Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011
Trông người không dám ngẫm đến ta !
NHÌN LẠI THIÊN TAI
Trong thời gian gần đây, thiên tai có vẻ như ngày một nhiều hơn và mức độ tàn phá cũng ngày một kinh khủng hơn. Nào là lũ lụt ở Australia - nào là động đất ở New Zealand và bây giờ là động đất cùng sóng thần ở Nhật Bản. Mà tất cả đều có thể xem là những thảm hoạ.
Thế nhưng,chưa có thảm hoạ nào lại tạo ra nhiều bài học cho bằng thảm hoạ ở Nhật Bản - từ những chuyện đơn giản như không chen lấn khi xếp hàng nhận cứu trợ, việc các cửa hàng khắp nước Nhật đều giảm giá để cho người dân Nhật có thể mua dễ dàng hơn các vật phẩm cho mình hay cho người thân của mình ở vùng gặp nạn... cho đến thái độ phản ứng có trách nhiệm của chính phủ Nhật ... Chúng ta đều thấy hiện diện thái độ sống của một dân tộc có giáo dục.
Đã có nhiều thông tin cũng như bài viết nói lên tinh thần Nhật Bản, một đất nước giầu có không chỉ về kinh tế, mà con giầu có về nghị lực đứng lên sau những thảm hoạ, để từ một đất nước bại trận và tan hoang của những năm 1945 chỉ sau vài thập niên đã bước vào hàng ngũ siêu cường trên thế giới, mặc dù tài nguyên và diện tích không có gì là đáng kể.
Nếu như Trung Quốc "bon chen" lên hàng ngũ "siêu cường" bằng sức mạnh của một dân tộc đông nhất thể giới, của một nhà nước "bá quyền" luôn có tham vọng thống trị các nước lân bang cũng như bằng những mánh lới làm hàng giả nổi tiếng - Khi đối diện với những thảm hoạ động đất không bằng một nửa của người Nhật ở Đường Sơn mà nhiều nạn nhân đã chết vì ở trong những ngôi nhà xây dựng kém phẩm chất, thì cũng chẳng để lại được một bài học gì ngoài những nỗi cảm thông cho người dân, và một cuốn phim "tái hiện theo ngôn ngữ Điện ảnh" nhằm nói lên những nỗi đau sau cơn địa chấn.
Nhưng với Nhật Bản thì có thể nói không hết những tấm gương thực sự của từ những em bé cho đến những cụ già,mà điều quan trọng nhất là khả năng của chính phủ - dù có thể nói là đã gặp một thiên tai thuộc loại "nhạy cảm" nhất : sự rò rỉ phóng xạ !
Bây giờ, nhìn lại một số thiên tai mà đất nước Việt Nam đã gánh chịu trong thời gian qua, mà sự tổn thất nặng nề cho người dân lại có sự "góp sức" rất đắc lực của những quyền lực đang cai trị đất nước - từ thái độ vô trách nhiệm trong việc xây dựng vô tội vạ những đập thuỷ điện, để rồi đưa đến việc buộc phải xả lũ góp phần gây lụt cho vùng hạ lưu, nhưng sau đó vẫn bình chân như vại !
Từ việc buông lỏng quản lý rừng đầu nguồn, để cho những người dân vì nghèo đói và cả những tay lâm tặc có sự bao che của những thế lực, vô tư "xoá trắng" những khu rừng khiến cho không có gì cản đường nguồn nước lũ.
Thế nhưng, đó vẫn là thiên tai - nhưng sau đó là gì ? sau đó là sự quản lý và điều hành việc khắc phục cho người dân, vẫn chủ yếu dựa vào sự đóng góp "nhân đạo" của chính người dân và những tổ chức trong - ngoài nước. Những tổ chức của nhà nước như MTTQ - CTĐ cũng chỉ đóng vai trò "kẻ trung gian" thậm chí còn có nhiều "tấm gương" về việc ăn chặn, bớt xén tiền cứu trợ của chính những người dân mà mình có trách nhiệm phải hỗ trợ.
Đó là chưa nói đến những con buôn lợi dụng cơ hội để nâng giá, chặt chém những người dân đã cạn kiệt khi cần phải mua những nhu yếu phẩm hay những vật dụng để xây lại nhà đã sụp đổ của mình. Chúng ta cũng khó trách được những con buôn đó, vì cái quan điểm coi đồng tiền và thời cơ để kiếm tiền bất kể những nguyên tắc về đạo đức đã là quan điểm "chủ đạo" và được hệ thống chính quyền thực thi rất hiệu quả từ bao lâu nay, nó đã ngấm sâu vào tư duy của rất nhiều người mà chính tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới, từ thấp đến cao, từ trong nhà ra đến ngoài đường là một biểu hiện rất rõ.
Vì thế, với Nhật Bản thì thiên tai là một dịp để mọi người ngưỡng mộ cái tinh thần sống có giáo dục và có trách nhiệm - còn với Việt Nam thì cũng là dịp đế mọi người ngưỡng mộ cái tinh thần sống chết mặc bay và thái độ vô trách nhiệm với những nạn nhân - đều là ngưỡng mộ cả thôi !
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét