“Loạn” phiên âm: Hậu quả nghiêm trọng
Các nhà giáo dục, ngôn ngữ học và ngay cả học sinh đều khẳng định cách phiên âm theo sách giáo khoa (SGK) hiện nay gây nhiều khó khăn, lệch lạc trong tiếp xúc ngôn ngữ.

Học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với ngoại ngữ nên các em có thể đọc được những tên riêng theo chữ Latin -
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Khó khăn khi tìm kiếm tư liệu
Cách phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt như hiện nay khiến
nhiều học sinh phải loay hoay rối mù khi tìm kiếm các địa danh và nhân
vật lịch sử.
Đặng Thanh Nga - một cựu học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Nội),
cho biết: “Lớp 11, khi làm thuyết trình về đề tài Những thành tựu văn
hóa thời cận đại, nhóm của em đã rất khó khăn trong việc tìm kiếm tư
liệu trên internet về các danh nhân trong bài chỉ vì cách ghi tên như
trong SGK. Chúng em phải mất khá nhiều thời gian để tìm từ nguyên dạng,
rồi sau đó mới có thể tìm kiếm được thêm thông tin vì chẳng ai dùng cách
viết như SGK”. Trên một diễn đàn về vấn đề này, một học sinh cho hay:
“Hôm thi văn vừa rồi có bài liên quan đến tác giả Ernest Hemingway, em
chỉ nhớ mỗi tên tiếng Anh nhưng buộc phải viết bằng phiên âm. Thế là em
phải chép tên phiên âm từ bạn ngồi bên cạnh. Tên của tác giả này được
phiên âm là Ơ-nít Hê-Minh-Uê”.
Nhà giáo Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) -
bày tỏ: “Việc phiên âm danh từ riêng ra tiếng Việt nhằm đáp ứng nhu cầu
của đại đa số người dân. Song hiện nay, khi dân trí đã được nâng lên,
cách viết phiên âm đã gây khó khăn không nhỏ trong việc tìm kiếm thông
tin và bồi dưỡng tri thức. Do vậy, nếu phiên âm thì nên bám sát vào cách
phát âm của nguyên ngữ và cần trích dẫn thêm từ tiếng Anh”.
Giảm giá trị của tiếng Việt
Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định:
“Việc phiên âm không chính xác và thiếu thống nhất các từ ngữ nước ngoài
trong các văn bản chính thống, nhất là trong SGK sẽ để lại những hậu
quả nhất định. Xét về mặt giáo dục, sự tùy tiện trong ngôn ngữ sẽ vô
tình tạo cho học sinh thói quen sống tùy tiện, điều này ảnh hưởng không
tốt tới việc giáo dục tính cách cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu không có sự
thống nhất sẽ khiến người sử dụng rơi vào tình trạng lúng túng, và đôi
khi việc tiếp cận với thông tin sẽ rất khó khăn. Sâu xa hơn nữa, cách
phiên âm không chính xác sẽ làm cho tiếng Việt bị giảm bớt phần giá
trị”.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Vũ Thị Thanh Hương - Trưởng phòng Ngôn
ngữ học ứng dụng, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - cho rằng: “Hơn bao giờ
hết, chúng ta cần có một bộ quy tắc về việc phiên âm tên riêng, thuật
ngữ khoa học để mọi người cùng sử dụng, tránh tình trạng rối ren như
hiện nay. Đấy cũng là cách bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”.
Ở góc độ tiếp cận ngôn ngữ, bà Mỹ Dung - Chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng
Anh IEQ tại Hà Nội, cho rằng: “Phiên âm kiểu như SGK hiện nay dễ làm trẻ
phát âm lệch lạc, khả năng sửa sẽ khó vì đã thành thói quen. Nên cho
trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ từ sớm và từ nguồn chính xác thì sau này trẻ
sẽ phát triển khả năng ngôn ngữ tốt chuẩn”.
Trở ngại khi viết chính tả
Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Q.1 (TP.HCM) - cho rằng: “Tại TP.HCM, học sinh lớp 1 của nhiều trường
đã học tiếng Anh rồi, cả nước sắp tới sẽ áp dụng dạy tiếng Anh từ lớp 3.
Theo tôi là nên để nguyên bản các danh từ, cần thống nhất phiên âm các
danh từ có gạch nối hay không. Chứ nếu như tình trạng hiện nay sẽ gây
khó cho học sinh trong lúc viết chính tả vì các em sẽ không nhớ lúc nào
là nên viết có gạch ngang và lúc nào không”. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc -
giáo viên Trường tiểu học Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM) - nhận xét:
“Phiên âm có ưu điểm, dễ đọc dễ thuộc nhưng điều này sẽ làm cho học
sinh không biết được từ nguyên bản”.
Các giáo viên đều thừa nhận ngày nay học sinh tiểu học có thể tiếp cận
với từ nước ngoài theo chữ Latin. Bà Ngọc chia sẻ: “Thật tình trong quá
trình dạy, tôi cũng thấy nhiều bất cập, ví dụ như ở bài tập đọc Hơn một
nghìn ngày vòng quanh trái đất có phiên âm tên của vị thuyền trưởng
người Bồ Đào Nha Ma-gien-lăng (Ferdinand Magellan, người thực hiện
chuyến thám hiểm đầu tiên vòng quanh trái đất). Thật ra, học sinh hoàn
toàn có thể tiếp cận được nguyên bản. Nếu không, sau này các em quen với
phiên âm Ma-gien-lăng, đến khi bắt gặp từ Magellan sẽ nghĩ là 2 người
khác nhau”.
T.Nguyễn - L.Giang - M.Luân - H.Ánh
Tên của nhiều nhân vật trên một tờ báo được phiên âm rất ngộ, ví như: Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Ni-giê-ri-a Gô-di Ô-kô-ni-ô I-uy-la; ông An-tơn Buê-nơ - Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, ngoại thương và dịch vụ Ðức; Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Ni-cô-lai Ma-ca-rốp; Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc.
Hay như khi viết về hoa hậu người Anh Danielle Lloyd, một tờ báo đã phiên âm tên các nhân vật “ăn theo” rất vui: “Đa-ni-en Loi sẽ chính thức tổ chức đám cưới với Giêm-mi Ô Ha-ra, cầu thủ của Wolverhampton... Đa-ni-en cũng thay người tình như thay áo. Sau khi chia tay Tét-đi Xê-rinh-ham, người đẹp này trải qua hàng loạt mối tình với các cầu thủ như: Mác-cớt Ben, Ác-măng Trao-rê, Giê-mân Đờ-phâu... và thậm chí là cả ngôi sao nhạc pốp I-rô-ních trước khi nhập vai “người phụ nữ hiền thục” cùng Ô Ha-ra”.
Các nhà ngôn ngữ học đều yêu cầu phải thống nhất lối phiên âm trong tiếng Việt theo hướng khoa học và hiện đại hóa, thay hẳn cách phiên âm hiện nay.
PGS-TS Hoàng Dũng - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Nên để nguyên bản tên riêng các từ ngữ có nguồn gốc là chữ Latin. Đối với những ngôn ngữ không phải là chữ Latin như tiếngBungary, Nga, Ả Rập... thì nên chuyển tự sang chữ Latin. Như vậy xem như giải quyết được cái gốc của vấn đề”. Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Văn Huệ - Trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nói: “Không nên phiên âm sang tiếng Việt các từ ngữ nước ngoài. Thay vào đó, nên sử dụng từ nguyên ngữ theo hệ thống chữ cái Latin. Bởi lẽ, việc phiên âm ở các vùng miền khác nhau sẽ khó tránh khỏi sự không thống nhất”. TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh cũng nhấn mạnh: “Ngay từ bậc tiểu học, người lớn không nên tạo sự dễ dãi cho học sinh trong việc phiên âm. Tốt nhất nên cho học sinh làm quen với từ nguyên ngữ từ đầu”.
Lo ngại sự bất nhất, TS Hồng Hạnh đề xuất: “Dù phiên âm sang tiếng Việt hay sử dụng từ nguyên ngữ cũng nên có một quy chuẩn chung để tiến hành cho thống nhất và chính xác, ít nhất là trong trường học và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”. PGS-TS Dư Ngọc Ngân - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhận định: “Hiện nay cách phiên âm trong tiếng Việt hết sức rối ren. Đã đến lúc cần phải có tính thống nhất. Cần phải có một bộ phận, cơ quan có thẩm quyền đứng ra soạn thảo, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, áp dụng chung cho tất cả các cơ quan ban ngành”. PGS-TS Trần Thanh Ái - giảng viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ, đề xuất: “Hiện nay, chúng ta cũng cần phải thực hiện phiên âm theo một nguyên tắc chung, áp dụng cho mọi cơ quan, ban ngành thì mới mong có tính thống nhất. Muốn làm được điều này, chúng ta có thể đề xuất thành lập một ủy ban chỉnh đốn tiếng Việt hoặc Ủy ban Ngôn ngữ tiếng Việt..., mời những chuyên gia đầu ngành, đa lĩnh vực cùng bàn thảo để mang tính dân chủ. Sau đó, đưa ra một quy tắc thống nhất”.
Minh Luân - Hà Ánh
( Nguồn: Thanhnien Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét