Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012


 Báo SGGP số ra ngày thứ Ba 10/4/2012 và thứ Tư 11/4/2012 đã đăng 2 bài viết về Diện Chẩn : THỰC HƯ DIỆN CHẨN - HIỆU QUẢ CHƯA ĐƯỢC MINH ĐỊNH. Là một người đọc, chúng tôi xin có vài suy nghĩ như sau.

DIỆN CHẨN - THẾ NÀO LÀ THỰC, THẾ NÀO LÀ HƯ ?


THẾ NÀO LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU CÓ GIÁ TRỊ ?
Từ xưa tới nay, khi nói đến Y học trị liệu thì ai cũng biết rằng có hai hệ thống lớn là Tây Y và Đông Y. tuy cùng mục đích là chữa bệnh, cứu người thế nhưng mỗi hệ thống  lại có những nguyên tắc lý luận, phương pháp, kỹ thuật, phương tiện chăm sóc và điều trị khác nhau, không thể dùng nguyên tắc lý luận, quan điểm học thuật của Tây Y để đánh giá Đông Y là mơ hồ, kém giá trị và dĩ nhiên cũng không thể đứng trên quan điểm Đông Y với nguyên lý Âm Dương để phê phán Tây Y chỉ biết dựa vào thuốc men, mổ xẻ và máy móc !
Ngoài ra, trong từng khu vực địa lý, trong mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng dân cư lại có những phương pháp phòng chống và điều trị bệnh tật  khác nhau, đôi khi có những bí thuật không thể dùng lý luận khoa học giải thích được, mặc dù hiệu quả thì không thể chối cãi. Và dĩ nhiên cũng không thể đứng trên nền tảng của Tây y hay Đông Y để phê phán, người ta chỉ có thể phê phán những kẻ lợi dụng các liệu pháp này để mưu cầu danh lợi, mà điều này thì trong bất cứ hệ thống trị liệu nào cũng có những kẻ như vậy.

Với Tây y, một ngành trị liệu với hệ thống lý luận được xem là mạch lạc và khoa học cũng đã từng tồn tại những định kiến sai lầm về các phương pháp chữa bệnh, không phải chỉ có từ thời xa xưa, khi  chưa tìm ra vi trùng để người ta đưa ra nhận định về những nguyên nhân tự nảy sinh của các chứng bệnh, mà ngay cả với các phương pháp chữa bệnh ở thế kỷ 19, khi người ta cho rằng muốn chữa bệnh phải trích máu độc ra khỏi cơ thể người bệnh, cho đến khi nhờ nghiên cứu của bác sĩ Pierre Louis năm 1836 mới biết rằng đó là một kỹ thuật  nguy hiểm mà lẽ  ra phải tiếp thêm máu. Đến khi việc  tiếp máu cho thấy có tác dụng rõ rệt, nó cũng phải mất gần 100 năm mới được giới y khoa chấp nhận. Thế nhưng khi việc tiếp máu đã trở thành một cách điều trị được xem là hiệu quả và có giá trị cao thì mới gần đây, qua một nghiên cứu lâm sàng năm 1999 có tựa là “Transfusion requirements in critical care” được công bố trên tập san New England Journal of Medicine cho thấy ngoại trừ các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính, thì việc truyền máu cho những bệnh nhân nguy kịch với một liều lượng hemoglobin trung bình có thể làm tăng nguy cơ tử vong! đó là một thực tế đã làm chấn động các bác sĩ chuyên ngành hồi sức trong các bệnh viện. 

Một thí dụ khác, từ lâu giới bác sĩ Tây Phương thường khuyên các bà mẹ nên cho trẻ em sơ sinh ngủ nằm sấp, vì họ tin rằng cách nằm ngủ này làm giảm xác xuất trẻ em chết đột ngột (SIDS) mãi cho đến thập niên 1980, sau một loạt nghiên cứu lâm sàng mới cho thấy rõ ràng các trẻ sơ sinh nằm sấp có nguy cơ bị chết cao hơn trẻ nằm ngửa.  Có thể kể ra đây nhiều tình trạng, hay trường hợp cho thấy nhiều phương pháp trị liệu của một nền y khoa truyền thống không có hiệu nghiệm như chúng ta nghĩ. Thậm chí trong quá trình điều trị, người thày thuốc còn có thể có những nhầm lẫn gây tổn thương cho bệnh nhân mà những sai sót trong điều trị này hầu như có thể đọc trên các trang báo hằng ngày.Nhưng điều đó vẫn chưa đáng ngại bằng đã có rất nhiều phương pháp chữa trị trong Tây Y chưa bao giờ được kiểm tra, đánh giá bằng các phương pháp khoa học thực chứng, là phương pháp chứng minh giá trị bằng những chứng cớ thực sự.

Như vậy, ngay chính với các biện pháp trị liệu trong khuôn khổ của một nền y học tân tiến vẫn còn có những phương pháp chưa được khảo nghiệm, vẫn còn nhiều những nguyên tắc nay đúng mai sai hay có những những sai sót trong quá trình trị liệu, vẫn còn rất nhiều bệnh không chữa được, thì hà cớ gì lại lấy những nguyên lý đó để làm thước đo, làm chuẩn mực cho những kỹ thuật hay phương pháp điều trị không sử dụng những dược liệu, dụng cụ cũng như biện pháp chữa bệnh của Tây Y để xem đó là những cơ sở lý luận truyền thống phải tuân thủ? 

Nếu không thể dựa trên những cái gọi là cơ sở lý luận truyền thống thì ta sẽ dùng cách đánh giá gì để tìm ra độ tin cậy của một phương pháp? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đã  xếp loại những phương pháp nghiên cứu hay điều trị vào 6 nhóm có mức độ tin cậy từ thấp đến cao: 

Mức độ tin cậy thấp nhất đó chính là ý kiến cá nhân của một vài  bác sĩ, hay lương y nào đó, bất kể họ có bằng cấp hay vị trí nào trong các chuyên ngành, nếu ý kiến đó không được chứng minh bằng các chứng cớ khoa học thực chứng! Thế nhưng, đáng tiếc thay hiện nay có rất nhiều những bài báo, phóng sự tậm chí là những nghiên cứu viết về các phương pháp chữa bệnh, lại chủ yếu dựa vào ý kiến của một vài  nhà chuyên môn ( mà có khi chỉ dám nói một cách chung chung là bác sĩ này, lương y kia …) đưa ra những nhận xét hết sức chủ quan và lại xem đó là một yếu tố đánh giá đáng tin cậy. 

Trong khi đó, yếu tố đánh giá có mức độ tin cậy cao nhất là những kết quả phân tích khuynh tâm (metaanalysis) Đây là một nghiên cứu dựa trên nhiều nghiên cứu. Trong thực tế, đây là một sự tổng hợp và hệ thống hóa kết quả từ nhiều nghiên cứu khác nhau, như tổng kết các kết quả thử nghiệm lâm sàng đối chứng. Như để xác định một phương pháp chữa bệnh có giá trị hay không, người ta sẽ thu thập kết quả từ nhiều nguồn, từ nhiều đối tượng khác nhau, từ nhiều địa phương với những nhà trị liệu khác nhau trên thế giới. Nếu tất cả đều có những kết quả tương tự nhau, dù ít hay nhiều, bởi vì đâu có một phương pháp nào hoàn hảo?  thì cũng đã đem lại độ tin cậy cao nhất cho phương pháp hay kỹ thuật đó. Và khi đã có những thông tin, những nhân chứng, những tài liệu sách vở không chỉ đến từ một địa điểm là Việt Nam, mà còn đến từ rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả những đất nước có nền Tây Y tân tiến nhất như Pháp, Mỹ, Cu Ba, Nhật Bản, Australia để làm bằng chứng cho hiệu quả của một phương pháp chữa bệnh xuất phát từ Việt Nam thì tại sao lại không được xem xét, không được nêu ra trong các báo cáo hay trong các bài viết về phương pháp này!  Phải chăng đó là cách làm khoa học? hay chỉ là minh chứng cho sự cố chấp và hẹp hòi, là điều mà các nhà khoa học chân chính đã phải từng bước đấu tranh để vươn lên những tầm cao mới bằng những phát minh mới mẻ và hiệu quả.

THẾ NÀO LÀ MỘT NHÀ PHÁT MINH ?
Khi nói đến phát minh, ai cũng hiểu đó là sự tìm tòi ra cái mới mà từ trước đến thời điểm đó, chưa ai đã tìm ra! Nhưng phát minh không có nghĩa là phải tìm ra một cái mới hoàn toàn mang tính sáng tạo như biến cái không thành cái có vì làm được điều đó, có lẽ chỉ có Thượng Đế ! Mà phát minh là dựa vào những điều đã biết, đã có từ trước  để từ đó có thể dùng óc suy luận, sự tinh tế và cả óc tưởng tượng để tìm ra những quy luật, những nguyên lý mới, những công cụ và những kỹ thuật mới. Chúng ta không thể cho rằng, một nghiên cứu dựa vào các kiến thức, thông tin, hay các lý luận nền tảng đã có thì không thể xem là phát minh, mà phải tính đến các yếu tố mới lạ mà chỉ có nghiên cứu đó đã đưa ra, trước đó thì chưa có và điều đó đã được sự thừa nhận từ nhiều người, từ nhiều giới, từ nhiều quốc gia. Sự phản biện là cần thiết trong khoa học, nếu có ai chứng minh với những bằng chứng chính xác, với những con số thống kê hay những nhân chứng vật chứng là những gì mà một phương pháp được gọi là phát minh là không có gì mới, không có giá trị gì, thì điều đó mới gọi là sự công bằng và khách quan. Còn nếu như chỉ dựa vào những thất bại của phát minh, mà không đếm xỉa gì đến những thành công của nó, nếu chỉ nói rằng nó dựa vào các điều đã có sẵn, mà không thừa nhận những cái mới có thật của nó, thì không chỉ là sự cố chấp, sự ganh ghét mà còn  bộc lộ cái tầm thường về nhân cách và trí tuệ mà thôi.
Như vậy, giá trị của một phát minh chính là cái mới, và cái mới đó có thể dựa trên nền tảng của những cái cũ. Nhưng cái mới thôi chưa đủ, mà đó còn phải là một cái mới hữu ích, cái mới đem lại những kết quả cụ thể có thể nhận được, thấy được, và đây cũng là cơ sở của những phương pháp chữa bệnh mà kết quả là tình trạng khỏe mạnh của người bệnh. Tuy nhiên, phải chăng muốn làm ra được cái mới phải là những người có bằng cấp? có học vị ? còn nếu chỉ là một tay ngang thì sẽ không thể có được những phát minh có giá trị ? Trong khi ai cũng biết, bằng cấp là cái thước đo những kiến thức đã được lưu truyền qua sách vở, qua những lời giảng dạy hay các giáo trình đã được biên soạn kỹ lưỡng trong một số lĩnh vực nhất định, chứ không phải là thước đo cái mới! Và dĩ nhiên không ai có thể đòi hỏi một người phải là bác sĩ, lương y hay có bằng tiến sĩ Y khoa chính quy từ một trường đại học danh tiếng mới được phép nghiên cứu và phát minh những gì thuộc về Y học. Ở đây, chúng ta cũng cần phân biệt một phát minh, nhất là một phát minh bao gồm nhiều kỹ thuật, công cụ khác nhau với một công trình nghiên cứu hay một luận văn tiến sĩ.  Với một công trình nghiên cứu thì có thể không cần có cái mới, và phải dựa trên nền tảng một hệ thống lý luận vững chắc, từ nền tảng này nhà nghiên cứu sẽ đưa ra những đánh giá, những lý luận mang tính phê phán hay một đề xuất thực hành khác, nhưng phải dựa vào những cái đã có, và điều này là hết sức bình thường trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng để phát minh, tuy có thể dựa vào các nền tảng lý luận, nhưng không nhất thiết phải đi theo những lập luận cứng nhắc của hệ thống lý luận đó, mà điều quan trọng là phải đưa ra được một cái gì mới, chưa từng có trước đây.
Chúng ta không thể phê bình một nhà  phát minh ra một phương pháp chữa bệnh mới là một tay ngang, không phải là y sĩ, lương y, bác sĩ … không biết tí gì về những lý luận cơ sở truyền thống hay không được đào tạo bài bản từ những trường Đại học y dược chính quy, mà phải nhìn vào chính những gì họ phát minh ra, và hơn nữa là tính hiệu quả của nó, mà nếu xét theo tỷ lệ thì chỉ cần đạt đến 60,70% là đã đủ để được công nhận Bởi vì ngay những phương pháp điều trị mới nhất, bằng những phương thuốc đắt tiền và mới nhất, thì hiệu quả cũng chỉ đến thế, vì dù gì đi nữa, nó vẫn còn phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ cơ địa, thể trạng cho đến tâm lý, sự tin tưởng của bệnh nhân. Chính các bác sĩ cũng phải thừa nhận, yếu tố tâm lý là một yếu tố không thể cân đo, đong đếm nhưng nó quyết định đến gần 50% kết quả trị liệu. Bên cạnh đó, ai cũng biết, sự tin tưởng của bệnh nhân vào thày thuốc cũng là một yếu tố quan trọng.
Như vậy, dù Tây Y hay Đông Y, không chỉ là những kỹ thuật, công cụ hay thuốc men quyết định cho sự thành công của một tiến trình trị liệu, mà còn là cái năng lực và cao hơn nữa là cái tâm của người thày thuốc. Chính điều này mới đem lại sự tin tưởng đích thực, chứ không phải là bằng cấp hay vị trí mà guồng máy truyền thông, quảng cáo cố tình gieo rắc vào tâm lý quần chúng. Những điều đau lòng đã xẩy ra từ những nguồn thông tin không rõ ràng, chủ quan, phiến diện và thậm chí là phản khoa học do giới truyền thông đưa ra nhằm tạo ra những hiệu ứng đám đông, đã xảy ra rất nhiều trên đất nước chúng ta, chưa đủ là những bài học hay sao ?

Hơn thế nữa, nếu áp đặt những tiêu chuẩn để đánh giá một nhà phát minh hay một phương pháp như trên, thì có lẽ nền khoa học nói chung và nền y học nói riêng của thế giới vẫn còn quanh quẩn đâu đó ở cái thời Trung Cổ tối tăm, với những định kiến bài bác một cách cực đoan các phát minh khoa học mới mẻ đã dẫn đến một cuộc cách mạng vĩ đại của thời Phục Hưng, và đưa đến những cuộc cách mạng y học thần kỳ đem lại sức sống cho biết bao con người trên thế giới, mà điển hình như với Louis Pasteur, ông đã được tôn vinh là “cha đẻ của ngành vi sinh vật học” khi chưa bao giờ chính thức học về y khoa và chưa bao giờ có bằng bác sĩ, nhưng vẫn được coi là môt thầy thuốc vĩ đại và là ân nhân của nhân loại.
Nếu chỉ căn cứ vào các cơ sở lý luận truyền thống hay đánh giá con người qua bằng cấp, thì chúng ta sẽ bỏ qua tất cả các nghiên cứu lâm sàng trong một thời gian dài dựa trên các bệnh nhân nghiện ma túy để tìm ra những huyệt đạo mới trên khuôn mặt, là một điều mới lạ xưa nay chưa từng có, mặc dù khái niệm về huyệt đạo đã có từ hàng ngàn năm nay. Chúng ta cũng bỏ qua ba mươi năm nghiên cứu của TS. Bùi Quốc Châu, một nhà phát minh trong quá trình phát triển phương pháp Diện Chẩn từ một huyệt đánh số 1 đi đến vài trăm huyệt trên mặt cho đến hàng chục  đồ hình đồng ứng trên cả con người dựa trên cơ sở lý luận của phản xạ học và nền tảng Âm Dương, hệ thống Tam Giáo và cả với kho tàng văn hóa Việt …từ năm 1980 đến nay, để xem  ông chỉ là một tay ngang không có bằng cấp gì, đã dùng mánh khóe mô phỏng, áp dụng những kỹ thuật đã có sẵn của Đông Y, Tây y  để trở thành một Tiến sĩ chui – chữa bệnh chui chỉ nhằm kiếm vài trăm nghìn đồng một ngày ! 

Ông có thể bịp được hàng chục, thậm chí hàng trăm những người bệnh nhân thất học, nghèo nàn, phải “khúm núm đến trước mặt các con ông, nhét vào dưới các túi dụng cụ những tờ 20, 50 đẫm mồ hôi và nước mắt của họ” để xin chữa những căn bệnh mà nếu họ muốn được điều trị, sẽ chỉ tốn vài trăm ngàn, hay vài triệu đồng tiền thuốc và hàng giờ đồng hồ, đi từ 3,4 giờ sáng để xếp hàng mỗi ngày tại các bệnh viện đã luôn luôn quá tải. Nhưng ông không thể bịp những người nước ngoài, có trình độ học thức và niềm kiêu hãnh của riêng họ, Những người  mà ông đã đứng ra giảng dạy phương pháp chữa bệnh này từ quốc gia này qua quốc gia khác và được họ chấp nhận và khâm phục. Ngoài ra, liệu ông có thể dùng đồng tiền để mua chuộc một bác sĩ nổi tiếng của Pháp, ông Jean Pierre Willem đã viết trong lời tựa của cuốn sách ABC về Diện Chẩn: Căn cứ vào toàn bộ các phát minh của ông, chúng ta phải công nhận rằng Giáo sư Bùi Quốc Châu là một thày thuốc thiên tài và là một ân nhân của nhân loại.. Tất cả những điều đó, một tay ngang nào có thể làm được ?
  
Tại sao không nhìn lại suốt một chiều dài phát triển nền Y học nước nhà, đã có được bao nhiêu phát minh về Y học, đã có được bao nhiêu  phương pháp chữa bệnh  được rất nhiều người tin tưởng và theo học, đã được các bệnh nhân trên tại nhiều quốc gia  trên thế giới vận dụng để trị liệu để đem lại những kết quả cụ thể  là một niềm tự hào và đáng khích lệ của dân tộc và đất nước Việt Nam !
Chúng ta đã vinh danh cho nhiều người Việt Nam mà đa phần được học tập, đào tạo và sinh sống tại nước ngoài khi họ nhận được những bằng khen, những sự tôn trọng cũng của nước ngoài. Thế nhưng khi có một người Việt Nam, sinh sống, học tập và nghiên cứu với những điều kiện hết sức hạn chế tại Việt Nam, đã phát minh ra một phương pháp và được nước ngoài thừa nhận là có giá trị, thì tại sao lại phê bình, đánh giá bằng những quan điểm cứng nhắc, lạc hậu và cố chấp mà lẽ ra phải tạo cho họ những điều kiện tốt đẹp nhất để đem vinh quang lại cho đất nước !

THẾ NÀO LÀ MỘT MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI  ?
Chúng ta đã thấy rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, cần cù, rất kiên nhẫn và vô cùng chịu khó học hỏi, thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao trong lĩnh vực khoa học nói chung và y học nói riêng, lại không có được nhiều nhà bác học hay những bác sĩ, lương y có được những nghiên cứu, phát minh hay công trình tầm cỡ, đem lại sự tôn trọng của những quốc gia hay dân tộc khác ?
Đây là một câu hỏi không mới, và câu trả lời cũng không có gì là quá khó bởi vì nó đã được chứng minh không phải trong thời hiện đại, mà ngay cả trong quá khứ cũng đã cho thấy, đa phần những tài năng xuất chúng của Việt Nam đã phải sống và là việc trong những điều kiện như thế nào, thậm chí là đã bị vùi dập như thế nào bởi tính ganh ghét, bởi sự cố chấp và bởi tầm nhìn hạn hẹp của những kẻ có chức, có quyền lúc bấy giờ.
Vì thế, mặc dù là một dân tộc với nhiều đặc tính ưu việt, nhưng vì không có được một môi trường thuận lợi để phát triển nên đã không thể sản sinh những anh tài, tuấn kiệt nhất là trong lĩnh vực nhân văn, khoa học và đặc biệt là Y học. Như vậy, thế nào là một môi trường thuận lợi? Một môi trường được xem là thuận lợi khi có được những yếu tố sau đây: 

Đứng về phương diện khách quan là các yếu tố : Cơ sở nghiên cứu hạ tầng đầy đủ, khả năng của người lãnh đạo có cái tâm và cái tầm, có những chính sách quan điểm đúng đắn, có nguồn kinh phí đầu tư thích đáng.
Về phương diện chủ quan thì những người có liên quan trong lĩnh vực đó cần có khả năng phối hợp và những gì họ đưa ra phải có khả năng ứng dụng. 

Như vậy, chúng ta thấy rằng vấn đề không đơn giản bằng những chủ trương duy ý chí hay bằng chỉ đưa ra những phê phán  dựa vào các chuẩn mực truyền thống mà muốn tạo nên một sự phát triển nhân tài, cần phải nhìn nhận những hạn chế về môi trường của mình, để cải thiện hay thậm chí là thay đổi thì mới có thể đem lại cho quốc gia những nhân tài và hơn thế nữa là những kết quả cụ thể từ những phát kiến của họ.  Chúng ta phê phán những cái sai, những điều gian dối nhưng chúng ta cũng phải tạo ra được những môi trường thuận lợi để những phương pháp, những con người có năng lực có thể phát triển, đưa ra những phương pháp mới, đem lại những giá trị không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả những giá trị về mặt vật chất cho đất nước và con người Việt Nam. 

Chính GS. TSKH Bùi Quốc Châu đã khẳng định, phương pháp Diện Chẩn không nhằm mục tiêu thay thế cho Tây Y hay Đông Y, bởi vì vẫn có rất nhiều bệnh cần phải chữa bằng các kỹ thuật tân tiến, bằng các y cụ và thuốc men phù hợp của Tây Y hay bằng những thang thuốc cổ truyền, bằng kỹ thuật Châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp của Đông Y. Mà đây là một phương pháp hỗ trợ điều trị cho những căn bệnh thông thường. Hay nói đúng hơn đó là một liệu pháp phòng bệnh tích cực dựa trên nền tảng huy động những năng lực phòng vệ có sẵn nơi mỗi con người chúng ta, điều mà cả Tây Y lẫn Đông Y hoàn toàn tán thành và cũng đã tích cực vận dụng. 

Hiện nay, để phát triển cơ sở nghiên cứu hạ tầng cho Tây Y và Đông Y là điều không dễ dàng trong khi với chủ trương biến bệnh nhân thành người chữa bệnh cho chính mình và cho những người xung quanh, thì việc dựa vào sức dân chính là nền tảng phát triển tốt nhất mà phương pháp Diện Chẩn đã vận dụng, thì tại sao chúng ta lại cấm đoán và liệu rằng có thể cấm được không khi đó là nhu cầu quan trọng của mỗi người? Về quan điểm thì rõ ràng những nhà lãnh đạo có uy tín như Cố TBT Nguyễn Văn Linh, cố thủ tướng  Võ văn Kiệt, ông Mai Chí Thọ ..vv. cũng đã có những đánh giá khách quan và đúng đắn về phương pháp này và điều quan trọng nhất là đã từ bao năm nay việc nghiên cứu đầu tư cho phương pháp này đều do cá nhân của ông Bùi Quốc Châu cùng những cộng sự và môn sinh của ông tự xoay sở trong khả năng của mình và điều rõ ràng là nếu có sự công nhận chính thức, thì nguồn thu từ những đoàn người khắp nơi trên thế giới kéo về Việt Nam để học tập và nghiên cứu phương pháp này, chắc chắn không phải là nhỏ và đó là một nguồn kinh phí không giới hạn !  Hơn nữa, khi vận dụng những biện pháp tự chữa bệnh cho bản thân và cho những người quen chung quanh những bệnh thông thường, thì chính người dân đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn cho việc khám chữa bệnh, giải quyết tích cực tình trạng quá tải hiện nay ở các bệnh viện đang là một vấn nạn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Nhưng đây không phải là điều hữu ích nhất mà phương pháp này đem lại vì giá trị lớn nhất của nó chính là niềm tự hào dân tộc, điều mà Đảng và Nhà Nước ta đang tìm mọi biện pháp để xây dựng và cồ súy. Đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để làm việc này, thay vì cứ phê phán và bắt bẻ những khiếm khuyết hay sai lầm nhỏ nhặt trong quá trình phát triển của phương pháp này. Tại sao không ?
Lê khanh