Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

NHỮNG LÁI BUÔN CHỮ NGHĨA

KINH DOANH & DỐI TRÁ

Qua một số thông tin trên Tuổi trẻ và Sài Gòn Tiếp thị, các sinh viên của trường Đại học Dân lập Hùng Vương "biểu tình" phản đối việc tăng học phí "một cách có hệ thống" tại một trường Đại học "tả phí lù - môn gì cũng có" !
Việc tổ chức và điều hành một trường Đại học, không chỉ đòi hỏi người đứng đầu có những tiềm năng về kinh tế, mà còn phải có một học vị và cái học vị đó, không chỉ bảo đảm về trình độ học vấn, mà còn phải là một trình độ về nhận thức và lòng tự trọng.
Được biết, khác với một số trường khác, TS Nguyễn Mạnh Hùng là một người có thực tài và cũng là một người có thẩm quyền cao nhất ! Vì thế, khi phải đối thoại với sinh viên trong việc tăng học phí vô tội vạ, Ông đã đủ thẩm quyền rút lại cái quyết định trên.
Tuy nhiên, chính điều này lại cho thấy một lỗ hổng lớn về "kỹ năng sống" ở nhà Tiến Sĩ này ! KHi quyết định tăng học phí, ắt hẳn ông đã lường trước được sự phản ứng của dư luận, nhất là những sinh viên đang theo học tại đây, thế nhưng khi đứng trước áp lực của đám đông, ông đã phải nhượng bộ - dù việc tăng học phí là một sự phi lý - nó chỉ cho thấy một yếu tố duy nhất khi ông đứng ra tổ chức ngôi trường này :
Đó là bán những con chữ trong một điều kiện giao dịch không sòng phẳng !
Tại sao lại là không sòng phẳng ?
Vì với những nguồn thu to lớn từ học phí, lẽ ra cơ sở trường lớp phải đảm bảo được những điều kiện tối thiểu về tiện nghi, lực lượng giảng viên phải đảm bảo những khả năng tối thiểu về năng lực giảng dạy.
Nhưng dù hoạt động đã lâu, mà cơ sở vẫn chỉ đi thuê mướn một cách manh múm, mặc dù bản thân tôi cũng đã từng đến cơ sở ở Điện Biên Phủ để dự một cuộc hội thảo, và cảm nhận của tôi về cơ sở vật chất của cái hội trường là tốt, dù có hơi màu mè "nhà quê" ! nhưng dẫu sao thì đó cũng phản ánh đúng cái trình độ thẩm mỹ của người đứng đầu thôi .
Tuy vậy, với những lời hứa hẹn với sinh viên ( là khách hàng ) và sau đó là những gì mà họ nhận được - thì đó là một sự dối trá, lừa gạt, bán hàng kém chất lượng của một anh nhà buôn thiếu trình độ ! Chắc hẳn, khi nhìn ra bên ngoài, ông Tiến sĩ đã thấy được nhan nhản những lời nói "có cánh" trong các chương trình quảng cáo, và ông cũng nhận thấy, sự dối trá đã và đang là "nền tảng" cho xã hội này, nên ông cũng không ngại gì mà xài đến các chiêu "treo đầu dê, bán thịt chó". Chỉ có điều ông quên mất một điều, ông là một nhà tri thức, và cái cơ sở mà ông kinh doanh lại là một cơ sở giáo dục ! ( mặc dù những chuyện buôn bán, dối trá và lừa gạt trong ngành giáo dục cũng không phải là ít )
Điều đó chỉ cho thấy một điều: Sự băng hoại về những giá trị đạo đức là điều ngày càng phổ biến !

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG - AI GIÁO DỤC AI?

KỸ NĂNG SỐNG LÀ SAO NHỈ ?
Nói về đề tài "thời thượng" này, đã có khá nhiều bài viết và bản thân tôi cũng đã từng đề cập đến trên một số diễn đàn.
Thế nhưng, một lần nữa khi đọc được một cái tin ngắn trên báo Tuổi Trẻ, ngày 16/3/2009 nói về sự hình thành một Câu Lạc Bộ Giáo Dục Viên của những người làm Công Tác xã hội - và trong buổi ra mắt CLB này, các bạn GDV đã nêu lên một "thực trạng" là các em HSSV Việt Nam hiện nay thiếu trầm trọng kỹ năng sống, và cái trầm trọng hơn nữa là thiếu cũng trầm trọng đội ngũ GDV có thể "dạy" Kỹ năng sống KNS cho các em HSSV đang bị "dốt" về KNS kia ! Thì tôi chợt nhận ra rằng, cái thiếu trầm trọng nhất của mọi người (tức là cả các GDV dạy KNS và các em HSSV thiếu KNS) không phải là cái mớ kiến thức về KNS, mà là cái sự hiểu biết cơ bản nhất, đó là sự hiểu biết về chính Kỹ năng sống !
Các em HSSV thì có thể không biết KNS là cái mô tê gì, nhưng chính các GDV sẽ là người đi "dạy" KNS cho các em cũng chả hiểu gì về cái gọi là KNS !
Nói một cách chính xác hơn, là các GDV hiểu sai về KNS, vì chính các bạn đã được "truyền" cho sự nhận thức "lệch" về KNS ! Các bạn đã hiểu KNS như một bộ môn (Giống như Công dân giáo dục) hay có thể rộng hơn, là những kiến thức về các hành vi, thái độ, phản ứng mà một em HSSV cần phải biết !
Chính vì thế, các bạn GDV trong Câu lạc Bộ đó mới cho rằng, cần phải đào tạo một cách "quy mô " hoành tráng để cho ra lò một loạt các GDV am hiểu kỹ năng sống như lòng bàn tay mình, để tung ra bốn phương trời giúp cho tuổi trẻ Việt Nam biết thế nào là KNS !
Nhưng, KNS là cái gì mà ghê thế ?
Lật những tài liệu về KNS chúng ta được biết, ở mỗi quốc gia người ta quan niệm về KNS có phần khác nhau - còn ở Việt Nam thì chúng ta quan niệm KNS bao gồm các kỹ năng:
Kỹ năng tự nhận thức - Kỹ năng kiên định - Kỹ năng giao tiếp - Kỹ năng ra quyết định - Kỹ năng xác định giá trị - Kỹ năng đặt mục tiêu.
Chỉ có vậy, còn nếu muốn "tán" rộng ra nữa thì sẽ có :
1. Những kĩ năng sống cơ bản, cốt lõi (cần để định hướng đúng đắn cho tương lai và vận dụng vào trong mọi tình huống của cuộc sống)
- Kĩ năng tự nhận thức về bản thân
- Kĩ năng đặt mục tiêu phấn đấu cho bản thân
- Kĩ năng tự xác định giá trị
- Lòng tự trọng
- Kĩ năng giao tiếp
- Kĩ năng ra quyết định
- Kĩ năng giải quyết vấn đề
- Kĩ năng kiên định để an toàn
- Kĩ năng thuyết phục
- Kĩ năng thương lượng
- Kĩ năng giải tỏa cảm xúc, căng thẳng
- Kĩ năng tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ
2. Những kĩ năng sống để phòng tránh những tệ nạn xã hội:
- Phòng tránh ma túy
- Phòng tránh thuốc lá, ruợu, bia
- Phòng tránh bị xâm hại tình dục trẻ em
- Phòng tránh HIV/AIDS
- Giải quyết mâu thuẫn tránh bạo lực
Nói một cách khác, một em HS/SV mà có được chừng này kỹ năng thì có 2 khả năng :
Trở thành một mẫu người lý tưởng vì sẽ thành công về mọi phương diện, và là một người hoàn hảo về mặt đạo đức, một người sẽ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào... Tóm lại : đó là 1 siêu nhân !
Hóa ra các KNS sống là chuyện không tưởng à ?
Không phải vậy, những KNS này thực ra không có gì là ghê gớm cả, nhưng nếu đặt nó vào bối cảnh xã hội Việt Nam, mà đòi hỏi có được những GDV biết hết các KN này ( và cả nghệ thuật để truyền đạt cho người khác nắm bắt nữa ) và cũng đòi hỏi là các em HSSV có thể học tập được các kỹ năng này để vận dụng vào cho cuộc sống của mình ( vì vậy mới gọi là KNS) thì đó mới là điều không tưởng !
Tại sao lại như thế ?
Hãy cứ hình dung mà xem, các trẻ em VN được sinh ra trong những gia đình như thế nào? Đa phần là những gia đình có những nguyên tắc gia trưởng, bố mẹ nói thì con cái phải "chấp hành trước mà không có khiếu nại sau !" Có nghĩa là "bố mẹ đặt đâu con ngồi đó, muốn con học cái gì, làm cái gì, thậm chí là nói cái gì, ăn cái gì đều phải được bố mẹ cho phép - đều phải được bố mẹ định hướng " và như thế, làm gì các em còn khả năng tự nhận thức ! Làm gì các em có quyền đặt mục tiêu cho bản thân ? làm gì các em còn khả năng ra quyết định !
Còn về phía nhà trường ? Cái sự bát nháo trong giáo dục, tình trạng lạc hậu trong chương trình, sự áp đặt cái kiểu học : Thày đọc trò ghi, tình trạng học vẹt, phải thuộc lòng từng cái chấm cái phẩy trong các bài văn mẫu, thì các em HS làm gì còn khả năng thương lượng , làm gì để có thể giải tỏa cảm xúc ! Các em chưa tâm thần cả lũ, chưa stress hàng loạt đã là may lắm rồi !
Cuối cùng, với bối cảnh xã hội mà không ai tin nổi ai, không ai tin nổi những người có thẩm quyền, có trách nhiệm , không ai tin nổi vào những điều luật định chồng chéo, mâu thuẫn hàng loạt ! thì làm sao còn có những kỹ năng giao tiếp và tìm kiếm sự hỗ trợ ?
Nói tóm lại - Lý thuyết KNS không khó, lật sách ra đọc ào ào, học ào ào và áp dụng mọi thủ thuật để các em HSSV biết về KNS không khó, nhưng cái khó là làm sao các em có thể vận dụng được vào chính cuộc sống của mình ! Và nếu không thể vận dụng được thì làm sao có thể gọi là KNS cho được ?
Đó chỉ có thể gọi là những kỹ năng mong muốn sẽ có trong một ngày nào đó ở về phía cuối chân trời !
Và vì thế, việc đào tạo các GDV đi dạy KNS được coi là một trong những mơ ước khó có thể trở thành hiện thực ( nhưng nếu coi KNS là những bài học như kiểu công dân giáo dục thì lại là chuyện khác ) lúc đó thì cứ nghe những gì tôi nói, đừng nhìn những gì tôi làm và chỉ nên học những gì tôi dạy, còn làm thì ...tính sau !
Sài Gòn tháng 3/2009

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Càng sửa...càng sai !


SỬA CÁI SAI NHỎ BẰNG CÁI SAI LỚN


Câu chuyện dài về những sai lầm trong sách giáo khoa kéo dài từ năm này sang năm khác, tưởng chừng như có thể dừng ở năm 2008 với một hành động tưởng chừng như rất quyết liệt của bộ Giáo Dục là cho ban hành tới 03 cuốn sách để sửa sai.
Có thể nói, đó là một động tác sửa sai vô tiền khoáng hậu, vì chưa có một đất nước nào đủ sự dũng cảm coi thường học sinh và dư luận đến như thế ! Vì ở bất cứ đâu người ta cũng phải tôn trọng sự chính xác của sách giáo khoa - Có thể chấp nhận một số lỗi morat do nhà in, nhưng điều đó chỉ cần vài ba dòng chữ đính chính ở cuối sách là đủ, và chỉ chứng đó là đủ làm giảm đi phần nào giá trị của sách giáo khoa rồi.
Ấy thế mà giờ đây, để sửa lỗi, không phải là in sai, mà là viết sai, không chỉ sai chính tả mà còn sai cả ý nghĩa, sai từ nội dung, nghĩa là sai tuốt tuồn tuột từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới . Người ta lại có một sáng kiến là in tới 3 cuốn sách để yêu cầu HS căn cứ vào đó để sửa dùm những cái sai của những nhà khoa học, những Hàn lâm viện sĩ cấp xã ngành GD đã viết nhăng viết cuội từ bao năm nay !
Hóa ra từ trước đến giờ, các em đều được học và buộc phải học những cái sai, những cái sai của những cuốn sách năm nào cũng được sửa chữa, bổ sung và ngành GD buộc bố mẹ các em phải hộc cả máu mồm máu mũi ra làm việc để có được những đồng tiền xương máu mua lấy cái chữ cái nghĩa loại phế phẩm cho con em mình nhồi vào đầu!
Các nhà nghiên cứu giáo dục đã tìm hiểu, phân tích và xác định đâu là sự sai lầm trong việc biên soạn sách GK, đó là sự chia cắt, phân bổ việc biên soạn cho nhiều nhóm người mà không có được một cái khung chung, một thiết kế xuyên suốt. Ấy thế mà thay vì chỉnh sửa chính sự sai lầm trong biên soạn, thì người ta vẫn cứ để cho những sai lầm, lạc hậu ấy được in ra thành những cuốn sách mang tính pháp lệnh, buộc người dân phải mua, nếu không có tiền mua thì phải ngửa cổ ra xin, biến thành những kẻ ăn mày chữ nghĩa. Thế rồi sau khi bị phát hiện, bị vạch trần cái sự ngu dốt ấy, thì lại lục đục biên soạn ra những cuốn sách để sửa sai !( mà chưa chắc là những cái sửa ấy không sai ! )
Thực ra thì chủ trương bần cùng hóa, ngu dốt hoá nguời dân dẫu sao cũng đã được tiến hành một cách triệt để rồi, đâu cần phải dở cái trò quái gở này ra để làm gì . Ngay cả một cô bé được trời ban cho có đôi chân dài và cái bộ óc ngắn, trong một sớm một chiều cũng có thể trở thành hoa hậu của một quốc gia có 4000 năm văn hiến mà chả cần học hết lớp 12 kia mà. Để rồi sau đó lại phát hiện ra một bộ học bạ giả, và buồn cười hơn là ban tổ chức lại dũng cảm thừa nhận sai lầm trong việc quy định trình độ học lực !
Với một trình độ kiểu đó, do được đào tạo bởi một nền giáo dục như thế, từ ban giám khảo cuộc thi cho đến các thí sinh hoa hậu, thì cần gì phải đính chính những cái sai lầm trong sách GK làm gì cho nó tốn giấy, vì có sai hay đúng thì cũng chỉ cho ra lò những Học sinh mà cái kiến thức sau 12 năm đèn sách chưa đủ để kiếm một chỗ đứng trong xã hội nếu không được đào tạo lại ! Và để đi thi Hoa hậu thì cũng chả cần có kiến thức để làm gì, chỉ cần cái đùi dài, cái ngực to, cùng những nụ cuời duyên dáng thì dù cho có cái đầu thuộc loại bã đậu cũng được mà !
Trong khi yêu cầu của các cuộc thi sắc đẹp ngày nay,không chỉ đòi hỏi những đường cong bốc lửa mà còn phải có sự thông minh, phải có trình độ học vấn, thông thạo ngoại ngữ và cả một thể lực đáng nể, thì với một quốc gia đang tiến bước vào con đường hội nhập với thế giới, lại chọn ra một hoa hậu như thế đó, học không xong lớp 12, ti toe chạy ra nước ngoài để học nghề, và có thể bộ học bạ giả được chuẩn bị không phải là dùng cho cuộc thi trong nước, mà là để đối phó với những yêu cầu của nước ngoài kia !
Với Một nền giáo dục như hiện nay, thì việc đào tạo ra những con người mà gian dối đã dần trở thành bản chất, trơ trẽn là điều cần thiết cho cuộc sống thì cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ đáng buồn cho biết bao nhiêu học sinh chân chính, những tấm gương vượt khó trong học tập, không chỉ phải chấp nhận tiếp tục học tập với những điều sai lầm, lại còn phải chấp nhận luôn cả việc một cô bé "tóc vàng hoe = đầu óc bã đậu" lại được chọn làm đại diện cho nhan sắc phụ nữ đất Việt. Cô bé đó không đáng trách, và cả bố mẹ cô, cả những vị giám khảo khả ..uý của cái trò thi sắc đẹp kia cũng chả đáng trách, vì tất cả đều được đào tạo trong cùng một lò, với những kiến thức càng sửa càng sai kia thôi !
tháng 9 trời mưa, trời mưa...nước mắt !
( TRÍCH LẠI TỪ BLOG LÊ KHANH / 09/2008)

GÌ CŨNG ĐÒI DẠY !

THẬP CẨM GIÁO DỤC

Qua một mẩu tin trên đài HTV9 - Cho biết Sở GD TP.HCM đang rục rịch cho HS học các luật giao thông để góp phần giảm bớt tình trạng " ùn tắc giao thông" ! Nghe qua đã cảm thấy choáng váng dùm các em, thế nhưng cái cảm giác choáng váng ấy qua đi rất nhanh để thay vào đó là sự hụt hẫng khi xem 2 cái video clip minh họa :
- Clip 1: Ngài Giám đốc Sở GD "mày râu nhẵn nhụi - áo quần bảnh bao" xuất hiện trong 1 sân trường nói về chuyện Giáo viên phải hiểu tâm sinh lý HS mới có thể dạy tốt được - Chả hiểu là cái đoạn clip này có ăn nhập gì với cái chủ đề giáo dục giao thông cho HS hay không, hay chỉ là sự lắp ghép cho có vẻ nghiêm trọng mà không hề biết ngài nói những gì !
- Clip 2: Cảnh quay trước cổng trường Dân lập Thanh Bình, các em HS cấp III tan trường chạy xe trên 50 phân khối - và thuyết minh : Đó là lý do tạo ra cảnh kẹt xe, giao thông hỗn loạn trước cổng trường ! ( với ngụ ý phải buộc các em không được đi học bằng xe gắn máy )
Coi xong mà thấy buồn mênh mông (và không hiểu là nói dỡn hay nói chơi đây) ! Ôi nhà đài ơi ! làm truyền thông mà có tư duy và cách dàn dựng như vậy thì ...kỳ quá !
Chuyện ngài Giám Đốc đẹp chai xuất hiện ăn nói linh tinh về cái vấn đề mà ai cũng thừa biết cũng có thể cho qua, coi như là góp vui ( kiểu tấu hài vậy) nhưng cho rằng việc giao thông lộn xộn ( và vì thế cần giáo dục luật GT cho HS ) của các em HS vì đi học bằng xe gắn máy là một nguyên nhân gây ra kẹt xe thì ...bùn kười wé ! Hãy thử đến trước các cổng trường cấp I, cấp II là những trường không có HS đi xe gắn máy, thậm chí cả trường cấp III mà ở đó các em chỉ được đi bằng xe đạp hay xe gắn máy dưới 50 cc - xem có xẩy ra cảnh bát nháo khi tan học hay không thì biết liền - Và hãy thử đến các đoạn đường không có trường học, thì chuyện kẹt xe là do đâu ?
Phải nói rằng - trong khi VTV có những đoạn phóng sự đi vào lòng người, nói lên những sự thật đau lòng về nạn phá rừng, tình trạng gây ô nhiễm môi trường, và thậm chí cả về chuyện "ùn tắc giao thông" do ý thức người dân , do lơi lỏng quản lý về việc xây lô cốt lung tung, do nhân sự và năng lực yếu kém của các đơn vị có trách nhiệm điều hành giao thông - thì HTV lại làm một cái phóng sự mang tính minh họa lãng nhách ! để nói lên việc cần thiết phải giáo dục Luật GT cho HS.( cũng là một chủ trương lãng xẹt lun !)
Lẽ ra, đối tượng cần giáo dục luật giao thông một cách cấp bách nhất chính là cái lực lượng tham gia quản lý, điều hành Giao thông trên đường phố kìa ! Cứ thử nhìn xem cái cảnh 4 anh CSGT đứng ngay ở 1 ngã tư chỉ để chăm chăm vào cái việc thổi còi phạt người rẽ trái không đúng cách (ở ngã tư Lê Q Định - Phan Đăng Lưu - trước chợ Bà Chiểu ) còn việc xe cộ quẹo ngang quẹo dọc loạn xà ngầu, hay cách đó độ 200 m ở giao lộ Bùi Hữu Nghĩa - Vũ Tùng ( hông chợ Bà Chiểu) thường xuyên xảy ra cảnh lấn qua trái thì hầu như chả bao giờ thấy bóng dáng và sự can thiệp, điều khiển của các anh ! ( chỉ có mấy anh dân phòng thổi còi mệt xỉu ) hoặc cảnh các anh đứng ra điều khiển ở một vài giao lộ ( như góc Hai Bà Trưng và Trần Quốc Tuấn - trước chợ Tân Định mà thấy thương ! lơ ngơ láo ngáo chả biết lúc nào cấm, lúc nào cho đi - một cái ngã 3 thôi mà 4 anh CS thổi còi um xùm vẫn rối như canh hẹ ! )
Chưa có 1 thành phố văn minh, tiến bộ nào trên thế giới mà người dân phải tự đứng ra, tự trang bị còi và gậy để điều hành giao thông ( và được biểu dương lên báo đình huỳnh ! ) và cũng chưa có 1 thành phố nào mà người đi bộ thì thoải mái đi xuống lòng đường, băng qua đường bất kỳ ở đoạn nào ( dù cũng có các lằn vạch trắng, thậm chí cầu vượt ) còn xe cộ thì hễ đông 1 chút, kẹt 1 chút là chạy luôn lên lề đường ( như đoạn gần ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng - Q.3 ) - và điều này diễn ra thường xuyên, trước mắt các CSGT mà không hề có một nhắc nhở gì !
Việc giáo dục luật GT cho HS có nghĩa gì không, khi mà các em đã phải cày nát người trên những cuốn sách Giáo khoa đầy dẫy sự sai lầm, đã phải gồng mình lên học cả ngày lẫn đêm để nuốt tươi ăn sống những kiến thức lạc hậu, những quan điểm ấu trĩ - Trong khi chính những người lớn, từ những kẻ điều hành giao thông, cho đến những kẻ điều khiển giao thông vẫn chỉ biết áp dụng Luật giao thông theo kiểu luật rừng : người điều hành thì chỉ chăm chú phạt ai không đội mũ bảo hiểm, ai lỡ quên quẹo vào con đường cấm một cách phi lý, ai lơ đãng chạy ra ngoài phần dành cho xe 4 bánh ... còn kẻ điều khiển xe gắn máy thì hễ đông xe 1 chút là a lê vòng qua bên trái mà xông lên, không cần biết là điều này chỉ làm cho tình trạng tắc nghẽn xảy ra nhanh hơn, trầm trọng hơn, cũng như sẵn sàng xông lên vỉa hè và còn chửi luôn những kẻ không biết tránh đường cho xe ông chạy bậy ! Mà đâu phải chỉ có các vị thất học, bình dân mới vậy, cả những gentlemen và lady sang trọng trên những chiếc @ hay SH mà vẫn vô tư vi phạm những nguyên tắc sơ đẳng của luật GT !
Nhưng trên tất cả những chuyện ấy, một đài truyền hình của một thành phố văn minh, mà lại đi làm một cái phóng sự trên cả...dzô dziêng như vậy, thì cái chuyện người tham gia và cả người kiểm soát giao thông có ...vô tư thổi bậy, phạt bậy, chạy bậy ...thì cũng là điều tất yếu thôi ...Ô hô ai tai cái chuyện truyền mà không thông ! -
Cảm nhận cuối tháng 9/2008 sau khi xem một cái tin tức thiệt !

Đi Tìm Nhà Tâm Lý Trẻ em


TÂM LÝ TRẺ EM LÀ GÌ ?

Từ năm 1991 - Lần đầu tiên được đặt chân ra Hà Nội và cũng lần đầu tiên được tham dự một hội thảo có lẽ cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam về một lĩnh vực mới mẻ là Tâm Lý lâm sàng Trẻ em - Quá nhiều những cái đầu tiên mà tôi được tiếp nhận, từ những danh từ chuyên môn trong lĩnh vực này cho đến tấm lòng của một Nhân sĩ Việt Nam : Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu và thực hành tâm lý và cũng là một Đảng Viên CS duy nhất mà tôi kính phục.

Thế rồi, thời gian lặng lẽ trôi qua, những biến động về nhu cầu của tâm lý trẻ em ngày càng nhiều, đã có khá nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân đứng ra thành lập, tổ chức, bước vào hoạt động trong lĩnh vực này, từ những bác sĩ nhi khoa, những cử nhân tâm lý giáo dục, những thày cô giáo, những chuyên gia trong một số các lĩnh vực khác đã tạo nên một bức tranh đa dạng và cũng đa hệ cho lĩnh vực này, mà thực lòng cho đến nay ( 2008) tôi vẫn chưa tìm ra một ai có thể gọi là chuyên gia về tâm lý trẻ em, dù cũng có người khá nổi tiếng như 1 BS ở BV Nhi Đồng I.

Phải chăng tôi chỉ là một con ếch ngồi đáy giếng nên không biết đến những "chuyên gia" đang nổi đình đám trong lĩnh vực này chăng, như một Tiến sĩ Tâm lý Học với trung tâm IQ nổi tiếng mà tên tuổi gắn liền với một nhãn sữa bột - hay một "bác sĩ" tốt nghiệp đại học KHXHNH Hà Nội, làm việc tại BV Nhi Đồng 2 , đến tận nhà trẻ tự kỷ để điều trị với chi phí 300.000/buổi ?

Tình cờ trong một lúc lang thang trên liên mạng ( internet) tôi lạc vào một forum về tâm lý học, đọc qua những giòng ký ức của một người bạn cũ, viết về bác Viện và những suy tư, trăn trở của những người bạn trẻ, đang hăm hở và trăn trở dấn thân vào con đường trở thành "nhà tâm lý" và đó là lý do có những hồi ức và suy tư này.
Tôi không dám đụng đến tâm lý học nói chung, vì đó là một lĩnh vực quá lớn, với quá nhiều cây đa cây đề, và cũng không thiếu những loài cỏ dại và hoa độc, làm tư vấn mà khiến thân chủ phải đâm đầu tự tử !
Nên dù có trăn trở , tôi chỉ dám nói về tâm lý trẻ em, một lĩnh vực mà tôi cũng biết được đôi chút - tại sao tôi lại cho rằng có những tiến sĩ, có những thạc sĩ, cử nhân dù bằng cấp đầy mình vẫn là con số 0 đối với tôi - Vì tôi không nhìn thấy ở họ một cái TÂM - vì thế dù họ có LÝ thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn hụt mất một vế quan trọng ! Họ đến với trẻ em, họ làm việc với trẻ em, mà họ không có một tấm lòng, mà họ chỉ nhìn thấy ở các em như một đối tượng có thể khai thác bằng những con số !
Hiện nay, có thể nói trên liên mạng, đầy dẫy những trang web, những diễn đàn, những blog nói về tâm lý giáo dục trẻ em - nhưng hầu hết chỉ đề cập đến sự phát triển của trẻ bình thường, và là trẻ ở những đô thị ( vì hầu hết những kiến thức này đều được rút ra từ những thông tin ở nước ngoài) - trong khi đó, tâm lý và những vấn đề của trẻ em nông thôn, trẻ em các gia đình công nhân, lao động và nhất là các trẻ em có nhu cầu đặc biệt thì còn quá ít - dù đây là một lượng không nhỏ trong cơ cấu dân số VN - Điều đó cũng dễ hiểu, vì internet chỉ phổ biến ở thành thị, và những người có điều kiện vào net, đa số là các bậc cha mẹ thuộc hàng trung lưu, trí thức - và vì thế, những kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo tâm lý của trẻ nước ngoài là thích hợp nhất ! ( Tâm lý vọng ngoại có ở khắp nơi ! )
Mặc dù trên thực tế, thì chính họ cũng khó có thể áp dụng được những điều mà trên net hay trong sách vở chỉ dạy !
Mới đây, tôi được một công ty truyền thông ngỏ lời cộng tác để thực hiện một chương trình giáo dục về tâm lý trẻ em, sẽ được phát sóng trên TV, tôi đã trình bầy một đề cương để họ xây dựng những chủ đề về các vấn đề tâm lý của trẻ bình thường, mà trong đó có tâm lý của trẻ di dân ( trẻ nông thôn nhập cư vào thành phố ) trẻ đường phố, trẻ lao động sớm ... và các vấn đề về tâm lý của trẻ có nhu cầu đặc biệt... Tôi không biết, liệu có thể tham gia góp ý được hay không trong chương trình lý thú này hay không, nhưng đây là một đề tài lý thú ( do tôi đưa ra mà ! ) và vì thế tôi sẽ thử có những tìm tòi về nó xem sao !
Và tôi mong rằng sẽ nhận được, cũng như tìm được những góp ý cần thiết để đi tìm câu trả lời cho vấn đề giáo dục và trị liệu tâm lý trẻ em Việt Nam - cứ hy vọng đi, vì còn sống là còn hy vọng mà !

( trích từ Blog - Viết ngày 30/9/2008)

GIÁO DỤC TẠI GIA ĐÌNH


GIÁO DỤC TẠI GIA ĐÌNH

Một chương trình giáo dục, dù tiến bộ hay phong phú đến đâu, cũng dần dần sẽ trở nên lạc hậu trước sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và cả quan niệm sống của những người đương thời. Vì thế, ở các quốc gia tiên tiến, ngoài việc cố gắng điều hành và chỉnh sửa những nội dung trong chương trình giáo dục của mình, các tổ chức chính quyền thường chấp nhận việc người dân, hay đúng hơn là các bậc cha mẹ có thể tự chọn cho con mình một phương pháp giáo dục, mà đối với họ là hợp lý nhất. Điều đó có nghĩa là, cha mẹ có quyền cho con đến bất cứ một loại hình trường học nào, không phải chỉ là trường Công hay trường Tư, mà còn là các trường theo phương pháp giáo dục truyền thống hay phương pháp của Montessori … hoặc cũng có thể tự soạn ra một chương trình để dạy con mình ở nhà, nếu đủ thời gian, trình độ và phương tiện.

Điều quan trọng là dù theo bất cứ chương trình nào, theo bất cứ một chế độ học tập nào, 8h/ngày hay 2h/ngày thì con em của họ vẫn phải đủ khả năng để tham dự cuộc thi cuối cấp như một học sinh theo học ỏ các trường học bình thường, và đủ khả năng để thi vào hay được xét tuyển vào một trường Đại học nào đó trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên, trong đa số quốc gia, thì học sinh vẫn phải chấp nhận việc hằng ngày cắp sách đến trường, chấp nhận những áp lực trong việc học tập không phải chỉ vì sự bó buộc của nhà cầm quyền, mà còn do chính quan điểm và áp lực của phụ huynh.

Nếu bỏ qua những yếu tố khách quan như không đủ trình độ, không có các kỹ năng sư phạm, không biết chọn lọc hay xây dựng một kế hoạch giáo dục cho con mình, thì các bậc cha mẹ còn bị lệ thuộc vào chính cái quan điểm sống của mình, đó là xây dựng tiêu chí chọn trường cho con thường dựa trên danh tiếng của ngôi trường. Nếu như ở một số quốc gia, đặc biệt là với bậc đại học thì tiêu chí đó là một điều khả tín, vì trường có danh thường là các trường lâu đời, có nhiều giáo sư, giảng viên giỏi, có những phân khoa đã cung cấp cho xã hội những con người ưu tú. Thì cũng có những quốc gia, tiếng tăm của một ngôi trường lại dựa vào năng lực tự quảng bá của hội đồng quản trị ngôi trường đó hay do cái cơ chế của nhà cầm quyền tạo ra, và điều đó có thể đánh lừa sự chọn lựa của cha mẹ học sinh.

Nhưng điều tệ hại cho các phụ huynh, cho các học sinh không phải là ở chỗ họ không có quyền chọn cho mình một ngôi trường tốt, để có thể đặt trọn niềm tin mà là họ không còn sự chọn lựa nào khác ngoài những ngôi trường có sẵn, với một chương trình giáo dục lạc hậu và sai lầm ngay từ nền tảng, hay họ bị phỉnh phờ bởi những hoa ngôn, xảo ngữ để đẩy con vào một ngôi trường của sự lừa bịp, quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo!

Điều tệ hại tiếp theo là cũng có phụ huynh bị hoa mắt trước những hào quang của các ngôi trường điểm, trường chuyên, trường chất lượng cao…để bằng mọi cách, từ việc vận động dựa trên các mối quan hệ cho đến sử dụng sức mạnh vạn năng của đồng tiền tìm kiếm cho con mình một chỗ đứng trong cái hào quang giả tạo của những danh xưng. Sau đó, họ hãnh diện khoe khoang về con mình mà quên rằng, đó chính là một mầm mống nguy hiểm của sự huỷ hoại nhân cách. Đứa bé cũng trở nên hãnh tiến, kiêu ngạo về vị trí của mình, về sức mạnh của địa vị và tiền bạc mà bố mẹ cháu có được, để từ đó trở nên một con người thực dụng. Hoặc những người không còn sự tự tin vào bản thân, chỉ biết dựa vào những người đi trước, không còn óc sáng tạo, không còn khả năng phản biện, tự chủ mà chỉ biết làm theo một cách rập khuôn những gì có sẵn.

Ngược lại, có nhiều phụ huynh khác, quá mệt mỏi trước những áp lực xã hội, đành buông xuôi và chỉ biết kêu cứu trong thất vọng khi con em mình trở nên tồi tệ, buông thả ăn chơi hay bỏ học nửa chừng, và rơi vào các tệ nạn xã hội. Cũng có nhiều người còn đau khổ hơn, khi chứng kiến sự trầm uất, mệt mỏi, căng thẳng của con mình mà đành bất lực, không biết làm sao để giúp con trong khi chính họ cũng bị trói chặt vào những quy chế vô lý của tình trạng chạy theo thành tích, chạy theo bằng cấp và điểm số, trong khi những người có trách nhiệm và thẩm quyền hầu như bưng mắt bịt tai, giả điếc giả mù trước sự đau khổ của hàng vạn đứa trẻ, đang ngày ngày còng lưng chịu đựng những áp lực của bệnh thành tích.

Nếu chúng ta có thể vượt lên trên những điều đó, một mặt chấp nhận những điều tồi tệ trong lĩnh vực giáo dục mà xã hội buộc chúng ta phải chấp nhận, thì chúng ta vẫn có thể giúp cho con em mình, vẩn phải đi học ở những ngôi trường bình thường, nhưng vẫn có được khả năng tự chủ, biết quý trọng bản thân , biết tỉnh táo trước những phong trào ngoài xã hội.

Chúng ta hãy biết chấp nhận những yếu kém của trẻ, tìm ra những điểm tốt dù còn rất nhỏ nhoi của các em, từng bước khơi dậy qua sự tôn trọng các em, và hãy dùng chính bản thân mình là như một bài học để các em nhận ra những chân giá trị trong cuộc sống. Đó chính là một biện pháp giúp con em đứng vững trước ngưỡng cửa cuộc đời.

( Một suy nghĩ về hình thức Home Schooling )

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Ngữ Pháp VN - Đi về đâu?


VIẾT ĐÚNG NGỮ PHÁP LÀ YÊU NƯỚC !

Đây là một đề tài cũ như ... trái đất, nhưng sở dĩ tôi lại chạnh lòng mà nêu lên một cái khẩu hiệu có tính phong trào là vì, trong thời gian gần đây, được dịp xem, sửa lỗi chính tả và ngữ pháp cho một mớ các Bài Luận văn cuối khóa ( của một chương trình huấn luyện về y học dân tộc ) tôi đọc và lấy làm "bùn kười" vì cái trình độ viết tiếng Việt của các học viên.
Nếu đó là các em HS lớp 6,7,8 thậm chí Tốt nghiệp phổ thông cơ sở ( nghe oai quá nhưng thực ra đó chỉ là học hết lớp 9) thì cũng không nói làm gì - đằng này, học viên là những người lớn, trình độ tối thiểu là 12/12 - có cả những người đã tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm ( nghĩa là có thể ra dạy trẻ được) mà có thể viết ra được những câu ngớ ngẩn không...chịu nổi !
Cái lỗi thường gặp nhất là viết sai dấu hỏi và dấu Ngã - đại loại như dể dàng, hổn hào ... thì cũng có thể cho qua vì trong cách ĐỌC, người miền Nam ít phân biệt hỏi ngã, vì vậy khi viết cũng không thèm quan tâm - Nhưng cái lỗi ngữ pháp viết câu mà chấm, phẩy lung tung - Không biết ngắt các đoạn văn, và có những câu đọc lên, nếu không biết về nội dung khóa học thì ...hiểu chết liền !
Đọc văn của các anh chị đó, tôi mới hiểu tại sao Sách Giáo Khoa cũng phải đính chính, rồi chính cái bản đính chính đó vẫn còn ...sai ! mà đó là những lỗi ...ngớ ngẩn ! Học thế nào, thì hành như vậy !
Nhà nghiên cứu văn học Cao Xuân Hạo đã từng nhắc đến câu tục ngữ : Phong ba, bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam trong một hội nghị các giáo sư toán - Lý , và mọi người cười - trong khi ông nghĩ, lẽ ra là họ phải khóc !
Vâng, khi tôi đọc những bài tiểu luận của các anh chị tốt nghiệp Cao Đẳng/ Đại Học , tôi đã cười (trước khi chỉnh sửa lại ) mà lẽ ra là phải khóc cho cái trình độ của những người được đào tạo từ một chương trình giáo dục mà chính một giáo sư đã phải thốt lên : " Mong sao sau 12 năm học phổ thông, con tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt NHƯ TRƯỚC KHI đi học !"
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đã lấy làm khó chịu, bực mình truớc những câu văn "bí hiểm" của các thanh thiếu niên khi chúng mã hóa những mẫu tự, viết tắt, cắt xén để biến những câu nói bình thường trở nên một loại văn...siêu thực ! Nhưng đó là 1 hiện tượng toàn cầu, mà ở nước ngoài người lớn đã phải hì hục biên soạn cả 1 cuốn tự điển đê giải mã các câu văn...ngoài hành tinh đó - Đó được xem là một phản ứng, và cũng có thể xem đó là một cách sáng tạo. Nhưng đó là văn của blog ! và là những "thông điệp" của giới trẻ gửi cho nhau ( một cách cố ý) - Nó hoàn toàn khác hẳn những cái lỗi kinh dị mà những em HS/SV vấp phải ( một cách hồn nhiên) trong các bài viết ở trường.
Điều đó tuy như một dòng chảy âm thầm, nhưng nó có sức tàn phá không kém những trào lưu văn hóa thấp kém đang ngày đêm phá hoại nhân cách lớp trẻ. Đất nước chúng ta đang bị hủy hoại vì sự ô nhiễm môi trường do hàng ngàn nhà máy đang ngày đêm xả thẳng ra các dòng sống những chất độc hại dưới sự cương quyết...bảo vệ của các quan chức địa phương - thì việc viết ra những câu văn đầu Ngô mình Sở, vừa đọc vừa phải đoán ...mò hay viết một đằng, phải hiểu một nẻo, cũng là một sự ô nhiễm đang huỷ hoại cả một nền văn học !
Người ta đang huỷ hoại một đất nước từ môi trường cho đến cả một nền văn hóa bằng những khẩu hiệu kêu gọi Lòng Yêu Nước !

Sài Gòn ngày mưa - 11/2008

MỘT THOÁNG SÔNG HÀN

ĐÀ NẴNG VỚI NHỮNG BẤT NGỜ

Nhận được lời mời ra Đà Nẵng để làm "thày" cho mấy em SV Khoa Giáo Dục Đặc Biệt ngay từ khi Sài Gòn còn đầy những hương vị của mùa xuân ngày Mùng 6 Tết, tôi háo hức bước lên chiếc máy bay VNA với tâm trạng của một kẻ đi khám phá.
Quả thật, khi mới đặt chân xuống cái sân bay bé tẹo Danang international Airport tôi hơi thất vọng và tự nhủ, đúng như là mình nghĩ về cái thành phố biển be bé mà mình đã từ giã nó từ khi lên 5 tuổi !
Nhưng ngay từ lúc ngồi sau lưng em Sinh viên ra đón và đưa vào TP. với tốc độ của những tay lái lụa, thì tôi bắt đầu có những bất ngờ.
Cái bất ngờ thứ nhất là những con đường thẳng tắp, hai đến 3 lằn xe chạy mỗi bên với giải phân cách là những hàng cây cau kiển, những bụi cây hoa... và những căn nhà lầu đúc khá mới và hoành tráng không khác gì SG ở hai bên đường. Tôi nghĩ rằng, có lẽ đường vào TP nên hoành tráng thế thôi, nhưng thực ra thì đó chỉ là một trong rất nhiều những con đường mà tôi có dịp lượn qua trong thời gian lưu lại DN: Rộng rãi, sạch sẽ, và ít xe hơi !
Cái bất ngờ thứ hai cũng thuộc về giao thông, đó là những vòng xoay, ở đây, vòng xoay đúng nghĩa là vòng xoay, nghĩa là xe bắt buộc phải đánh một vòng tròn chung quanh một cái sân cỏ (đúng là 1 sân cỏ đủ để đá banh ! ) và ở các đầu đường không cần đến đèn xanh - đỏ - khác xa cái kiểu vòng xoay như ở Hàng Xanh, đèn xanh đỏ đủ kiểu mà kẹt vẫn hoàn kẹt , có thể là do mật độ xe cộ dầy dặc, nhưng chính là cái vòng xoay không đúng chuẩn, nên không phát huy được tác dụng của nó !
Và thời gian trôi qua thật nhanh với một thời khóa biểu làm việc "cật lực" - vừa đến nơi, nhận phòng khách sạn vào buổi trưa, ăn cơm xong là a lê làm việc ngay trong ngày thứ 7 và cả chủ nhật cũng làm việc luôn !
Nhiệm vụ của tôi là trình bầy trước một nhóm sinh viên khoa GD ĐB đã ra trường, đang chuẩn bị bước vào công việc thực hành những gì mình đã học. Tôi giúp các em nhìn lại những kiến thức về Tâm lý lứa tuổi, dưới góc độ của môn Tâm lý Lâm sàng chứ không phải là sư phạm, và hơn nữa, đó là những kinh nghiệm thực tế qua quá trình làm việc với trẻ em mà mình đã "góp nhặt" được hơn 15 năm nay !
Những buổi đầu, tôi dạy theo kiểu "cờ lát xích" thày nói trò nghe - đến những ngày gần cuối, do phải làm thêm một số việc có liên quan đến trẻ có vấn đề như thăm khám, soạn các tài liệu về chương trình Can thiệp sớm ..nên có nguy cơ cháy giáo án, tôi đổi kiểu qua cách dạy, đặt vấn đề rồi "thày - trò cùng nói " - với cách này chúng tôi có thể nuốt trôi luôn 2 bài học trong 1 ngày. Nhưng cũng qua cách này, tôi thấy ở các em, là những em SV rất năng nổ, nhiệt tình và có khả năng tốt, vẫn chưa có được nhiều kinh nghiệm hay khả năng làm việc nhóm ( Dù các em cũng đã từng trải qua nhiều khóa tập huấn về Kỹ Năng Sống ở Hà Nội và Sài Gòn trong thời gian gần đây)
Nói cách khác, dù thày trò rất thân thiện, nhưng các em vẫn thụ động ! Vì đó là điều dễ hiểu - các em đã phải cúi đầu học theo kiểu thày đọc trò ghi hàng chục năm liền từ trung học lên đến Đại Học , thì dễ gì các em có thể hình thành được cách học chủ động !
Ngoài cái điều có vẻ bất ngờ nhưng không bất ngờ đó, thì phải nói thời gian tôi ở Đà nẵng là trên cả tuyệt vời ! Một khí hậu mát dịu, một bầu khí trong lành, những con đường phố sạch đẹp, quy hoạch hợp lý, người dân rất thân thiện, chịu khó ( mỗi sáng tôi ra sạp báo mua báo, ngay trong buổi thứ ba, anh bán báo đã đề nghị mang báo đến tận nhà nghỉ nơi tôi ở trọ) và cả việc được dạy những gì tâm huyết nhất đời tôi, được nói lên những mong ước hàng chục năm ấp ủ, được các em SV chăm sóc "tận răng" sáng đưa trưa đón và lại còn được đi tham quan TP Hội An, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trong lễ hội Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng ( dù có hơi thất vọng 1 tý về những đường phố đã bị thương mại hóa khá nhiều của Hội An)
Bất ngờ cuối cùng là thuộc về chuyện ăn ! Tôi được đưa đi ăn những quán ăn hải sản, bánh xèo rất ngon, và cũng lại bị thất vọng về các quán phở và nhất là món Mì Quảng, bún bò Huế mà tôi nghĩ phải ngon hơn Sài Gòn ! Với chế độ ăn uống "mỗi ngày 2 tiểu yến - ba ngày 1 đại yến" như thế nên sau 12 ngày ở Đà Nẵng khi về Sai Gòn , cân lại thấy mình lên hơn 1 ký - bằng thời gian ở Mỹ hơn 3 tháng ! ( còn khi ngồi viết mấy dòng này thì đâu lại về đấy rồi ! )
Quả tình, nhắc đến Mỹ, thì tôi thấy thời gian tôi ở DN giống như ở Mỹ vậy, cũng bầu không khí mát dịu và trong lành, thỉnh thoảng mưa chút chút, với những con đường sạch sẽ , rộng rãi, thẳng tắp vùng chung quanh TP ( còn trong TP thì lại có cảm giác về Sài Gòn rồi)
Cuối cùng, khi đến Ngũ Hành Sơn để mua một vài món quà đá mang về Sài Gòn, tôi cũng hơi bị bất ngờ về các tiệm bán các pho tượng từ bự kềnh đến bé xíu chen chúc dưới chân núi Ngũ Hành với quy mô như một thành phố nhỏ ! Tôi nghĩ thầm, với tốc độ khai thác đá kiểu này thì có Thập Ngũ Hành Sơn cũng tiêu chứ đừng nói gì đến chỉ có 1 ngọn Ngũ Hành bé tẹo trước mắt tôi ! Và có lẽ, đó là nỗi buồn duy nhất của tôi trong những ngày lưu tại Đà Nẵng.
Tạm biệt Đà Nẵng - tạm biệt sông Hàn, tạm biệt một TP được quy hoạch rất tốt với những con người nhiệt tình và chân thực ! Hẹn ngày gặp lại !

BẢN SẮC TRONG ĂN UỐNG

Ngày thày thuốc nói về chuyện ăn !

Ăn uống là một trong tứ khoái của con người, vì thế đã có rất nhiều thứ bàn đến cái hoạt động vừa đem lại niềm vui, vừa đem lại sự sống cho con người này. Việt Nam chúng ta cũng không nằm trong ngoại lệ khi có rất nhiều sách vở, tạp chí đề cập đến những món ăn ngon từ Bắc chí Nam, từ những ghi nhận mang tính ký sự, chuyện bàn lúc trà dư tửu hậu cho đến những sách hướng dẫn chế biến đủ kiểu.

Mới đây thôi, người ta còn lập ra hẳn một cái Viện để nghiên cứu về việc ăn uống vì nó có dính dáng mật thiết đến cái gọi là Bản Sắc Dân Tộc. Cái cụm từ Bản Sắc Dân tộc mà trước kia còn gọi là Dân tộc tính, trong khoảng vài thập niên trở lại đây, được đem ra dùng cho đủ thứ trên đời, từ những trò nhảy múa màu mè trong các buổi trình diễn văn nghệ cho đến các nghi thức cúng đình, rước kiệu, tế thần… cái gì cũng được dán cho mấy chữ đậm đà bản sắc dân tộc, mà nếu có hỏi thử thế nào là đậm đà thì chắc các vị tổ chức chỉ biết chỉ vào mấy cái áo dài khăn đóng hay những cái áo tứ thân xanh xanh đỏ đỏ , rồi trưng ra những điệu múa nửa Tây…nguyên nửa Tây …Á để gọi đó là bản sắc hay …ghê hơn là tìm về cội nguồn!

Cái chuyện ăn uống thì nó cụ thể hơn vì ai cũng biết những món ăn Việt Nam như phở, chả giò rồi bún bò Huế, hay Cá kho tộ… đều đã được hơn một nửa thế giới biết đến, nhất là ở các quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống, thì cái mùi nước mắm đặc trưng cũng đã được chấp nhận từ lâu rồi. Vì thế, khi nói về cái bản sắc dân tộc nó bàng bạc, thấm đẫm trong từng lát thịt bò tái, trong từng cọng rau mùi xanh ngắt, trong từng sợi phở trắng ngần hay trong từng chiếc chả giò vàng rộm, không ai phản đối gì cả. Chính điều đó đã khích lệ các nhà nghiên cứu ngày càng đi sâu vào cái chuyện ăn uống để lôi ra từng thứ mà họ cho rằng, đó phải được soi rọi dưới những chiều kích văn hóa khác nhau, và đi đến mức đặt ra những chuẩn mực cấp quốc gia !

Đến đây thì bắt đầu có vấn đề ! Những nhà nghiên cứu khả kính sau khi chứng kiến hàng đoàn khách tây từ quý ‘s tộc đến Tây ba lô, xếp hàng để suýt xoa trước những món ngon của Việt nam, dù nó đã bị biến thái khá nhiều từ những gánh hàng rong khi nhảy vào những nhà hàng sang trọng. Thì đã thấy rằng đây là một cái “mỏ vàng’ cần phải khai thác một cách triệt để, và vì thế cần phải “nâng cấp lên một tầng cao mới” bằng các tiêu chuẩn cấp quốc gia.

Họ đã gắn cho những món ăn Việt nam các tiêu chuẩn là Ngon, lành, Sạch, Đẹp , có người còn thêm tiêu chuẩn Vui nữa. Có điều, có những cái chuẩn như Sạch thì còn có khả năng cân đo, chứ cái chuẩn quan trọng nhất là Ngon và các chuẩn còn lại như lành và đẹp thì lại mang tính rất tương đối ! Vì có thể món ăn này ngon với người này, đẹp với người này nhưng lại không ngon, không đẹp với người kia ! Và nếu nói là lành thì có nhiều món chẳng lành một chút nào, mà cũng được biết bao nhiêu người suýt xoa khi ăn đó ư !

Vì vậy, cái gì cũng nên “một vừa hai phải “ thôi ! Món ăn Việt nam cũng giống như một cô thôn nữ chân quê, cái ngon, cái lành, cái đẹp … tự nó đã có sẵn trong cái làng quê êm đềm, trong cái không gian gia đình ấm cúng, khi mà vợ chồng con cái xúm xít chung quanh cái mâm cơm bốc khói ngào ngạt, thì chỉ cần “ đầu tôm nấu với ruột bầu” thôi, cũng là quá đủ rồi.

Còn nếu như cô thôn nữ đó được “nâng cấp” nhảy vào chễm chệ trong các nhà hàng sang trọng, thì dù có được ngụy trang kiểu nào đi chăng nữa, nào là mái ngói, cây chuối bờ hè, cái mành trúc, cái bàn tre… nào là những bình đất nung, những đĩa gốm mộc… rồi các món ăn được lót dưới một miếng lá chuối cắt tỉa gọn gàng .. Thì cho dù có bầy biện đẹp đẽ đến mấy, nấu nướng ngon lành đến mấy đi nữa, đó cũng chỉ là thứ Hàng Hiệu giả cổ, giả Việt – không hề có chút gì cái tinh túy mà ta gọi là bản sắc dân tộc nằm trong đó.

Ngoài ra, việc phổ biến truyền bá các món ngon của Việt Nam ra thế giới, thì cũng chỉ nên xem đó là một hoạt động kinh doanh dựa trên “vốn tự có” của những nguyên vật liệu Việt Nam, còn nếu gán cho nó những sứ mạng trọng đại mang tính văn hóa thì e rằng, chúng ta đã đi ngược lại chính cái giá trị văn hóa của người Việt rồi. Cái gọi là đậm đà bản sắc dân tộc chính là cái tính điềm đạm, nhẹ nhàng và khiêm nhường khi ăn uống, việc chấm chung một chén nước mắm, việc nhắc nhau “ ăn trông nồi, ngồi trông hướng” việc coi “tiếng chào cao hơn mâm cỗ” mới là cái bản sắc của người Việt trong lúc ăn uống. Còn những cái chuẩn mực được áp đặt, rồi nào là nguyên lý Âm Dương Ngũ hành, nào là người Việt ăn bằng cả 5 giác quan … thì cũng chỉ là những trò vẽ rắn thêm chân, nhằm đề cao cái gọi là “tự ái dân tộc” khi thấy rằng mình chẳng có cái gì để khoe ngoài tà áo dài !

Hàng ngàn năm bị người Tàu đô hộ, hàng trăm năm bị người Pháp xâm lăng, hàng chục năm chịu ảnh hưởng của nền văn Minh Hoa Kỳ, rồi những trào lưu tư tưởng ngoại lai tràn ngập trong các ngành học thuật thì cái tinh thần vọng ngoại là điều không thể tránh khỏi nơi nhiều người Việt Nam. Nhưng, để chống lại nó, không cần phải có sự lên gân một chút nào trong việc gán ghép cho những món ăn Việt Nam cái trọng trách phải phát huy cho bằng được cái bản sắc dân tộc bằng việc tổ chức hết hội nghị này đến hội thảo kia, bằng việc ra những tập sách biên khảo hàng trăm trang với giá hàng trăm nghìn vì đó chỉ là những trò phù phiếm, nên để cho gió cuốn đi. Hãy nhìn những gánh hàng rong, hãy vào các quán cóc trong các xóm lao động, bản sắc dân tộc là ở đó. Nụ cười hiền lành của người phụ nữ Việt Nam đã ngạo nghễ tồn tại hàng ngàn năm qua cho dù bao nhiêu bầm dập đau thương phủ kín đời họ, mới là những bản chất đích thực mà mọi người phải trân trọng, còn những cái trò phù phiến đang được dựng lên kia, chẳng qua chỉ là sự che dấu những âm mưu thâm độc đang muốn tha hóa cả một dân tộc sau một phần tư thế kỷ đã đốt cả Việt Nam bằng ngọn lửa chiến tranh mà thôi !

SaiGon 27/2/2009