Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Đào tạo Tiến sĩ theo chuẩn của Việt Nam

29000 tiến sĩ đến 2020?


Trước đây, có chỉ tiêu đào tạo 20,000 tiến sĩ trong thời gian 2010-2020. Nay lại có thêm chỉ tiêu 29,000 tiến sĩ cho các đại học đến năm 2020. Giáo dục Việt Nam ta lúc nào cũng chạy theo những con số! Nhưng đằng sau những con số đó là những giả định quá lạc quan. Giả định quá lạc quan cũng có nghĩa là những chỉ tiêu đó có thể lại là một giấc mơ đầy lãng mạn.
Lượng: khó
Ngày 17/6/2010, Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2010-2020”. Đề án này có tổng kinh phí khoảng 700 triệu USD, trong đó khoảng 10,000 tiến sĩ sẽ được đào tạo ở nước ngoài, 3000 đào tạo trong nước. Tôi đã từng phát biểu rằng chỉ tiêu này rất khó thực hiện, vì cơ sở vật chất, vì số nghiên cứu sinh, và thậm chí kinh phí còn quá thấp.
Tháng 12/2011 vừa qua, Bộ GD&ĐT trình bày kế hoạch phát triển nguồn nhân lực mới về đào tạo giảng viên đại học. Theo kế hoạch này, VN sẽ đào tạo đủ 29,000 giảng viên là tiến sĩ ở các trường đại học vào năm 2020. Tôi nghĩ chỉ tiêu này càng khó thực hiện.
Trong cuốn sách “Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập”, tôi có trình bày thống kê cho thấy hiện nay con số giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ còn thấp. Theo số liệu 2008, trong số 38,217 giảng viên đại học ở Việt Nam, 44% có bằng cử nhân, 40% thạc sĩ, và 15% (tức 5643 người) có bằng tiến sĩ. Để có 29,000 tiến sĩ đến năm 2020, các đại học VN phải có thêm 23,000 ngàn tiến sĩ.
Hai mươi ba ngàn tiến sĩ trong vòng 8 năm. Tức là mỗi năm phải đào tạo hay tuyển mộ gần 3000 tiến sĩ! Rất hiếm có nước đang phát triển nào có thể làm một bước nhảy vọt như thế. Ngay cả Thái Lan, hiện nay cũng chỉ có 14,000 tiến sĩ trong các đại học. Nếu như theo những gì Bộ GD&ĐT tin tưởng, thì 8 năm nữa, các đại học VN sẽ có nhiều giảng viên với trình độ tiến sĩ hơn Thái Lan!
Phẩm: càng khó hơn
Những nhận xét trên là về phần lượng, còn phần phẩm lại càng có nhiều điều đáng bàn hơn. Chắc chắn một số lớn tiến sĩ sẽ được đào tạo trong nước. Nhưng với tình trạng nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập và hạn chế hiện nay, vấn đề chất lượng là điều rất đáng quan tâm. Theo tôi, có 3 vấn đề lớn trong việc đào tạo tiến sĩ (hay nghiên cứu sinh nói chung) ở trong nước: đó là thiếu người hướng dẫn có kinh nghiệm, đề tài thiếu cái mới, thiếu chuẩn mực cho một luận án tiến sĩ. Vì những vấn đề như thế, các luận án tiến sĩ từ VN không được đánh giá cao. Trong cuốn “Việt Nam từ năm 2011” (Nxb Tri Thức 2011) Gs Trần Văn Thọ viết và tôi rất đồng ý: “Những vấn đề lớn của Việt Nam là hiểu chưa đúng về chuẩn mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình độ của người được cấp bằng tiến sĩ nói chung, cơ chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa xác lập được cơ chế đánh giá khách quan về luận án tiến sĩ và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn bằng này.” (Trang 286).
Đào tạo tiến sĩ một cách nghiêm chỉnh rất khó. Ngoài vấn đề ý tưởng nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, đến thầy cô đều phải rất sẵn sàng. Tôi cũng có dịp đọc nhiều đề cương và luận án tiến sĩ y khoa trong nước, và cảm nhận chung là chưa thấy một đề cương hay luận án nào thật sự xứng đáng với 8 tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ. Những nghiên cứu (mà thực chất là làm kiểm kê lâm sàng – clinical audit, hoặc cao hơn chút là làm thống kê đếm số) vừa đơn giản, vừa tủn mủn, và “me too”. Vậy mà những dữ liệu như thế cũng biến thành luận án tiến sĩ! Khi tôi cho vài nghiên cứu sinh xem một luận án tiến sĩ y khoa ở viện Garvan, thì ngay cả các em ấy cũng thấy luận án của họ có nhiều vấn đề.
Xin trích một nhận xét khác của anh Trần Văn Thọ: “Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành” (trang 287). Thật là đáng buồn cho nền học thuật nước nhà.
Nhưng tại sao cứ chạy theo chỉ tiêu? Tôi thật không hiểu nổi. Tại sao chúng ta không dần dần tạo ra một thực lực (critical mass) khoa học trước, tạo ra những điều kiện cần và đủ để đào tạo tiến sĩ, mà cứ mãi mê chạy theo những chỉ tiêu và con số? Trong khoa học, không có con đường nào để “đi tắt đón đầu” cả. Cứ nhìn sang Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, hay gần hơn là Thái Lan thì sẽ dễ thấy rằng họ phải tiêu ra một thời gian dài để có được một thực lực khoa học như ngày hôm nay. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến tuỳ bút Đi tìm cái tôi đã mất của Nhà văn Nguyễn Khải (2006), trong đó ông viết: “Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào.”
Câu đó vẫn còn tính thời sự, và rất đáng để chúng ta suy nghĩ về định hướng giáo dục theo chỉ tiêu và con số. Tôi vẫn nghĩ giấc mơ 29 ngàn tiến sĩ vẫn là một giấc mơ đầy lãng mạn.
Blog Nguyễn Văn Tuấn

 Đây là đào tạo hàng loạt TS theo chuẩn Việt Nam  chủ yếu là để gắn cái mác TS trước cái tên thôi và để đạt chỉ tiêu theo chỉ đạo - còn chuyện các ông nghè này có bằng Tiến Sĩ mà còn viết sai chính tả hay nói chuyện với Tây, chỉ biết dùng "ngôn ngữ cơ thể" hơn là "ngôn ngữ nói" thì đó lại không dính dáng gì đến chỉ tiêu cả !

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Khai bút với nỗi buồn " Gặp nhau cuối năm"


Một năm cũ đã qua – một năm mới  bắt đầu, trước khi nhìn về tương lai, một cái quay đầu về quá khứ, chỉ một năm thôi nhưng sao chợt thấy quá dài.
 Mỗi năm, trên đài VTV đều cho trình chiếu chương trình Gặp nhau cuối năm – ban đầu, chỉ là một chương trình văn nghệ tạp kỹ để kết thúc cho chuỗi chương trình tấu hài Gặp nhau cuối tuần – với  mục tiêu dùng tiếng cười để chế diễu  những chuyện tiêu cực của xã hội trong năm, dần đần khi chương trình mẹ là Gặp nhau cuối tuần đã hụt hơi và kết thúc, thì “Gặp nhau cuối năm” đã dần nổi lên như một sự kiện không thể thiếu – một chương trình tấu hài “Đỉnh cao” về các Táo quân, nhân vật cổ tích chuyên báo cáo mọi chuyện trong nhà ngoài ngõ cho Ngọc Hoàng, nghe qua rồi bỏ vì chỉ có quyền phán cho zui.
Dĩ nhiên vẫn chỉ là bình mới rượu cũ – Dù hình thức mỗi năm mỗi thay đổi, thêm các màn vũ đạo mà ngày càng có vẻ “Tàu hóa” – xem các cô vũ công Việt Nam múa mà cứ ngỡ xem các cô “nhện tinh” trong Phim Tây Du Ký của Tàu đang ra sức mê hoặc Đường Tăng – Còn nội dung thì vẫn là những màn châm biếm “chửi thay” cho người dân về sự tiêu cực trong  các lĩnh vực mà chính những người trong cuộc – Từ Ngọc Hoàng cho đến Nam tào, Bắc Đẩu và các Tếu Táo cũng thừa nhận; vẫn chỉ là chuyện cũ – như chuyện giao thông tắc đường, giáo dục nhồi sọ, đến nỗi chưa mở miệng chất vấn là táo đã biết hỏi gì !
Cái điều đáng kể ở đây là những lời hài tội – những phê phán đó vẫn chỉ làm được, và chỉ được phép làm đến thế - là lấy được nụ cười của những người xem – tuy đã nói lên những điều nổi cộm – đã chỉ ra không chỉ cái sai, mà còn là cái ngu, cái láo của từng ngành – nhưng đó vẫn không phải là những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm. Vì dù sao thì cũng chỉ là một chương trình tấu hài.
Nhưng, dù chỉ mới là những phê phán “xức thuốc ghẻ” thôi, đã đem lại một sức sống cho một chương trình nhỏ của một “nhóm nghệ sĩ” trong hàng trăm nhóm nghệ sĩ và Gặp nhau cuối năm – đã được mọi người chờ đón như một chương trình văn nghệ “trọng điểm” mà những chương trình tấu hài – cũng Táo, cũng Ngọc Hoàng, cũng phê phán, cũng hát hò của các đài TH khác vào dịp cuối năm không làm được. Điều này cho thấy, phê phán cũng không phải là dễ - nhưng cũng cho thấy phê phán đã, đang và sẽ làm một nhu cầu không thể thiếu dù chỉ là “phê phán trong khuôn khổ “ dù chỉ là phê phán những cái được phép, những cái mà năm nào cũng nói đến, và sự phê phán đó cũng không thay đổi được gì – Dù biết là thế, nhưng người dân vẫn chờ đón, để được cười – cười những kẻ đã làm cho họ phải khóc trong năm qua, dù biết rằng sau đó thì họ vẫn cứ phải tiếp tục khóc trong năm mới !
Còn nếu nói về những điều mà nhiều người quan tâm hơn thì có lẽ cái “cường độ” của các vụ việc đã ngày càng cho thấy – những cái ngu cái láo, cái đểu cáng của giới quan chức ngày càng được “nâng lên một tầm cao mới” từ cái chuyện buộc cán bộ - CNV trong đơn vị mình phải bầu chọn cho Vịnh Hạ Long vì cái danh hão của một chương trình thương mại “ 7 kỳ quan mới” của thế giới  cho đến việc cả một cái “triều đình” của cái gọi là “Tiểu khu tự trị Hải Phòng” xúm lại giành giật, cắn xé mẩu đất của một gia đình đã đổ ra biết bao mồ hôi , xương máu, biến đầm lầy thành đất nuôi trồng, dẫm đạp lên mọi  luật lệ của cái đất nước mà tiểu khu tự trị Hải Phòng đó đang lệ thuộc – nhưng các quan chức của một tiểu cường quốc đã chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới – vẫn im thin thít ! Báo chí chỉ được phép tuyên bố “qua loa” và nói những điều “trong khuôn khổ” – dù cái mục đích cướp đất để lấy tiền đền bù cho dự án đường cao tốc và sân bay quốc tế mọi người đều đã biết cả. Nhưng vẫn sẽ còn những quan chức “đọc báo mới biết” – kể cả các quan chức đầu ngành – thế mới hay !
Cũng vậy, có những chuyện bi thảm như một thiếu niên, chỉ vì đi phải chuyến xe nhồi nhét cuối năm – đã bị chèn ép đến độ tắt thở và bị vất xác ra ngoài đường – Sự cùng cực của tinh thần dã man, vô trách nhiệm – thì chuyện tắc đường trong Gặp nhau cuối năm, chẳng là “cái đinh” gì – Thế nhưng, dù câu chuyện xảy ra ngay trên quốc lộ, hàng trăm người chứng kiến – những kẻ dã man đó vẫn đang được “điều tra làm rõ” và cũng chưa biết có phải bị xét xử gì không, bởi vì chuyện vất xác một em bé không do mình giết – dù trên chuyến xe của mình – vẫn chưa được luật pháp quy định nên các kẻ làm luật vẫn chưa biết phải xử thế nào!
Ai cũng biết “Luật pháp” được đặt ra để bảo vệ người dân – Thế nhưng, khi một sát thủ lạnh lùng ra tay giết hại cả một gia đình để cưỡng đoạt tài sản – sau khi bị bắt, đưa ra xét xử chỉ bị lên án 20 năm tù – bởi khung hình phạt chỉ có thế vì kẻ sát nhân mới 17 tuổi – rồi một kẻ khác, cán chết một ông già, lại hãnh diện tung lên mạng cái “chiến tích” của mình – và nếu không có sự phẫn nộ của cư dân mạng, tiếp tay để tìm ra thủ phạm – thì cũng không biết đến bao giờ “nhà chức trách” mới “ điều tra làm rõ” !  Cũng có những trường hợp, chỉ vì ăn cắp một con chó, mà bị đám đông xúm vào đánh cho đến chết – Điều này cho thấy, cái thứ “luật Pháp” này đã không thể bảo vệ được bất cứ người dân nào bởi vì chính người dân đã không còn tin vào cái thứ cơ quan chỉ thích “điều tra làm rõ” những điều đã rõ như ban ngày .
Thế nhưng, nếu nói luật pháp không bảo vệ cho ai cả là sai, bởi vì có những thứ được luật pháp bảo vệ rất kỹ, rất quyết liệt, rất “hoàn hảo” như vụ tổ hợp Vinashin – đã làm thất thoát hàng trăm tỷ tiền thuế của người dân đóng góp – rồi các sai phạm của Điện Lực, đem tiền đi kinh doanh bị thua lỗ, bèn “cứa cổ” người dân bù vào … cũng như hàng chục cái tập đoàn khác, thì lại được bảo vệ vô cùng chu đáo – để không một quan chức nào phải bị  tù tội dù đã được “điều tra làm rõ” từ năm này sang năm khác.  
Tất cả những việc đó nói lên điều gì ? Từ trước đến nay, đa số đều nhìn vào cái hậu quả, để quy tội cho những cá nhân có liên quan – chúng ta chỉ lên án kẻ sát nhân, những kẻ ăn cắp, ăn cướp hay những “nhà xe” vô trách nhiệm… và kể cả những quan chức Tiểu triều đình Hải Phòng mà không thể, không biết lên án,không thể “điều tra làm rõ” cái gì đã dẫn đến những cách hành xử như vậy ?
Đó chính là từ trong cái bầu khí “ mình rình mọi người – mọi người rình mình” nơi mà thái độ vô cảm đã từng bước, từng bước ngấm dần vào trong máu thịt – bắt nguồn từ một cuộc sống cùng cực khó khăn của một xã hội bao cấp “ cái cứt gì cũng phân – mà phân thì như cứt” để khi gặp phải những sai lầm thì chỉ biết loay hoay “sai đâu sửa đấy, sai đó sửa đây, sửa đâu sai đó, càng sai càng sửa - càng sửa càng sai!”  Từ những điều như thế, được đưa vào giáo dục, và từ một nền giáo dục “càng sửa càng sai” đã đào tạo ra hết thế hệ này đến thế hệ khác mà ngày càng có nhiều thái độ, cách sống chỉ biết cho mỗi sự an nguy, cho mỗi cái quyền lợi nhỏ nhoi của chính mình.
Từ những bậc cha mẹ bạo hành con cái, những ông bà chủ dội nước sôi kẻ giúp việc – đó mới chỉ là những cái ác đơn lẻ, rồi đi đến những cái ác của những kẻ mặc áo trắng, làm trong bệnh viện, chứng kiến một nạn nhân đưa đến cấp cứu, dù biết rõ những người đưa nạn nhân đến không chỉ là người qua đường, mà còn là sinh viên nghèo, vẫn nhất quyết phải đóng đủ tiền mới ra tay cấp cứu – Kẻ cướp ác đã đành, mà chính những kẻ “lương y như từ mẫu” nếu xét ra còn ác khủng khiếp hơn – nhưng vẫn không ai phải “điều tra làm rõ” cả, vì luật quy định là nhập viện là phải đóng tiền, không có tiền thì chết ráng chịu – Chính cái quy định đó đã khiến cho người ta trở nên ác, khi không dám cứu người gặp nạn, vì không muốn chính mình lại trở thành nạn nhân vì không thể đóng tiền cho người mình giúp !
Thế nhưng, Có những kẻ được xem là một tấm gương sáng về giáo dục cho thanh niên noi theo lại có một thái độ không gọi là ác mà có thể xem đó là hèn, và hèn cũng là kết quả của cái tinh thần giáo dục áp đặt, cái bầu khí đã ngấm vào họ khi còn bé  – đó là cái thái độ “né” hay những tuyên bố “ trong phạm vi cho phép” của những kẻ được xem là “thành phần ưu tú” của đất nước. Họ cho rằng : Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Mặc dầu anh có nói thêm:”Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàngVới tuyên bố này – họ chỉ biết bảo vệ cho chính mình, không dám “dấn thân” với những tuyên bố “phản biện” trước những cái ác, cái ngu của cái xã hội đã tung hô họ, đã cấp nhà, đã phong chức tước cho họ, nhờ vào cái năng lực học tập, cái danh giá của giải thưởng mà họ được trao.
Với những người tri thức như thế, thì cái ác, cái ngu mà người dân đã, đang và sẽ phải chịu đựng, cùng với mong muốn được xem những chương trình kiểu Gặp nhau cuối năm, chỉ để được cười trong chốc lát và sau đó lại tiếp tục phải đối diện với những cái ác, cái ngu nặng nề hơn là điều dễ hiểu và dĩ nhiên là phải như thế  – Mỗi năm được nhắc lại và cuối cùng được Ngọc Hoàng an ủi với một chân lý không thay đổi : 
Hãy cố quên đi mà sống – lâu rồi đời mình cũng toi !

Lê Khanh 
Mùng 1 Tết Nhâm Thìn 

Nỗi buồn trước phút giao thừa

PHAN VÕ HOÀNG NAM
Còn vài tiếng nữa là đã đến giao thừa, kết thúc năm Tân Mão đầy những biến cố xã hội. Những tờ lịch trên tường tự nó không rơi xuống, nhưng thời gian thì vẫn cần mẫn, đều đặn vận hành cái guồng quay của vũ trụ. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, chưa kịp làm xong điều gì thì đã hết năm. Cuộc sống hiện tại luôn buộc chúng ta phải tất bật, phải bươn về phía trước để mà sinh tồn. Nếu không có phút giây chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì chúng ta cũng không có dịp ngồi nhìn lại những vui buồn, được mất trong một năm qua. Có thể nói năm Tân Mão – 2012 – là một năm đầy thử thách với đạo đức xã hội của người Việt. Nhìn lại những gì diễn ra trong đời sống có lẽ chúng ta khó tránh khỏi nổi buồn. Chưa bao giờ xã hội Việt nam phải đối mặt với nhưng vấn nạn về đạo đức hết sức nghiêm trọng như hiện nay. Cái ác, cái xấu xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi ngóc ngách của đời sống. Và thật sự nó đã làm những người còn có chút cái tâm thiện không khỏi buồn dai dứt.
        Từ ngàn xưa, người Việt Nam luôn tôn trọng và giữ gìn các giá trị đạo đức đã được dày công vun đắp qua bao đời, bao thế hệ. Đạo đức Việt Nam hình thành trên cơ sở tư tưởng nhân văn cao đẹp của dân tộc. Người Việt yêu chuộng hòa bình, sống chan hòa đùm bọc lẫn nhau, ứng xử có chừng mực và trọng chữ tín. Những giá trị đạo đức ấy qua bao nhiêu năm tháng đã trở thành nền tảng của xã hội với những quy tắc cụ thể mà mỗi thành viên trong xã hội phải lấy đó làm chẩn mực để ứng xử. Nền tảng đạo đức xã hội là cái gốc, là thước đo, là giới hạn cho mỗi cá nhân để có thể có một sự hành xử chừng mực đúng lúc mỗi khi gặp phải vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội. Nó như một thứ luật bất thành văn mà mỗi cá nhân trong cộng đồng đều tuân thủ một cách tự nguyện. Tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng chính là tôn trọng phẩm giá cá nhân của bản thân và của mọi người, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức ấy trong đời sống. Một xã hội văn minh  không thể không có đạo đức. Luật pháp chỉ có thể phát huy tác dụng của nó trong quản lý xã hội khi các thành viên trong xã hội ấy có được một nền tảng đạo đức đủ để hiểu, chấp nhận và tuân thủ các quy định của pháp luật.
        Đọc báo mạng, chúng ta không thể không xốn xang trong lòng với những vấn đề vi phạm đạo đức đang diễn ra hàng ngày trong xã hội. Người ta ứng xử với nhau như chưa bao giờ là đồng bào của nhau. Chỉ là những va quẹt nhỏ cũng có thể dẫn đến xô xát. Bạo lực diễn ra ở khắp mọi nơi, từ trong gia đình, nhà trường cho đến ngoài xã hội. Học sinh đánh nhau hội đồng, cô giáo thô bạo với học trò, học sinh đánh thầy cô giáo…Đạo đức xã hội xuống cấp ngay trong môi trường hình thành nhân cách cá nhân cho những công dân tương lai. Đi học là để học làm người biết cách cư xử theo lễ nghĩa, biết hành động theo nguyên tắc, biết tôn trọng các giá trị đạo đức. Thế nhưng qua những thông tin mà chúng ta nhận được trên các phương tiện thông tin đại chúng, rõ ràng cái lễ nghĩa trong ” tiên học lễ, hậu học văn ” đã không được tôn trọng và thực hiện. Nơi dạy lễ nghĩa mà ứng xử với nhau không có lễ nghĩa như thế thì làm sao có thể phát huy được cái nền tảng đạo đức của ông cha ta đã dày công đúc kết. Ở một góc độ nào đó, các bài học đạo đức trong nhà trường có được dựa trên những chuẩn mực đạo đức của dân tộc hay nó chỉ mang tính triết lý trừu tượng xa rời thực tế. Và vô tình ta đã đánh mất đi những thứ hết sức quý giá mà tiền nhân phải trãi qua hàng nghìn năm.đúc kết, giữ gìn.       
         Khi có được một nền tảng đạo đức xã hội nhất định, làm việc gì người ta cũng phải đắn đo, phải suy nghỉ. Trong những hoàn cảnh cụ thể không phải cá nhân nào cũng có thể phân định đúng sai, cũng có thể suy xét để dừng lại đúng lúc. Chính cái nền tảng đạo đức xã hội hình thành trong mỗi cá nhân sẽ lá một thứ luật lệ vô hình nhắc nhở, kềm hãm để mỗi người có thể xử sự vừa phải, chừng mực. Không có cái nền tảng đạo đức, chắc chắn khi gặp các vấn đề đụng chạm đến quyền lợi mang tính sống còn, người ta sẽ hành xử theo bản năng và cái ác dễ dàng trổi dậy. Hãy đọc và cảm nhận thực trạng đạo đức xã hội hết sức nhức nhối hàng ngày trên báo chí. Sự giả dối trong kinh tế thì đã có bao đời nay, nhưng sử dụng bằng giả để tiến thân, để trở thành những người quản lý xã hội thì thật sự là chẳng còn lương tri. Đã không đủ cái tài, lại gian dối, không sớm thì muộn những con người này cũng sẽ là cái mối họa cho xã hội. Những kẻ như Sầm Đức Sương, Nguyễn Đức Nghĩa chắc chắc không thể có nền tảng đạo đức (hay đã đánh mất) nên đã chà đạp lên luân thường đạo lý chỉ để đạt được chút tham vọng nhất thời.
        Người Việt Nam sống chan hòa, yêu thương nhau trên tinh thần ….người trong một nước phải thương nhau cùng. Thế nhưng trong những ngày giáp tết này, ai không băn khoăn về vệ sinh thực phẩm khi đi chọn mua quà tết cho gia đình. Hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm ôi thiu, thịt thối….kể cả quán lẩu tái chế tràn lan. Chỉ vì một chút lợi nhuận mà bất chấp tất cả, sẵn sàng lừa gạt nhau, “sống chết mặc bay” kể cả việc chà đạp tính mạng và nhân phẩm của kẻ khác. Phải chăng các giá trị đạo đức của tổ tiên không còn phù hợp nữa hay nó đã bị đánh mất hết trong lòng của những kẻ ấy. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, giết người vì ghen tuông, vì hiềm khích, vì cướp của….Mạng sống của con người dường như rẻ mạt khi mà người ta chết chỉ vì có một chỉ vàng. Sự nghiêm minh của pháp luật và nền tảng đạo đức là hai yếu tố quan trọng bổ túc cho nhau góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội. Không có sự tôn trọng pháp luật, lại đánh mất cái nền tảng đạo đức chắc chắn những kẻ ấy sẽ luôn hành xử có lợi nhất cho bản thân mà không cần biết sẽ gây ra hậu quả thế nào và đó cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn cho xã hội. 
         Vụ án giết người cướp của do Lê Văn Luyện thực hiện và vụ bạo hành ô-sin của bà chủ Trần Thị Tuyết Minh có thể nói đã là đỉnh điểm của sự vô nhân tính. Với Lê Văn Luyện, chỉ vì cần tiền chuộc chiếc xe máy, hắn đã có thể dể dàng xách dao, bình tỉnh đi tìm đối tượng rồi lạnh lùng xuống tay thật tàn độc với cả gia đình bốn mạng. Hắn đã từng đi học, nhưng có vẽ như hắn đã không tiếp thu được chút nào đạo lý của dân tộc.  Hắn đã hành xử bằng bản năng như một con người chưa từng được giáo dục. Trong phiên tòa xét xử tên Luyện, đã xuất hiện một nhóm thanh niên ăn mặc đồng phục vỗ tay cho Luyện, còn có cả  trang bloge ủng hộ Luyện của đám thanh thiếu niên xưng là đàn em của Luyện.. Điều đó chứng tỏ Luyện không phải là cá biệt trong xã hội. Còn trong vụ bạo hành ô-sin, bà chủ Tuyết Minh là người có học thức, đã từng công tác trong ngành giáo dục, thành đạt và giàu có. Nhưng đó chỉ là vẽ ngoài của một con người đã đánh mất hoàn toàn (hay không có) nhân cách, đạo đức. Cách hành hạ người làm của bà Minh mà nhiều cư dân mạng gọi là “Quỷ dữ“ nấp sau “vẻ đẹp phúc hậu” không khỏi làm cho ta rùng mình. Chỉ có những kẻ không còn là con người mới có thể có những hành động như thế. Nhưng một điều đáng nói là cả hai kẻ thủ ác đều không biểu lộ một chút hối hận hay ăn năn vì những hậu quả do mình gây ra. Và điều đó cũng nói lên cả hai chưa từng có trong lòng một chút nền tảng đạo đức để có thể tự soi rọi, suy xét mức độ đúng sai về những điều mình gây ra.
          Tục ngữ Việt Nam có câu “Hùm dữ không nỡ ăn thịt con”, đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta. Hãy lắng nghe Hà Thị Cầu hát sẩm “Thập ân” để thấy tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Các bậc làm cha mẹ sẵn sàng dành tất cả cho con kể cả phải hy sinh tính mạng. Thế nhưng chỉ cần vào Google với cum từ “cha mẹ giết con”, trong chưa đầy ba mươi giây, đã có hơn ba triệu kết quả cho chủ đề này. Cho dù với lý do gì, thì việc chấm dứt mạng sống đứa con do mình tạo nên là một hành động khó có thể tha thứ được. Nó chúng tỏ những con người ấy hoàn toàn không có trong lòng một chút đạo đức. Họ hành xử không có một chút tính người, sẵn sàng loại người khác ra khỏi đời sống. Kể cả những người thân, ruột thịt của mình mà họ vẫn xuống tay, thử hỏi trong cuộc đời này còn điều gì mà họ không dám làm. Không chỉ đơn giản là những vấn nạn về đạo đức, mà nó còn tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân dẩn sự bất ổn về xã hội. Những người như thế rất dễ trở thành tội phạm khi gặp phải những mâu thuẫn đụng chạm đến lợi ích của họ.
          Có thể nói các vấn đề vi phạm đạo đức xã hội đang diễn ra hết  sức phức tạp và đa dạng. Ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nơi đâu cũng hiện diện sự giả trá, dối lừa. Người ta đã không còn xem trọng “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, một phẩm chất cần có của mỗi thành viên trong xã hội Việt Nam. Tệ tham nhũng, hối lộ xuất hiện khắp nơi. Nó không chỉ làm nghèo đất nước, mà nó còn gây ra những tác động xấu đến các thành viên trong xã hội. Nó đánh mất niềm tin vào công lý, niềm tin vào đạo lý của dân tộc và từ đó đẩy mọi người đến chỗ hành xử bất chấp pháp luật và đạo đức. Chúng ta đang xây dựng một xã hội Việt Nam tiên tiến, đậm đá bản sắc dân tộc. Chắc chắn cái bản sắc dân tộc ấy không thể thiếu những giá trị đạo đức mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu để đúc kết giữ gìn. Đã đến lúc chúng ta cần dũng cảm nhận ra rằng đạo đức xã hội hiện tại không chỉ là xuống cấp, mà bằng một cách nào đó, chúng ta đã đánh mất cái nền tảng đạo đức xã hội của người Việt Nam vốn đã được ông cha ta vun đắp và giữ gìn trong hàng nghìn năm qua. Chỉ có thể nói thật buồn khi nghĩ đến những điều này trước phút giao thừa, còn Tại vì sao ? và Làm thế nào ? xin dành lại cho những bậc cao nhân.
Nguồn : Quêchoa.info 

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

TIÊN LẢNG ƠI ! HẾT THUỐC CHỮA RỒI


Kẻ thù của chính quyền Tiên Lãng đây. Tết này họ ăn đâu ở đâu các công bộc Tiên Lãng và hải Phòng có biết không?
Đến giờ thì vụ Tiên Lãng có vẻ đã rõ, dù các công bộc ở đấy từ to đến nhỏ cố sức, ra sức và hết mình bảo vệ nhau, đổ vấy cho nhân dân. Hàng loạt bài báo, tờ báo, hàng loạt quan chức cấp cao và cựu cấp cao, các chuyên gia đầu ngành đã có ý kiến, đều cho rằng Tiên Lãng và Hải Phòng sai, sai trầm trọng.
 Tin mới nhất là nhân dân xã Vinh Quang tuyên bố nếu ông Đỗ Trung Thoại không rút lại lời nói bố láo trước thanh thiên bạch nhật đổ cho họ tội tày đình là phá nhà dân (rất dễ bị đi tù nhé, tội hủy hoại tài sản công dân) thì họ sẽ kiện.
Qua sự việc này (đã rất nhiều báo cả mấy lề bàn rồi), mình thấy nổi lên một vấn đề rất cơ bản, rất lớn, ấy là cán bộ.
 Chưa bao giờ mà cán bộ lại bộc lộ sự coi thường dân, ngạo mạn, nhưng lại cũng dốt nát và hèn nhát đến thế. Từ bác đại tá giám đốc công an coi đây là cuộc tập trận thành công khi cả hàng trăm công an bộ đội đằng đằng sát khí, vũ khí tận răng tấn công… 1 người dân với súng hoa cải, tầm sát thương rất thấp, thế mà quân ta bị thương đến 6 chú. Những người bị bắt sau đó như vợ chồng con cái anh Vươn đều không phải là những người tấn công lực lượng cưỡng chế mà ở phía ngoài khu vực cưỡng chế, có người đứng xem, người đang trên đường đến viện kiểm sát để nộp đơn kiện. Bác này còn nói nhiều điều rất kinh, giễu võ giương oai với dân và cột tội dân rất ghê. Đến Đỗ Trung Thoại, hàm phó chủ tịch thành phố trực thuộc Trung ương mà phát biểu trước báo giới như phát biểu với 1 bầy cừu. Coi nhân dân như cái sọt rác nhà mình, muốn đổ gì thì đổ, coi tất cả mọi người trên đất nước này như mù như điếc, thích gì giải nấy khi ông ta giải thích về vụ Tiên Lãng nhà ông, nói dối 1 cách trắng trợn và xấu hổ, rất xấu hổ như thói quen thời xưa của cán bộ ta, đến cả anh em nhà chủ tịch huyện và xã, gọi là cưỡng chế nhưng thực sự là cưỡng đoạt, là ăn cướp của dân, những người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời, một nắng hai sương quần quật, đổ máu, mồ hôi và cả tính mạng con gái của mình, giờ mới tươm tươm một tí thì 2 kẻ ấy nhân danh chính quyền tước đoạt. Họ ăn cơm của dân, uống nước của dân mà lại căm thù nhân dân đến thế ư?…
 Cán bộ như thế, dân mong nỗi gì, trông nỗi gì ở họ?
 Hết thuốc.
Hãy so sánh hình ảnh đầy tớ và chủ. Và bây giờ chủ thì ngồi tù, đầy tớ đăng đàn kết tội
 Đây chỉ là "Tảng băng nổi" của tình trạng cướp đất - cướp cơm chim của những tầng lớp 'Đầy Tớ" thôi - và sẽ còn nhiều ...nhiều tảng băng nữa ! Chuyện thường ngày ở Huyện ấy mà !

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Nghe sao cho người ta nói - Nói sao cho người ta nghe

 Trước tiên, xin ông định nghĩa về nghề  tư vấn tâm lý. Nghề này  phát triển nhất vào thời điểm nào?
Hiện nay vẫn có người cho rằng tư vấn là việc cung cấp các thông tin cần thiết, hay tư vấn là hướng dẫn một người đi theo một chọn lựa hay một giải pháp nhằm giải quyết một vấn đề nào đó mà người đó không biết phải làm gì. Nhưng tư vấn tâm lý không chỉ là cung cấp thông tin hay hướng dẫn mà còn là một hoạt động gặp gỡ giữa nhà tư vấn và người được tư vấn bằng những trao đổi qua lại một cách tích cực để  tạo ra được sự thay đổi về nhận thức và hành vi bằng chính năng lực của họ. Nói cách khác, tư vấn tâm lý khác với tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, gia chánh hay kinh tế vì nó không nhằm cung cấp kiến thức hay một năng lực từ bên ngoài cho người được tư vấn, mà nó hướng đến sự nâng đỡ và tái cấu trúc năng lực nội tại đang bị bế tắc hay suy yếu, và sự thay đổi hay tiến bộ nếu có là do chính người được tư vấn quyết định chứ không phải do tính thuyết phục của nhà tư vấn.

Tư vấn tâm lý là một nghề còn khá mới, tại các nước phát triển thì từ những năm 1900, tư vấn chủ yếu là các hoạt động cung cấp thông tin về những phúc lợi xã hội cho những người kém may mắn. Đến năm 1907 Jesse B Davis là người đầu tiên thiết lập một cơ sở tư vấn ở tiểu bang Michigan ( Hoa Kỳ) và Frank Parson xuất bản cuốn Chọn nghề (1909) là nền tảng cho hoạt động tư vấn đa dạng như hôm nay. Còn hiện nay tư vấn tâm lý đã trở nên một chuyên ngành tâm lý với những hoạt động chuyên nghiệp tại rất nhiều nước trên thế giới.

Câu hỏi 1: Ông có thể cho biết vai trò của nghề tư vấn tâm lý hiện nay? Hiện tại Việt Nam ước có bao nhiêu nhân lực làm trong ngành này? Riêng Tp.HCM thì như thế nào?
Tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh..v.v thì tư vấn tâm lý là một hoạt động có mặt trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ giáo dục, Y tế, thương mại cho đến cả trong ngành tư pháp và quân sự.  Tư vấn tâm lý được xem là một nghề chuyên môn được đào tạo bài bản và đòi hỏi người hành nghề một trình độ nhận thức, kiến thức sâu rộng, một nhân cách ổn định vì nó được xem là sự hỗ trợ cần thiết trong  mọi lĩnh vực cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Vì thế ta có những chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em, chuyên viên tâm lý học đường, chuyên viên tư vấn cho người già, người bệnh hay cả với những đối tượng đặc thù như tội phạm, người thất nghiệp..
Nhưng tại Việt Nam, thì do chưa được xem là một nghề với những hệ thống chuyên ngành và nhất là phạm vi hoạt động còn hạn chế, nên từ việc đào tạo cho đến việc thực hành chưa được xem trọng mặc dù nó đã và đang là một nhu cầu cần thiết trong xã hội.
Cho đến nay cũng chưa có những thông tin cụ thể nào về khởi điểm cho hoạt động tư vấn cũng như chưa có một nghiên cứu mang tính thống kê đầy đủ trong lĩnh vực này. Theo một khảo sát  của Trung tâm Nghiên cứu Công Tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) năm 2003 tại TP HCM đã có hơn 50 cơ sở tư vấn tâm lý hoạt động trong các lĩnh vực: Tình yêu – hôn nhân – gia đình – trẻ em/ học sinh – hướng nghiệp – sức khỏe cộng đồng … và từ năm 2005 thì có thêm các phòng tư vấn về HIV/AIDS tại các quận nội thành và khoảng 30 điểm tư vấn tâm lý học đường tại các trường học với khá nhiều đơn vị quản lý khác nhau.
Một trong những trung tâm tư vấn tâm lý đầu tiên tại TP.HCM là Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình ra đời năm 1997 và có thể nói từ thời điểm này trở đi là một sự “bùng nổ” về các Trung tâm tư vấn tâm lý chủ yếu ở TP.HCM và thủ đô Hà Nội.

2: Nhu cầu của  nghề này? thực trạng hiện nay? Chất lượng của đội ngũ nhân viên như thế nào, Thưa ông?
Như đã nêu trên, tư vấn tâm lý được xem là một hoạt động hỗ trợ trong mọi lĩnh vực, vì thế cùng với đà phát triển xã hội nhu cầu giành cho hoạt động này là rất lớn, nếu chỉ khoanh vùng trong các môi trường chủ yếu là gia đình, nhà trường và bệnh viện thì ta đã thấy có rất nhiều khoảng trống mà tư vấn tâm lý chưa đáp ứng được.
Với gia đình thì quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các con với nhau và quan hệ tình yêu của đôi lứa là những môi trường đang có rất nhiều những vấn đề như tình trạng tan rã gia đình, ly hôn, con cái hỗn láo, ích kỷ thậm chí bỏ nhà ra đi, nghiện ma túy, mê game online, rơi vào các tệ nạn hay bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục..mà mức độ ngày càng nghiêm trọng cho thấy những sai lầm về các giá trị sống là một thực trạng nhức nhối.
Trong lĩnh vực học đường thì tình trạng bạo lực giữa thày và trò, giữa các em học sinh kể cả các nữ sinh với nhau. Hay chuyện vi phạm nhân phẩm bằng việc quay clip bẩn tung lên mạng, chuyện dài học sinh quan hệ tình dục sớm, thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản nhất cũng là những nhu cầu khẩn thiết về tâm lý cần được quan tâm.
Còn trong bệnh viện thì bác sĩ, nhân viên y tế thiếu kỹ năng lẫn kiến thức tâm lý dẫn đến những ứng xử không mang tính nhân văn và hơn nữa, vai trò chuyên viên tâm lý trong bệnh viện lại hết sức mờ nhạt, chưa đủ khả năng và thẩm quyền giải quyết những nhu cầu tâm lý cho bệnh nhân, mà đây lại là một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần vào sự hồi phục sức khỏe hay vượt qua được những sang chấn do các tổn thương mà bệnh nhân đã gặp phải.
Mặc dù hiện nay, danh xưng chuyên viên hay chuyên gia tâm lý đã được thừa nhận nhưng có thể nói, chỉ cần trình độ đại học cùng với khoa ăn nói và kinh nghiệm sống là đã có thể trở thành chuyên viên tư vấn, nhất là với hoạt động tư vấn qua điện thoại, cho nên rất khó có thể đánh giá được năng lực của nhân sự trong ngành này. Chính vì để đáp ứng nhu cầu xã hội thì cùng với việc bùng nổ các trung tâm tư vấn là việc phát triển rất nhanh về nhân lực trong lĩnh vực này, nhưng qua một báo cáo tại hội thảo về tâm lý năm 2006 cho thấy chỉ có khoảng 50% nhân sự là đáp ứng được về năng lực chuyên môn.
Hơn nữa, lại có sự lẫn lộn giữa lĩnh vực tâm lý trị liệu và tư vấn tâm lý và hai vai trò là nhà tâm lý với chuyên viên tư vấn tâm lý trong khi với nước ngoài thì đây là hai lĩnh vực cũng như hai vai trò khác nhau với những môi trường hoạt động chuyên biệt, còn tại Việt Nam thì việc một nhà chuyên môn vừa tư vấn, vừa nghiên cứu giảng dạy thậm chí có thể vừa tiến hành  cả việc trị liệu tâm lý cũng là chuyện bình thường. Không chỉ thế, mà ngay cả với những nhà chuyên môn trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục hay bác sĩ nhi khoa, tâm thần có biết qua hay chỉ cần tham gia vài khóa tập huấn về tâm lý là cũng có thể được xem là một chuyên gia tâm lý hay chuyên viên tư vấn tâm lý nếu họ muốn. Điều này tuy đáp ứng được phần nào nhu cầu xã hội nhưng cũng góp phần tạo nên một sự đa dạng nếu không muốn nói là bát nháo trong một lĩnh vực rất cần tính chuyên nghiệp này.
3: Hiện có bao nhiêu trường đào tạo nghề này? Chỉ tiêu tuyển sinh có cao không? Lương bổng của nghề này như thế nào? Mức thấp nhất, cao nhất khoảng bao nhiêu?
Nếu không tính đến các khóa đào tạo tư vấn tâm lý tự phát của một số đơn vị, trung tâm tư nhân đứng ra đào tạo với “chỉ tiêu” hàng chục nghìn chuyên viên tư vấn thì hiện nay chỉ có hai trường đại học công lập là Đại học KHXHNV TP.HCM và Đại học KHXHNV Hà Nội, cùng với một đại học tư là Đại học Văn Hiến TP.HCM là có khoa Tâm lý lâm sàng, mà trong đó tư vấn tâm lý được xem là một bộ môn. Còn khoa Tâm lý sư phạm của Đại học Sư Phạm cũng đào tạo đến cấp tiến sĩ nhưng đó là lĩnh vực tâm lý học chủ yếu về lý luận và giảng dạy chứ không mang tính thực hành.
Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc  thì chúng ta chỉ đang đào tạo các cử nhân, tiến sĩ tâm lý chứ chưa đào tạo các chuyên viên tư vấn tâm lý và cũng chưa có khả năng đào tạo các nhà trị liệu tâm lý, còn trên thực tế thì các hoạt động này hiện nay đều do các chuyên gia có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý hoạt động với tiêu chí “ All in one” tất cả trong một !
4: Theo ông, những tố chất nào cần phải có để theo đuổi nghề  tư vấn tâm lý? Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm?
Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần mang tính chuyên nghiệp, tư vấn tâm lý cũng thế. Đó là một lĩnh vực vừa dễ vừa khó. Do chưa có những định chuẩn về trình độ nên để trở thành một chuyên viên tư vấn tâm lý không khó, nhưng để có thể là một chuyên viên có năng lực thực sự lại là điều không đơn giản.
Trước hết, tố chất cần thiết là khả năng lắng nghe, nghề tư vấn là nghề nói nhưng nếu không biết lắng nghe thì những gì ta nói với thân chủ chỉ là “nước đổ đầu vịt” thậm chí còn có thể gây ra những tác hại không nhỏ, nếu đó là những lời khuyên theo cảm tính hay “kinh nghiệm bản thân”.
Sau đó là tinh thần học hỏi bởi vì không ít người cho rằng với năm, mười năm đèn sách, có được cái bằng thạc sĩ, bác sĩ, hay tiến sĩ là đã đủ “vốn liếng” hành nghề tư vấn, nhưng nếu không có tinh thần cầu thị, học hỏi qua thực tế, qua kinh nghiệm sống hàng ngày và qua cả những thân chủ mà mình đã tư vấn thì cũng chỉ là những lý thuyết sáo rỗng không thể giúp cho thân chủ thay đổi được nhận thức và hành vi của họ.
Khả năng tự chủ cũng là một năng lực cần thiết, vì khi đến với nhà tư vấn, thân chủ là một người hoảng loạn, đau khổ và mất phương hướng. Thậm chí cũng không thiếu những người có sức thu hút cao hay tính cố chấp, họ đến với nhà tư vấn là để xác định hay lắng nghe những biện pháp hay những nhận xét chủ quan của mình. Họ chỉ muốn được sự đồng tình với cái nhìn của họ cho dù sai lệch. Nếu không có sự tự chủ thì nhà tư vấn lại vô tình trở thành một “quân sư” góp ý cho những biện pháp của thân chủ mà thôi. Thậm chí đứng trước những “đau khổ” của thân chủ, nhà tư vấn cũng rất dễ bị “lây cảm xúc” để về phe với họ. Nhưng tư vấn cũng không phải là sự “chỉ đạo” hay yêu cầu thân chủ phải thực hiện đúng và đủ những biện pháp như một bác sĩ với bệnh nhân, hay như một thày giáo với học trò. Chính vì thế mà không ít các chuyên viên tư vấn xuất thân từ ngành y tế và giáo dục, đã vô tình áp dụng những mệnh lệnh mà họ cho là đúng, là hợp lý lên thân chủ.  Điều này tuy không sai nhưng đi ngược lại với yêu cầu cơ bản của tư vấn tâm lý là lấy vấn đề của thân chủ là trọng tâm chứ không phải là những giải pháp của nhà tư vấn là trọng tâm.
Cuối cùng, đó là tinh thần say mê và tính nhẫn nại. Nếu không có, chúng ta rất khó có thể ngồi nghe một người kể lể đủ thứ chuyện trong hàng tiếng đồng hồ nếu có đủ giờ cho họ, mà còn hơn nữa là phải biết lấy ra từ đó những yếu tố cần thiết góp phần cho các biện pháp mà nhà tư vấn sẽ mở ra để cùng thảo luận với thân chủ. Hơn nữa, Tư vấn tâm lý cho đến nay vẫn chưa thể nói là một ngành “đủ sống” mà hầu hết đều phải có những nghề tay trái hỗ trợ, thậm chí có khi tư vấn tâm lý chỉ được xem là nghề tay trái ! Vì thế, chỉ có sự đam mê mới đủ sức giúp ta kiên trì dấn bước trên lĩnh vực “nghe sao cho người ta nói và nói sao cho người ta nghe”
 5:  Dự báo năm 2012,  nhu cầu nhân  lực ngành này có cao hơn so với những năm trước không? Tại sao? Trong tương lai, nghề này có được xem là một nghề “ Hot” không, thưa ông?
Từ những hoạt động “bùng nổ” của tư vấn tâm lý trong thập niên 2000, từ năm 2010 trở đi thì hoạt động này đang có những chiều hướng tích cực, đi vào chiều sâu mang tính chuyên môn hơn và dĩ nhiên đó cũng là những sàng lọc, thách thức không nhỏ cho những nhà chuyên môn đã và đang dấn bước trong lĩnh vực này. Nếu nói về nhu cầu thì dĩ nhiên là vẫn là những khoảng trống mà nguồn nhân lực hiện nay, thậm chí là với một số các đợt bổ sung từ các trường Đại học trong những năm tới vẫn chưa thể đáp ứng, bởi vì với các bạn trẻ thì họ đang thiếu một yếu tố cực kỳ cần thiết, đó là sự tự chủ và các kinh nghiệm sống, và dĩ nhiên là phải có một thời gian để đáp ứng được. Nhưng dù sao, đây vẫn là một môi trường hấp dẫn với những người có quyết tâm và niềm đam mê. Điều quan trọng là họ cần phải có một tâm thế linh hoạt, biết thích nghi với hoàn cảnh xã hội và nhất là nên chọn cho mình một đối tượng chuyên biệt như trẻ em, thanh thiếu niên, người bệnh, người già …để phục vụ cho hoạt động tư vấn của mình chứ không nên trở thành một chuyên gia tâm lý “đa hệ” dù đó đang là một thực tế !
Rất khó đưa ra một dự báo lạc quan cho một ngành khoa học nhân văn trong một môi trường “kinh tế thị trường” như hiện nay, nhưng dẫu sao thì tư vấn tâm lý vẫn đã, đang và sẽ là một nhu cầu ngày càng tăng. Ngoài ra, với một tinh thần tôn trọng những “giá trị sống” mang tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, mong sao chính những chuyên gia tư vấn tâm lý đang “hành hiệp giang hồ” sẽ từng bước cải thiện được môi trường làm việc của mình, “chuyên nghiệp hóa” từ tổ chức đến các kiến thức chuyên môn để nó trở thành một nghề “hot” cho giới trẻ, ngày càng tăng tiến về chất lượng, để đem lại sự tin cậy thực sự cho những người có nhu cầu tư vấn, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều trong mọi lĩnh vực cần thiết của một xã hội phát triển.
 Pv. QUỲNH MAI ( Báo PHỤ NỮ TP.HCM )
Bài phỏng vấn
Cv.Tl Lê Khanh
 Phụ trách Phòng Tư Vấn Tâm Lý Gia Đình & Trẻ Em.