Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Trẻ tự tử để phản ứng lại gia đình và xã hội

- Trước hiện tượng ngày càng nhiều em trong lứa tuổi học sinh tìm đến cái chết, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP.HCM) về nguyên nhân của hiện tượng này.


Phóng viên: Thưa chuyên gia tâm lý Lê Khanh, hiện tượng nhiều bạn trẻ trong lứa tuổi học sinh tìm đến cái chết có phải do “khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn” không?
 
Nhà tâm lý Lê Khanh: Đúng là trong quá trình phát triển về tâm lý, có những giai đoạn như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng ở tuổi dậy thì – những trẻ trong giai đoạn này thường có những ứng xử thái quá hoặc khó kiểm soát được cảm xúc của mình.
  Thế nhưng nếu cho rằng nguy cơ tự tử của các bạn trẻ là do tác động của sự khủng hoảng này là rất phiến diện, cũng như cho rằng những hành vi bướng bỉnh hay quá nhõng nhẽo của trẻ lên 3 cũng là do ảnh hưởng khủng hoảng.
  Điều này thường giúp cho mọi người “an tâm” vì nếu là vậy, đó là do ảnh hưởng tâm sinh lý mà thôi. Trong khi những yếu tố dẫn đến hành vi tư tử rất phức tạp, thường đến từ áp lực gia đình và tác động của  xã hội.
 
Nguyên nhân dẫn đến tự tử ở người lớn và trẻ em giống và khác nhau ở điểm gì?
  Có thể nói tình trạng mất tự chủ, không kiểm soát được cảm xúc là yếu tố xuyên suốt trong mọi cái chết của người lớn và trẻ em, và ẩn chứa bên trong đó, hành vi tự tử được xem là một phản ứng lại những áp lực của gia đình và xã hội, đó được xem như là một biện pháp chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho những người thân quen.
  Do đó, lứa tuổi có nguy cơ tự tử cao nhất là từ 15 đến 24, bởi vì ở lứa tuổi này, các em có thể chủ động thực hiện hành vi tự tử, nhưng đây cũng là lứa tuổi bồng bột thường làm trước khi nghĩ, vì thế dễ đưa đến sự mất kiểm soát về hành vi.
Có một điểm khác biệt lớn là yếu tố đưa đến hành động tự tử ở trẻ em hay giới trẻ hầu hết là vì tổn thương đến cá nhân, còn với  một số người lớn tự tử nhằm hy sinh bản thân để bảo vệ một lý tưởng, một tổ chức hay những người thân, người bạn của mình...
 

Ẩn chứa bên trong đó, hành vi tự tử được xem là một phản ứng lại những áp lực của gia đình và xã hội, đó được xem như là một biện pháp chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho những người thân quen.
 
Có ý kiến cho rằng, người tự tử thực ra là người đã có ý định chết từ lâu, và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết như bị bố mẹ hay thầy cô mắng…chỉ là cái cớ mạnh mẽ nhất khiến họ hành động nhanh (những ca tự tử thành công luôn dùng những hình thức chắc chắn mang đến cái chết). Vậy nguyên nhân sâu xa nhất của tự tử là vì sao?
 
Đúng là với những người có ý định tự tử thì đa số đều có những dấu hiệu báo động và sự tác động cuối cùng để đưa đến cái chết chỉ là một giọt nước làm tràn ly.
 
Điều này phản ánh ở chỗ tỷ lệ các em gái tự tử cao hơn các em trai, vì các em gái chịu nhiều áp lực cũng như sự coi thường hơn Tuy nhiên, tỉ lệ tự tử thành công ở các em trai lại cao hơn, nói cách khác là trẻ nam phản ứng nhanh hơn và vì thế thiếu cân nhắc trước khi hành động và các em cũng chọn những cách tử tự chắc chắn mang lại cái chết.
  Theo một báo cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ xã hội Mỹ, trong năm 2001 có 30.622 vụ tự sát thành công trong đó có 3.971 vụ nằm trong lứa tuổi thanh niên với tỉ lệ là 86% nam, 14% là nữ.
  Chúng ta cũng nên biết, tự tử không đơn thuần là một hành vi giết mình, mà đó là một hành vi bao gồm 3 thành phần: ý tưởng tự sát (chỉ thể hiện trong ý nghĩ); toan tự sát (có hành vi để tự tử, nhưng không thành công); tự sát (có hành vi tự tử đi đến tử vong).
  Chính vì thế, nếu có được các yếu tố như sự quan tâm của gia đình, sự tôn trọng của xã hội và sự tự chủ của bản thân thì cho dù có gặp những khó khăn, một người chỉ có thể có ý tưởng tự sát và một số biểu hiện toan tự sát, để  chính mình biết dừng lại hay những người chung quanh ngăn cản kịp thời.
  Tuy nhiên, khi đã có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và gặp những tác động mạnh mẽ từ bên ngoài thì họ có thể quyết định rất nhanh để chọn một cái chết chắc chắn. Vì thế, nguyên nhân sâu xa nhất của tự tử lại nằm ở chính bản thân. Nó không phải là do khủng hoảng lứa tuổi mà là một sự yếu kém về tự chủ, thiếu ý thức quý trọng giá trị bản thân và mất khả năng kiểm soát cảm xúc.
 
Có người cho rằng, người đã có ý định từ bỏ cuộc sống thì không ai có thể ngăn cản được, thậm chí trong giới tâm lý học, có người còn cho rằng, ai cố tình ngăn cản thì sẽ bị “thế mạng”, ông nghĩ sao về điều này?
  Đúng là đối với một người đã nhất định chết thì khó có ai có thể ngăn cản vì có muốn ngăn cũng không kịp! Còn dĩ nhiên khi đã biết và cố gắng ngăn cản mà không thành công thì có nhiều người lại cho rằng đó là lỗi tại mình, không biết cách hay không quyết tâm ngăn cản khiến cho người kia phải chết.
 
Nguyên nhân sâu xa nhất của tự tử lại nằm ở chính bản thân. Nó không phải là do khủng hoảng lứa tuổi mà là một sự yếu kém về tự chủ, thiếu ý thức quý trọng giá trị bản thân và mất khả năng kiểm soát cảm xúc.
 
Vấn đề ở đây là năng lực cá nhân, mà ngay cả trong giới chuyên môn về tâm lý, nếu không đủ khả năng tự chủ và kinh nghiệm, khi đứng trước một trạng thái bi đát của thân chủ cũng dễ có những xúc động đưa đến những phán đoán, thái độ ứng xử thiếu khách quan, nói cách khác là bị thân chủ nắm quyền điều khiển cách giải quyết !
 
Nếu một người thường xuyên có ý định tự tử, người ta có thể giúp đỡ được bằng cách nào? Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giúp đỡ học sinh giải tỏa tâm lý dẫn đến tự tử bằng cách nào?
 
Nguyên nhân đưa đến tự tử là sự yếu kém về năng lực cá nhân và cũng có yếu tố tính cách khi một người không biết rõ về bản thân. Tuy nhiên tác động mạnh mẽ lại đến từ bên ngoài.
  Nói cách khác, chúng ta có thể giảm thiểu tình trạng tự tử bằng sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Vì nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, không chỉ là cái ăn, cái mặc mà còn là những nhu cầu về tinh thần, đồng thời có sự tin tưởng và tôn trọng đối với con, khiến các em nhận ra được giá trị bản thân và có được những kỹ năng sống thì chắn chắn sẽ tránh được những nguy cơ ảnh hưởng đến nhận thức.
  Sự quan tâm ở đây cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu những áp lực về năng lực mà cha mẹ muốn con đạt được.
  Đối với nhà trường thì việc đặt ra những thành tích thi đua chính là những áp lực không đáng có, chính vì đặt áp lực lên giáo viên mà lại không có những hỗ trợ về tinh thần và vật chất thỏa đáng cho công việc nặng nề này, đã khiến cho các giáo viên không còn đủ sức, thậm chí là đưa đến những ứng xử không phù hợp với các em học sinh, và điều đó cũng là một tác nhân gây ra những hệ lụy không tốt cho các em.
 
Đó là chưa nói đến một vai trò rất quan trọng trong nhà trường của những nhà tư vấn tâm lý học đường. Hệ thống giáo dục chưa có cái nhìn đúng đắn về vai trò này, không xác định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm cũng như thiếu sự coi trọng về năng lực của các nhà tư vấn, khiến nhiều trường tuy có phòng tư vấn cũng như không, hoặc không đủ thẩm quyền và năng lực để có thể tác động vào những khó khăn mà các em học sinh đang gặp phải.
 
Theo ông, có nên thành lập đường dây nóng cho người có ý định tự tử giải tỏa bức xúc của mình không, vì nếu như trong trường hợp họ được lắng nghe và chia sẻ, có thể họ sẽ thay đổi ý định?
 
Hiện nay, hệ thống tư vấn qua điện thoại cũng đã phổ biến ở nước ta, vì thế việc thiết lập một đường dây nóng là điều không khó và thực sự đó là cách giải tỏa những ức chế tâm lý cho người có nguy cơ tự tử rất hiệu quả.
  Tuy nhiên, việc tư vấn nguy cơ tự tử hay can thiệp khủng hoảng là một kỹ thuật mà người vận dụng phải có những kinh nghiệm và hiểu biết nhất định. Vì thế, cần có những tổ chức và nhân sự có chuyên môn và hệ thống cấp cứu như xe cộ, thiết bị, phòng cấp cứu.. đồng bộ và hiệu quả thì đường dây nóng mới đem lại hiệu quả mong muốn.
 
Hiện nước ta không có con số thống kê về tự tử hàng năm, theo ông, cần có con số thống kê này không?
 
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Tu nghiệp về Tâm lý lâm sàng trẻ em tại  Pháp, được đào tạo về Trị liệu Hệ thống gia đình tại Đại học Catholique Louvain APSY - Bỉ. Đã làm việc và cộng tác tạiTrung tâm Sức Khoẻ Tâm thần TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em NT.
Theo những số liệu thống kê về tỉ lệ tự tử chung của thế giới của nhóm tuổi từ 12-15 là 97-131 người/100.000 dân; nhóm tuổi từ 16-20 là 277-341 người/ 100.000 dân. Tỉ lệ này đang có xu huớng gia tăng và trẻ tuổi hoá. Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển.


Ở Việt Nam, tự tử trong thanh thiếu niên cũng có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhưng chưa có những thống kê chính xác, trong khi đây lại là một dữ liệu rất cần thiết để định hướng và xây dựng những biện pháp hiệu quả để đem lại hiệu quả cho việc giảm thiểu tình trạng tự tử.
 
Khi báo chí đăng tin tự tử ở học sinh, theo ông phải cẩn trọng những điều gì?
  Hiện nay, không chỉ riêng về chuyện tự tử, mà còn nhiều lĩnh vực khác thông tin từ các bài báo thường có những nội dung thiếu chính xác, đưa ra nhiều chi tiết mang tính cá nhân gây ra những ảnh hưởng đến uy tín hay nhân cách cho những người trong cuộc hay đối tượng của bài viết.
  Vì vậy, yếu tố khách quan và trung thực vẫn là tiêu chí hàng đầu cho một bài viết. Bên cạnh đó, khi nói về những thảm kịch thì cũng không nên cường điệu hay bi thảm hóa các yếu tố và nhất là không nên khẳng định hay có sự định hướng dư luận về nguyên nhân. Thông tin chứ không phải là tiểu thuyết là điều mà các phóng viên khi đưa bài cần hết sức lưu ý, để giúp cho người đọc cũng có được một cái nhìn khách quan về mọi đối tượng có liên quan.
 
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn về hiện tượng này.
  • Hương Giang (Thực hiện)

Các hiện tượng tự tử trong thời gian gần đây:

3 nữ sinh khá, giỏi Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, (cùng sinh năm 1998), học lớp 7A trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) rủ nhau chết tập thể ở trường.
 
Nữ sinh L.T.H, học sinh Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) tự tử vì bị nghi ăn cắp quần jean trong một cửa hàng thời trang, ngày 10-2.
 
Bố mẹ mắng vì học hành chểnh mảng nên sinh ra buồn chán rồi treo cổ như trường hợp nữ sinh T.T.T.T. (SN 1995) ở Đắk Lắk.
 
Hờn mát trước câu nói của bố "Con dùng điện thoại phải giữ cẩn thận, nếu làm hỏng bố không có tiền sửa cho con đâu!", em L.T.D., học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) ăn lá ngón chết.
 
28-2, không rõ vì lý do gì, một nữ sinh lớp 12 Anh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) bất ngờ thắt cổ tự tử tại ký túc xá.
 
Một HS khá của một trường THPT tư thục ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), nữ sinh K.O nhảy từ lầu 2 xuống đất ngay trong giờ học vì bị cô giáo bắt chép phạt và la mắng nặng lời.
 
11/3, một nữ sinh trường trung cấp trên địa bàn Thanh Xuân (Hà Nội) đột nhiên nhảy lầu chết thảm chỉ vì cãi nhau với bạn trai.
 
Một bạn nam lớp 8 THCS Thái Sơn (Nghệ An) giận mẹ la mắng treo cổ trên cành xoan tự tử. Một bạn nam khác lớp 9 cũng ở Nghệ An nhảy cầu tìm đến cái chết vì chán học...
 
Một nữ học sinh lớp 8 (Quận 7) mà bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM vừa tiếp nhận cách đây hơn một tuần suýt chết, lý do tự tử là vì buồn chán ba mẹ cấm đoán một số điều mà bạn cho rằng vô lí như: không được sử dụng điện thoại di động hay cho rằng cô giáo đối xử với bạn không công bằng…
 
Ngày 14/3, M.(sinh năm 1993) bị ông T.- một nhân viên làm cùng - nghi lấy cắp chiếc nhẫn trị giá 10 triệu đồng. M. một mực thanh minh nhưng ông T. không tin. Buồn chán, lại thêm chuyện tình cảm không thuận lợi, ngày 15/3, M. đã mua chai thuốc diệt cỏ để tự vẫn.

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

NÓI DỐI MỘT CÁCH CHÂN THẬT !

HỒ BẤT KHUẤT
Hiện nay đại bộ phận chúng ta không đói, không khát nhưng luôn cảm thấy ngột ngạt, ấm ức, tức tối, vô vọng… Sở dĩ chúng ta có cảm giác này vì sự dối trá đang tràn lan trong cuộc sống.
Hầu như ngày nào chúng ta cũng “chạm trán” với sự giả dối, nhưng chúng ta lại cố tình lờ đi vì đấu tranh với sự giả dối không đơn giản chút nào. Có những sự giả dối vô hại, thậm chí có chút lợi ích nho nhỏ, nhưng đại đa số giả dối có hại – cái hại đó lớn tới mức làm băng hoại đạo đức xã hội, suy tàn quốc gia.
Trong những người trưởng thành, không ai dám chắc mình trung thực tuyệt đối suốt đời, vì cuộc sống phong phú, đa dạng phức tạp tới mức nhiều khi con người không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Rất nhiều người tự răn mình là không được dối trá. Họ đã cố gắng làm như vậy cho đến lúc hoàn cảnh bắt buộc họ phải nói dối. Lúc đó họ tự an ủi mình là sự nói dối của mình vô hại, thậm chí là có lợi nho nhỏ. Điển hình cho hoàn cảnh này là nhân vật bà xơ trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của V. Hugo. Bà xơ này chưa một lần nói dối nhưng để cứu Jean Valjean (người mà bà rất kính trọng) bà đã nói dối cảnh sát.
Có những người cứ nghĩ mình rất thành thật, nhưng không biết là đã bị nhiễm thói đạo đức giả vào tận xương tủy. Lại có những người không có khả năng thành thật với chính mình. Mà không thành thật với bản thân mình cũng là một sự giả dối.
Sự giả dối ít bị lên án, ít bị vạch mặt vì ai cũng cảm thấy mình không đủ tư cách để nói lên điều này. Hơn nữa, nhiều người còn lập luận rằng, họ nói dối với dụng ý tốt, lời nói dối đôi khi lại trở thành hữu ích nếu biết rằng sự thật trong một số trường hợp không có ích cho ai. Tuy nhiên, với những người sống có nguyên tắc, chủ nhân của những lời nói dối kia vẫn bị khép tội dối trá.
Nhưng sự dối trá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong quản lý điều hành, trong hoạt động chính trị mới ghê gớm. Những sự dối trá này mới chính là nguồn gốc gây nên những điều xấu xa, bẩn thỉu. Để đấu tranh với sự dối trá, rất cần sự nhận diện, phân biệt, xếp loại.
Sự giả dối đã thành một phần của văn hoá ứng xử trong cuộc sống
Vào thế kỷ thứ XVIII, ở nước Anh, những người phụ nữ trang điểm còn bị khép tội lừa đảo, nhưng nay việc trang điểm cho phụ nữ đã được đẩy lên thành một nghề hái ra tiền. Con người đã thỏa hiệp với các dạng nói dối vô hại và sự giả dối không lời như sử dụng mỹ phẩm, tóc giả, phẫu thuật thẩm mỹ… Đó là do nhu cầu của cuộc sống. Nhà văn Mark Twain đã viết: “Người ta giả dối bất cứ khi nào, cả trong lúc ngủ và lúc thức, trong lúc buồn và vui. Nếu người nào đó giữ được cái lưỡi im lặng, anh ta sẽ chuyển sang giả dối bằng thái độ”. Sự giả dối giống như một thứ kỹ năng, tồn tại trong mỗi con người và được sử dụng khá thoải mái.
Đã có một số nghiên cứu nghiêm túc về sự nói dối của con người. Năm 2004, nhà tâm lý học Robert S.Feldman ở Đại học Massachusetts(Mỹ), sau khi phân tích những cuộc nói chuyện của sinh viên với người lạ, đã công bố: Hơn 60% số người có biểu hiện nói dối trong khoảng thời gian mỗi 10 phút. Mức độ dối trá được sắp xếp từ thổi phồng cho đến bịa đặt. Nam giới và nữ giới có tần suất nói dối như nhau, nhưng mục đích nói dối khác nhau. Trong khi phụ nữ có khuynh hướng giả dối để đối tượng yên tâm thì nam giới lại dùng sự giả dối cốt để tự an ủi chính mình.
Vì sao con người dễ dàng lừa dối và bị lừa dối đến vậy? Vì điều đó góp phần không nhỏ vào sự thành công trong quá trình sinh tồn của chúng ta. Dối trá để tồn tại, dối trá để giúp nhau, dối trá để thăng tiến… Có thể nói, dối trá là một “sản phẩm đa năng” được sinh ra từ não bộ, giúp con người thoát hiểm trong nhiều trường hợp nguy cấp. Nhưng cũng chính dối trá hủy hoại nhiều điều tốt đẹp ở con người.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những người bình thường nói dối cho yên chuyện, để hưởng lợi tí chút. Còn những người có chức, có quyền nói dối để thực hiện những dự tính, những âm mưu của mình. Chính vì vậy đây là sự dối trá rất nguy hiểm vì chúng thường được tô vẽ cho tốt đẹp hoặc được “bảo kê” bằng sự đe doạ. Họ dựa trên nguyên tắc: Con người nếu không tin thì cũng phải biết sợ. Người ViệtNamhiện nay có lẽ sợ công an nhất. Đến bọn trẻ con không chịu ăn, mẹ dọa: “Không ăn các chú công an đến bắt bây giờ!”, thế là chúng nó nuốt lấy, nuốt để.
Dối trá đã có điều kiện phát triển tràn lan và đang tác oai, tác quái
Bệnh thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dối trá tập thể. Điều này chúng ta dễ dàng nhận ra khi các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan làm báo cáo tổng kết cuối năm thời bao cấp. Đọc các báo cáo này, chúng ta thấy hầu hết đều đạt được những thành tích cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Đây là sự dối trá của nhiều tập thể, chính vì vậy mà có những lúc chúng ta phải cãi vã với nhau để giành được quyền mua một chiếc áo may ô hay một ống kem đánh răng.
Cũng xin được nói thêm là việc báo cáo láo chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cường quốc Liên Xô sụp đổ. Những số liệu thống kê đẹp đẽ đã khiến một số nhà lãnh đạo quan liêu vẫn tưởng rằng Liên Xô đang phát triển vững chắc. Sự thật, cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX kinh tế Liên Xô đã bước vào suy thoái. Dân khổ nên người ta chán chế độ, lười làm việc, chờ cơ hội để phán kháng.
Bây giờ ở ViệtNam chúng ta không thiếu đồ dùng nữa nhưng không phải vì thế mà sự dối trá ít đi. Sự dối trá hiện nay trở nên tinh vi hơn, xảy ra ở cả những nơi tôn nghiêm, sang trọng. Do vậy, ảnh hưởng xấu của nó cũng ghê gớm hơn, lâu dài hơn.
Đảng Cộng sản ViệtNamđang phát động phong trào chỉnh Đảng nên tôi nói thêm điều này: Rất nhiều người dối trá khi vào Đảng. Chỉ cần so sánh những việc làm của họ hiện này với những lời thề, lời hứa tại lễ kết nạp là chúng ta nhận ra sự dối trá ngay thôi. Tôi xin nói cụ thể hơn: Cách đây khoảng 30 năm, tôi (khi đấy đang công tác tại Tạp chí Cộng sản) có tham gia cùng với một nhóm nhỏ của Ban Tuyên huấn Trung ương điều tra (chỉ dùng cho mục đích nghiên cứu) động cơ vào Đảng. Kết quả thế này (đương nhiên là chỉ tương đối thôi, khó chính xác vì chúng tôi làm trong diện hẹp, phương pháp chưa thật sự khoa học): 1. Vì lý tưởng cộng sản: khoảng 7%; 2. Để có cơ hội tiến thân: khoảng 50%; 3. Cho yên chuyện: khoảng 43%.
Trước cách mạng tháng 8 – 1945 và trong thời kỳ chiến tranh, đại đa số vào Đảng là vì lý tưởng vì vậy Đảng rất mạnh. Còn bây giờ phần lớn những người vào Đảng lại không vì lý tưởng thì làm sao cho Đảng mạnh đây?! Chỉnh Đảng có giải quyết được vấn đề này không?
Thật đáng lo là trong khoa học, trong giáo dục sự dối trá cũng đầy rẫy. Tuyển sinh sau đại học hiện nay gian lận nhiều nhất. Nhiều người khẳng định: Tại một số cơ sở đào tạo sau đại học, nếu không chạy tiền thì không thể nào thi đỗ để làm thạc sỹ, tiến sỹ!
Hậu quả đáng buồn là khoa học – lĩnh vực đáng ra phải tuyệt đối trung thực cũng không thể “giữ mình” được nữa. Tại sao có sự dối trá trong khoa học? Tại vì họ phải chạy chọt mất tiền mới thành thạc sỹ, tiến sỹ! Hơn nữa, nếu có những nhà khoa học được đào tạo minh bạch, nghiêm túc; họ lạị bị quản lý theo luật công chức như quản lý các nhân viên hành chính. Vì vậy đáng ra các nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo thì lại phải đối phó với rất nhiều thứ. Có một số viện nghiên cứu khoa học ở Hà Nội bắt tất cả cán bộ, nhân viên phải lấy vân tay để làm thẻ vào cửa. Những người không chịu làm thẻ thì bị kỷ luật, thậm chí không được vào phòng làm việc. Còn những người làm thẻ rồi, đến phòng làm việc ngủ vẫn được chấm công. Quản lý như vậy không sinh ra sự dối trá mới lạ!?
Về nguyên tắc, ở đâu mà sự dối trá ngự trị thì ở đó khoa học không hoạt động có hiệu quả được. Khoa học ViệtNamvài chục năm nay hầu như không có thành tựu gì đáng kể. Xây dựng một trường đại học có chất lượng cao, có đẳng cấp quốc tế chúng ta cũng không làm được thì nói gì đến những phát minh?! Điều này có nhiều lý do, nhưng lý do chính là nền khoa học của chúng ta đang bị tha hoá, đang có sự dối trá ở trong đó.
Có đấu tranh được với sự dối trá không?
Nhưng xét cho cùng, sự giả dối vẫn là thói xấu bị muôn đời bị con người căm ghét. Đã căm ghét thì phải tìm cách đấu tranh, loại bỏ. Nhận diện sự giả dối không hề khó. Chỉ qua một vụ rắc rối ở Tiên Lãng, chúng ta đã thấy sự dối trá phơi bày ra cả. Sự dối trá nổi đình nổi đám nhất, chưa biết thuộc về ai? Một số người phản ánh: Bí thư Thành ủy Hải Phòng nói ngược lại kết luận của Thủ tướng. Những người lãnh đạo Câu lạc bộ Bạch Đằng khẳng định ngược lại. Sự thật chỉ có một, cái không đúng với sự thật là dối trá. Chỉ có điều chưa ai làm rõ điều này. Đã có toàn văn kết luận của Thủ tướng. Chỉ cần công bố nội dung buổi nói chuyện của Bí thư Thành ủy Hỉa Phòng, chúng ta biết được ai là người dối trá và Bí thư có nói ngược lại kết luận của Thủ tướng không?
Đấu tranh với dối trá mới là điều cần bàn, cần động viên nhau vì đây là việc làm nguy hiểm. Tại sao nguy hiểm? Bởi vì sự dối trá gây nguy hại nhiều nhất thuộc về những người có chức, có quyền. Cái câu tục ngữ “Muốn nói gian làm quan mà nói” tưởng chí đúng với quan ngày xưa, hóa ra đúng với cả thời nay.
Vấn đề nơi đỗ xe đang nóng bỏng ở Hà Nội. Hậu quả của việc này cũng do sự dối trá gây nên: Bao nhiêu điểm quy hoạch để đỗ xe thì họ lại làm việc khác. Ai làm được việc này nếu không phải là quan chức? Một ví dụ cụ thể: Báo chí (đặc biệt là báo Tiền Phong) phản ánh về những sai phạm trong việc cống hoá đoạn mương Liễu Giai – Linh Lang trên đường Phan Kế Bính để làm chỗ đỗ xe. Lãnh đạo quận Ba Đình và Tp Hà Nội đã vào cuộc. Họ nói chắc nịch: “Phần nào làm không đúng với thiết kế phải dỡ bỏ!”. Có người tưởng đây là thái độ quyết liệt và trung thực, nhưng phần lớn nhận ra rằng, đây chỉ là sự giả dối vì không chỉ rõ thời gian và cơ quan phải làm việc này. Và đến nay toàn bộ công trình xây dựng ở đây đã được đưa vào sử dụng, nhưng lại là của hàng bán xe máy, quần áo, quán cà phê… Như vậy, chúng ta biết được sự giả dối, đã đấu tranh nhưng không có hiệu quả.
Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ và rất cụ thể thôi. Trong cuộc sống hiện nay, còn nhiều sự giả dối to lớn và nghiêm trọng hơn nhiều vẫn tiếp tục diễn ra một cách công khai. Chuyện bức xúc nhất hiện nay là hàng loạt ô tô, xe máy bỗng nhiên bị cháy mà không rõ nguyên nhân – đây là hậu quả tổng hợp của nhiều sự giả dối cùng một lúc, trong đó có xăng bị pha chế, có sự bất lực của khoa học, có sự vô trách nhiệm của những người quản lý. Bắt quả tang những người làm bẩn xăng có khó không? Không khó, báo chí đã chỉ ra. Tìm ra nguyên nhân cháy xe có khó không? Cũng không vì cấu tạo ô tô, xe máy chẳng còn gì là bí ẩn nữa. Cái khó ở đây là những người có trách nhiệm chỉ giả vờ quan tâm, giả vờ tích cực, giả vờ quyết liệt. Nguyên nhân xe cháy chắc chắn sẽ được tìm ra vì đây là một vụ việc cụ thể và không quá rối rắm.
Cái đáng lo nhất hiện nay là sự giả dối ở tầm vĩ mô. Nói một cách rõ ràng, thẳng thắn thì những phát biểu chung chung, những lời hứa hão, những mục tiêu to tát không đi kèm những biện pháp khả thi cũng là sự giả dối. Hơn nữa, sự giả dối loại này gây tác hại to lớn và lâu dài. Mà đấu tranh với những loại giả dối này là vô cùng khó.
Muốn đấu tranh có hiệu quả với sự giả dối, cần phải có sự dũng cảm ở trong mỗi con người. Một khi con người không sợ hãi mới mong đấu tranh với sự dối trá có kết quả. Chiến dịch chỉnh Đảng đang bắt đầu, có hy vọng gì không?…
H.B.K

H.B.K

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Kết quả có hậu của trăm năm trồng người


Buổi tọa đàm "Định vị lại nền giáo dục Việt Nam" diễn ra tối 1/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (Hà Nội) chỉ ra các nút thắt nghẽn của ĐH Việt Nam và cách tháo gỡ.
Diễn giả là TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) thu hút hơn 300 khách mời.

Thua tất cả láng giềng
Theo nghiên cứu của TS Phương thì với những nỗ lực trong một thời gian dài, "chúng ta cũng đáng tự hào về giáo dục ĐH nước nhà. Nhưng nhìn ra, thì khoảng cách còn rất xa so với thế giới".
Cụ thể, tỷ lệ người trong độ tuổi đi học biết chữ còn cao hơn Mỹ nhưng chất lượng lao động không ổn. Trong khi các nước láng giềng tỷ lệ lao động có trình độ ĐH từ 20% trở lên thì Việt Nam phần lớn lao động chỉ học hết lớp 9.

Ông dẫn số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá về các chỉ số phát triển giáo dục của Việt Nam mới hay, để giải bài toán "đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ĐH" cần rút ngắn khoảng cách về chất lượng với các nước trong khu vực và thế giới.

Về giáo dục cơ bản của Việt Nam chỉ vượt Philippines còn thua tất cả các nước láng giềng như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia... Chất lượng giáo dục mới được đứng ở nhóm cuối và bị đánh giá có vấn đề.
TS Phương so sánh:
"Xét về lịch sử phát triển giáo dục ĐH chúng ta có trường ĐH sớm sánh ngang với các nước phát triển. Tiếc rằng, ĐH Quốc Tử Giám đã không còn hoạt động", lời ông Phương.
Cụ thể, Quốc Tử Giám ra đời năm 1076 nhưng đến nay đã không còn hoạt động. Trong khi trên thế giới,10 trường ĐH lâu đời vẫn còn hoạt động như: ĐH Bologna (ra đời năm 1088 ở Italy), ĐH Pars (ra đời 1150), ĐH OxFord (ra đời năm 1167 ở Anh), ĐH Modena (ra đời năm 1175 ở Italy)...
"Khu vực giáo dục bậc cao, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn thua tất cả các nước láng giềng".

Bất cập khó chữaNguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục Việt Nam được TS Phương nhắc lại: quy mô tăng nhanh cả về số cơ sở giáo dục lẫn số người học, nhưng lại mất cân đối. Có đến hơn 1/2 số trường ĐH, CĐ, TCCN, cơ sở đào tạo nghề dài hạn tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng... Địa bàn xa không có trường hoặc có thì rất bé nên học sinh vùng sâu, vùng xa muốn học phải "cơm nắm muối vừng" về Hà Nội.
"Thêm nữa, tỷ lệ học sinh lao vào học khối Kinh tế, Ngân hàng chiếm hơn 1/3 số theo học. Trong khi khối ngành Nông-Lâm-Thủy sản  chiếm chưa đến 5%".
Ông dự báo, với hiểu biết tù mù về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và định hướng lệch lạc từ người lớn, mùa tuyển sinh năm nay chắc chắn sẽ có 50% số học sinh thi vào khối ngành Tài chính - Ngân hàng.
Một bất cập nữa theo ông Phương đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, đó là doanh nghiệp chê sản phẩm đào tạo. Trong khi đó, nếu đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp thì sẽ sai quy trình, lệch chuẩn.

Không né thị trường giáo dục
TS Phương khẳng định trong tương lai giáo dục không thể là tháp ngà tồn tại giữa biển nước quốc tế. Đến lúc nên xem giáo dục là một dịch vụ xã hội.
"Giáo dục Việt Nam phải chấp nhận cho tư nhân tham gia giáo dục dưới sự điều tiết của nhà nước. Đã đến lúc phải sắp xếp lại hệ thống giáo dục theo hướng chuẩn hóa, nhanh chóng xúc tiến kiểm định chất lượng giáo dục....
Thêm nữa giáo dục phải hướng đến nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Về nhân tài không nên làm theo cách hiện nay theo kiểu "nuôi gà chọi" mà phải phát huy được cái đặc biệt của mỗi cá nhân.
 
Theo Kiều Oanh
Đây chỉ là một trong những kết quả tất yếu của một nền giáo dục "phong trào" dạy học bằng khẩu hiệu với những dối trá, sai lầm, ngụy biện và lạc hậu xuyên suốt trong chương trình  một cách hệ thống !