Đàm đạo chuyện đạo đức, khoa học, y tế
Tuần vừa qua, báo soha.vn gửi một loạt câu hỏi và có nhã ý mời tôi trả lời. Lần đầu tiên tiếp xúc với soha.vn, mà tôi hoàn toàn chưa nghe đến trước đây, và cũng trong tình trạng bận rộn chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới nên cũng phân vân chưa dám nhận lời. Nhưng thấy họ làm việc cũng professional nên cảm thấy yên tâm, và câu hỏi cũng hay nên thấy cũng xứng đáng tiêu thì giờ bàn chuyện. Thế là tối về trả lời một mạch. Kèm theo đây là những câu hỏi và trả lời.
1- Thưa Giáo sư, ông đã từng nói có một sự “sòng phẳng của lịch sử” trong đó công lý phải được tôn trọng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều y bác sỹ quá coi nhẹ tính mạng của con người. Chất độc dioxin có thể không còn được sử dụng ở Việt Nam nữa, nhưng những “mũi tiêm độc” thì vẫn còn, giết chết nhiều sinh mạng. Liệu sự vô tâm, bất cẩn của người làm ngành y có thể bị coi là một tội ác?
Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Tôi nghĩ có nhiều khác biệt giữa câu chuyện dioxin (hay chất độc da cam) và những “tai nạn” y khoa trong thời gian gần đây. Chuyện dioxin xảy ra trong thời chiến và nó được sử dụng như là một phương tiện có chủ đích là khai quang. Còn các tai nạn y khoa xảy ra gần đây phần lớn là do chểnh mảng và kém ý thức, chứ không có chủ đích gây hại. Chẳng hạn như vụ tiêm vắc-xin dẫn đến tử vong cho hàng loạt trẻ em là một tai nạn lớn và rất nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ không một ai làm việc phòng chống bệnh cố ý gây tác hại đến cộng đồng cả.
Những bất cẩn, hay tôi gọi là “chểnh mảng”, rất đáng lên án, nhưng tôi không muốn nghĩ đến như là tội ác. Ở nơi tôi đang làm việc, chểnh mảng trong công việc để gây thương tật hay tử vong cho người khác được xem là một tội hình sự. Luật pháp về an toàn ở Úc rất nghiêm ngặt. Mỗi tuần chúng tôi đều có nhiệm vụ kiểm tra và cảnh giác những người công tác trong viện về an toàn; nếu người dưới quyền tôi để cho tai nạn nghiêm trọng xảy ra, thì tôi là người bị mất chức đầu tiên, và sau đó là viện trưởng chứ không phải là người cộng sự của tôi. Tôi có cảm giác là ở Việt Nam người ta chưa có những qui trình về an toàn trong viện, hay có thì cũng chẳng ai quan tâm. Ngay cả việc kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện là điều hết sức cơ bản mà hầu hết các bệnh viện ở VN đều chưa đạt chuẩn mực. Do đó, tai nạn có thể xảy ra đây đó là một điều không khó hiểu; khó hiểu chăng là những tai nạn này xảy ra hết năm này đến năm khác.
2- Thưa Giáo sư, tôi không biết ở Úc thì ra sao, nhưng ở Việt Nam thì thời gian đào tạo sinh viên y khoa dài hơn các ngành học khác. Có ý kiến cho rằng, do thời gian đào tạo dài và tốn kém nên sinh viên sau khi ra trường đã cố gắng tìm mọi cách để "thu hồi vốn", bất chấp y đức... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
NVT: Thời gian đào tạo bác sĩ ở đâu cũng tương đương nhau. Nếu tuyển thẳng từ trung học thì thời gian là 5-6 năm; nếu tuyển từ những người đã có bằng cử nhân thì thời gian là 4 năm. Tuy nhiên, thời gian đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở VN thì ngắn so với nước ngoài. Thật ra, hệ thống đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở VN cũng rất khác với các nước trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Chương trình học cũng khác. Sinh viên y khoa nước ngoài không học các môn học về chính trị và triết, thay vào đó họ học về khoa học xã hội và y đức.
Tôi không thấy bằng chứng gì về tương quan giữa thời gian đào tạo và y đức. Bác sĩ ở các nước như Úc và Mĩ trước khi hành nghề phải qua đào tạo ít nhất 9 năm, và tốn khá nhiều tiền, nhưng họ không có “tai tiếng” về đạo đức như đồng nghiệp bên Việt Nam. Y đức bao gồm những qui ước và nguyên tắc về quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Y đức có khi thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa điạ phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lí thì vẫn không thay đổi: không làm hại bệnh nhân. Do đó, tôi nghĩ thời gian đào tạo và y đức là hai khía cạnh rất khác nhau.
3- Ở các nước phát triển, thu nhập của các bác sĩ là tương đối cao, và đó là thu nhập hoàn toàn minh bạch. Còn ở Việt Nam, thu nhập được coi là minh bạch của bác sĩ (như tiền lương) lại khá thấp. Giáo sư có cho rằng đồng tiền là yếu tố quyết định sự tồn vong của y đức? Và bác sĩ phương Tây dễ “giữ mình” hơn vì họ được trả lương cao hơn?
NVT: Nếu tính bằng đơn vị tiền tệ tuyệt đối (như USD chẳng hạn) thì thu nhập của bác sĩ ở nước ngoài tương đối rộng rãi (chứ không phải cao như nhiều người nghĩ) so với đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng nếu tính tương đối và điều chỉnh cho chi phí và điều kiện kinh tế địa phương thì tôi nghĩ sự khác biệt giữa hai nhóm không cao như nhiều người tưởng.
Nhiều người than phiền rằng lương bác sĩ VN quá thấp, và tôi cũng thấy như thế. Thật ra, tôi có lần nói rằng chưa có nơi nào trên thế giới có những qui định về đồng lương cho bác sĩ kì quặc như ở VN, và tôi xem đó là một hình thức khinh thường bác sĩ. Tuy nhiên, tôi thấy ở các thành phố lớn, bác sĩ ở VN giàu hơn bác sĩ nước ngoài, và đó là một thực tế. Có thể ghé qua những bệnh viện lớn (như Bạch Mai chẳng hạn), chúng ta sẽ thấy bác sĩ ở đó giàu như thế nào, và họ cũng thường hay đi nước ngoài. Do đó, trong thực tế một bộ phận bác sĩ ở VN không hề nghèo như nhiều người than phiền.
Theo tôi thấy thu nhập thấp có thể làm cho người thầy thuốc nhắm mắt làm lơ các qui chuẩn về y đức, nhưng đồng tiền chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất chi phối đến y đức. Tôi biết nhiều bác sĩ ở VN tuy thu nhập không cao và cũng chẳng có xe hơi, nhưng họ không hề làm gì đi ngược lại lời thề Hippocrate và vi phạm y đức. Vẫn còn nhiều người thầy thuốc “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Do đó, tôi nghĩ không phải chỉ đồng tiền, mà là cái tâm nó chi phối đến y đức.
4-Thưa Giáo sư, tôi đọc những bài viết của Giáo sư, thấy nhiều bài rất hay nói về các chức danh trong khoa học. Ở Việt Nam hiện nay, nói riêng trong ngành y thì hình như cứ làm lãnh đạo là đều có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sỹ gì đó… Theo ông, đó có phải là một sự lãng phí không (lãng phí về tay nghề chuyên môn, về chức danh, hay lãng phí vị trí lãnh đạo đó…)? Tiêu chuẩn để lựa chọn lãnh đạo trong ngành y ở Úc là gì, thưa ông?
NVT: Ở Việt Nam có một xu hướng thú vị là người ta đặt ra những tiêu chuẩn về học vị và học hàm cho những chức danh hành chính và quản lí. Do đó, hệ quả là nhiều bác sĩ phải đi học để có những văn bằng như tiến sĩ, và phấn đấu để có học hàm như giáo sư, phó giáo sư. Văn bằng tiến sĩ và các chức danh học thuật đó chủ yếu là thuộc về lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khoa học. Thế nhưng ở Việt Nam, văn bằng tiến sĩ và học hàm đó là cứu cánh nhưng cũng là phương tiện để họ tiến vào những vị trí quản lí hay nói nôm na là “làm quan”. Xu hướng làm quan này làm phí nhân lực cho nghiên cứu khoa học. Hệ quả là VN có rất ít công trình nghiên cứu y khoa trên các tập san y khoa quốc tế. Ngay cả số công trình trên các tập san quốc tế thì phần lớn (gần 90%) là do ngoại lực chứ không phải nội lực. VN có nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành y, nhưng đóng góp cho khoa học thì còn rất khiêm tốn.
Ở Úc, tiêu chuẩn lãnh đạo còn tuỳ thuộc vào uy danh của trường hay bệnh viện. Tôi có thể nói ở viện tôi (Viện Y khoa Garvan) thì tiêu chuẩn tuyển lãnh đạo khá rõ ràng: đó là người có viễn kiến (vision) và chiến lược để thực hiện viễn kiến đó; phải chứng minh được có khả năng lãnh đạo và quản lí; phải có một thành tích nghiên cứu xuất sắc đứng vào hạng 1% trong chuyên ngành trên bình diện thế giới. Đó là những tiêu chuẩn về chiến lược, kĩ năng lãnh đạo, và thành tích khoa học. Nhưng tôi nghĩ rất khó so sánh hay áp dụng tiêu chuẩn của các nước phương Tây cho Việt Nam vì những khác biệt về trình độ khoa học, môi trường văn hoá, môi trường học thuật, và thể chế.
5- Theo ông, những “căn bệnh” nguy hiểm nhất của y tế Việt Nam hiện nay là gì? Cội rễ của những căn bệnh này là do đâu? Có “thuốc” nào chữa trị dứt điểm được không?
NVT: Tôi phải nói trước rằng tôi không làm việc trong nước nên chỉ có thể nói theo cái nhìn của người ngoài cuộc, và có thể cái nhìn đó không chính xác, thậm chí sai. Theo tôi, ngành y tế ở trong nước có những vấn đề nổi cộm: quá tải, chi phí điều trị cao so với thu nhập, và đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng quá tải đã xảy ra khá lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Chi phí điều trị ở VN tuy còn thấp nếu tính bằng đôla, nhưng không thấp đối với người nghèo. Giá thuốc ở VN có thể nói là khá cao so với nước ngoài. Tôi đã từng biết có người tự tử chết vì cái toa thuốc chưa đến 1 triệu đồng. Còn vấn đề y đức thì đã quá phổ biến đến nổi mở bất cứ tờ báo nào, theo dõi bất cứ diễn đàn nào, chúng ta cũng đều thấy đề cập đến vấn đề đạo đức trong ngành y.
Hệ quả là ngành y đánh mất sự tin tưởng ở một bộ phận lớn công chúng. Những người có điều kiện tài chính đều chọn điều trị ở nước ngoài. Ngay cả một số quan chức cao cấp cũng được điều trị ở bệnh viện nước ngoài. Câu hỏi “do đâu” là một câu hỏi đắt giá, và khó có thể nói đầy đủ trong một bài viết. Tôi nghĩ “trái tim” của bất cứ vấn đề gì là con người. Khi nói “con người” tôi muốn nói đến hai khía cạnh: chuyên môn và phẩm chất. Có thể nói rằng sự phát triển ngành y và chất lượng đào tạo trong ngành y không/chưa theo kịp sự gia tăng về nhu cầu sức khỏe.
Một yếu tố tôi nghĩ đến là năng lực quản lí. Rất dễ dàng thấy mỗi khi có “sự cố” xảy ra, thì các quan chức thường hành xử bằng thanh tra và … chỉ thị. Chỉ thị qua công văn trên giấy tờ. Cấp trên cho rằng họ đã chỉ thị cấp dưới, và cấp dưới lại chỉ thị cho cấp thấp hơn, v.v. cuối cùng chúng ta thấy người làm thực tế thì ít mà người chỉ thị thì khá nhiều. Hình như người ta cho rằng đã ra chỉ thị hay đã ra nghị định gì đó là xong phần việc của họ, còn thực hiện hay không là chuyện khác. Đó là một mô hình, một loại tư duy quản lí rất lạ lùng.
6- Thưa Giáo sư, nếu quy trách nhiệm về hiện trạng ngành y Việt Nam hiện nay (sau hàng loạt bê bối như nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức, sai sót khi tiêm vắc xin khiến trẻ tử vong) cho một số cá nhân thì có chính xác không? Theo ông, chỉ thay đổi một vài cá nhân thì có thay đổi được hiện trạng không?
NVT: Tôi nghĩ mỗi sự việc đều có nguyên nhân đặc thù đằng sau mà có lẽ người ngoài như chúng ta khó mà biết được. Vụ “nhân bản xét nghiệm” có thể đã xảy ra từ lâu và ở nhiều nơi, nhưng chỉ mới bị phát hiện ở một bệnh viện. Đó là cách mà người ta “làm tiền” bảo hiểm. Cũng có thể xem đó là một hình thức ăn cắp một cách có hệ thống, và người bệnh chính là nạn nhân vì người bệnh chi trả cho các phí tổn đó.
Vụ tiêm vaccine dẫn đến tử vong cho vài trẻ em thì quả là một “tai nạn” rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng là vì dẫn đến tử vong cho cả chục trẻ em. Ấy thế mà có người xem đó là một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được. Thật là khó hiểu và khó chấp nhận lí luận “rủi ro có thể chấp nhận” khi hàng chục trẻ em chết vì tiêm vaccine hay tiêm nhầm vaccine!
Những sai sót hay tai nạn vừa đề cập xảy ra là đáng tiếc, nhưng tôi nghĩ không nên tập trung vào những cá nhân. Nói ví von một chút, ở Mĩ, khi một đội bóng đá của trường đại học thắng, người ta tìm một nhân vật tiêu biểu để vinh danh; nhưng khi đội bóng đá thua trận thì người ta cấm tuyệt đối không đổ thừa cho cá nhân, mà phải xem xét lại qui trình tại sao dẫn đến thua trận. Tương tự, khi tai nạn xảy ra chúng ta cần phải xem xét lại hệ thống và qui trình, chứ không phải cá nhân. Hệ thống quản lí như thế nào mà để ra vụ nhân bản xét nghiệm. Qui trình tiêm chủng như thế nào để cho nhầm lẫn vaccine. Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Dĩ nhiên, việc truy tìm cá nhân và qui trách nhiệm sẽ làm cho nhiều người hài lòng vì tâm lí “tôi không có lỗi, họ có lỗi”, nhưng sẽ không giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.
7- Thưa Giáo sư, ở Úc, khi đi khám chữa bệnh, người gốc Việt được đối xử như thế nào? Có sự kỳ thị nào không? Có chuyện phân biệt bệnh nhân giàu - bệnh nhân nghèo không? Chất lượng phục vụ ở bệnh viện công và bệnh viện tư có khác gì nhau không?
NVT: Ở Úc, không bao giờ có sự phân biệt sắc tộc, hay giới tính, thành phần kinh tế, hay bất cứ khía cạnh nào trong các dịch vụ y tế. Phân biệt đối xử có thể xem như là một tội phạm. Rất khó so sánh chất lượng phục vụ giữa bệnh viện công và bệnh viện tư ở Úc vì theo tôi thấy rất tương đương nhau. Trước đây, tôi có tham gia một công trình nghiên cứu về sai sót trong y khoa, và kết quả cho thấy tỉ lệ sai sót trong bệnh viện công có phần thấp hơn (không đáng kể) so với bệnh viện tư.
8- Giáo sư đã làm việc ở các cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam bao giờ chưa? Xét về thái độ làm việc, cung cách đối xử với bệnh nhân, ông nghĩ y bác sĩ Việt Nam đạt mấy điểm (ví dụ là trên thang điểm 10)?
NVT: Tôi không có làm việc ở VN, nhưng hay theo bạn bè và bà con vào bệnh viện, và âm thầm theo dõi. Vì thế tôi cũng có vài kinh nghiệm thú vị. Tôi thấy khá nhiều (không phải tất cả, nhưng “khá nhiều”) bác sĩ Việt Nam có thái độ hống hách, phách lối, và hành xử như là người ban ân huệ. Họ xem bệnh nhân như là những người dốt nát, không đáng để họ tốn thì giờ giải thích. Dĩ nhiên, có khi họ quá bận, nhưng tôi đang nói về trường hợp trong bệnh viện và họ có thì giờ để giải thích cho bệnh nhân. Hình như họ không quan tâm đến chữ “service” hay chăm sóc bệnh. Nhưng bên cạnh những người như thế, ngành y vẫn còn những người đàng hoàng và họ làm việc với tinh thần phục vụ, nhưng tôi e rằng con số đó không nhiều. Do đó, nếu phải chủ quan đánh dấu một điểm về dịch vụ và thái độ giao tiếp với bệnh nhân một cách toàn cảnh tôi sẽ cho điểm 3/10.
9- Theo ông thì bao nhiêu năm nữa, Việt Nam mới vươn tới được như nền y tế Úc, chỉ tính riêng về mặt y đức. Hay là không bao giờ?
NVT: Tôi không thích so sánh về các lĩnh vực mang tính định tính như đạo đức, vì bất cứ so sánh nào như thế cũng đều khập khiễng. Vả lại, những chuẩn mực về đạo đức mang tính phổ quát, không phải chỉ có áp dụng cho Việt Nam mà không áp dụng cho nước khác.
Không ai có thể tiên lượng hay tính toán bao lâu nữa nền y tế VN sẽ bằng nền y tế Úc hay một nước tiên tiến nào đó. Y đức là những qui ước về đạo đức hành nghề, chứ không phải là những chỉ tiêu định lượng có thể cân đo đong đếm nên rất khó so sánh bằng con số. Y đức là một phần của hệ thống đạo lí (morality) xã hội. Ở Việt Nam, đã có nhiều tiếng nói về sự suy thoái đạo lí từ những ba mươi năm qua. Chúng ta biết rằng suy thoái về kinh tế thì có thể hồi phục theo thời gian, nhưng hệ quả của suy thoái về đạo đức thì rất khó phục hồi do tính “di truyền” của nó.
10- Giáo sư có thể cho biết, các nước phát triển (trong đó có Úc - nơi ông đang công tác) có quy định nào cụ thể về y đức không? Nếu có thì nó được xây dựng trên cơ sở nào?
NVT: Có chứ. Bất cứ nước nào cũng có qui định về y đức. Các chuẩn mực về y đức được xây dựng trên cơ sở số 1 là không làm hại người bệnh, và dựa trên 4 nguyên tắc chính. Bốn nguyên tắc đó là: (i) tôn trọng quyền tự chủ của cá nhân; (ii) đem lợi ích đến cho người bệnh, giúp người bệnh kiểm soát sức khỏe của họ; (iii) công lí, tức bệnh nhân phải được bình đẳng trong chăm sóc, không được phân biệt đối xử; và (iv) tôn trọng quyết định cá nhân. Sau này, các nguyên tắc về y đức còn được mở rộng cho các hoạt động nghiên cứu y khoa trên người và trên động vật khác (ví dụ như trên chuột). Can thiệp trên chuột cũng phải xin phép ủy ban y đức, phải tuân thủ theo các chuẩn mực đạo đức. Tôi có tìm hiểu những chương trình giảng dạy về y đức ở trong nước, và thấy phần lớn nội dung cũng phù hợp với các chương trình ở nước ngoài, nhưng đây đó vẫn có vài điểm chưa hẳn thuộc về y đức mà có vẻ tuyên truyền chính trị.
11- Xin ông chia sẻ một vài câu chuyện gây bức xúc trong dư luận Úc về vấn đề y đức. Những trường hợp đó bị xử lí như thế nào?
NVT: Rất ít trường hợp vi phạm y đức được đưa lên mặt báo, nhưng khi có thì hình phạt rất nặng. Mấy năm trước, một bác sĩ gốc Việt bị tố cáo sàm sở với nữ bệnh nhân, khi ra tòa, anh ấy bị rút bằng hành nghề. Một bác sĩ cấp cao người Úc vì ham tiền nên ghi danh nhiều bệnh nhân vào một công trình nghiên cứu và vi phạm y đức, nên ông bị ra toà, và hình phạt bao gồm trả lại tiền và bị rút bằng hành nghề suốt đời. Có một trường hợp bác sĩ gây tử vong cho hàng loạt bệnh nhân thì hình phạt có thể là tù giam.
12- Sự khác biệt giữa ngành y tế các nước là tất yếu nhưng rõ ràng sự khác biệt không chỉ nằm ở điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật. Yếu tố con người ảnh hưởng như thế nào đến sự khác biệt này, thưa ông?
NVT: Như nói trên, tôi nhìn yếu tố con người như là trái tim của một hệ thống. Đặc biệt ngành y, yếu tố con người rất quan trọng, vì đó là một ngành nghề mang tính nhân văn chứ không thuần túy khoa học. Bệnh viện có thể có trang thiết bị tốt nhưng không có chuyên viên biết sử dụng thì cũng chỉ là một đống sắt vụn. Có thể nói rằng nhiều bệnh viện lớn ở VN có trang thiết bị không kém gì so với bệnh viện nước ngoài, nhưng tại sao bệnh viện VN vẫn chưa tạo được cái uy tín và uy danh quốc tế. Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở phẩm chất và chuyên môn của nhân sự ngành y và môi trường chung quanh. Cho dù ngành y có những bác sĩ rất tài giỏi nhưng môi trường chung quanh (như nhiễm trùng bệnh viện chưa kiểm soát được) và dơ bẩn thì ấn tượng để lại trong “khách hàng” không mấy đẹp.
13- Một vị lãnh đạo ĐH Y có nói rằng: "Một sinh viên học đầy đủ y đức trong trường Y là có thể chắc chắn trở thành bác sỹ có y đức", ông có đánh giá như thế nào về vai trò của việc dạy y đức trong nhà trường? Có phải cứ dạy đủ y đức là sẽ có bác sĩ có y đức, bất luận môi trường xã hội ra sao?
NVT: Tôi rất có cảm tình với nhận xét của vị lãnh đạo, nhưng tôi thấy khó chia sẻ nhận xét đó. Chúng ta nên nhớ rằng có tình trạng “trả chữ cho thầy”. Y đức là một bộ phận của hệ thống đạo lí xã hội. Người bác sĩ tương tác với xã hội và chịu sự chi phối của môi trường đạo lí xã hội. Do đó, cho dù người bác sĩ đã học về y đức trong nhà trường, nhưng khi tiếp xúc với môi trường ngoài xã hội có thể bị lệch. Vấn đề còn là giảng dạy y đức theo chương trình nào nữa. Vấn đề cần đặt ra vì những điều lệ về y đức của VN hiện nay rất khác với điều lệ y đức trên thế giới.
14- Thưa Giáo sư, ông có thể khái quát về quá trình đào tạo bác sĩ ở Úc hiện nay? Nó khác như thế nào so với Việt Nam? Đã từng thỉnh giảng ở một số đại học Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về khả năng của sinh viên và khả năng đào tạo y khoa ở Việt Nam? Theo ông điều gì sinh viên ngành y Việt Nam đang thiếu so với sinh viên ngành y ở Úc?
NVT: Ở Úc có 2 mô hình đào tạo bác sĩ. Mô hình thứ nhất có thể tạm gọi là “mô hình cử nhân”; theo đó, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xuất sắc được tuyển chọn qua kì thi và phỏng vấn cá nhân. Sinh viên được tuyển thường theo học 5-6 năm (tuỳ trường) và tốt nghiệp với bằng cử nhân y khoa và cử nhân giải phẫu (MBBS). Mô hình thứ hai là mô hình sau đại học, các thí sinh đã tốt nghiệp cử nhân với hạng xuất sắc muốn theo học y khoa sẽ được tuyển chọn qua một kì thi và phỏng vấn cá nhân. Với mô hình thứ hai, sinh viên theo học y khoa 4 năm, và cũng tốt nghiệp với văn bằng MD (doctor of medicine).
Chương trình huấn luyện cấp cử nhân (MBBS hay MD) thường được cơ cấu thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là chương trình học cơ bản (7-8 course), như quá trình phát triển của một cá nhân, lão hoá, môi trường, xã hội, và y đức. Giai đoạn 2 là học tiền lâm sàng. Giai đoạn 3 là tập trung học về lâm sàng, nhưng vẫn học khá nhiều môn về khoa học cơ bản và khoa học xã hội. Nhìn qua chương trình đào tạo ngành y ở VN (tôi chỉ nói các trường lớn và tương đối lâu đời) tôi thấy không khác so với các trường bên Úc. Nhưng trong thực tế thì có sự khác biệt lớn về nội dung và cơ sở vật chất giữa Úc và Việt Nam. Ở Úc và nhiều nơi trên thế giới (ngay cả Thái Lan), sinh viên y khoa học khá nhiều về khoa học cơ bản và sinh học với thực hành trong labo, nhưng ở VN thì vẫn còn thiếu thầy cô có kinh nghiệm và labo cho sinh viên. Vì thế không ngạc nhiên khi rất nhiều bác sĩ VN chưa cập nhật nổi những kiến thức cơ bản về sinh học, di truyền học, và sinh hoá vốn rất quan trọng cho ngành y.
Rất khó đánh giá chất lượng đầu ra của các trường y bên VN vì tôi không có dữ liệu. Nhưng có thể so sánh với một số nước chung quanh về tỉ lệ thi tuyển y khoa. Ở Úc, các bác sĩ tốt nghiệp ở ngoài nước Úc có thể hành nghề y nếu họ qua một kì kiểm định về kiến thức và kĩ năng lâm sàng do Hội đồng Y khoa Úc điều hành. Kết quả kiểm định của các bác sĩ tốt nghiệp từ Việt Nam không được khả quan. Chẳng hạn như năm 2009, có 19 bác sĩ thi về kiến thức y khoa, và chỉ có 7 người (~37%) được đỗ. Tỉ lệ này tương đối thấp khi so với bác sĩ Miến Điện (100% đỗ), Ấn Độ (52%), Nam Phi (68%), và Trung Quốc (43%). Tỉ lệ bác sĩ tốt nghiệp từ Việt Nam đỗ về lâm sàng cũng chỉ dao động trong khoảng 30-50%, và thấp hơn các bác sĩ từ các nước như Philippines, Ấn Độ và Miến Điện.
15- Trong một bài viết của có tựa đề "Y đức và đạo lý", ông cho rằng GPTM không thuộc ngành y, vậy theo ông, trách nhiệm vụ bác sĩ thẩm mỹ phi tang thi thể nạn nhân thuộc về đâu? Ông đã bao giờ nghe đến trường hợp bác sĩ làm chết rồi phi tang xác như trường hợp của bác sĩ Tường trên thế giới chưa ạ?
NVT: Tôi viết rằng xét trên khía cạnh mục tiêu và đối tượng thì GPTM không thuộc ngành y. Tôi chỉ nói giải phẫu thẩm mỹ (cosmetic surgery) chứ không đề cập đến giải phẫu chỉnh hình (constructive surgery). Dĩ nhiên, quan điểm đó của tôi không được nhiều người tán thành, và người ta có thể phản đối bằng cách chỉ ra rằng bác sĩ làm phẫu thuật thẩm mĩ là … bác sĩ. Cố nhiên, tôi cũng có thể chỉ ra rằng một người xuất thân là bác sĩ cũng có thể kinh doanh. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật làm đẹp ứng dụng kỹ năng y khoa, kiến thức khoa học để đem lại cái đẹp cho khách hàng rất khác với bác sĩ điều trị bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh.
Tôi chưa bao giờ nghe hay biết bác sĩ thẩm mỹ nào phi tang thi thể nạn nhân như vị bác sĩ ở Hà Nội. Có lẽ đó là một trường hợp đầu tiên trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ không nên nhân một trường hợp cá biệt mà suy luận về tình trạng y đức cho toàn ngành y.
NGUYỄN VĂN TUẤN