Để hình thành một nhà văn, cũng cần có một quá trình, trong đó trước tiên là cơ duyên được hấp thụ một nền giáo dục thích hợp.
“Từ thế kỷ 13, nước Việt đã có truyền thống giáo dục như
thế, sao đến thế kỷ 21, lại sa sút trầm trọng – câu hỏi này ai trả lời được?”
là một nan đề nêu lên khi báo Sài Gòn Tiếp Thị ghi lại quan điểm giáo dục của
nhà văn Nguyên Ngọc qua bài báo tựa đề “Từ trí tuệ Trần Nhân Tông đến trí tuệ
Việt Nam 2012.”
Bài báo kể rằng, một lần nhà văn Nguyên Ngọc gặp câu hỏi từ nhà báo Nam Dao, đại ý là các văn nhân nước ta sao cứ giống Trình Giảo Kim, chém đúng ba búa rồi bỏ chạy, chẳng ai đủ sức đi đường dài mặc dù xã hội ngày càng nhiều những vấn nạn, vấn đề mới nảy sinh!
Nhà văn Nguyên Ngọc nói, theo báo
SGTT:
“...Một nhà văn viết bằng gì? Theo
tôi, có ba cái chính: tài năng “trời cho”, sự trải nghiệm hay “vốn sống”, và
cái thứ ba là nền tảng văn hoá dân tộc và nhân loại mà anh ta có được, anh ta
“đứng” trên đó để tiếp tục đi tới.
Lớp người trẻ cầm bút ở Việt Nam hiện nay thiếu hụt hơn cả chính là cái thứ ba này. Thử nhìn lại cha ông chúng ta, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… mà xem. Khi họ cầm bút thì đằng sau lưng họ là cả một cái vốn văn hoá khổng lồ của phương Đông. Nền giáo dục thời đó đã cho phép họ chiếm lĩnh gần như toàn bộ những đỉnh cao nhất của văn hoá nhân loại (hiểu ở nghĩa đối với chúng ta thời ấy chỉ bao gồm Trung Hoa và Ấn Độ, với Nho giáo và Phật giáo). Chính trên cái nền tảng vĩ đại đó mà họ phát huy tài năng trời cho và vốn trải nghiệm sâu sắc của họ, tạo nên những tác phẩm có tầm mức kinh điển của thời đại họ. Qua đến thế hệ nhà văn thời Pháp thuộc thì nền tảng của họ là truyền thống văn hoá cũ cộng với tri thức mới do nền Tây học mang lại. Họ cũng có những đóng góp tầm cỡ, như Thơ mới, tiểu thuyết… Sự hụt hẫng của lớp người cầm bút hiện nay ở Việt Nam chính bởi toàn bộ cái vốn văn hoá dân tộc và nhân loại mà các thế hệ trước có thì đến nay họ không còn có được nữa. Ở đây đương nhiên có vấn đề của nền giáo dục trong nước suốt nhiều chục năm qua. Đó là thời gian có thể nói là chúng ta gần như không có đại học thực sự. Anh Hoàng Ngọc Hiến gọi rất đúng đại học trong nước là trường “phổ thông cấp bốn”. Chỉ xin lấy một ví dụ: trong nền giáo dục ở mọi cấp, gần như hoàn toàn không dạy triết học. Tất nhiên có môn gọi là “triết học Mác – Lênin”, nhưng môn này không được giảng như triết học mà chỉ là những khoá huấn luyện chính trị rất sơ đẳng. Thế cho nên những người cầm bút thuộc thế hệ trẻ trong nước hiện nay có thể nói là hoàn toàn không hề được tiếp cận với di sản triết học nhân loại, cả phương Đông lẫn phương Tây. Thật khó mà tưởng tượng được một nhà văn mà không có chút vốn triết học nào!”
Ông Nguyên Ngọc đã từ lĩnh vực văn chương đi thẳng vào vấn đề nền tảng của người học hiện nay, khi mà cái cần nhất thì chúng ta không học (và không được dạy), cho nên người làm nghề gì cũng thế, chứ không chỉ nghề viết, không có nền tảng, muốn tiến thêm sẽ hụt hẫng. Lỗ hổng trong nền tảng quá lớn phải chăng là nguyên nhân mà chỉ số trí tuệ Việt Nam (bậc 76) vừa rồi tụt hạng thấp nhất trong các năm, thua Thái Lan (bậc 57) và Malaysia (64,8).
Phần lớn công chúng cho rằng, để khắc phục tình trạng này, chỉ có nhờ vào hệ thống giáo dục thay đổi thực sự. Chúng ta cứ hy vọng vào điều này đi, dù rằng nếu có chỉ số hy vọng, thì có lẽ Việt Nam sẽ xếp thứ nhất, thứ nhì chăng!
Dân tộc Việt không thiếu danh nhân
đáng tự hào. Như Trần Nhân Tông, một vì vua cách đây 700 năm một lần nữa được
vinh danh khắp thế giới khi đại học Harvard (Mỹ) thành lập viện Trần Nhân Tông,
tổ chức giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải hàng năm dành trao cho những con
người bằng hành động và ảnh hưởng của mình có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp
hoà giải và yêu thương nhân loại… Điều gì đã khiến những nhân vật tài danh xuất
phát từ ngôi trường đại học danh tiếng, nơi đào tạo hàng vạn thế hệ nhân tài
cho thế giới lựa chọn Trần Nhân Tông? Điều gì nếu không phải chính là trí tuệ
toả sáng của ông?”
Bài viết trên báo SGTT còn dài, ghi thêm phân tích rằng từ “thế kỷ 13, nước Việt đã có truyền thống giáo dục như thế, sao đến thế kỷ 21, lại sa sút trầm trọng...”
Ai đã làm hỏng từ thế kỷ 21? Nhà văn Nguyên Ngọc không nói cụ thể, nhưng nhắc rằng hiện đã có “Viện Trần Nhân Tông (Trần Nhân Tông Academy) được thành lập bởi một nhóm nhà nghiên cứu tại trường đại học Harvard, do giáo sư Thomas Patterson làm chủ tịch... Ngày 22.9, viện đã trao giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải lần đầu cho Tổng thống Myanmar U Thein Sein và chủ tịch đảng đối lập Aung San Suu Kyi.”
Ai đã làm giaó dục Việt Nam sa sút
trầm trọng? Câu trả lời là ai cũng biết nhưng không ai có thể nói thẳng ra !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét