Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Nghe sao cho người ta nói - Nói sao cho người ta nghe

 Trước tiên, xin ông định nghĩa về nghề  tư vấn tâm lý. Nghề này  phát triển nhất vào thời điểm nào?
Hiện nay vẫn có người cho rằng tư vấn là việc cung cấp các thông tin cần thiết, hay tư vấn là hướng dẫn một người đi theo một chọn lựa hay một giải pháp nhằm giải quyết một vấn đề nào đó mà người đó không biết phải làm gì. Nhưng tư vấn tâm lý không chỉ là cung cấp thông tin hay hướng dẫn mà còn là một hoạt động gặp gỡ giữa nhà tư vấn và người được tư vấn bằng những trao đổi qua lại một cách tích cực để  tạo ra được sự thay đổi về nhận thức và hành vi bằng chính năng lực của họ. Nói cách khác, tư vấn tâm lý khác với tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, gia chánh hay kinh tế vì nó không nhằm cung cấp kiến thức hay một năng lực từ bên ngoài cho người được tư vấn, mà nó hướng đến sự nâng đỡ và tái cấu trúc năng lực nội tại đang bị bế tắc hay suy yếu, và sự thay đổi hay tiến bộ nếu có là do chính người được tư vấn quyết định chứ không phải do tính thuyết phục của nhà tư vấn.

Tư vấn tâm lý là một nghề còn khá mới, tại các nước phát triển thì từ những năm 1900, tư vấn chủ yếu là các hoạt động cung cấp thông tin về những phúc lợi xã hội cho những người kém may mắn. Đến năm 1907 Jesse B Davis là người đầu tiên thiết lập một cơ sở tư vấn ở tiểu bang Michigan ( Hoa Kỳ) và Frank Parson xuất bản cuốn Chọn nghề (1909) là nền tảng cho hoạt động tư vấn đa dạng như hôm nay. Còn hiện nay tư vấn tâm lý đã trở nên một chuyên ngành tâm lý với những hoạt động chuyên nghiệp tại rất nhiều nước trên thế giới.

Câu hỏi 1: Ông có thể cho biết vai trò của nghề tư vấn tâm lý hiện nay? Hiện tại Việt Nam ước có bao nhiêu nhân lực làm trong ngành này? Riêng Tp.HCM thì như thế nào?
Tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh..v.v thì tư vấn tâm lý là một hoạt động có mặt trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ giáo dục, Y tế, thương mại cho đến cả trong ngành tư pháp và quân sự.  Tư vấn tâm lý được xem là một nghề chuyên môn được đào tạo bài bản và đòi hỏi người hành nghề một trình độ nhận thức, kiến thức sâu rộng, một nhân cách ổn định vì nó được xem là sự hỗ trợ cần thiết trong  mọi lĩnh vực cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Vì thế ta có những chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em, chuyên viên tâm lý học đường, chuyên viên tư vấn cho người già, người bệnh hay cả với những đối tượng đặc thù như tội phạm, người thất nghiệp..
Nhưng tại Việt Nam, thì do chưa được xem là một nghề với những hệ thống chuyên ngành và nhất là phạm vi hoạt động còn hạn chế, nên từ việc đào tạo cho đến việc thực hành chưa được xem trọng mặc dù nó đã và đang là một nhu cầu cần thiết trong xã hội.
Cho đến nay cũng chưa có những thông tin cụ thể nào về khởi điểm cho hoạt động tư vấn cũng như chưa có một nghiên cứu mang tính thống kê đầy đủ trong lĩnh vực này. Theo một khảo sát  của Trung tâm Nghiên cứu Công Tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) năm 2003 tại TP HCM đã có hơn 50 cơ sở tư vấn tâm lý hoạt động trong các lĩnh vực: Tình yêu – hôn nhân – gia đình – trẻ em/ học sinh – hướng nghiệp – sức khỏe cộng đồng … và từ năm 2005 thì có thêm các phòng tư vấn về HIV/AIDS tại các quận nội thành và khoảng 30 điểm tư vấn tâm lý học đường tại các trường học với khá nhiều đơn vị quản lý khác nhau.
Một trong những trung tâm tư vấn tâm lý đầu tiên tại TP.HCM là Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình ra đời năm 1997 và có thể nói từ thời điểm này trở đi là một sự “bùng nổ” về các Trung tâm tư vấn tâm lý chủ yếu ở TP.HCM và thủ đô Hà Nội.

2: Nhu cầu của  nghề này? thực trạng hiện nay? Chất lượng của đội ngũ nhân viên như thế nào, Thưa ông?
Như đã nêu trên, tư vấn tâm lý được xem là một hoạt động hỗ trợ trong mọi lĩnh vực, vì thế cùng với đà phát triển xã hội nhu cầu giành cho hoạt động này là rất lớn, nếu chỉ khoanh vùng trong các môi trường chủ yếu là gia đình, nhà trường và bệnh viện thì ta đã thấy có rất nhiều khoảng trống mà tư vấn tâm lý chưa đáp ứng được.
Với gia đình thì quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các con với nhau và quan hệ tình yêu của đôi lứa là những môi trường đang có rất nhiều những vấn đề như tình trạng tan rã gia đình, ly hôn, con cái hỗn láo, ích kỷ thậm chí bỏ nhà ra đi, nghiện ma túy, mê game online, rơi vào các tệ nạn hay bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục..mà mức độ ngày càng nghiêm trọng cho thấy những sai lầm về các giá trị sống là một thực trạng nhức nhối.
Trong lĩnh vực học đường thì tình trạng bạo lực giữa thày và trò, giữa các em học sinh kể cả các nữ sinh với nhau. Hay chuyện vi phạm nhân phẩm bằng việc quay clip bẩn tung lên mạng, chuyện dài học sinh quan hệ tình dục sớm, thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản nhất cũng là những nhu cầu khẩn thiết về tâm lý cần được quan tâm.
Còn trong bệnh viện thì bác sĩ, nhân viên y tế thiếu kỹ năng lẫn kiến thức tâm lý dẫn đến những ứng xử không mang tính nhân văn và hơn nữa, vai trò chuyên viên tâm lý trong bệnh viện lại hết sức mờ nhạt, chưa đủ khả năng và thẩm quyền giải quyết những nhu cầu tâm lý cho bệnh nhân, mà đây lại là một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần vào sự hồi phục sức khỏe hay vượt qua được những sang chấn do các tổn thương mà bệnh nhân đã gặp phải.
Mặc dù hiện nay, danh xưng chuyên viên hay chuyên gia tâm lý đã được thừa nhận nhưng có thể nói, chỉ cần trình độ đại học cùng với khoa ăn nói và kinh nghiệm sống là đã có thể trở thành chuyên viên tư vấn, nhất là với hoạt động tư vấn qua điện thoại, cho nên rất khó có thể đánh giá được năng lực của nhân sự trong ngành này. Chính vì để đáp ứng nhu cầu xã hội thì cùng với việc bùng nổ các trung tâm tư vấn là việc phát triển rất nhanh về nhân lực trong lĩnh vực này, nhưng qua một báo cáo tại hội thảo về tâm lý năm 2006 cho thấy chỉ có khoảng 50% nhân sự là đáp ứng được về năng lực chuyên môn.
Hơn nữa, lại có sự lẫn lộn giữa lĩnh vực tâm lý trị liệu và tư vấn tâm lý và hai vai trò là nhà tâm lý với chuyên viên tư vấn tâm lý trong khi với nước ngoài thì đây là hai lĩnh vực cũng như hai vai trò khác nhau với những môi trường hoạt động chuyên biệt, còn tại Việt Nam thì việc một nhà chuyên môn vừa tư vấn, vừa nghiên cứu giảng dạy thậm chí có thể vừa tiến hành  cả việc trị liệu tâm lý cũng là chuyện bình thường. Không chỉ thế, mà ngay cả với những nhà chuyên môn trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục hay bác sĩ nhi khoa, tâm thần có biết qua hay chỉ cần tham gia vài khóa tập huấn về tâm lý là cũng có thể được xem là một chuyên gia tâm lý hay chuyên viên tư vấn tâm lý nếu họ muốn. Điều này tuy đáp ứng được phần nào nhu cầu xã hội nhưng cũng góp phần tạo nên một sự đa dạng nếu không muốn nói là bát nháo trong một lĩnh vực rất cần tính chuyên nghiệp này.
3: Hiện có bao nhiêu trường đào tạo nghề này? Chỉ tiêu tuyển sinh có cao không? Lương bổng của nghề này như thế nào? Mức thấp nhất, cao nhất khoảng bao nhiêu?
Nếu không tính đến các khóa đào tạo tư vấn tâm lý tự phát của một số đơn vị, trung tâm tư nhân đứng ra đào tạo với “chỉ tiêu” hàng chục nghìn chuyên viên tư vấn thì hiện nay chỉ có hai trường đại học công lập là Đại học KHXHNV TP.HCM và Đại học KHXHNV Hà Nội, cùng với một đại học tư là Đại học Văn Hiến TP.HCM là có khoa Tâm lý lâm sàng, mà trong đó tư vấn tâm lý được xem là một bộ môn. Còn khoa Tâm lý sư phạm của Đại học Sư Phạm cũng đào tạo đến cấp tiến sĩ nhưng đó là lĩnh vực tâm lý học chủ yếu về lý luận và giảng dạy chứ không mang tính thực hành.
Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc  thì chúng ta chỉ đang đào tạo các cử nhân, tiến sĩ tâm lý chứ chưa đào tạo các chuyên viên tư vấn tâm lý và cũng chưa có khả năng đào tạo các nhà trị liệu tâm lý, còn trên thực tế thì các hoạt động này hiện nay đều do các chuyên gia có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý hoạt động với tiêu chí “ All in one” tất cả trong một !
4: Theo ông, những tố chất nào cần phải có để theo đuổi nghề  tư vấn tâm lý? Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm?
Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần mang tính chuyên nghiệp, tư vấn tâm lý cũng thế. Đó là một lĩnh vực vừa dễ vừa khó. Do chưa có những định chuẩn về trình độ nên để trở thành một chuyên viên tư vấn tâm lý không khó, nhưng để có thể là một chuyên viên có năng lực thực sự lại là điều không đơn giản.
Trước hết, tố chất cần thiết là khả năng lắng nghe, nghề tư vấn là nghề nói nhưng nếu không biết lắng nghe thì những gì ta nói với thân chủ chỉ là “nước đổ đầu vịt” thậm chí còn có thể gây ra những tác hại không nhỏ, nếu đó là những lời khuyên theo cảm tính hay “kinh nghiệm bản thân”.
Sau đó là tinh thần học hỏi bởi vì không ít người cho rằng với năm, mười năm đèn sách, có được cái bằng thạc sĩ, bác sĩ, hay tiến sĩ là đã đủ “vốn liếng” hành nghề tư vấn, nhưng nếu không có tinh thần cầu thị, học hỏi qua thực tế, qua kinh nghiệm sống hàng ngày và qua cả những thân chủ mà mình đã tư vấn thì cũng chỉ là những lý thuyết sáo rỗng không thể giúp cho thân chủ thay đổi được nhận thức và hành vi của họ.
Khả năng tự chủ cũng là một năng lực cần thiết, vì khi đến với nhà tư vấn, thân chủ là một người hoảng loạn, đau khổ và mất phương hướng. Thậm chí cũng không thiếu những người có sức thu hút cao hay tính cố chấp, họ đến với nhà tư vấn là để xác định hay lắng nghe những biện pháp hay những nhận xét chủ quan của mình. Họ chỉ muốn được sự đồng tình với cái nhìn của họ cho dù sai lệch. Nếu không có sự tự chủ thì nhà tư vấn lại vô tình trở thành một “quân sư” góp ý cho những biện pháp của thân chủ mà thôi. Thậm chí đứng trước những “đau khổ” của thân chủ, nhà tư vấn cũng rất dễ bị “lây cảm xúc” để về phe với họ. Nhưng tư vấn cũng không phải là sự “chỉ đạo” hay yêu cầu thân chủ phải thực hiện đúng và đủ những biện pháp như một bác sĩ với bệnh nhân, hay như một thày giáo với học trò. Chính vì thế mà không ít các chuyên viên tư vấn xuất thân từ ngành y tế và giáo dục, đã vô tình áp dụng những mệnh lệnh mà họ cho là đúng, là hợp lý lên thân chủ.  Điều này tuy không sai nhưng đi ngược lại với yêu cầu cơ bản của tư vấn tâm lý là lấy vấn đề của thân chủ là trọng tâm chứ không phải là những giải pháp của nhà tư vấn là trọng tâm.
Cuối cùng, đó là tinh thần say mê và tính nhẫn nại. Nếu không có, chúng ta rất khó có thể ngồi nghe một người kể lể đủ thứ chuyện trong hàng tiếng đồng hồ nếu có đủ giờ cho họ, mà còn hơn nữa là phải biết lấy ra từ đó những yếu tố cần thiết góp phần cho các biện pháp mà nhà tư vấn sẽ mở ra để cùng thảo luận với thân chủ. Hơn nữa, Tư vấn tâm lý cho đến nay vẫn chưa thể nói là một ngành “đủ sống” mà hầu hết đều phải có những nghề tay trái hỗ trợ, thậm chí có khi tư vấn tâm lý chỉ được xem là nghề tay trái ! Vì thế, chỉ có sự đam mê mới đủ sức giúp ta kiên trì dấn bước trên lĩnh vực “nghe sao cho người ta nói và nói sao cho người ta nghe”
 5:  Dự báo năm 2012,  nhu cầu nhân  lực ngành này có cao hơn so với những năm trước không? Tại sao? Trong tương lai, nghề này có được xem là một nghề “ Hot” không, thưa ông?
Từ những hoạt động “bùng nổ” của tư vấn tâm lý trong thập niên 2000, từ năm 2010 trở đi thì hoạt động này đang có những chiều hướng tích cực, đi vào chiều sâu mang tính chuyên môn hơn và dĩ nhiên đó cũng là những sàng lọc, thách thức không nhỏ cho những nhà chuyên môn đã và đang dấn bước trong lĩnh vực này. Nếu nói về nhu cầu thì dĩ nhiên là vẫn là những khoảng trống mà nguồn nhân lực hiện nay, thậm chí là với một số các đợt bổ sung từ các trường Đại học trong những năm tới vẫn chưa thể đáp ứng, bởi vì với các bạn trẻ thì họ đang thiếu một yếu tố cực kỳ cần thiết, đó là sự tự chủ và các kinh nghiệm sống, và dĩ nhiên là phải có một thời gian để đáp ứng được. Nhưng dù sao, đây vẫn là một môi trường hấp dẫn với những người có quyết tâm và niềm đam mê. Điều quan trọng là họ cần phải có một tâm thế linh hoạt, biết thích nghi với hoàn cảnh xã hội và nhất là nên chọn cho mình một đối tượng chuyên biệt như trẻ em, thanh thiếu niên, người bệnh, người già …để phục vụ cho hoạt động tư vấn của mình chứ không nên trở thành một chuyên gia tâm lý “đa hệ” dù đó đang là một thực tế !
Rất khó đưa ra một dự báo lạc quan cho một ngành khoa học nhân văn trong một môi trường “kinh tế thị trường” như hiện nay, nhưng dẫu sao thì tư vấn tâm lý vẫn đã, đang và sẽ là một nhu cầu ngày càng tăng. Ngoài ra, với một tinh thần tôn trọng những “giá trị sống” mang tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, mong sao chính những chuyên gia tư vấn tâm lý đang “hành hiệp giang hồ” sẽ từng bước cải thiện được môi trường làm việc của mình, “chuyên nghiệp hóa” từ tổ chức đến các kiến thức chuyên môn để nó trở thành một nghề “hot” cho giới trẻ, ngày càng tăng tiến về chất lượng, để đem lại sự tin cậy thực sự cho những người có nhu cầu tư vấn, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều trong mọi lĩnh vực cần thiết của một xã hội phát triển.
 Pv. QUỲNH MAI ( Báo PHỤ NỮ TP.HCM )
Bài phỏng vấn
Cv.Tl Lê Khanh
 Phụ trách Phòng Tư Vấn Tâm Lý Gia Đình & Trẻ Em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét