BIẾT ĐẾN BAO GIỜ ?
Thêm một lần nữa, một bài báo viết về trẻ Tự Kỷ, lần này là dưới góc độ đánh giá việc chăm sóc - giáo dục trẻ tự kỷ . Qua nội dung bài viết, cũng với mục đích đánh động dư luận về tình trạng giáo dục trẻ TK đang bị thả nổi, nhà nước thì không quan tâm, phụ huynh đành tự cứu bằng cách đứng ra tự mở trường cho con mình và qua đó cũng xem là một hoạt động kinh doanh ( dù không nói ra ! )
Tuy nhiên, khác với tình trạng chậm khôn hay bại liệt, điếc câm... mà việc giáo dục có thể dạy tập trung theo một giáo án chung - Tự Kỷ là một tình trạng rối loạn quan hệ giao tiếp không hề đơn giản, mà việc can thiệp phải được tiến hành theo biện pháp cá nhân ( nếu gọi là dạy với 1 thày - 1 trò ) Nhưng không ở đâu, dù tại các quốc gia tiên tiến lại có thể hình thành những lớp học mà chỉ có 1 thày dành cho 1 trò, nên họ đã phải đánh giá mức độ rối loạn để chia ra từng loại có tình trạng tự kỷ khác nhau để có thể xây dựng những biện pháp giáo dục khác nhau trong các loại trường lớp khác nhau.
Trong khi đó, ở Việt Nam, phụ huynh của các em lại không hề nhận được một sự hỗ trợ chính thức nào, ngay cả việc đưa con đến khám tại các bệnh viện có khoa tâm lý để tiến hành phân loại thì họ cũng chỉ nhận được những lời "phán" một cách chung chung (vì thực ra thì các BS làm gì có đủ thời gian để có thể chẩn đoán một cách kỹ lưỡng) cũng như những lời hướng dẫn chung chung ( vì họ cũng không có thì giờ để có thể xây dựng cho các em một chương trình can thiệp cá nhân ) và thế là phụ huynh phải tự bơi!
Kết quả của sự tự bơi là hàng loạt các loại trường khác nhau ra đời và tùy theo mục đích cũng như điều kiện và năng lực của những người tổ chức mà một ngôi trường bề thế hay nhỏ bé xuất hiện.
Và cũng trên tinh thần "bơi tự do" thì việc "dạy" trẻ Tự Kỷ cũng không hề bị ràng buộc bởi một nguyên tắc nào - hay nói 1 cách đơn giản là dạy sao thì dạy ! và kết quả của việc dạy sao thì dạy đó là sự "tiến bộ" của trẻ hoàn toàn dựa vào tinh thần "may thày - phước chủ" hên thì trẻ có biến chuyển chút ít, còn không thì vẫn còn nguyên đấy, có mất đi đàng nào đâu ! Và chính vì yếu tố đó mà bài báo cho rằng, các trường lớp tự phát này đang làm mất đi "thời gian vàng" của trẻ vì nếu can thiệp sớm thì trẻ sẽ "khỏi bệnh sớm, hay tiến bộ nhanh !
Thực ra - với trẻ tự kỷ nhẹ thì chỉ cần can thiệp đúng cách là trẻ sẽ có tiến bộ và thời điểm vàng là rất rộng ( từ 2,3 tuổi đến 6,7 tuổi ) Nhưng còn với trẻ bị tự kỷ nặng hay trung bình thì việc can thiệp dù sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến kết quả - nói cách khác một chương trình can thiệp tích cực kéo dài độ 10 năm hay có bị chậm hơn khoảng 2,3 năm cũng không thể giúp 1 trẻ tự kỷ "chính cống" trở nên bình thường được !
Đó là điều mà ít ai dám nhìn thẳng vào sự thật - với phụ huynh thì vừa có thái độ "có bệnh thì vái tứ phương" vừa có quan điểm " còn nước - còn tát" cứ nỗ lực hết mình, đưa con đi hết chỗ này đến chỗ khác thì thế nào cũng có lúc gặp được thày hay, thuốc giỏi và con mình sẽ khỏi "bệnh" ! Với các nhà chuyên môn thì cũng khó mà dám nói rằng phương pháp của tôi chỉ đem lại những kết quả tương đối và tùy thuộc vào phụ huynh chứ không tùy thuộc vào tài năng của tôi - nếu nói như thế thì phụ huynh chạy mất dép hết rồi còn đâu mà thu được tiền !
Và chính vì thế mà cái vòng luẩn quẩn trong việc giáo dục trẻ Tự kỷ cứ diễn ra vì hầu như tất cả đều dựa trên 1 nhận thức không chính xác :
Đó là phải có những trường chuyên biệt để dạy trẻ tự kỷ với những biện pháp thật hay cùng với những thày cô giáo thật tận tâm thì chắc chắn các em sẽ có những tiến bộ vượt bậc để sau đó hội nhập với xã hội !
( Còn tiếp )