Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Khai bút với nỗi buồn " Gặp nhau cuối năm"


Một năm cũ đã qua – một năm mới  bắt đầu, trước khi nhìn về tương lai, một cái quay đầu về quá khứ, chỉ một năm thôi nhưng sao chợt thấy quá dài.
 Mỗi năm, trên đài VTV đều cho trình chiếu chương trình Gặp nhau cuối năm – ban đầu, chỉ là một chương trình văn nghệ tạp kỹ để kết thúc cho chuỗi chương trình tấu hài Gặp nhau cuối tuần – với  mục tiêu dùng tiếng cười để chế diễu  những chuyện tiêu cực của xã hội trong năm, dần đần khi chương trình mẹ là Gặp nhau cuối tuần đã hụt hơi và kết thúc, thì “Gặp nhau cuối năm” đã dần nổi lên như một sự kiện không thể thiếu – một chương trình tấu hài “Đỉnh cao” về các Táo quân, nhân vật cổ tích chuyên báo cáo mọi chuyện trong nhà ngoài ngõ cho Ngọc Hoàng, nghe qua rồi bỏ vì chỉ có quyền phán cho zui.
Dĩ nhiên vẫn chỉ là bình mới rượu cũ – Dù hình thức mỗi năm mỗi thay đổi, thêm các màn vũ đạo mà ngày càng có vẻ “Tàu hóa” – xem các cô vũ công Việt Nam múa mà cứ ngỡ xem các cô “nhện tinh” trong Phim Tây Du Ký của Tàu đang ra sức mê hoặc Đường Tăng – Còn nội dung thì vẫn là những màn châm biếm “chửi thay” cho người dân về sự tiêu cực trong  các lĩnh vực mà chính những người trong cuộc – Từ Ngọc Hoàng cho đến Nam tào, Bắc Đẩu và các Tếu Táo cũng thừa nhận; vẫn chỉ là chuyện cũ – như chuyện giao thông tắc đường, giáo dục nhồi sọ, đến nỗi chưa mở miệng chất vấn là táo đã biết hỏi gì !
Cái điều đáng kể ở đây là những lời hài tội – những phê phán đó vẫn chỉ làm được, và chỉ được phép làm đến thế - là lấy được nụ cười của những người xem – tuy đã nói lên những điều nổi cộm – đã chỉ ra không chỉ cái sai, mà còn là cái ngu, cái láo của từng ngành – nhưng đó vẫn không phải là những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm. Vì dù sao thì cũng chỉ là một chương trình tấu hài.
Nhưng, dù chỉ mới là những phê phán “xức thuốc ghẻ” thôi, đã đem lại một sức sống cho một chương trình nhỏ của một “nhóm nghệ sĩ” trong hàng trăm nhóm nghệ sĩ và Gặp nhau cuối năm – đã được mọi người chờ đón như một chương trình văn nghệ “trọng điểm” mà những chương trình tấu hài – cũng Táo, cũng Ngọc Hoàng, cũng phê phán, cũng hát hò của các đài TH khác vào dịp cuối năm không làm được. Điều này cho thấy, phê phán cũng không phải là dễ - nhưng cũng cho thấy phê phán đã, đang và sẽ làm một nhu cầu không thể thiếu dù chỉ là “phê phán trong khuôn khổ “ dù chỉ là phê phán những cái được phép, những cái mà năm nào cũng nói đến, và sự phê phán đó cũng không thay đổi được gì – Dù biết là thế, nhưng người dân vẫn chờ đón, để được cười – cười những kẻ đã làm cho họ phải khóc trong năm qua, dù biết rằng sau đó thì họ vẫn cứ phải tiếp tục khóc trong năm mới !
Còn nếu nói về những điều mà nhiều người quan tâm hơn thì có lẽ cái “cường độ” của các vụ việc đã ngày càng cho thấy – những cái ngu cái láo, cái đểu cáng của giới quan chức ngày càng được “nâng lên một tầm cao mới” từ cái chuyện buộc cán bộ - CNV trong đơn vị mình phải bầu chọn cho Vịnh Hạ Long vì cái danh hão của một chương trình thương mại “ 7 kỳ quan mới” của thế giới  cho đến việc cả một cái “triều đình” của cái gọi là “Tiểu khu tự trị Hải Phòng” xúm lại giành giật, cắn xé mẩu đất của một gia đình đã đổ ra biết bao mồ hôi , xương máu, biến đầm lầy thành đất nuôi trồng, dẫm đạp lên mọi  luật lệ của cái đất nước mà tiểu khu tự trị Hải Phòng đó đang lệ thuộc – nhưng các quan chức của một tiểu cường quốc đã chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới – vẫn im thin thít ! Báo chí chỉ được phép tuyên bố “qua loa” và nói những điều “trong khuôn khổ” – dù cái mục đích cướp đất để lấy tiền đền bù cho dự án đường cao tốc và sân bay quốc tế mọi người đều đã biết cả. Nhưng vẫn sẽ còn những quan chức “đọc báo mới biết” – kể cả các quan chức đầu ngành – thế mới hay !
Cũng vậy, có những chuyện bi thảm như một thiếu niên, chỉ vì đi phải chuyến xe nhồi nhét cuối năm – đã bị chèn ép đến độ tắt thở và bị vất xác ra ngoài đường – Sự cùng cực của tinh thần dã man, vô trách nhiệm – thì chuyện tắc đường trong Gặp nhau cuối năm, chẳng là “cái đinh” gì – Thế nhưng, dù câu chuyện xảy ra ngay trên quốc lộ, hàng trăm người chứng kiến – những kẻ dã man đó vẫn đang được “điều tra làm rõ” và cũng chưa biết có phải bị xét xử gì không, bởi vì chuyện vất xác một em bé không do mình giết – dù trên chuyến xe của mình – vẫn chưa được luật pháp quy định nên các kẻ làm luật vẫn chưa biết phải xử thế nào!
Ai cũng biết “Luật pháp” được đặt ra để bảo vệ người dân – Thế nhưng, khi một sát thủ lạnh lùng ra tay giết hại cả một gia đình để cưỡng đoạt tài sản – sau khi bị bắt, đưa ra xét xử chỉ bị lên án 20 năm tù – bởi khung hình phạt chỉ có thế vì kẻ sát nhân mới 17 tuổi – rồi một kẻ khác, cán chết một ông già, lại hãnh diện tung lên mạng cái “chiến tích” của mình – và nếu không có sự phẫn nộ của cư dân mạng, tiếp tay để tìm ra thủ phạm – thì cũng không biết đến bao giờ “nhà chức trách” mới “ điều tra làm rõ” !  Cũng có những trường hợp, chỉ vì ăn cắp một con chó, mà bị đám đông xúm vào đánh cho đến chết – Điều này cho thấy, cái thứ “luật Pháp” này đã không thể bảo vệ được bất cứ người dân nào bởi vì chính người dân đã không còn tin vào cái thứ cơ quan chỉ thích “điều tra làm rõ” những điều đã rõ như ban ngày .
Thế nhưng, nếu nói luật pháp không bảo vệ cho ai cả là sai, bởi vì có những thứ được luật pháp bảo vệ rất kỹ, rất quyết liệt, rất “hoàn hảo” như vụ tổ hợp Vinashin – đã làm thất thoát hàng trăm tỷ tiền thuế của người dân đóng góp – rồi các sai phạm của Điện Lực, đem tiền đi kinh doanh bị thua lỗ, bèn “cứa cổ” người dân bù vào … cũng như hàng chục cái tập đoàn khác, thì lại được bảo vệ vô cùng chu đáo – để không một quan chức nào phải bị  tù tội dù đã được “điều tra làm rõ” từ năm này sang năm khác.  
Tất cả những việc đó nói lên điều gì ? Từ trước đến nay, đa số đều nhìn vào cái hậu quả, để quy tội cho những cá nhân có liên quan – chúng ta chỉ lên án kẻ sát nhân, những kẻ ăn cắp, ăn cướp hay những “nhà xe” vô trách nhiệm… và kể cả những quan chức Tiểu triều đình Hải Phòng mà không thể, không biết lên án,không thể “điều tra làm rõ” cái gì đã dẫn đến những cách hành xử như vậy ?
Đó chính là từ trong cái bầu khí “ mình rình mọi người – mọi người rình mình” nơi mà thái độ vô cảm đã từng bước, từng bước ngấm dần vào trong máu thịt – bắt nguồn từ một cuộc sống cùng cực khó khăn của một xã hội bao cấp “ cái cứt gì cũng phân – mà phân thì như cứt” để khi gặp phải những sai lầm thì chỉ biết loay hoay “sai đâu sửa đấy, sai đó sửa đây, sửa đâu sai đó, càng sai càng sửa - càng sửa càng sai!”  Từ những điều như thế, được đưa vào giáo dục, và từ một nền giáo dục “càng sửa càng sai” đã đào tạo ra hết thế hệ này đến thế hệ khác mà ngày càng có nhiều thái độ, cách sống chỉ biết cho mỗi sự an nguy, cho mỗi cái quyền lợi nhỏ nhoi của chính mình.
Từ những bậc cha mẹ bạo hành con cái, những ông bà chủ dội nước sôi kẻ giúp việc – đó mới chỉ là những cái ác đơn lẻ, rồi đi đến những cái ác của những kẻ mặc áo trắng, làm trong bệnh viện, chứng kiến một nạn nhân đưa đến cấp cứu, dù biết rõ những người đưa nạn nhân đến không chỉ là người qua đường, mà còn là sinh viên nghèo, vẫn nhất quyết phải đóng đủ tiền mới ra tay cấp cứu – Kẻ cướp ác đã đành, mà chính những kẻ “lương y như từ mẫu” nếu xét ra còn ác khủng khiếp hơn – nhưng vẫn không ai phải “điều tra làm rõ” cả, vì luật quy định là nhập viện là phải đóng tiền, không có tiền thì chết ráng chịu – Chính cái quy định đó đã khiến cho người ta trở nên ác, khi không dám cứu người gặp nạn, vì không muốn chính mình lại trở thành nạn nhân vì không thể đóng tiền cho người mình giúp !
Thế nhưng, Có những kẻ được xem là một tấm gương sáng về giáo dục cho thanh niên noi theo lại có một thái độ không gọi là ác mà có thể xem đó là hèn, và hèn cũng là kết quả của cái tinh thần giáo dục áp đặt, cái bầu khí đã ngấm vào họ khi còn bé  – đó là cái thái độ “né” hay những tuyên bố “ trong phạm vi cho phép” của những kẻ được xem là “thành phần ưu tú” của đất nước. Họ cho rằng : Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Mặc dầu anh có nói thêm:”Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàngVới tuyên bố này – họ chỉ biết bảo vệ cho chính mình, không dám “dấn thân” với những tuyên bố “phản biện” trước những cái ác, cái ngu của cái xã hội đã tung hô họ, đã cấp nhà, đã phong chức tước cho họ, nhờ vào cái năng lực học tập, cái danh giá của giải thưởng mà họ được trao.
Với những người tri thức như thế, thì cái ác, cái ngu mà người dân đã, đang và sẽ phải chịu đựng, cùng với mong muốn được xem những chương trình kiểu Gặp nhau cuối năm, chỉ để được cười trong chốc lát và sau đó lại tiếp tục phải đối diện với những cái ác, cái ngu nặng nề hơn là điều dễ hiểu và dĩ nhiên là phải như thế  – Mỗi năm được nhắc lại và cuối cùng được Ngọc Hoàng an ủi với một chân lý không thay đổi : 
Hãy cố quên đi mà sống – lâu rồi đời mình cũng toi !

Lê Khanh 
Mùng 1 Tết Nhâm Thìn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét