháo, tây không ra tây, ta không ra ta, tàu không ra tầu, có đủ mọi thành phần tứ chiếng giang hồ như hiện nay !
Vâng, nếu đúng là ý đồ như vậy, cộng thêm việc hoàn toàn không có một lời thuyết minh nào ( biết nói làm sao cho một chương trình có đủ thứ thập cẩm từ múa võ kiểu hát bộ - cho đến thi hoa hậu quý bà – từ các em thiếu nhi nhí nhảnh cho đến các cô gái Tây Bắc sexy ! ) thì các đạo diển đã hoàn toàn thành công ! Xin chúc mừng !
Khi được xem chương trình hoành tráng này, tự nhiên tôi lại nhớ một chương trình của Thúy Nga Paris – đó là chương trình Con đường Cái quan – một hành trình từ Bắc vào Nam với các bài hát của ba miền, một Hà Nội sang trọng lịch lãm, một Huế đài các kiêu sa, Một Sài Gòn vui tươi, đôn hậu – một chương trình văn nghệ, nhưng lại giúp ta có được một cái nhìn xuyên suốt cuộc hành trình Nam tiến của dân tộc, hiểu thêm về quá khứ dựng nước và phát triển tổ quốc hào hùng của dân tộc !
Tôi tự hỏi, sự khác biệt của hai chương trình là gì ? Phải chăng một chương trình đốt tiền của nhà nước ( tức là tiền của người dân ) thì tha hồ “múa gậy vườn hoang” có nhiêu trò đem ra diễn tuốt, không cần biết đang diễn về cái gì ? muốn chuyển tải một thông điệp đến người xem như thế nào ? cho dù đó là một chương trình lễ hội có tình chất cực kỳ trang trọng chứ không phải là một chương trình tạp kỹ mua vui? Còn một chương trình thì phải lấy được tiền của người xem, phải dàn dựng một cách công phu và chuyên nghiệp, với một thông điệp rõ ràng nếu không thì sẽ thất thu !
Thực ra, không chỉ là vì vấn đề tiền mà ở đây còn là vấn đề về văn hóa, về trình độ chuyên nghiệp và về tấm lòng với dân tộc. Một đằng, lưu lạc trên đất khách quê người, với tất cả sự trân trọng và niềm thương nỗi nhớ, đã gửi gấm cả tấm lòng và con tim của mình về quê cha đất tổ bằng một chương trình văn nghệ công phu – một đằng thì sống ngay trên quê hương, nhưng không cần biết khí thiêng sông núi là gì, không cần biết hồn dân tộc là ở đâu, có cái gì ở trong đầu, miễn là moi được tiền là trút ra bằng hết như nước thải trên sông Thị Vãi, đẩy hết lên sân khẩu để khoe của, show hàng như một anh nhà giàu, có bao nhiêu thứ đem ráo ra phòng khách để chứng tỏ sự giầu có kiểu trọc phú của mình !
Vâng, chỉ cần một chương trình “trọng điểm” để khoe khoang tấm lòng “ái quốc” luôn hướng về “cội nguồn” như chương trình kỷ niệm 999 năm Hà Nội, cũng đủ cho thấy được cái Tâm và cái Tầm của những người làm nghệ thuật “hàn lâm” trên đất nước này như thế nào ! xin chân thành cám ơn !

1 nhận xét:

  1. hahhaah, đọc cái này thấy vui thế.

    Dạo này khắp nơi trình diễn tạp kỹ chú nhỉ, ca nhạc kết hợp aerobics, nhảy hiphop, thời trang, quảng cáo. Mở TV đau hết cả đầu. Văn nghệ VN nghèo ghê luôn.

    Một cái chán nữa là khó mà ko tin đc bất kỳ một bài giới thiệu nào về sách, ca nhạc, phim ảnh trên báo chí. Nói chung cứ phải tự mình dùng thử, hay thì sướng, dở thì coi như xui mất tiền.

    Trả lờiXóa