Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Những tấm gương trong cuộc sống

Hàng nghìn cuộc đời được tái sinh nhờ vị giáo sư Pháp gốc Việt 
 
Bỏ tiền túi mỗi ba tháng một lần bay từ Pháp về Việt Nam mổ những ca bệnh khó, giáo sư Rene D.Esser đã trả lại cuộc đời cho hàng nghìn người và đều nhớ kỹ về họ.
28 năm đi đứng khập khiễng do di chứng của chất độc da cam, chị Nguyễn Thanh Hà cam phận với ý nghĩ cuộc đời mình sẽ trở thành gánh nặng suốt đời người thân. Nhiều lần đi khám, các bác sĩ đều từ chối phẫu thuật, cho đến khi gặp được giáo sư Rene, chị như được sinh ra một lần nữa. Từ cô gái chân khoèo, tay khoèo, đau nhức không làm gì được, sau 2 ca mổ, chị Hà đã đi đứng nhanh nhẹn hoạt bát. Hiện chị trở thành chủ một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng, dạy nghề miễn phí cho hàng trăm bạn trẻ khuyết tật. Đôi chân đã có thể đứng vững, đôi bàn tay co quắp ngày nào có thể thoăn thoắt từng nhát kéo làm đẹp cho mọi người.
 
"Giáo sư chính là vị thánh sống đã ban cho tôi đôi chân. Lúc trước nhiều khi tôi chỉ biết nghĩ đến cái chết để chấm dứt các cơn đau đớn hành hạ", chị Hà xúc động chia sẻ.
 
Hơn 7 năm nay, hàng trăm ca mổ phức tạp như trường hợp của chị Ngọc Hà được giáo sư Rene trực tiếp phẫu thuật trên khắp cả nước. Rời Việt Nam định cư tại Pháp cùng gia đình khi mới một tháng tuổi, vị bác sĩ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình luôn hướng về quê hương bằng tất cả tấm lòng. Quyết định chọn theo ngành y của ông một phần cũng xuất phát từ trăn trở phải trở về quê, góp một phần công sức cho chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Vợ ông vốn là cô gái Hà Nội sang Pháp du học.

 
Nhiều năm liền, giáo sư Rene D.Esser (giữa) đã trở thành người thầy, người bạn lớn của các bác sĩ phẫu thuật xương khớp Việt Nam. Ảnh: Lê Phương.
 
Tốt nghiệp ĐH Y khoa Paris, Pháp, năm 1975, sau một thời gian đi nghĩa vụ ở đảo quốc Samoa, ông qua Đức bắt đầu sự nghiệp. Sau 3 tháng vừa phụ mổ vừa bập bẹ học tiếng Đức, ông dẫn đầu cuộc thi tuyển gắt gao để trở thành trưởng khoa chấn thương chỉnh hình của một bệnh viện có quy mô 220 giường. Lúc ấy ông chỉ mới 29 tuổi. Một thời gian sau, vợ không thích môi trường ở Đức, cộng thêm nhận được lời mời nên ông trở về lại Samoa. Tại đây, vị bác sĩ đứng ra vận động tài trợ để xây một bệnh viện chấn thương chỉnh hình rồi bàn giao lại cho chính phủ. Với những đóng góp to lớn cho người dân đảo, ông được đức vua Samoa nhận làm con nuôi và tặng huy chương danh dự, trở thành Hoàng tử của quốc đảo xinh đẹp.
“Lúc tôi đến, đảo quốc còn nhiều khó khăn. Ngày rời đi, đảo hầu như không còn ai tàn tật vì đều đã được phẫu thuật. Thường với những ca bệnh phức tạp, người dân trên đảo phải ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém. Từ khi tôi về, tất cả các ca mổ khó đều thực hiện tại chỗ”, giáo sư chia sẻ.
Trong thời gian ở đảo, tiếng tăm của vị bác sĩ giỏi 5 ngoại ngữ đã lừng lẫy khắp nơi qua các bài giảng, các chuyến công tác tại nhiều nước trên thế giới. Đến năm 1990, Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ mời ông về làm Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phong hàm giáo sư (Tốt nghiệp ĐH Y khoa sau 15 năm cặm cụi làm việc và học hỏi ông mới được phong hàm Giáo Sư, chứ không giống như các “giáo sư” và “tiến sĩ” ở VN chỉ tốn $15.000 USD là có). Suốt thời gian công tác tại Mỹ, ông vẫn thường xuyên trở lại Samoa qua những chuyến thăm khám, phẫu thuật miễn phí. Ông còn kết hợp đưa các bác sĩ ở Samoa sang Stanford đào tạo chuyên môn để họ quay về giúp đảo quốc. Năm 1995, bố mẹ đã lớn tuổi nên ông quyết định quay trở về Pháp công tác để gần gũi gia đình.
 
Một đời tích cóp kinh nghiệm, đến lúc tay nghề và điều kiện thực sự vững vàng, ông chủ động tìm về Việt Nam trong các chương trình mổ từ thiện.
 
Ông trực tiếp tham gia nhiều ca mổ khó tại các bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, 108… cùng nhiều bệnh viện lớn nhỏ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Không ngại vất vả, ông đến tận những nơi xa xôi để tận tay mổ cho dân nghèo. Mỗi chuyến trở về, ông thường đứng ra vận động tài trợ dụng cụ, thiết bị, thuốc men từ các công ty bên Pháp trao tặng cho Việt Nam.
Tự tay cầm dao phẫu thuật cho hàng chục nghìn ca lớn nhỏ nhưng vị bác sĩ không quên một ai. Mỗi bệnh nhân ông đều ghi nhớ rất kỹ lý lịch của họ. Ông quan niệm, mổ mới chỉ là một phần công việc của người bác sĩ, việc theo dõi sự hồi phục của bệnh nhân luôn là điều cần thiết. Những ca mổ đặc biệt như cô bé bị bỏ rơi đa dị tật bẩm sinh Thùy Nhi với bàn tay và chân bị khoèo, phủ tạng bị đảo ngược, trái tim nằm bên phải... ông hầu như nhớ đến từng chi tiết.

 
Giáo sư Rene (ở giữa) và các bác sĩ bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Đ.P.
 
Ngược xuôi đi về, nỗi niềm canh cánh nhất trong ông là sau bao nhiêu năm Việt Nam hầu như vẫn chưa có sự thay đổi nổi bật trong lĩnh vực y tế. Phòng mổ, trang thiết bị các bệnh viện khi ông mới bước chân về nước so với bây giờ vẫn chưa có sự đầu tư đáng kể. Tỷ lệ người nghèo tàn phế, phải sống chung với thương tật suốt đời do không có điều kiện phẫu thuật vẫn còn rất nhiều.
“Những chuyến đi mổ trên quê hương mình giúp tôi có cảm giác được làm nghề y đúng nghĩa, đúng với tâm niệm phấn đấu suốt cả cuộc đời”, vị bác sĩ với nhiều giải thưởng quốc tế, nhiều công trình y học nổi tiếng thế giới trải lòng.
Nhiều năm liền ông âm thầm truyền nghề cho các bác sĩ Việt Nam. Trong ca bệnh nhân viêm dính cốt hóa khớp háng - xương hóa thạch tạo thành một mảng đá cứng che phủ phía trước, vùng bẹn và sau khớp háng hiếm gặp mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115 được chứng kiến người thầy “trời sinh ra để mổ” tỉ mẩn, khéo léo với từng đường nét phẫu thuật. Sau hơn ba giờ đục đẽo, các bác sĩ đã lấy ra gần 0,8 kg xương cứng để tạo hình và đặt khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân. Trước đó bệnh nhân bị tai nạn, gãy cột sống và bị liệt hai chân, đã được phẫu thuật hai lần, trong đó có một lần tại Hàn Quốc nhưng vẫn không thể đi đứng được. Ca mổ thành công tốt đẹp, bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, người song hành trong mỗi đợt về Việt Nam của giáo sư Rene cho biết, nhiều năm nay những ca bệnh khó của bệnh viện đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của vị giáo sư tài ba.
“Với những ca phẫu thuật phức tạp, chúng tôi thường hội chẩn từ xa để trao đổi ý kiến cùng giáo sư và tìm ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu nhận thấy điều kiện Việt Nam không đủ thực hiện, giáo sư không ngại mang dụng cụ từ Pháp lặn lội về để vừa kết hợp mổ vừa tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp cho các bác sĩ bệnh viện”, bác sĩ Phú chia sẻ.
Không chỉ học được ở giáo sư những kiến thức chuyên môn như cách làm việc chuyên nghiệp, cách lập kế hoạch trước, trong và sau mổ, cách đưa ra phương án, xử lý tình huống tài tình, bác sĩ Phú còn nêu gương ông ở góc độ một người thầy giản dị, chân tình bởi cái tâm cao cả, hết lòng vì bệnh nhân nghèo.
Một đời miệt mài "hóa kiếp sâu thành bướm", hồi sinh nhiều cuộc đời tàn tật bất hạnh, vị giáo sư ghiền ăn cơm nước mắm Việt Nam vẫn không ngừng ấp ủ những dự định trên xứ sở quê hương để hướng đến mục đích cuối cùng giúp những người vốn là gánh nặng gia đình trở thành người lành lặn, hòa nhập tốt với cuộc sống đời thường.
 
Lê Phương
 

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

PHIẾN ĐÀM

Vấn đề hạnh phúc:
Chỉ có thể đi cùng bạn một đoạn đường
Du Vũ Minh
***

Sau cơn mưa vào ngày xuân hôm ấy, người bạn tốt của tôi ngỏ lời từ giã. Tôi kiên trì đòi đưa bạn ấy ra đến trạm xe.  Bạn ấy ngăn cản tôi:
"Đưa người ngàn dặm, cuối cùng rồi cũng cách biệt” (Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt).  Dù thế nào đi nữa thì bạn cũng chỉ có thể đưa tôi đi một đoạn đường, thôi thì chỉ đưa tôi đến cửa thì ngừng bước nhé."
Tôi đành tôn trọng theo ý kiến của bạn ấy và  trầm ngâm và nghiệm lẽ rằng:

1/. Mỗi con người đều chỉ đan xen vào một đoạn trong cuộc sống của người khác.  Điều chắc chắn vĩnh viễn là chỉ có thể đưa người cùng đi một đoạn đường. 

- Bạn thương yêu cha mẹ mình, hy vọng họ sống lâu trăm tuổi, nhưng trong lúc bạn đang rất hiếu thuận với cha mẹ mình, thì họ cũng sẽ rời xa trước mặt bạn, bạn cũng chỉ có thể đi cùng cha mẹ mình một đoạn đường mà thôi.

- Bạn yêu thương con cái của mình ư, từng giờ khắc bạn mong rằng mình có thể vì chúng mà ngăn gió chắn mưa.  Vậy mà bạn đang lớn tuổi từng ngày, rồi cũng có một ngày, trước mặt các con bạn cũng phải bỏ chúng mà đi, bạn chỉ có thể cùng đi với con cái một đoạn đường.

- Bạn có người vợ tâm đầu ý hợp, nhưng hai mươi mấy năm trước cô ấy thuộc về cha mẹ, vài mươi năm sau cô ấy cũng bị con cái, vận mệnh, mà chia cách, bạn cũng chỉ có thể đi cùng với nàng một đoạn đường.

- Bạn xem trọng trong tình nghĩa bạn bè, nhưng nếu không phải là bạn bè lìa xa bạn, thì cũng chính là bạn sẽ lìa xa bạn bè, bạn chỉ có thể cùng đi với bằng hữu một đoạn đường.


2/. Cũng vì chỉ có thể cùng đi với nhau một đoạn đường, nên bạn càng thêm quí trọng tiếc thương.
- Lúc mà người ta cơ nhỡ đói rách, sự quan tâm của bạn nên trở thành một quả táo.
- Lúc mà người ta giá rét, thì sự giúp đỡ của bạn nên biến thành một cái áo bông.
- Lúc mà người ta vui vẻ hạnh phúc, thì sự tươi cười của bạn đáng nên sáng lạn nhất.
- Lúc mà người ta gặp chuyện thương tâm, thì sự vỗ về an ủi của bạn đáng thật là chân thành thiết tha...
 
3/. Bởi vì chỉ có thể cùng người đi một đoạn đường, nên bạn cũng cần học cách từ bỏ.
Cha mẹ chỉ có thể vỗ về nuôi nấng bạn trưởng thành, không nên kỳ vọng cha mẹ là cái quải trượng (cây gậy) vĩnh viễn của bạn, để có thể chống đỡ toàn bộ cuộc đời của bạn.
 
Con cái cũng chỉ cùng liên quan huyết nhục với bạn, chứ không phải là vật phẩm phụ thuộc của bạn, bạn cần phải biết tôn trọng sự lựa chọn cuộc đời của chúng.
 
Vợ con vì bạn mà cung phụng dâng hiến hết tình ái, nhưng sinh mệnh của nàng không phải là vật phẩm thế chấp của ái tình, nên dành cho nàng những khoảng riêng tư cần thiết.
 
Bằng hữu có thể cho bạn sự ấm áp, nhưng loại ấm nồng này là loại tình cảm mở, bạn không thể cưỡng hành độc chiếm tình hữu nghị của người khác...
 
Như vậy, bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có thể cùng người đi một đoạn đường đời; đó chính là tính hữu hạn mà bạn cho người khác, vậy thì làm sao có thể mong cầu người khác cho đi sự vô hạn được?


NGƯỜI VIỆT ĐÁNG NGƯỠNG MỘ

18 ĐIÊU KHIẾN NGƯỜI MỸ NGƯỠNG MỘ NGƯỜI VIỆT

Mới đọc qua tưởng lại một bạn ngọai quốc chê Việt Nam một cách khéo léo, ai dè là một góc nhìn rất chân thật, mộc mạc và có phần dí dỏm. Những điều đáng yêu này không thể tìm được ở đâu ngoài Việt Nam...



1. Tôi ngưỡng mộ sự cần cù chăm chỉ của người Việt Nam. Nhiều người làm việc cật lực từ 6 giờ sáng đến nửa đêm hàng ngày, dù thành quả chỉ là một vài USD.

2. Tôi ngưỡng mộ sự bẽn lẽn và ngây thơ như trẻ con của nhiều thanh niên. Các chàng trai và cô gái trong lứa tuổi 20 tán tỉnh và đùa cợt với nhau theo cách mà bạn không bao giờ nhìn thấy ở Mỹ nữa. Người ta mất thời gian để tìm hiểu nhau hơn và có thể hẹn hò nhiều tháng trước khi có một mối quan hệ yêu đương chính thức.

3. Tôi ngưỡng mộ việc người Việt Nam có thể ăn một loại trái cây bốc mùi khủng khiếp như sầu riêng. Đối với tôi, nó có mùi như thuốc đắng trộn với… nước đái mèo.

4. Tôi ngưỡng mộ việc rất nhiều người dân ở đây có thể mặc chiếc áo khoác dày cộp khi trời nóng 35 độ C và nói rằng đó là cách làm “mát”. Rõ ràng nó không mát theo cách thông thường mà người Mỹ hiểu, nhưng có lẽ nó làm họ dễ chịu hơn là bị mặt trời đốt cháy.

5. Tôi ngưỡng mộ cách những người đàn ông say xỉn và nằm lăn quay trên phố. Điều này tốt hơn là nửa tỉnh nửa say và đâm phải ai đó bằng chiếc xe của mình.



6. Tôi ngưỡng mộ sự kiên nhẫn của mọi người trong sự kẹt xe giao thông. Nếu là dân Mỹ như tôi, hẳn họ sẽ không ngớt chửi rủa và rên rỉ khi ngồi trong một chiếc xe máy lạnh mát mẻ của mình.

7. Tôi ngưỡng mộ cách các bậc cha mẹ ở Việt Nam chăm chút các đứa trẻ của mình. Họ nói chuyện và chơi với con của họ liên tục và chạy sau lũ trẻ để đảm bảo rằng chúng không bị ngã. Ở Mỹ, hầu hết các bậc cha mẹ dường như không mấy vồ vập khi thấy đứa trẻ của mình sau một ngày dài làm việc.

8. Tôi ngưỡng mộ cách người dân hành xử trong các vụ va chạm giao thông. Họ có thể bị ngã, nhưng vẫn bỏ qua cho nhau và ngồi lên xe đi tiếp, không gọi cảnh sát và nhờ luật sư kiện tụng như ở Mỹ.



9. Tôi ngưỡng mộ cách người Việt Nam có thể có vẻ ngủ bất cứ nơi nào. Đàn ông thường xuyên ngủ trên xe máy hoặc trên mặt đất, trẻ nhỏ thì ngủ khi ngồi giữa bố mẹ trên xe máy, và tất cả mọi người đều có thể ngủ trên chiếc xe buýt xóc như rang ngô trên chuyến đi Gia Lai, ngoại trừ tôi.

10. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ những người phụ nữ ở Việt Nam. Họ có thể làm những công việc khó khăn và kéo dài, nhưng vẫn mong muốn được tự tay chăm sóc những đứa trẻ và chuẩn bị các bữa ăn gia đình.

11. Tôi ngưỡng mộ cách mọi người có thể “ngồi xổm kiểu châu Á” trong nhiều giờ. Tôi đã thử ngồi như vậy một vài phút, và nó đã làm lưng tôi tê liệt.



12. Tôi ngưỡng mộ người Việt Nam vì họ có thể ngủ bất kể xung quanh ồn như thế nào. Đó có thể là tiếng ồn của xe cộ, các công trình xây dựng hang tiếng nhạc từ phòng karaoke nào đó.

13. Tôi thậm chí còn ngưỡng mộ những con chó ở Việt Nam. Chúng chắc chắn là một trong những động vật thông minh và bền bỉ nhất trên thế giới. Những chú chó ở Việt Nam tránh ô tô và xe máy rất giỏi, đồng thời cũng phải đủ khôn ngoan để không bị biến thành bữa ăn của ai đó.

14. Tôi ngưỡng mộ đức tin đặc biệt của của những người tham gia giao thông. Nó giống như việc các tín đồ Do Thái băng qua Hồng Hải nhờ vào phép màu của nhà tiên tri Moses.

15. Tôi ngưỡng mộ việc những đứa trẻ và người già đi bán vé số thay vì chỉ đi ăn xin. Tôi luôn luôn cố gắng giúp đỡ họ bất cứ khi nào có thể.

16. Tôi ngưỡng mộ việc những người đi xe máy có thể chở nhiều đồ hơn khối lượng mà tôi chở được trên chiếc xe tải nhỏ của mình.



17. Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của những đứa trẻ đi bộ và đi xe đạp trên đường phố trong giờ cao điểm. Chúng di chuyển bình thản như thể chẳng có chiếc xe nào xung quanh cả.

18. Trên hết, tôi ngưỡng mộ tình yêu và sự kính trọng mà người Việt Nam dành cho người thân, tổ tiên và bạn bè. Hầu hết các gia đình sẽ cầu nguyện, thắp hương và dâng cúng không chỉ cho ông bà cha mẹ đã mất của mình mà cả các thế hệ trước đó và thậm chí là cả các mối quan hệ xa xôi. Tôi đã thấy người thân đi xa hàng trăm dặm chỉ để tỏ lòng tôn kính với ông bác quá cố của tôi trong dịp Tết. Con cái có thể thay mặt cha mẹ đến và tỏ lòng tôn kính với những người mà họ chưa bao giờ gặp trong đời. Đây chỉ là danh sách của tôi bây giờ. Tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều điều khác để những người ở nước khác ngưỡng mộ về người Việt Nam.