Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Nghĩ về người thầy

Ngày Nhà giáo Việt Nam-Vài lời tâm sự

Một lớp học vùng cao. Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet.
Từ những ngày đầu cắp sách đến trường, các học trò ngây thơ đã bị nhồi vào đầu óc non nớt cái tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Nhiều người Việt Nam tự hào vì chúng ta có truyền thống đặc trưng này (giống người Trung Hoa?).
Nhưng đối mặt với thực tế, bỏ qua vấn đề về chất lượng giáo dục học thuật, nền giáo dục Việt Nam đang gặp phải vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Thầy cô rõ ràng chẳng còn là những tấm gương về tri thức và đạo đức nữa. Nhưng tinh thần “tôn sư trọng đạo” vẫn còn đó như là cái lý do khã dĩ hợp lý để chúng ta cùng nhau bày trò mua bán: thầy cô nhận được những món quà hậu hĩnh, học sinh nhận được sự dễ dãi hoặc quan tâm đặc biệt. Vấn đề ở đây không phải là truyền thống luân lý bị làm cho hư hỏng mà chính truyền thống ấy có vấn đề ngay từ đầu, để trở nên thoái hóa như hôm nay.
Người Việt Nam ta dưới ảnh hưởng của văn hóa Khổng Mạnh cũ kỹ và khiếm khuyết, luôn đề cao sự kính trọng dành cho người lớn tuổi. Đồng ý rằng chúng nên tôn trọng người lớn tuổi vì những kinh nghiệm và giá trị đúng đắn mà thế hệ trước đã tạo dựng; hơn nữa, qua những trải nghiệm của họ đối với thế giới, chúng ta có thể học hỏi để tránh những sai lầm mà họ đã mắc phải, để đạt được thành công mà ít phải trả giá hơn. Chính điều đó làm chúng ta biết ơn và tôn kính họ.
Nói tóm lại, người lớn tuổi được tôn trọng vì giá trị chứ không phải vì tuổi đời. Bởi sự nhầm lẫn hay là sự cố tình lập lờ, chúng ta hòa trộn tuổi tác và giá trị vào cùng nhau như thể hai khái niệm này luôn song hành không bao giờ tách biệt, để khi nói đến cái này thì ngầm hiểu đến cái kia. Nhưng oái oăm thay, thực tế không chứng minh điều đó. Tuổi tác không phải lúc nào cũng đi kèm với kinh nghiệm và tri thức. Tôi đã thấy nhiều người già không hề có kinh nghiệm sâu sắc nào về cuộc sống dù đã trải qua nhiều thăng trầm. Những người có kiến văn sâu sắc, cùng với tuổi đời, họ có thêm nhiều kinh nghiệm qua những nhận thức tỉnh táo về thế giới; ngược lại, những người tầm thường và hời hợt, thì sự tác động của thế giới cũng không làm cho họ dày dạn kinh nghiệm hơn được. Ấy là tôi đang nói đến những kinh nghiệm đặc biệt chứ không phải là những kinh nghiệm thông thường của người xưa, cái đã trở thành thường thức hoặc bị khoa học hay hoàn cảnh hiện đại vượt qua. Do đó, thay vì đề cao sự hiểu biết, chúng ta đề cao tuổi tác. Và chúng ta mắc kẹt trong đó.
Trong nền văn hóa xem tuổi tác là giá trị này, người lớn tuổi luôn được mặc định là đúng, người ít tuổi luôn phải theo gót người đi trước. Cái tâm lý “theo chân” ấy sẽ khiến chúng ta mắc cạn vào một chỗ tồi tệ nếu chúng ta có những người dẫn đường tồi tệ. Sự đề cao thái quá người lớn tuổi làm cho người trẻ hẳn nhiên thiếu tự tin và động lực để tự đứng trên đôi chân của chính mình, để tự thất bại và dũng cảm đứng lên từ những sai lầm của chính mình. Họ luôn tìm cách đi đường cũ để an toàn.Tôi luôn tự hỏi: chúng ta phải chịu hậu quả về những điều mình làm, ấy thì tại sao chúng ta lại không được làm theo điều mình muốn, để được thất bại theo cách của chính mình? Người ta luôn lĩnh hội nhiều và sâu sắc hơn từ những trải nghiệm sống động bởi chính mình hơn là bởi sự truyền đạt của người khác. Bởi văn hóa ấy, nơi mà người sau tiếp bước người trước, những giá trị sáng tạo bị kiềm hãm triệt để. Làm sao người ta dám làm khác đi nếu người ta không dám nghĩ khác đi? Và cũng chính sự đề cao tuổi tác như một giá trị khiến chúng ta rất nhiều khả năng luẩn quẩn trong một mớ bòng bong những điều tồi tệ xưa cũ mà không tìm được lối thoát.
Từ sự kính trọng dành cho người đi trước, chúng ta luôn dành cho tinh thần “tôn sư trọng đạo” một chỗ đứng cung kính trong đời sống văn hóa của mình. Sự tôn kính dành cho người thầy và sự trọng thị dành cho con đường thầy vạch ra cũng không là gì khác hơn việc phải khư khư giữ lấy nếp nghĩ và cách làm cũ. Sự tôn trọng cần thiết dành cho người trẻ tuổi ở đây bị bỏ ra ngoài lề của những suy nghĩ và quan hệ nghiêm túc. Không ít nhữngtrí thức lớn tuổi hiện nay luôn cho rằng cứ trẻ là phải thiếu hiểu biết, phải nông cạn, phải thua kém, phải dò dẫm theo con đường mà người đi trước vạch ra. Bằng chứng là rất nhiều người không tin những gì tôi viết là do chính tôi suy nghĩ. Điều này làm tắc nghẽn ngay từ đầu cái cảm hứng tìm những con đường mới để đi của thế hệ trẻ. Ngoài những hệ lụy làm thui chột sự sáng tạo của thế hệ trẻ, tinh thần “kính lão, tôn sư” còn dẫn tới một hậu quả khác, cũng không kém phần tồi tệ. Đó là, sự thiếu lịch sự, nhã nhặn trong giao tiếp của chúng ta. Một mặt người trẻ phải cung kính, khiếp sợ người lớn; mặt khác, người lớn thì được thỏa mái trong cách cư xử. Người trẻ chỉ cần lớn tiếng phản đối người lớn thì bị cho là hỗn láo, trong khi người lớn lớn tiếng, thậm chí xúc phạm người trẻ cũng là điều chấp nhận được. Điều này tạo ra văn hóa giao tiếp, xử sự thiếu lịch sự. Bởi không ai bị đối xử mất lịch sự, thô bạo mà lại trở nên những con người lịch sự, hòa nhã được. Người lớn mất lịch sự, thiếu tôn trọng người trẻ; người trẻ lại mất lịch sự và thiếu tôn trọng người trẻ hơn mình.
Hôm nay ngày Nhà giáo Việt Nam trên Facebook, có nhiều người bạn kể về những kỷ niệm đáng buồn với thầy cô, tôi tự hỏi, ngoài trừ vấn đề về luật pháp, nếu chúng ta không có tâm lý coi thường trẻ con, coi thường người trẻ thì liệu những điều đáng buồn ấy có xảy ra nhiều vậy không?
Thầy cô ngày xưa có quyền gõ đầu trẻ (ngày này ở các quốc gia tiến bộ, chắc chắn hành động này sẽ khiến thầy cô gặp rắc rối với cảnh sát), ngày này ở Việt Nam thầy cô nhũng nhiễu, quát nạt, xúc phạm, đánh đập học sinh. Đó là vì chúng ta, không những sống dưới một chế độ vô luật pháp, mà còn thoi thóp trong văn hóa “kính lão, tôn sư” lỗi thời.
Rồi lại đến lòng biết ơn thầy cô. Đó cũng là cả một vấn đề. Lòng biết ơn là tình cảm tự nhiên của con người, không phải chỉ người Á Đông mới có. Nhưng chỉ có Việt Nam ta có một ngày để ghi ơn thầy cô, chúng ta cố tình biến lòng tri ân tự nhiên và tốt đẹp thành một “định chế văn hóa”. Không dừng lại ở đó, lòng biết ơn còn bị đẩy lên cao hơn thành sự trả ơn bắt buộc, để rồi nó quay lại làm thoái hóa triệt để lòng tri ân vốn tốt đẹp.
Trong xã hội hiện đại, với nền giáo dục đại chúng, những người làm công việc giảng dạy được trả lương để nhận lấy nhiệm vụ dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; học trò bỏ tiền đi học để nhận lấy quyền lợi được dạy dỗ, được truyền đạt kiến thức. Mọi thứ có thể diễn ra trôi chảy như trong một hợp đồng dân sự. Có thể nói, trừ những trường hợp giáo viên đặc biệt có tâm huyết và nỗ lực, việc dạy và học hoàn toàn nằm trong mối quan hệ tương hỗ giữa trách nhiệm và quyền lợi. Không có gì phải được đẩy lên đến mức phải biết ơn và trả ơn. Tôi nghĩ, những sự hối lộ thầy cô, nhũng nhiễu gia đình học sinh hiện nay chẳng thể tự nhiên mà có. Tất cả chỉ là sự nối tiếp của truyền thống biết ơn và trả ơn thầy cô từ ngày xưa. Đó cũng là lẽ tất nhiên khi chúng ta cứ mãi bám lấy cái truyền thống ấy. Chỉ có điều sự trả ơn đơn sơ ngày xưa giờ được phát triển theo kiểu “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ở phương Tây, người ta không “tôn sư trọng đạo” thì người ta không có nền giáo dục tốt, không có những người thầy ra thầy, trò ra trò hay sao?
Sẽ có người cho là tôi đi ngược lại truyền thống. Nhưng phải nói rằng, những lễ nghi, ràng buộc truyền thống đã đến lúc phải bỏ đi để giải phóng con người. Những trói buộc ấy chẳng phải là đạo đức gì cả mà chỉ là những nghi thức luân lý của một thời xưa cũ.
Hôm nay, ngày Nhà giáo Việt Nam, thực tình mong một ngày nào đó chẳng còn ngày này nữa, chẳng ai chú ý đến việc phải tôn kính và biết ơn thầy cô thái quá nữa mà mọi người , thầy cũng như trò, sẽ cư xử với nhau trong tinh thần tôn trọng, luôn nỗ lực và có trách nhiệm đối với công việc của mình. Mọi việc sẽ tốt đẹp, không cần buộc ai phải trả ơn mình vì trách nhiệm mà mình phải làm cả. Hôm nay, không hoa, không quà, chỉ xin chúc những người làm công việc giảng dạy của chúng ta luôn thể hiện mình là người đáng kính trọng vì giá trị mình có, chứ không phải vì tuổi tác hay chức danh. Mong lắm thay!
Buôn Hồ, ngày 20 tháng 11 năm 2012
© Huỳnh Thục Vy

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Để có một nền giáo dục tiến bộ

Thuyết Big Bang giáo dục
Christian Caryl, Foreign Policy,
Trần Ngọc Cư dịch
Các nước độc tài gần như không mấy thành công trong lãnh vực tri thức. Chắc chắn đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên.
Trung cộng không những chế tạo nhiều sản phẩm hơn phần còn lại của nhân loại – Trung cộng còn sắp sửa khống chế thế giới về mặt tri thức. Các đại học Trung cộng đang chuẩn bị chinh phục thế giới. Hiện nay, Trung cộng đang dẫn đầu về việc xuất bản các luận văn nghiên cứu. Mỗi năm các đại học Trung cộng cho ra hàng hàng lớp lớp những kỹ sư tốt nghiệp có chất lượng ưu việt – và điều này cũng chẳng lạ gì, nếu căn cứ vào lề lối học tập đầy gian khổ của họ.

Thật ra, không một điều nào ở trên là (hoàn toàn) đúng sự thật. Hẳn nhiên Trung cộng được cung cấp nhiều bộ óc vĩ đại [đào tạo ở nước ngoài], và hẳn nhiên nhiều sinh viên Trung cộng là những người làm việc chăm chỉ. Nhưng nhiều dữ liệu thống kê thường được trích dẫn về những thành công của Trung cộng trong lãnh vực học thuật hoá ra là trống rỗng. Vâng, giới hàn lâm Trung cộng xuất bản nhiều luận văn – cũng chỉ vì họ muốn đạt chỉ tiêu do chính phủ đề ra. Nhưng phẩm chất của hầu hết các tài liệu chuyên khảo do người Trung cộng soạn ra (được đánh giá qua số lần chúng được các học giả khác trích dẫn) thì không đồng nhất. Và những con số đáng kinh phục kia về đội ngũ kỹ sư ra trường cũng hoàn toàn bị lật tẩy. Một số những dữ liệu liên quan không có xuất xứ rõ ràng, và nhiều người trong số “kỹ sư” ấy nói đúng ra chỉ là “những kỹ thuật viên”, những người chỉ hội đủ điều kiện nghiệp vụ ở mức tối thiểu. (Đấy là chúng ta không nói đến tình trạng gian lận và tham nhũng đang lan tràn lộ liễu trong hệ thống giáo dục Trung cộng).

Nói tóm lại, câu chuyện về sự trỗi dậy của giáo dục Trung cộng cần được tiếp nhận với một thái độ hoài nghi. Đầu óc tôi tập trung vào sự kiện này vào hôm kia, khi tôi phát hiện một bài trên tờ New York Times mang tựa đề đáng sợ sau đây: “Mỹ rơi xuống và châu Á vươn lên trên bảng xếp hạng các trường đại học”. Bài báo nói đến một nghiên cứu mới nhất về đại học toàn cầu được tiến hành bởi tạp chí Times Higher Education (một trong những tổ chức hiếm hoi đưa ra bảng xếp hạng thường niên các đại học trên thế giới). Đây là một trong những đoạn mô tả sự qua mặt ngoạn mục của châu Á:

Đại học châu Á đạt thành tích xuất sắc, với các đại học tại Trung cộng, Singapore, và Australia vượt lên bảng xếp hạng; mọi đại học ở Nam Hàn cũng thế, được dẫn đầu bởi Đại học Quốc gia Seoul đã nhảy từ vị thứ 124 lên 59. ‘Qua nhiều năm nay chúng ta đã nói nhiều về sự trỗi dậy của châu Á’, Phil Baty, biên tập viên bảng xếp hạng đã nói. ‘Nhưng đây mới là bằng chứng thực nghiệm vững chắc đầu tiên mà chúng ta có được.’”.

Ngoài vấn đề có nên coi Australialà một phần của châu Á hay không, tôi thấy luận đề này khá kích thích sự tò mò. Một sự quan sát kỹ lưỡng hơn về bảng xếp hạng nhanh chóng cho thấy rằng, vâng, các đại học từ châu Á chắc chắn là ở trong chiều hướng đi lên. Nhưng câu hỏi thú vị hoá ra lại là: Từ châu Á nào?

Dựa vào những rêu rao về sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của giới hàn lâm Trung cộng, người ta kỳ vọng rằng các đại học của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ chiếm một t
lệ vượt bực trong số những đại học thành công nói trên. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Tổng cộng có 57 đại học châu Á được lọt vào danh sách 400 đại học hàng đầu toàn cầu lần này. Trong số đó chỉ có 9 đại học từ Hoa lục. Nghĩa là 9 trong tổng số 400. Cơ sở giáo dục được xếp hạng cao nhất của Trung cộng là Đại học Bắc Kinh ở vị thứ 46 (nằm ngay sau Đại học Washington tạiSt. Louis, bang Missouri
).

Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các đại học Trung cộng đang tìm cách bắt kịp thời đại – và bằng chứng trở nên rõ ràng hơn khi ta nhìn vào phần còn lại của bảng xếp hạng. Đài Loan tự hào có được bảy đại học nằm trong danh sách hàng đầu nói trên, và Hồng Kông nhỏ bé – tôi cho là đơn vị thực sự đạt thành tích đáng ngạc nhiên nhất trong bản nghiên cứu – có đến 6 đại học trong số này. Vậy câu hỏi cần đặt ra là, tại sao hai lãnh thổ do người Hoa sinh sống này đã tiến bộ quá xa đến nỗi tổng số đại học của họ trong danh sách ưu tú đã vượt quá con số của Hoa Lục – mặc dù dân số của họ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ xíu so với Hoa Lục?

Tôi xin mạo muội đưa ra một suy đoán: Tôi nghĩ sự kiện này có liên quan tới bản chất của các xã hội mà trong đó các đại học này đã bám rễ. Mặc dù dân chúng Hồng Kông không thể bầu lãnh đạo của mình một cách nghiêm chỉnh, nhưng văn hóa của lãnh thổ này mang tinh thần dân chủ, với một chế độ pháp trị vững mạnh và những sinh hoạt hội họp và tranh luận đã trở thành lề thói – đây là điều hiển nhiên không cần tranh cãi. (Dạ thưa, tôi biết: Hồng Kông chính thức là một phần của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhưng lãnh thổ này còn hưởng quyền tự trị đáng kể và vẫn còn hăng say bảo vệ tính độc đáo của mình). Đài Loan, hẳn nhiên, là một quốc gia dân chủ đa đảng – không cần phải giải thích gì thêm.

Do đó câu hỏi tiếp theo là, tại sao lập luận của tôi – rằng sự khác biệt này có liên quan tới chế độ dân chủ – là có lý? Nó có lý vì, thật khó mà xây dựng được một đại học nghiên cứu nghiêm chỉnh nếu không có tự do thông tin và tự do tìm hiểu – và đây chính là loại đại học mà các chế độ độc tài rất khó chấp nhận. “
Tự do nghiên cứu là yếu tố cơ bản trong công thức tạo dựng một đại học đẳng cấp quốc tế”, đây là phát biểu của Phil Baty, người có trách nhiệm tiến hành cuộc nghiên cứu (và cũng là người được nói đến trong đoạn báo Times trích dẫn ở trên). Ông nói tiếp: “Các đại học phải cho phép giáo sư của mình có điều kiện tự do để chất vấn những kiến thức được tiếp thu
”. Nếu ném đủ tiền và cơ sở hạ tầng vào vấn đề này, thì người ta cũng có thể làm được nhiều chuyện, ông nhận xét; các lãnh đạo Trung cộng, nhờ hiểu rõ tầm quan trọng của tri thức và sáng kiến kỹ thuật, hiện đang bù đắp lại cơ may đã mất trong lãnh vực này. Nhưng thậm chí đối với cả những môn như toán và khoa học, chắc chắn người ta sẽ không đạt được kết quả tối ưu cho đồng tiền chi ra, nếu giáo sư và sinh viên không được phép suy nghĩ tự do.

Có lẽ đây là lý do tại sao tuyệt đại đa số các quốc gia Đông Á khác, những quốc gia chiếm tỉ lệ nổi bật trong số 400 đại học hàng đầu – Nhật Bản (với 13 đại học) và Nam Hàn (6) – cũng lại là những nền dân chủ vững mạnh. Có thể biệt lệ duy nhất là quốc gia-đô thị nhỏ bé độc tàiSingaporecó hai đại học nằm trong danh sách ưu tú nói trên – một thành công rất ấn tượng. Tuy nhiên, đây chỉ là một biệt lệ – nhất là khi người ta nhận thấy rằng đại đa số các cơ sở giáo dục trong số 400 đại học hàng đầu vẫn là từ các quốc gia dân chủ Tây Âu và Bắc Mỹ. (Mỹ chiếm đến bảy trong số 10 đại học hàng đầu thế giới và 76 trong 100 đại học hàng đầu).

Dĩ nhiên, chúng ta có thể nhìn vấn đề này theo một chiều hướng ngược lại: Trong số các nước độc tài trên thế giới, chỉ có Hoa Lục là nước duy nhất có một sự hiện diện đáng kể nào đó trong số 400 đại học hàng đầu. Chỉ có hai đại học từ Liên bang Nga lọt vào trong danh sách nói trên. Tại Trung Đông, cả Israel lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều có một số trường trong danh sách, nhưng Ả Rập Saudi và Iran mỗi nước chỉ có được một trường. (
Vâng, đúng vậy: Toàn bộ thế giới Ả Rập, một khu vực có thời là kho chứa tri thức nhân loại, chỉ chiếm một trong số 400 đại học hàng đầu của thế giới
).

Có lẽ các nhà lãnh đạo độc tài phải nhìn kỹ hơn nữa đại học số 1 trong bản nghiên cứu: California Institute of Technology, viết tắt Cal Tech (Học viện Công nghệ
California). Như Baty nhận xét, Cal Tech được nổi tiếng không những chỉ nhờ đường lối học tập sáng tạo (theo đó từng nhóm nhỏ sinh viên tích cực tham gia giải quyết các vấn đề, hơn là chỉ lắng nghe các bài giảng một cách thụ động, với một đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới), mà lại còn nhờ tinh thần sáng tạo một cách tự do, kể cả việc ưa chuộng các trò tinh nghịch và những chuyện điên rồ. Tinh thần này cũng được áp dụng tại MIT (đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng), một cơ sở đại học rất tự hào về đường lối giảng dạy phi truyền thống – cũng như một lịch sử phong phú liên quan các vụ tin tặc.

Một đại học nghiên cứu thành công, Baty lý luận, phải cho phép “các giáo sư đi theo cái mũi của mình và suy nghĩ những chuyện trên trời dưới bể”. (
Trong văn cảnh này, tôi nghĩ không phải là một trường hợp tình cờ mà các nhân vật chính trong hài kịch TV Mỹ “Thuyết Big Bang”, một hài kịch ca ngợi tính cách khờ khạo do việc đam mê khoa học chống lại các tín điều mông muội, đều là các sinh viên cao học tại Cal Tech
).

Dĩ nhiên, không phải mọi việc đều là lạc quan tại các đại học Anh, Mỹ, như Baty nhanh chóng vạch rõ. Các chi phí đang tăng cao. Các quỹ nghiên cứu ngày càng tập trung vào những mục tiêu hạn hẹp, lấy mất ngân sách của các loại nghiên cứu cơ bản vốn rất cần thiết cho những khám phá to lớn. Và phải nhìn nhận, ngoài ra còn có sức ép cạnh tranh đang gia tăng từ các đại học mới trên bối cảnh toàn cầu.

Sự kiện này nhất định không phải là lý do để dao động quá đáng. Trái lại: Các đại học đã được xây dựng ổn định phải hoan nghênh sự cạnh tranh này (đấy là chưa nói đến các khả năng hợp tác mới mẻ). Nhưng chắc chắn điều này không có nghĩa là những trường có truyền thống nghiên cứu thành công nhờ không bị hạn chế sẽ quên mất những giá trị đã đưa chúng đến địa vị ngày nay. Tự do chính là không khí mà các tư duy tốt đẹp cần đến để thở.

C. C.

Christian Carlyl là nhà nghiên cứu thâm niên tại Legatum Institute, thường đóng góp bài vở cho Foreign Policy, và cũng là nhà nghiên cứu thâm niên tại MIT Center for International Studies (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của Đại học MIT).

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Sự khủng hoảng về Văn học và nhà văn



Để hình thành một nhà văn, cũng cần có một quá trình, trong đó trước tiên là cơ duyên được hấp thụ một nền giáo dục thích hợp.

“Từ thế kỷ 13, nước Việt đã có truyền thống giáo dục như thế, sao đến thế kỷ 21, lại sa sút trầm trọng – câu hỏi này ai trả lời được?” là một nan đề nêu lên khi báo Sài Gòn Tiếp Thị ghi lại quan điểm giáo dục của nhà văn Nguyên Ngọc qua bài báo tựa đề “Từ trí tuệ Trần Nhân Tông đến trí tuệ Việt Nam 2012.”

Bài báo kể rằng, một lần nhà văn Nguyên Ngọc gặp câu hỏi từ nhà báo Nam Dao, đại ý là các văn nhân nước ta sao cứ giống Trình Giảo Kim, chém đúng ba búa rồi bỏ chạy, chẳng ai đủ sức đi đường dài mặc dù xã hội ngày càng nhiều những vấn nạn, vấn đề mới nảy sinh!

Nhà văn Nguyên Ngọc nói, theo báo SGTT:
“...Một nhà văn viết bằng gì? Theo tôi, có ba cái chính: tài năng “trời cho”, sự trải nghiệm hay “vốn sống”, và cái thứ ba là nền tảng văn hoá dân tộc và nhân loại mà anh ta có được, anh ta “đứng” trên đó để tiếp tục đi tới.

Lớp người trẻ cầm bút ở Việt Nam hiện nay thiếu hụt hơn cả chính là cái thứ ba này. Thử nhìn lại cha ông chúng ta, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… mà xem. Khi họ cầm bút thì đằng sau lưng họ là cả một cái vốn văn hoá khổng lồ của phương Đông. Nền giáo dục thời đó đã cho phép họ chiếm lĩnh gần như toàn bộ những đỉnh cao nhất của văn hoá nhân loại (hiểu ở nghĩa đối với chúng ta thời ấy chỉ bao gồm Trung Hoa và Ấn Độ, với Nho giáo và Phật giáo). Chính trên cái nền tảng vĩ đại đó mà họ phát huy tài năng trời cho và vốn trải nghiệm sâu sắc của họ, tạo nên những tác phẩm có tầm mức kinh điển của thời đại họ. Qua đến thế hệ nhà văn thời Pháp thuộc thì nền tảng của họ là truyền thống văn hoá cũ cộng với tri thức mới do nền Tây học mang lại. Họ cũng có những đóng góp tầm cỡ, như Thơ mới, tiểu thuyết… Sự hụt hẫng của lớp người cầm bút hiện nay ở Việt Nam chính bởi toàn bộ cái vốn văn hoá dân tộc và nhân loại mà các thế hệ trước có thì đến nay họ không còn có được nữa. Ở đây đương nhiên có vấn đề của nền giáo dục trong nước suốt nhiều chục năm qua. Đó là thời gian có thể nói là chúng ta gần như không có đại học thực sự. Anh Hoàng Ngọc Hiến gọi rất đúng đại học trong nước là trường “phổ thông cấp bốn”. Chỉ xin lấy một ví dụ: trong nền giáo dục ở mọi cấp, gần như hoàn toàn không dạy triết học. Tất nhiên có môn gọi là “triết học Mác – Lênin”, nhưng môn này không được giảng như triết học mà chỉ là những khoá huấn luyện chính trị rất sơ đẳng. Thế cho nên những người cầm bút thuộc thế hệ trẻ trong nước hiện nay có thể nói là hoàn toàn không hề được tiếp cận với di sản triết học nhân loại, cả phương Đông lẫn phương Tây. Thật khó mà tưởng tượng được một nhà văn mà không có chút vốn triết học nào!”

Ông Nguyên Ngọc đã từ lĩnh vực văn chương đi thẳng vào vấn đề nền tảng của người học hiện nay, khi mà cái cần nhất thì chúng ta không học (và không được dạy), cho nên người làm nghề gì cũng thế, chứ không chỉ nghề viết, không có nền tảng, muốn tiến thêm sẽ hụt hẫng. Lỗ hổng trong nền tảng quá lớn phải chăng là nguyên nhân mà chỉ số trí tuệ Việt Nam (bậc 76) vừa rồi tụt hạng thấp nhất trong các năm, thua Thái Lan (bậc 57) và Malaysia (64,8).


Phần lớn công chúng cho rằng, để khắc phục tình trạng này, chỉ có nhờ vào hệ thống giáo dục thay đổi thực sự. Chúng ta cứ hy vọng vào điều này đi, dù rằng nếu có chỉ số hy vọng, thì có lẽ Việt Nam sẽ xếp thứ nhất, thứ nhì chăng!
Dân tộc Việt không thiếu danh nhân đáng tự hào. Như Trần Nhân Tông, một vì vua cách đây 700 năm một lần nữa được vinh danh khắp thế giới khi đại học Harvard (Mỹ) thành lập viện Trần Nhân Tông, tổ chức giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải hàng năm dành trao cho những con người bằng hành động và ảnh hưởng của mình có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hoà giải và yêu thương nhân loại… Điều gì đã khiến những nhân vật tài danh xuất phát từ ngôi trường đại học danh tiếng, nơi đào tạo hàng vạn thế hệ nhân tài cho thế giới lựa chọn Trần Nhân Tông? Điều gì nếu không phải chính là trí tuệ toả sáng của ông?”

Bài viết trên báo SGTT còn dài, ghi thêm phân tích rằng từ “thế kỷ 13, nước Việt đã có truyền thống giáo dục như thế, sao đến thế kỷ 21, lại sa sút trầm trọng...”

Ai đã làm hỏng từ thế kỷ 21? Nhà văn Nguyên Ngọc không nói cụ thể, nhưng nhắc rằng hiện đã có “Viện Trần Nhân Tông (Trần Nhân Tông Academy) được thành lập bởi một nhóm nhà nghiên cứu tại trường đại học Harvard, do giáo sư Thomas Patterson làm chủ tịch... Ngày 22.9, viện đã trao giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải lần đầu cho Tổng thống Myanmar U Thein Sein và chủ tịch đảng đối lập Aung  San Suu Kyi.”

Ai đã làm giaó dục Việt Nam sa sút trầm trọng? Câu trả lời là ai cũng biết nhưng không ai có thể nói thẳng ra !

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Âm nhạc và toán pháp

  Âm nhạc và toán pháp


Có người bảo rằng “âm nhạc là kiến trúc của âm thanh”. Ðịnh nghĩa ấy nhấn mạnh đến một sự phân bố có chủ đích nào đó của âm thanh thì mới thành nhạc.
Nhiều người khác thì nói đến toán pháp trong cách phân bố này. Những khái niệm có vẻ trừu tượng đó chỉ phản ảnh mối quan hệ rất gần gũi giữa toán và nhạc.
Người viết không thuộc vào thành phần giỏi toán. Khi xưa đến giờ hình học hay đại số là lại ngao ngán và cố học thuộc lòng như là để trả nợ. Nhưng cũng biết rằng các em nhỏ giỏi toán thường cũng dễ học và dễ thành công với âm nhạc. Qua mấy chục năm dạy dương cầm thì toán pháp và cách đếm cũng là tiêu chuẩn thẩm định cái khiếu âm nhạc của học trò khi bắt đầu ngời trước phím đàn. Cũng vì vậy mà chỉ dám nhận dạy đàn những em nhỏ đã bắt đầu biết đếm.
Những người giỏi toán thường nhìn thấy sự hài hòa của các con số và sự hài hòa ấy có góp phần đáng kể cho sự cảm nhận về nét hài hòa của âm thanh, tức là nhạc.
Khi dạy đàn và phải giải thích sơ qua về ký âm pháp, một trong những chủ điểm mà cô giáo phải nhấn mạnh cho học trò là cách đếm thời gian, từ đó mới ra nhịp, tiết và các dấu hiệu như nốt đen nốt trắng. Nhìn học trò vừa ngó vào trang sách nhạc vừa gõ trên phím với đôi môi mấp máy đếm nhịp mình lại nhớ đến những lúc chính mình vã mồ hôi trong giờ học toán!
Nếu chính mình lại không giỏi toán, có khi còn sợ toán nữa, thì làm sao giúp các em nhỏ thích toán và tìm thấy niềm vui của các con số trong âm nhạc? Câu hỏi có vẻ khô khan này thật ra lại rất phù hợp với hoàn cảnh ngày nay của Hoa Kỳ.
Trong lãnh vực âm nhạc, ngày nay người ta ít soạn nhạc hoặc viết hòa âm theo kiểu xưa, tức là bằng tay và bằng cảm hứng của nghệ thuật, mà lại tận dụng kỹ thuật âm thanh điện tử và vì thế càng thiên về lối tính toán bằng con số. Nhưng cùng lúc đó, người ta nghiệm thấy một điều đáng buồn là trẻ em Mỹ ngày nay lại rất kém về toán. Theo các công trình nghiên cứu về sư phạm thì trong hơn ba chục nước dẫn đầu về kỹ nghệ, trẻ em Hoa Kỳ có khả năng toán nằm dưới mức trung bình! Chuyện này kể ra thì hơi lạ vì nước Mỹ nổi tiếng với các nhà bác học có thể phóng một cái xe không người lái mà đầy những tai mắt tinh tường lên tới nguyệt cầu và Hỏa tinh!
Trong khi ấy, chúng ta cũng không nên lo ngại gì khi các học giả về tâm lý trẻ em bảo rằng năng khiếu về toán ở lớp mẫu giáo mới là tiêu chuẩn tiên đoán chính xác nhất về tương lai học vấn của các em. Cách đếm khi mới chập chững lại còn quan trọng hơn khả năng đánh vần hoặc sức tập trung vào những gì được cô giáo giảng dạy.
Chính vì vậy mà người viết càng tò mò về phương pháp kích thích sự quan tâm của các em nhỏ vào con số, vào toán pháp. Một cơ hội để tò mò là mình hiện đang cho học trò nghỉ vài tháng khi cô giáo chưa cử động bình thường vì tai nạn trong vườn. Một lý do khác là vì lâu lắm rồi, đã có lần người viết yêu cầu một em nhỏ học đàn giảng lại cho mình một bài toán đại số, theo kiểu Mỹ!
Khi yêu cầu học trò suy nghĩ và dạy lại cô giáo về bài đại số thì cũng là lúc giúp cho em nhỏ ôn bài và thích thú với vai trò mới. Hãnh diện về sự hiểu biết của mình, em nhỏ càng học đàn và học toán với sự say mê.
Với các em nhỏ, điều tối kỵ là khi cho các em nghĩ rằng toán pháp là cái gì đó rất khó đến nỗi chính cô giáo cũng sợ! Khi thấy người lớn mà còn lè lưỡi về toán thì các em sợ theo và lẩn tránh toán pháp ngay trong tiềm thức.
Ngược lại, mình nên giúp các em có cơ hội đùa nghịch với con số bằng cách đếm đồ vật. Từ đếm kẹo đến đếm nốt nhạc, từ cách xếp lại đống đồ chơi hay chồng sách nhạc. Tháng trước, em học bài số mấy, ở trang nào? Qua tháng sau, nếu mà giỏi em sẽ học đến bài nào?
Cách đếm nhịp cũng là một trò chơi với con số. Một nốt trắng bằng mấy nốt đen, và mấy nốt móc? Ðoạn nhạc này có mấy trường canh thì lại trở về giai điệu cũ? Khi dùng cái metronome để đếm nhịp thì cũng là lúc giúp cho các em vừa đếm vừa phân biệt được nhịp tiết nhanh hay chậm.
Ðến tuổi trung học thì mình có thể nói đến cái khuôn thước vàng của toán và nhạc và giải thích thế nào là một nhạc khúc có “carrure” cân xứng, với đoạn vào đầu, mấy lần chuyển cung thì trở về điệp khúc. Chính là qua những lần chỉ dạy rất sơ đẳng ấy mà mình còn cảm nhận được rõ ràng hơn sự dụng công của người soạn nhạc.
Ðến lớp dạy hát cũng thế, cách ngắt câu hay lấy hơi trong nốt lắng cũng là một dịp cùng đếm nhịp tiết để bắt vào câu hát, hoặc giữ tiếng ngân cho đủ lâu đủ dài.
Lóc cóc một tay trên máy, người viết này bỗng nghĩ đến triết lý.
Trên đỉnh cao của khoa học và âm nhạc, nhiều người đã thấy ra sự hài hòa của vũ trụ, hay bàn tay kỳ diệu của một vị Thượng Ðế nào đó. Những con người tầm thường như chúng ta thì chỉ cảm được bằng trực giác một trật tự nào đó của âm thanh hay con số, hoặc kích thước của thời gian.
Nếu mình cố gắng truyền đạt được cho các em những cảm nhận đó thì cũng là điều có lợi. Dù chẳng nhờ vậy mà tìm ra Mozart hay Einstein thì cũng giúp cho các em có một tuổi hoa niên phong phú hơn. Sau này, nếu các em lại gặp được thày giỏi thì dễ trở thành người giỏi giang cho xã hội.
Người viết đã nhìn thấy nhiều thế hệ học trò về sau thành đạt và mỗi lần như vậy là lại bồi hồi nhớ đến cách đếm tiếng động của thời gian. Vì thế mới có bài tạp ghi này.
 Quỳnh Giao

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Viện Trần Nhân Tông tại đại học Harvard


Phật hoàng Trần Nhân Tông

 

Mấy ai biết rằng, cách xa nửa vòng trái đất, tên tuổi của vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã được đặt tên cho một viện nghiên cứu đặt tại thành phố Boston, Hoa Kỳ. http://www.trannhantong.net/


Viện được thành lập do một nhóm nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard, một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ và do Giáo sư Thomas Patterson làm chủ tịch.

Điều gì khiến vị giáo sư này quyết định trở thành chủ tịch Viện Trần Nhân Tông (Tran nhan tong Academy)? Giáo sư Thomas Patterson cho biết: “Khi được mời giữ vai trò lãnh đạo tại Viện Trần Nhân Tông, tôi đã chấp nhận với tất cả sự nhún nhường. Nhiều năm trước, tôi là một người lính Mỹ tới Việt Nam và tôi đã đem lòng yêu đất nước, con người và lịch sử của Việt Nam. Đó là thời điểm lần đầu tiên tôi nhận biết về Trần Nhân Tông, vị vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ trong thế kỷ XIII. Tuy nhiên, mãi đến năm 2010 tôi mới có được một sự hiểu biết đầy đủ về tầm vóc của ông khi tôi cùng vợ đến viếng Yên Tử ở Quảng Ninh. Chính vào thời điểm này tôi bắt đầu ngưỡng mộ sự hy sinh lớn lao của ông đối với đất nước. Tôi rất vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy di sản Trần Nhân Tông để lại, thu hút sự quan tâm của mọi người ở Việt Nam và nơi khác”.

Giáo sư Thomas Patterson hiện là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, được đánh giá là Trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên toàn cầu, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới về đây nghiên cứu. Trung tâm Shorenstein cũng là nơi tổ chức các giải thưởng báo chí lớn như Goldsmith và các hội nghị Theodore H. White nổi tiếng thế giới về báo chí và chính trị.
Mục đích dài hạn mà Viện Trần Nhân Tông Academy đề ra gồm (1) Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình, (2) Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống, (3) Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.

Trước mắt, trong giai đoạn 2012-2017, viện này dự kiến tổ chức Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương hằng năm. Nhân dịp công bố giải thưởng này, dự kiến vào tháng 9 tới đây sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế Trần Nhân Tông tại Boston.

Ý tưởng về một Viện Trần Nhân Tông
Thật ra ý tưởng thành lập Viện Trần Nhân Tông do nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Tổng biên tập VietnamNet, đề xuất từ năm 2009. Sau đó được cụ thể qua buổi trình diễn nhạc giao hưởng chủ đề “Hòa giải và yêu thương” ngày 22-4-2010 tại Nhà hát Lớn của thủ đô Hà Nội. Hiện nay ông Tuấn đang làm công việc nghiên cứu tại Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công Shorenstein – Đại học Harvard. Ông cho biết, sáng kiến thành lập Viện Trần Nhân Tông và Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương của ông đã nhận được sự ủng hộ của các giáo sư có uy tín tại Đại học Harvard.
Vào ngày 16-2-2011, tại Hà Nội, một hội nghị về vấn đề này cũng được tổ chức với sự có mặt của nhiều học giả trong đó có cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga.

Chính Giáo sư Thomas Patterson là người đề xuất ý tưởng và phương án để Viện Trần Nhân Tông triển khai xây dựng bảo tàng Trần Nhân Tông ở Hà Nội. Ông cũng động viên vợ là nhà làm phim tài liệu có uy tín ở Mỹ bà Lorie Conway sang Việt Nam làm phim tài liệu về vua Trần Nhân Tông.
Giáo sư Thomas Patterson cho biết nhiều bạn đồng nghiệp của ông ở Harvard cùng với một số nhà báo lớn ở Mỹ rất trân trọng và sẵn sàng đồng hành cùng Viện Trần Nhân Tông, bởi tư tưởng, minh triết và sự nghiệp của Trần Nhân Tông thực sự là một giá trị rất quý không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại.

Như vậy, cùng với Hòa nhạc Trần Nhân Tông chủ đề Hòa giải và Yêu thương được tổ chức hằng năm vào tháng 8 tại Boston, Viện Trần Nhân Tông đã nhận được sự đồng hành của một số nhà lãnh đạo có uy tín, của các học giả lớn ở Harvard và vùng Boston, cùng với tâm huyết của các nhà khoa học, nhà văn hóa tại Việt Nam như nhà văn hóa Việt Phương, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phan Huy Lê, Phó giáo sư Trần Ngọc Vương…

Một tiết đoạn từ họa phẩm Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ

Giải thưởng Trần Nhân Tông: giải thưởng quốc tế mang tên vị vua Việt
Ngày 19-6 vừa qua, Viện Trần Nhân Tông chính thức công bố Giải thưởng quốc tế và Hội nghị Trần Nhân Tông về hòa giải yêu thương tại trang web Trannhantongprize.org. Sự kiện này sẽ được tổ chức vào ngày 22-9 tới đây tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch giải thưởng này.

Giải thưởng sẽ được xét chọn hằng năm cho những người bằng hành động, ảnh hưởng của mình có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải và yêu thương nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới.

Hội đồng cố vấn giải thưởng bao gồm nhiều nhân vật uy tín như bà Vaira Vike-Freiberga, cựu Tổng thống Latvia; ông Michael Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts; bà Ann Mc Daniel, Phó chủ tịch thường trực Washington Post; bà Robin Sproul, Phó chủ tịch – Giám đốc chi nhánh Washington DC, ABC News; ông Phil Barboni, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Global Post và nhiều học giả trong nước.

Nói về ý nghĩa của giải thưởng Trần Nhân Tông, Giáo sư Daniel Shapiro, của Trường Luật Harvard so sánh: “Một năm thế giới mất đi 3.000 tỉ USD để giải quyết những vấn đề như chiến tranh, bạo loạn, xung đột, thiên tai. Nếu thế giới ngăn chặn được thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn để đầu tư vào kinh tế và giải quyết được những vấn đề lâu dài của nhân loại”.

Nhạc trưởng Charles Ansbacher của dàn nhạc giao hưởng Landmark Boston cũng đã nhiệt tình tham gia vận động ủng hộ giải thưởng, mà cụ thể là tổ chức các buổi hòa nhạc “Hòa giải và Yêu thương” và mời vị nhạc trưởng nổi tiếng ở châu Âu Daniel Barenboim làm Đại sứ Giải thưởng Trần Nhân Tông.

Sau buổi hòa nhạc lần thứ hai hồi tháng 8-2011, mới đây Viện Trần Nhân Tông đã phối hợp với Dàn nhạc Landmark Boston và Quỹ văn hóa Free for All Concert (Quỹ Âm nhạc Miễn phí cho mọi người) tổ chức buổi hòa nhạc “Hòa giải và Yêu thương” lần thứ ba vào ngày 11-7-2012 tại Boston với sự tham dự của hơn 10.000 người. Dịp này nhạc trưởng Armand Diangienda người Congo đã nhận lời làm đại sứ Quỹ Trần Nhân Tông tại châu Phi.

Hiện nay, địa chỉ Trannhantong.net đã được rất nhiều người trong cũng như ngoài nước truy cập, đây vừa là cổng thông tin hoạt động của Viện Trần Nhân Tông vừa là một diễn đàn giữa những người muốn đến với viện.

Tại cổng điện tử này bước đầu đã có các tư liệu giới thiệu những nghiên cứu, các thành quả trong việc ứng dụng tư tưởng, giá trị cao quý của Trần Nhân Tông vào cuộc sống, những sáng tác văn hóa nghệ thuật về Trần Nhân Tông. Đây cũng là cổng tích hợp, kết nối tất cả các tư liệu về Trần Nhân Tông.
HOÀNG VĂN

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

KHI LƯƠNG TÂM THỰC SỰ CÓ " RĂNG"


TTO - Một người đàn ông ở Anh những ngày cuối đời đã tiết lộ rằng mình không phải là tiến sĩ, chỉ vô tình có được tấm bằng rồi biến của người thành của mình. Mới thấy bản án của tòa án lương tâm ám ảnh cỡ nào!
Val Patterson và vợ - ảnh: brobible.com
Tiết lộ động trời này đã làm mọi người chưng hửng (không biết có ai thất vọng?). Nếu Val Patterson - tên người đàn ông này, không nói ra thì ai cũng sẽ tưởng ông là tiến sĩ thứ thiệt. Và nếu ông không nói ra, cũng chẳng ai biết ông từng ăn cắp két sắt.
Chẳng ai biết, nhưng trời biết, đất biết, chính ông biết… và đó là một sự thật khó nuốt trôi, nên ngày nào còn không nói ra, ngày đó còn ám ảnh, như chính ông viết trong điếu văn: "Đã có thể im lặng, nhưng tôi muốn giải tỏa điều này khỏi tâm trí mình".
Lương tâm Val Patterson đã có “răng” đủ để cắn rứt chính bản thân mình, đủ để những ngày cuối trước khi từ giã cuộc đời phải thừa nhận sự thật, phải thú nhận những sai lầm trong đời và nhờ thế có thể thở phào rồi tự hào về một cuộc đời đã có.
Đọc câu chuyện này mà không khỏi liên tưởng chuyện mua bằng giả, nhờ học thay nhan nhãn ở xứ mình. Cứ tự hỏi: liệu có lúc nào đó, những người sử dụng bằng giả, hay mua bằng thật… có thấy áy náy, thấy hối tiếc lẽ ra mình không nên làm thế.
Rồi những người trong đường dây bán bằng có cảm giác xấu hổ, tội lỗi vì đã tiếp tay cho những chuyện làm sai trái?
Hơn thế nữa, những kẻ móc ngoặc, tham nhũng hoặc những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thu lợi bất chính cho mình… có phút giây nào bị lương tâm dày vò, cắn rứt hay đã mất cả tư cách, đạo đức xem đó như chuyện bình thường, kiểu “không ai biết thì không có tội”?
Những người thân của họ có thấy, có biết và có hành động can ngăn, hay cũng nhắm mắt hưởng lợi?
Hy vọng, bài học cuộc đời mang tên Val Patterson này sẽ giúp cho nhiều người, trong đó có tôi, biết chùn tay trước khi làm một điều gì đó biết rõ là sai trái. Bởi, chuyện chưa diễn ra, còn chưa biết tòa án lương tâm sẽ xử đến mức nào?!

TAM SẮC ( Báo Tuổi Trẻ )

khổ một cái là nhiều người ngay từ khi còn nhỏ, do được giáo dục trong một môi trường nhập nhằng và gian dối, đã không được biết cái lương tâm của mình nó còn hay không, nó tròn hay méo, thì làm sao bị nó "cắn" được !

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

ÉP DẠY THEO KHUÔN MẪU


TT - Theo cuộc gọi hẹn trước, một ngày đầu tháng 6 tôi đến Trường X tại Cần Thơ thao giảng môn tiếng Anh với hi vọng được tuyển dạy tại trường rất nổi tiếng này. Nhưng sau đó tôi đã phải ra về trong thất vọng.
Một tiết học sinh động của cô và trò lớp 3/1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM (ảnh minh họa) Ảnh: NHƯ HÙNG

Đúng 14g, một nhân viên văn phòng đến nói với tôi: “Theo như hẹn là chị bốc thăm nhận bài thao giảng nhưng em quên làm thăm, thôi chị tự chọn bài dạy nhé”. Tôi chọn bài 8 lớp 8 và có 20 phút chuẩn bị.
Sau khi chuẩn bị cẩn thận, tôi được mời qua phòng dạy, giáo viên dự giờ đến một người, chờ 10 phút sau một người nữa đến và hỏi tôi bốc thăm bài nào. Tôi thành thật trả lời đã chọn và đăng ký với nhân viên văn phòng do không có thăm. Giáo viên này nói “không được”, giở sách lớp 8 chỉ định tôi dạy bài 10 và bắt đầu ngồi vào ghế dự giờ.
Tôi phải bắt đầu dạy ngay mà không có thời gian chuẩn bị nữa. Tôi vẫn tự tin vào khả năng và phương pháp dạy của mình nên không e ngại, lúc này thầy hiệu trưởng cũng bước vô ngồi vào ghế dự giờ.
Thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy học sinh. Hoạt động chủ yếu cho bài giảng của tôi là học sinh sẽ chơi trò chơi liên quan đến nội dung bài, từ đó các em sẽ nhớ bài và nhớ rất tự nhiên, tuy nhiên bây giờ không có trò thì sao? (Do khi hẹn tôi đã hỏi rất kỹ và được xác định là thao giảng với học sinh).
Các giáo viên và thầy hiệu trưởng thống nhất rằng tôi nêu ra tiến trình giảng và các bước thực hiện là được. “Được lời như mở tấm lòng” thế là tôi thao thao giảng, giáo viên dự giờ ghi rất nhiều cho đến khi tôi kết thúc bài giảng.
Và tôi “được” nhận xét như sau: Khi dạy tôi không thấy em cầm đến sách giáo khoa, điều này dễ làm học sinh mất tập trung. Em có thể dạy tốt ở các trung tâm, chớ với trường phổ thông thì không thích hợp. Em mới bắt đầu dạy thì đâu được dùng giáo án điện tử (do tôi mang theo laptop để tiện cho học sinh chơi trò chơi, nhưng bị hiểu nhầm là giáo án điện tử).

Và đây là lời nhận xét ấn tượng: Em phải làm đúng như những gì đã được ấn định trong sách giáo khoa để học trò bắt chước và làm theo. Lúc mới đến em phải hỏi trước về giáo án để dạy đúng như giáo án đã được duyệt thì mới được. Em phải tuân thủ đúng các bước của sách giáo khoa vì em có biết tác giả quyển sách giáo khoa này đã từ nước ngoài sang đây ở đúng ba tháng để tập huấn cho giáo viên, nên nhất nhất em phải theo chớ đâu được dạy mà như chơi vậy. 

Và còn nhiều ý kiến nhận xét khác xoay quanh việc phải tuân thủ theo khuôn mẫu có sẵn, không được sáng tạo cái mới về cả nội dung và cách truyền thụ kiến thức, nhưng đến đây tôi “lùng bùng lỗ tai” nên không tiếp thu thêm nữa.

Ra về, tôi thất vọng không thể tả. Tôi từng được nhiều học viên tại các trung tâm ngoại ngữ mà tôi tham gia giảng dạy đánh giá cao về cách dạy sáng tạo, giúp học viên tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, và đó cũng là tiêu chí giảng dạy của tôi. Điều làm tôi thất vọng hơn nữa là tôi từng nghĩ trường X là trường có uy tín, chắc chắn có sự tiến bộ trong việc tiếp thu cái mới và cần những giáo viên có tính sáng tạo, nhưng...

Sự việc đã hơn nửa tháng rồi nhưng trong đầu tôi luôn hiện lên câu hỏi: Tại sao có sự phân biệt giữa dạy trung tâm và dạy phổ thông như vậy, trong khi học sinh đến trường hay đến trung tâm chủ yếu để tiếp thu kiến thức?
MINH TUYỀN
Trả lời : 
Vì nếu giáo viên dạy sáng tạo thì người kiểm tra không biết dựa vào cái gì để đánh giá - Vì họ cũng chỉ được biết và được phép đánh giá "theo khuôn mẫu" thôi. 
Vì Trường Phổ thông phải dạy tiếng Anh trong nhiều năm - nếu dạy sáng tạo thì chỉ vài tháng là "hết vốn" và đến lúc đó thì cũng không còn giáo viên đủ trình độ để dạy HS nữa.  Còn ở Trung tâm mà không nỗ lực dạy tốt trong vài tháng thì chỉ có nước húp cháo ! 

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Người giáo viên đích thực

Bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp trung học gây chấn động nước Mỹ:
“Các em chẳng có gì đặc biệt”

TT - Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”.

Giáo viên David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc - Ảnh: The Swellesley Report

Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.
Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như “Chúng tôi rất tự hào về các em”, “Các em rất tài năng”, “Thế giới là của các em”..., ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.
Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học - nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.
Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!
Được chăm bẵm quá mức
Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.
Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.
McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala”.
Hạnh phúc không tự tìm đến
McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.
Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.

Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.
Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.
Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng
McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.
SƠN HÀ (Theo The Swellesley Report)

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

"Bệnh ĐỒNG TÍNH" ..GHÊ QUÁ !


Học trò đồng tính, thầy cô lạc hậu 20 năm
 
Bacsigiadinh.com - Thầy cô và người lớn có đang chững lại phía sau, trong khi giới trẻ Việt đã bắt đầu tỏ ra cởi mở và thấu hiểu?
 
Một ngày trước dịp kỉ niệm 22 năm ngày 17/05/1990 - ngày mà tổ chức Y tế Thế giới WHO đã loại "đồng tính luyến ái" ra khỏi hạng mục bệnh tâm lý - trên mạng xã hội tại Việt Nam lan truyền một câu chuyện hư cấu được viết bởi một blogger đồng tính được biết tiếng. Câu chuyện như sau:
Tôi thấy chị thường ủng hộ những người đồng tính.
- Ừ thì sao?
- Chị là les hả?
- Đâu, tôi vẫn yêu chồng tôi lắm.
- Hay chồng chị là gay?
- Ôi, ông ấy bớt mê gái tôi càng mừng.
- Chẳng nhẽ thằng nhóc nhà chị mới mấy tuổi đã có biểu hiện...?
- Biểu hiện gì cơ?
- Nó thích mặc váy, nghịch đồ trang điểm hay chơi búp bê không?
- Không, không và không.
- Ơ, thế mắc gì chị ủng hộ dân đồng tính làm gì?
- Tôi có mấy người bạn là gay, lesbian, tôi thấy họ yêu nhau hạnh phúc thì tôi ủng hộ.
- Chị không sợ các con chị thấy thế, mai mốt học đòi làm dân đồng tính à?
- Không. Học đòi làm sao được? Bây giờ cháu nó gay, thấy cảnh nam nữ hôn nhau, chẳng nhẽ nó cũng học đòi thành straight (giới tính thẳng - chỉ những người có xu hướng tình dục dị tính - PV)?
- Tôi vẫn thấy ghê lắm.
- Ghê gì? Vậy hành động đánh đập, ném đá, chửi bới, xúc phạm người ta thì không ghê? Giả sử ai khi không nói chị "ghê lắm" thì chị có buồn không?
- Chẳng nhẽ chị muốn con chị bị gay, les?
- Đó không phải là chuyện muốn, càng không phải "được" hay "bị".
- Vậy nếu cho chị được quyền chọn giữa việc con trai gay và không gay thì chị chọn bên nào? Bắt buộc chọn nhé.
- Tôi mong con tôi có cuộc sống tốt đẹp và yên bình. Thế nên nếu chúng giống số đông, tôi sẽ bớt lo hơn, vì khả năng chúng bị quấy nhiễu sẽ giảm đi. Nhưng nếu con đồng tính, tôi càng thương nó hơn, vì nó phải là đứa trẻ can đảm khi đối diện với nhiều bất công ngu xuẩn ngoài xã hội.
- Chị không muốn có cháu bồng à?
- Nói gỡ, nhỡ nó hay vợ nó vô sinh thì sao? Không phải cái gì "muốn" cũng được đâu chị ạ.
- Nhưng trai gái quen nhau thì vẫn dễ có cháu hơn chứ!
- Nếu nó thích có con, tôi tin nó sẽ có cách.
- Chị thật lạc quan quá...
- Không lạc quan thì sao? Chẳng nhẽ khóc? Khóc xong thì thằng bé sẽ mê gái à?
- Chị không xấu hổ với bà con lối xóm?
- Đèn nhà ai nấy sáng, cớ gì phải xấu hổ? Mình nuôi sao cho con mình cao lớn, tài giỏi, biết cách cư xử ngoài xã hội... Chừng nào con tôi ăn chơi lêu lổng, hư thân mất nết, ức hiếp kẻ khác thì tôi mới phải mắc cỡ, vì tôi đã dạy con không tốt.
- [Thở dài] ... Thật ra thằng bé nhà tôi thích chơi đồ hàng với đám con gái chị ạ.
- Haha, chị cứ lo xa. Biết đâu nó thích nhỏ nào trong nhóm đó? Straight, gay, les hay bisexual (song tính - PV) vốn là bản chất rồi. Đến khi tụi nó dậy thì, bản chất trỗi dậy thì chị có ngăn cản cũng chẳng được. Thôi thì hãy yêu con đúng nghĩa, yêu nó như chính con người nó.
- Ừ... Chắc vậy.

Đoạn hội thoại đã nhanh chóng lan truyền trên các tài khoản Facebook và nhận được vô số ủng hộ. Cá biệt, có trang nhận được gần 1000 lượt "like" tỏ thái độ đồng tình. Trong bình luận, giới trẻ cũng cho rằng, việc cộng đồng chấp nhận và không kì thị người đồng tính là xu hướng tiến bộ của xã hội. Không ít bạn cũng chia sẻ những kiến thức khoa học mà mình được biết. 

 
AJ - một người đồng tính nam trẻ tuổi vô gia cư trên đường phố L.A, ảnh
chụp cho bài báo "Young, gay and homeless in L.A. County"
trên tờ Los Angeles Times (12/2010)

Thầy cô chưa cập nhật kiến thức 20 năm?

Tuy nhiên, một cuộc điều tra mới nhất từ một số tổ chức về sức khỏe, văn hóa, gia đình và giới tính tại VN (CCIHP, CEFACOM, ISEE, ISE...) cho thấy, trong học đường, việc kì thị học sinh đồng tính không chỉ là vấn đề giữa các em, mà còn là từ phía thầy cô, những người có nhiệm vụ hướng dẫn học trò về tri thức và nhận thức.

Một học sinh Việt Nam thuật lại về bài kiểm tra giới tính trên lớp và tranh luận với giáo viên của mình, xảy ra vào tháng 4/2012:
 (Ngày 18/4) Hôm vừa rồi lớp mình cô có cho làm một bài "Giáo dục giới tính" lấy điểm 15p. Trong đề có câu "Đồng tính là một bệnh?... A: Đúng....B: Sai...." Mình chọn "B:sai" nhưng đáp án cô đưa ra là "A: Đúng". Trước đó mình cũng đã tìm hiểu về vấn đề này thì thấy có nhiều nguồn thông tin đưa ra chứng minh rằng đồng tính không phải là một bệnh. Vậy là cô mình sai phải không mọi người?
 (Ngày 19/4) Mình cũng đã nêu thắc mắc này với cô nhưng nói là phản đối thì không đúng. Cô nói là "đồng tính không phải là bệnh thì là gì?". Mình cũng đã đưa ra những kiến thức mà mình đọc được nhưng xem ra cô không bị thuyết phục lắm...
 (Ngày 21/4) Sáng nay, sau khi thu thập đủ "chứng cứ", mình đem ra nói với cô. Cô đẩy gọng kính lên rồi nhẹ nhàng bảo: "Em bắt đầu làm cô phải nghi ngờ giới tính của e rồi đấy" (!!!!!!)
Nghiên cứu do CCIHP thực hiện với trên 500 người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam năm 2012 (sử dụng phương pháp trực tuyến là phương pháp thế giới đang cho rằng thích hợp, do khó tiếp cận LGBT) cho thấy, 46% trong số họ đã từng trải nghiệm việc bị phân biệt đối xử và bạo lực với nhiều xu hướng tình dục và cách thể hiện giới của mình, nghiêm trọng hơn 31,2% các trường hợp có ý định tự tử.
 Bạo lực và phân biệt đối xử gây ra bởi các thầy cô giáo và cán bộ trong trường cũng chiếm tới 18% trong các trường hợp. Thiếu nhạy cảm, cũng như không đủ thông tin và kiến thức trong lĩnh vực này, các thầy cô giáo có thể làm tổn thương không chỉ tuổi thơ non nớt của các em mà còn cả cuộc đời sau đó của các em vì những vết thương không thể lành dù sau nhiều năm. 

Một học sinh đồng tính nam viết lại:
 "Nắng chói lòa mắt. Cả không gian quanh phòng học đều im lặng. Nó đứng đó chết trân. Những giọt nước mắt chảy tràn xuống má không làm vơi đi những lời cay nghiệt mà cô giáo đang giành cho nó: Em thật là bệnh hoạn, tôi không ngờ trong lớp học của tôi lại có một người biến thái đến như vậy. Em coi trong trường lớp này có ai như em không? Nếu như hôm nay tôi không đọc được những gì em viết thì tôi không dám nghĩ em lại ghê như vậy. Tôi đọc mà sởn gai ốc. Các em, các em có thấy nó biến thái không? Dạ có - cả lớp đồng thanh". 

Mặc dù trên 80% trường hợp bị bạo lực xẩy ra ngay trong lớp học, hầu hết các trường hợp bạo lực này đã không được phát hiện và xử lý. Trong nhiều trường hợp, do sợ bị kì thị và bạo lực nhiều hơn, các em là nạn nhân của bạo lực đã không dám báo cáo với thầy cô. Ngay cả khi được báo cáo, 44% các trường hợp nói rằng thầy cô đã không làm gì. 16% thậm chí thầy cô còn quay lại khiển trách chính nạn nhân. 
 Cho đến hết ngày 16/5/2012, khoảng hơn 2000 chữ ký đã được thu thập bởi ICS - tổ chức của chính những LGBT tại Việt Nam - cho lá thư gửi tới Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận vì một trường học cởi mở hơn cho người đồng tính và chuyển giới.
 Cũng nhân ngày thế giới phòng chống kỳ thị với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới 17/05 (IDAHO), phát biểu từ Gevena, giám đốc điều hành của UNAIDS - ông Michel Sidibé cho biết: "Giá trị của xã hội không đo bằng tiền bạc hay quyền lực. Giá trị của xã hội phải được đó bằng cách mỗi con người trong đó được quý trọng thế nào, cho dù có khác nhau về xu hướng tình dục hay vị thế xã hội. Một xã hội thịnh vượng phải là nơi không ai bị loại trừ, mọi người đều được tôn trọng như nhau". 
 (*) LGBT là viết tắt chỉ nhóm người đồng tính nữ (Lesbians), đồng tính nam (Gays), song tính (Bisexuals) và chuyển giới tính (Transgender).-
Vietnamnet